Hai
THỨ HAI
Anh Nguyễn.
“Bài đại số khó quá à, Uyển tìm mãi không ra. Giúp Uyển đi anh Nguyễn!”
Thứ Ba.
“Câu số 3 làm thế nào, anh Nguyễn?”
Thứ Tư.
“Tối qua mải coi Tivi, Uyển quên mất phải làm bài luận triết. SOS Uyển nhé, anh Nguyễn. À, bài Pháp văn Uyển được 18 điểm. Cám ơn anh Nguyễn”.
Thứ Năm
“Bài Lý Hóa của anh Nguyễn đâu? Cho Uyển mượn tí đi”.
Thứ Sáu.
Anh Nguyễn có chuyện gì buồn phải không, sao coi mặt ủ rũ vậy? Bộ Uyển làm phiền anh Nguyễn cái gì hả? Hôm qua Uyển nghỉ, bữa nào giảng lại cho Uyển bài Siêu hình nhé, anh Nguyễn”.
Thứ Bảy.
“H.N.L.T.Y. đố anh Nguyễn là gì đấy? Uyển”.
*
Tôi đã biết tên người con gái ngồi trước mặt. Sau một tháng. Uyển. Lê thị Quỳnh Uyển. Tôi nhắc lại nhiều lần trong trí. Quỳnh Uyển. Vườn của loài cây có hoa quí, rất đẹp và nở về đêm. Những mảnh giấy vẫn được đều đều chuyển xuống bàn tôi. Chúng làm tôi bối rối, lo sợ. Lần nào cũng như bất ngờ rơi vào khoảng không. Quỳnh Uyển khôn lắm, chờ đúng lúc thầy quay đi và mọi người cúi xuống chăm chú chép bài mới gửi giấy. Tuy nhiên dù biết không ai để ý, tôi vẫn đỏ bừng mặt mũi, nóng ran thân thể. Mười lần như một. Cây viết lỏng ra trong tay. Sững sờ. Tôi không biết phải xử trí ra sao. Có nên tiếp tục cho Uyển mượn bài không? Tôi sợ những người khác biết chuyện. Nhưng tôi cũng tội nghiệp Uyển. Và mỗi lần thấy tôi còn phân vân thì Uyển lại khẽ nghiêng đầu, chớp chớp đôi mắt long lanh như thúc giục. Bao nghị lực, trong tôi tan trong ánh nhìn tha thiết như van xin của Uyển. Như bị thôi miên, tôi lại nhẹ đẩy cuốn tập hay tờ giấy bài làm lên mép bàn. Uyển nhanh nhẹn chụp lấy. Tôi chỉ thoáng thấy vẻ trắng nuột của bàn tay. Tuy đã nhiều lần như thế nhưng lần nào trái tim tôi cũng đập mạnh hơn trước. Hối hận. Và tôi thấy mình dại. Vẫn chỉ sợ thầy hoặc bạn bè khám phá ra thì ắt hậu quả sẽ rất không may. Tôi muốn căn dặn Uyển thật nhiều điều nhưng làm sao nói được… để rồi cuối cùng tôi lại đẫn đờ người.
Dạo này, sau những buổi tan trường, tôi thường bỏ bạn bè đàng trước, một mình đi lùi lại phía sau.
Trời vào cuối thu. Hàng cây hai bên đường rắc nhiều lá vàng. Mây trắng êm trôi trên nền trời không quá gắt nắng. Ánh mắt tôi lơ đãng chờn vờn trên cảnh vật mà thường ngày tôi vẫn để hồn chơi vơi. Ngày nào có thư (?) của Uyển viết mượn bài hay hỏi han chuyện gì, tôi cũng giữ lại trong lòng sách nhưng lại không dám đem về tận nhà. Đến khi qua cây cầu bắc ngang con sông tiếp nối thành phố và vùng ngoại ô, tôi vội lấy tấm giấy của Uyển ra – do dự – vo tròn trong lòng tay rồi ném xuống dòng nước. Nhìn đốm trắng trôi lờ lững đến tít mù – lần nào cũng vậy – tự nhiên tôi cảm thấy tiêng tiếc vu vơ như mình vừa bị bắt buộc vứt đi một vật quí, thích.
Rồi ngày qua đi. Và những tình cảm rối bời vẫn thường xuyên khuấy động tâm hồn tôi. Những mảnh giấy của Uyển không còn hoàn toàn chỉ để mượn tập hay nhờ chỉ bài mà đã “chuyển hướng” sang những câu hỏi về tình cảm, về cuộc sống riêng tư. Và chúng cũng đã “xoay chiều” tình cảm tôi : từ lo sợ, hoảng hốt đến “hồn lơ đãng mộng ra ngoài cửa lớp”. Ngày nào Uyển không gửi xuống cho tôi mấy hàng chữ, tôi thấy như thiếu thốn một cái gì. Tôi “nghiện” chúng rồi. Như học trò thành phố nghiện thuốc lá. Không có chịu không nổi. Để bắt Uyển phải viết cho tôi, nghĩ đến tôi, thỉnh thoảng tôi lại giả vờ tạo một bộ mặt thật buồn, thật suy tư. Thế là thế nào Uyển cũng lại chuyển giấy xuống : Anh Nguyễn đang buồn chuyện gì phải không? Cho Uyển buồn chung với”. Và tôi cầu mong Uyển cứ học thật dốt, không hiểu bài thầy giảng, không làm được bài thầy ra hoặc tối về cứ mê coi Tivi đến quên bài phải làm, sách phải học... để tôi lại nhận được những tờ giấy xinh xinh với những hàng chữ nắn nót, để lại được nhìn mái tóc nghiêng nghiêng, ánh nhìn dịu hiền thúc giục. Những tờ giấy của Uyển không còn bị ném xuống dòng nước đen ngòm nữa mà được tôi xếp nhỏ lại trong một chiếc hộp, giấu dưới chồng quần áo. Chiếc tủ luôn luôn được khóa kỹ và chùm chìa khóa được tôi mang theo người chứ không còn vứt bừa bãi trên đỉnh bàn như trước kia.
Nhưng rồi một hai người bạn cùng bàn cũng biết, thắc mắc về những lần Uyển quay xuống ném giấy. Dĩ nhiên là có “dư luận”. Với những chàng trai mới lớn, hễ con trai con gái đã nói chuyện với nhau thì nhất định “phải có gì”. Quan trọng lắm. Họ “phỏng vấn” tôi. Ngược lại, tôi phải làm ra vẻ “không có gì”, thản nhiên bảo chị ấy hỏi mượn tập chép bài đấy mà. Nhưng trong thâm tâm quả tình tôi sung sướng, hãnh diện. Bởi vì trong các câu hỏi của họ tôi bắt gặp cái giọng ghen tị và cảm phục. Nói vậy chứ nhiều khi tôi vẫn lo lắng, sợ “dư luận” lan rộng, truyền xuống các bàn dưới rồi lây qua cả lớp… Tôi lại cầu sao Uyển đừng liệng giấy xuống nữa. Nhưng chỉ một ngày không được đọc vài dòng chữ của Uyển tôi lại thấy trống vắng tâm hồn, nhơ nhớ, thui thủi trở về nhà, không thiết ăn cơm, lo ra nhiều khi cầm đến sách vở…
*
Uyển quay xuống trả tôi cuốn tập Pháp văn. Nàng mỉm cười. Tôi ngẩn ngơ một đỗi. Lúc sau, tôi lật từng trang vở. lại một mảnh giấy con con quen thuộc:
“Giờ ra chơi, Nguyễn ở lại lớp nhé. Uyển có chuyện cần nói với Nguyễn”.
Tôi lo sợ trong đê mê. Đúng đây là một lá thư hẹn hò. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi không còn chăm chú nổi vào bài làm nữa. Giây phút này sách bài là giấy cũ. Không hiểu Uyển có chuyện gì cần nói đây? Tôi có nên ở lại trong lớp không? Chỉ mới nghĩ thôi mà tôi đã có cảm tưởng như mình sắp dấn thân vào một cuộc phiêu lưu ghê gớm, một cuộc mạo hiểm táo bạo. Tôi trông đến giờ ra chơi. Còn 15 phút nữa. Tôi đếm từng giây, tính từng phút. Trái tim trong lồng ngực đập lệch nhịp, vang rõ tiếng thình thịch. Thỉnh thoảng tôi lại đưa mắt nhìn suối tóc chảy dài trên bờ vai Uyển. Tôi ước ao được vuốt nhẹ trên đó. Ý nghĩ này làm tôi hoảng hốt. Để khỏa lấp những xao động, tôi lén lấy tờ giấy của Uyển ra đọc lại. Bây giờ tôi mới để ý, Uyển đã bỏ tiếng “anh” trước tên tôi. Nguyễn. Tôi nghe nói khi nào thân nhau lắm người ta mới gọi nhau bằng tên, xưng bằng tên. Như vậy Uyển đã… “có gì” với tôi rồi sao? Niềm sung sướng, hãnh diện lại đến với tôi. Tự nhiên tôi bối rối và xấu hổ. Lát nữa đây tôi sẽ gọi Uyển bằng gì. Chị? Như những người trong lớp gọi nhau? Không được. Tôi không thể giống những người khác. Họ phải ghen tị với tôi mới được. Gọi bằng cô. Cô Uyển? Nghe xa lạ quá nhỉ. Thì cứ gọi bằng “Uyển” như Uyển kêu mình bằng Nguyễn. Nhưng tôi sợ quá… thân mật.
Bất chợt tiếng chuông tan học reo lên khiến tôi giật mình như tên trộm bị bắt quả tang. Lớp học như chợ vỡ. Không chờ giáo sư ra hiệu, học sinh đã ùa ra như bầy ong vỡ tổ. Tôi luống cuống, giả vờ xếp lại sách vở. Tay tôi run run và ươn ướt mồ hôi. Tôi liếc Uyển. Nàng cũng đang bỏ bút, giấy vào cặp. Tôi nghe thoang thoáng tiếng con gái gọi Uyển:
- Xuống sân chơi mày, Uyển.
Và nàng trả lời:
- Thôi, mày xuống đi.
- Ở trên này chi?
- Bữa nay tao… nhức đầu.
- Cảm hả?
- Ừa.
Tôi biết Uyển nói dối. Thì ra nàng cũng sợ như tôi. Chắc hẳn tim Uyển cũng đang dồn dập trong lồng ngực. Sao tôi thấy học sinh hôm nay chậm chạp thế, mãi chưa ra khỏi lớp hết. Nhiều đứa như còn la cà trước cửa. Tôi hết lấy tập ra lại xếp sách vào, sau đó cúi gầm xuống nhìn vào hộc bàn như thể tìm kiếm một vật gì quan trọng bị mất. Bỗng một bàn tay đặt trên vai tôi:
- Tìm gì vậy?
Tôi ngước lên, ấp úng:
- Cây… viết.
- Ở trong túi cậu kia kìa.
Tôi gượng cười, che giấu gian ý của mình:
- Ừ nhỉ, thế mà tớ cứ tưởng…
- Ra chơi đi.
Đã ném lao tôi đành phải chạy theo lao:
- Còn… cục tẩy nữa. Không hiểu đâu.
Nói xong tôi lại cúi xuống, cho tay lùa đi lùa lại trong hộc bàn. Người bạn tôi vẫn đứng đó. Nếu như mọi bữa tôi đã sóng vai với hắn đi trò chuyện. Lần này tôi khó chịu, ghét tính dai dẳng của hắn. Tôi lại đóng kịch:
- Không hiểu đâu mất!
- Thôi để tí nữa lên tìm. Xuống chơi đã.
- Đằng ấy… xuống trước đi.
- Tớ chờ cậu!
- Ơ… đằng ấy cứ…
- Thế tớ xuống trước nhé.
- Ừ.
Hắn chạy thoát ra cửa. Tôi thở ra nhè nhẹ. Thế là thoát nạn. Khi ngẩng đầu lên tôi thấy lớp học đã trống vắng. Mọi người đã xuống sân chơi. Chỉ còn mình tôi với Uyển. Không thể nào diễn tả nổi nỗi hồi hộp, lo sợ đang hoành hành trong tôi. Tôi chỉ thoáng ý thức rằng mình táo bạo quá, liều lĩnh quá. Xúc động mạnh đến độ tôi không còn biết khuôn mặt mình đang đỏ bừng hay tím ngắt, tay chân đang ở đâu.
- Anh Nguyễn!
Hình như Uyển gọi tôi? Có lẽ hồn tôi đã thoát xác bay đi đâu. Đôi tai tôi nóng ran, lùng bùng những âm thanh sắc cạnh.
- Anh Nguyễn!
Chắc chắn Uyển gọi tôi rồi. Tôi từ từ quay đầu lại. Nhưng khi ánh mắt tôi chạm phải tia nhìn của Uyển, tôi lại vội vàng cúi xuống. Hai bàn tay tôi bám chặt lấy mép bàn, chặt đến nỗi tôi có cảm tưởng mình sắp sửa bóp tan khối gỗ trong tay.
- Anh Nguyễn tìm thấy cục tẩy chưa?
- Ơ… đâu có!
- Sao lúc nãy anh bảo mất?
- Không. Tôi… nói đùa mà.
Uyển cười. Tôi nhếch mép theo. Im lặng. Thời gian đúng là đã dừng lại. Nực nội ghê đi. Tám cánh cửa sổ, hai lối ra vào mà không đem được một luồng gió nhẹ nào vào lớp. Tôi ngồi bất động, mắt nhìn lên… bảng đen. Uyển đã quay hẳn người xuống đối diện với tôi:
- Anh Nguyễn nghĩ gì vậy?
- Ư… không!
- Sao anh có vẻ trầm ngâm vậy?
- Đâu có!
- Thế anh nói gì đi.
- Nói gì?
- Gì cũng được.
Khối óc tôi tối om, tê dại đi. Các từ ngữ, các vốn liếng học thức đã chạy đâu hết. Ở trường cũ dưới quận tôi vẫn nổi tiếng ăn nói khéo, đã từng thao thao bất tuyệt trước bạn bè, đã nhiều lần diễn kịch, ca hát trên sân khấu, thế mà giờ đây lưỡi tôi quíu lại, quai hàm cứng đơ không phát âm được tiếng nào. Tôi ghét tôi.
- Chắc anh Nguyễn không thích nói chuyện với Uyển?
Tôi hoảng hốt, vội vàng:
- Đâu có!
- Sao anh Nguyễn cứ ngồi lặng thinh không hà!
Như bị mũi tên xước qua tim, tôi liều:
- Cô Uyển… đau hả?
- Đau gì anh?
- Nhức đầu?
- Không. Uyển vẫn mạnh đấy chứ.
- Nãy cô Uyển nói…
- À. Tại nhỏ bạn rủ Uyển xuống sân chơi mà Uyển thích ở trên này nói chuyện với anh Nguyễn cơ.
Sau câu nói là nụ cười nhỏ. Tôi nhớ lại một lời khuyên trong cuốn sách “Nghệ thuật nói trước công chúng” : Khi quá hồi hộp, để trấn tĩnh bạn hãy cố gắng làm một bộ điệu, bất cứ bộ điệu nào cũng được, tỷ như giả vờ sửa lại hay rời chỗ đặt chiếc “micrô” hoặc mỉm cười hay liếc nhìn thật nhanh xuống đám đông… Tôi áp dụng : một ngón tay trỏ của tôi nhịp xuống mặt bàn, môi tôi nhếch lên nụ cười – chắc nụ cười vô duyên và đoảng vị lắm – đồng thời tôi bạo dạn nhìn vào sóng mũi, nơi ngăn cách đôi mắt của Uyển. Quả thực tôi bình tĩnh hơn:
- À, cô Uyển…
- Gì anh Nguyễn?
- Ơ… không.
- Anh vừa định nói gì mà.
- À… tôi định hỏi cô Uyển có chuyện gì…
Uyển nghiêng nghiêng đầu, mở to tròn đôi mắt, như ngạc nhiên lắm:
- Chuyện gì anh Nguyễn?
- Cô Uyển viết trong giấy có chuyện cần nói… với tôi?
Uyển “à” đồng thời khúc khích cười, để lộ hàm răng trắng đều:
- Chẳng có gì cả, tại Uyển muốn nói chuyện với anh. Thế thôi.
Nếu không kịp giữ lại, chắc cổ họng tôi đã thốt ra tiếng “trời ơi” rồi. Uyển vẫn hồn nhiên:
- Anh Nguyễn có giận Uyển không?
- Không.
- Uyển thấy anh Nguyễn chăm học ghê nơi, tháng rồi lại đứng hạng cao.
- Ăn thua gì!
- Anh Nguyễn biết… anh Nguyễn khác những… những người khác ở điểm gì không?
Tôi lắc đầu thay câu trả lời. Môi Uyển chúm chím:
- Ơ… đứng đắn!
“Đứng đắn”? Hai tiếng này của Uyển làm tôi thẹn. Không đúng. Tôi đã liều lĩnh ngồi đây nói chuyện riêng với Uyển. Những lời khuyên nhủ, dặn dò của cha mẹ đã bị tôi chôn vùi từ bao giờ. Tuy nhiên tiếng nói của Uyển đã không để tôi nghĩ ngợi gì thêm:
- Anh Nguyễn đang nghĩ gì vậy?
Tôi choàng tỉnh:
- Không.
- Anh Nguyễn coi có vẻ đạo mạo kinh khủng. À, mà sao Uyển thấy lúc nào anh cũng đeo kính vậy thế?
- Tại… cận thị!
- Thì dĩ nhiên rồi. Có lẽ tại anh Nguyễn học nhiều quá đấy.
- Không phải. Cũng học như thường.
- Anh Nguyễn biết tụi Uyển “phê bình” anh như thế nào không?
- … Không.
- Tụi nó bảo anh Nguyễn đeo kính nom trí thức lắm.
Tôi cười, vô tình đưa tay sửa lại gọng kính. Tiếng Uyển vẫn trong vắt nhưng thoáng vẻ nghịch ngợm:
- Tụi nó còn nói anh Nguyễn coi… bảnh nhất lớp.
Tôi đỏ mặt, ngượng ngập. Quả thực Uyển bạo dạn hơn tôi tưởng. Trước câu nói hết sức tự nhiên của Uyển tôi chưa biết phải trả lời ra sao thì Uyển lại tiếp:
- Mấy nhỏ đó bảo chắc anh Nguyễn nhiều… đào lắm.
Và tiếp theo là tràng cười pha lê. Tôi vẫn bất động và thẹn chín người. Tôi nghĩ Uyển đang đùa nghịch – như một đứa trẻ tinh ranh – chứ không phải đang ngồi nói chuyện với tôi. Nàng như đóa hoa nở hết cánh. Tôi hơi tiếc, chỉ thích những búp nụ e ấp nấp dưới những lá non.
Tiếng Uyển chợt chùng xuống:
- Thi xong, anh Nguyễn tính theo phân khoa nào?
Tôi do dự trả lời câu hỏi. Không phải vì đã không hoạch định tương lai nhưng vì tôi ngại ngùng để người ngoại cuộc tham dự vào cuộc đời của tôi. Tuy nhiên khi thấy đôi mắt của Uyển chờ đợi, tôi nói vắn tắt:
- Y khoa.
Uyển gật đầu nhẹ, và ánh mắt vẫn không rời tôi. Tôi đã bạo dạn nghĩ thầm đôi mắt đen láy của Uyển kia khi khóc hẳn đẹp lắm.
- Làm bác sĩ kể… cũng sướng anh Nguyễn nhỉ?
- Sướng gì cơ?
- Tha hồ giầu có và…
Và Uyển cười nụ sau câu nói. Tôi khẽ châu mày, hơi cúi đầu. Uyển cũng thường như vậy sao? Cũng giống như những người khác? Cũng nghĩ tới những vật chất, một cuộc đời nhiều tiền lắm bạc? Uyển làm tôi thất vọng. Tôi không muốn nói về tôi nữa:
- Còn cô Uyển, định chọn Đại học nào?
Uyển hơi cắn môi giây lát:
- Uyển thì Uyển… chả dám với cao.
- Gì mà cao với thấp. Mình học ngành nào thích hợp với khả năng và sở thích của mình, thế thôi.
- Như vậy tức là anh Nguyễn thích làm… bác sĩ lắm.
- Chắc chắn không phải vì danh hiệu đó.
- Để cuộc sống được bảo đảm chứ gì?
- Nghĩa là thế nào?
- Thì… đầy đủ về vật chất này, nhà cao cửa rộng này, không phải lo về tiền bạc này…
Tôi khẽ lắc đầu:
- Với người khác có thể đúng, còn tôi…
- Anh Nguyễn thì sao?
Có nên nói cho Uyển nghe không. Tôi do dự. Có những điều tôi ngại người ngoại cuộc không hiểu. Tuy nhiên trước ánh nhìn dịu hiền, bao dung của Uyển, tôi không thể lẩn tránh:
- Cô Uyển đã lần nào về miền quê chưa? Một quận lẻ chẳng hạn?
Mắt Uyển chớp chớp, khuôn mặt nghiêng nghiêng:
- … Chưa.
- Ở nơi đó có những người dân thật nghèo nhưng thật chất phác, mộc mạc. Dường như họ bị xã hội bỏ quên; họ thường xuyên phải tự chống đỡ với bệnh tật, với yếu đau, với những chết chóc oan uổng…
Uyển ngồi lặng thinh, dáng vẻ suy nghĩ. Tôi tiếp:
- Quận lỵ của tôi cũng vậy. Và tôi muốn sau này, thành tài rồi, sẽ trở về để làm được một cái gì đó gọi là lợi ích cho quận lỵ mình, cho những người thiếu may mắn.
Đưa ngón tay nhỏ lên miệng cắn nhẹ, Uyển khẽ gật đầu. Uyển hiểu, hiểu rồi. Giọng Uyển nghe xa vời. Đôi mắt Uyển nhìn mông lung qua khung cửa. Lợi dụng, tôi nhìn Uyển thật lâu. Uyển có nhiều nét thanh tú và đài các. Một vài sợi tóc mai xõa xuống bay nhẹ theo chiều gió, nổi bật trên làn da mặt trắng hồng. Chợt Uyển quay lại, tôi luống cuống quay nhìn đi nơi khác. Nhưng không nhận ra nét bối rối nơi tôi, Uyển nói ngập ngừng:
- Uyển… muốn hỏi anh Nguyễn điều này, nhưng sợ anh Nguyễn giận ghê.
Tôi lấy giọng tự nhiên – cho bầu không khí trở lại nhẹ nhàng:
- Không giận đâu. À, mà cô Uyển hỏi gì?
- Hứa không giận Uyển nhé?
- Hứa.
Tuy vậy Uyển vẫn do dự. Tôi nhìn sâu vào đôi mắt Uyển, nói thật nhẹ:
- Uyển hỏi đi. Hứa rồi mà.
- Hứa thì… ngoéo tay nào.
Tôi lặng người, bàng hoàng tột cùng. Uyển giơ ngón tay trỏ xinh xinh ra. Không hiểu ai đã nghĩ ra trò chơi tinh quái này để bây giờ tôi bị rơi vào hoàn cảnh khó xử. Chắc lúc này bộ mặt tôi thộn ra, nhìn tức cười lắm. Tiếng Uyển:
- Ngoéo tay đi, anh Nguyễn.
Tôi ngại ngùng, sợ thì đúng hơn. Cổ họng tôi khô lại không phát ra nổi một âm thanh. Tôi lại hối hận đã ngồi lại đây, đã nói chuyện với Uyển, đã hứa không giận Uyển. Ngón tay trỏ của Uyển vẫn chờ đợi. Tôi chưa biết phải làm gì thì Uyển lại giục:
- Nếu không ngoéo tay thì đâu có thật tình.
Giọng tôi run run:
- Khỏi… khỏi cần.
- Thì ít nhất phải có cái gì để Uyển tin chứ.
- Tôi đã hứa chắc mà.
- Chả nhẽ anh Nguyễn tiếc Uyển một cái ngoéo tay?
- Không phải, nhưng…
- Nhưng anh Nguyễn sẽ giận Uyển phải không?
- Đâu có…
- Vậy ngoéo tay thì Uyển mới dám nói.
Uyển động đậy ngón tay trỏ mời mọc, thúc bách. Lấy hết can đảm, bậm chặt môi giữa hai hàm răng, tôi lấy ngón tay út phớt nhẹ, thật nhanh – như một làn chớp – ngón tay của Uyển. Người tôi nóng ran như có lửa cháy. Uyển la lên, giọng phụng phịu:
- Anh Nguyễn ăn gian quá à! Gì mà xẹt một cái. Hổng chịu đâu. Làm lại bồ ơi!
Tôi nhăn mặt, đau khổ:
- Được rồi!
- Hổng chịu. Uyển bảo ngoéo tay mà anh Nguyễn chỉ… chỉ hơi đụng vào tay Uyển. Ai thèm!
Biết trước sau gì mình cũng thua, tôi từ từ đưa tay lên:
- Đây, Uyển ngoéo đi!
- Đâu được, phải hai đứa cùng ngoéo một lượt chứ.
Khi hai ngón tay gần chạm nhau thì bỗng Uyển giật tay về, tròn mắt:
- Anh Nguyễn đổi tay đi. Trai tay trái, gái tay mặt mới đúng luật!
Tôi chậc lưỡi. Con gái thật lắm chuyện, như trẻ con. Một lần nữa tôi lại phải chiều ý Uyển. Đàn bà muốn là trời muốn. Bất giác tôi mỉm cười với ý nghĩ này. Thấy vậy Uyển rụt tay vào, hỏi:
- Anh Nguyễn cười gì vậy?
Tôi chối:
- Ơ, không.
- Đang yên cười!
- Cười tự nhiên mà.
- Vô lý, phải có nguyên nhân chứ. Nói cho Uyển nghe đi đã.
- Đã bảo không có gì mà.
- Hổng tin.
- Thật đấy. Thôi… ngoéo tay đi.
Uyển bĩu môi:
- Thèm! Không nói, Uyển không ngoéo tay nữa.
Tôi liếm mép:
- Dối cô Uyển bộ tôi no béo gì lắm à?
Nhưng mặt Uyển vẫn xị xuống. Tôi thắc mắc trong trí có lẽ trời sinh đàn bà, con gái chỉ để làm khổ người khác hay sao? Nếu ở đời lúc nào cũng phải chiều chuộng họ thì có gì là sung sướng? Phải chăng “tu là cõi phúc” như lời thầy dạy triết học vẫn nói? Nghĩ vậy xong, vô tình tôi lại mỉm cười một mình. Có lẽ hiểu lầm tôi cố ý trêu nàng, Uyển cúi gầm mặt xuống, hai tay vò chiếc khăn mùi-xoa. Tôi hiểu Uyển đã giận thật sự. Thật rắc rối, khi không mình vướng vào mấy chuyện lẩm cẩm này. Tôi cố lấy giọng thật êm, thật dịu gọi Uyển:
- Cô Uyển… Cô Uyển!
Uyển vẫn ngồi bất động. Không muốn kéo dài cuộc “chiến tranh lạnh” này (mà tôi biết phần thua chắc chắn sẽ về phía mình) tôi đổi giọng vui vẻ:
- Cô Uyển biết tại sao tôi không nói lý do tại sao tôi cười không?
Thinh lặng. Tôi không nản, tiếp tục:
- Tại tôi sợ cô Uyển… giận thì buồn lắm!
Uyển từ từ ngửng đầu lên. Mái tóc xõa xuống nhưng vẫn đủ để tôi có thể nhìn thấy đôi mắt long lanh của Uyển. Tôi hơi giật mình. Uyển khóc. Sao khóc dễ dàng vậy? Quả thực đúng như lúc nãy tôi nghĩ đôi mắt kia khi khóc chắc đẹp lắm. Bây giờ chúng đúng là hai vì sao làm tôi ngây ngất một nỗi. Tôi trở nên bạo dạn hơn, liều để ánh nhìn của mình vào sâu hai vì sao đó. Uyển mấp máy môi định nói gì nhưng lại thôi. Tôi lên tiếng khỏa lấp khoảng trống thinh lặng ngột ngạt:
- Cô Uyển biết hồi nãy tôi… cười gì không?
- …
- Tại… cô Uyển đấy!
- …?
- Bàn tay của cô Uyển coi… ngộ quá!
- …!
- Giống tay em bé! Mà mấy ngón tay của cô Uyển sao… dài ghê!
- Trời!
Uyển đã mở miệng, tức là Uyển đã rơi vào “bẫy” của tôi. Thở ra nhè nhẹ xong tôi thực hiện tiếp “kế hoạch”:
- Bàn tay đó chứng tỏ cô Uyển có khiếu về nghệ thuật. Sau này cô Uyển cũng giầu có, lại được quyền cao chức trọng.
- Hổng giỡn đâu à nha!
- Hết giận rồi há?
- Thèm giận!
- Vậy… ngoéo tay nào.
Uyển (lại) bĩu môi, nguýt dài:
- Anh Nguyễn mà cũng xạo ghê!
Tôi (lại) liếm mép, cười cười:
- Tôi mà xạo. Tại chưa kịp… nghĩ ra chứ bộ.
- Xí!
Đến lượt tôi đưa ngón tay trỏ ra trước, ngoéo tay nào cô Uyển. Khuôn mặt Uyển đã tươi trở lại. Con gái thật chóng quên, hay thay đổi, không khác gì những hiện tượng trong thiên nhiên, ai mà lường trước được. So sánh vậy nhưng lần này (do kinh nghiệm bản thân) tôi không dám cười hay làm một bộ điệu khả dĩ làm Uyển nghi ngờ. Khi vừa giơ ngón tay lên, Uyển cau mày:
- Anh Nguyễn phải tay trái chứ.
- Trái phải gì chả được. Dị đoan!
Uyển chớp chớp mắt:
- Không phải, nhưng anh Nguyễn biết tại sao phải là tay trái không?
- Sao?
- Vì tay trái đi thẳng lên trái tim.
Tôi phì cười:
- Bộ con gái không có trái tim hay sao mà ngoéo tay phải?
Uyển cười theo (may quá!):
- Uyển cũng không hiểu nữa, chỉ biết các cụ dạy trai tay trái gái tay phải.
Tôi gật gật đầu, nói nhỏ:
- Hèn chi!
Uyển ngạc nhiên:
- Gì?
- Các cô thích làm khổ người khác!
Uyển cười. Tôi cười. Tiếng cười trầm trầm của tôi và thanh trong của Uyển quyện vào với nhau. Sau đó tôi và Uyển ngoéo tay. Sự đụng chạm đầu tiên với người khác phái làm tôi rùng mình, lặng người. Dường như tôi không còn ý thức về sự hiện hữu của mình nữa. Uyển vẫn tươi cười như không có chuyện gì. Điều này làm tôi ngạc nhiên không ít. Tiếng Uyển vui vẻ:
- Rồi há. Giờ Uyển hỏi nhé. Nhớ đừng giận nghe!
Tôi gật đầu.
Đột nhiên giọng Uyển chùng xuống, trang nghiêm, nhưng nghe xa vắng sao đâu:
- Nếu bây giờ có người… yêu anh Nguyễn, và anh Nguyễn cũng yêu lại, mà đòi anh Nguyễn phải… bỏ ý định học… y khoa, bỏ luôn ý định sau này về dưới quận lẻ sống… thì anh Nguyễn có chịu không?
Quả thực câu hỏi quá bất ngờ. Tôi ngồi yên. Đầu óc trống rỗng như tôi vừa bị đẩy từ trên cao xuống. Tôi chưa biết trả lời ra sao thì bỗng tiếng chuông reo chấm dứt giờ ra chơi. Tôi bàng hoàng, trở lại thực tại:
- … Hết giờ ra chơi rồi.
Nói rồi tôi từ từ đứng lên, thẫn thờ, thật máy móc. Uyển vẫn ngồi, nhìn tôi với ánh mắt nửa như chờ đợi, nửa như mơ màng, huyền ảo:
- Anh chưa trả lời Uyển mà!
Tôi vội vàng len ra khỏi hàng ghế. Giọng nói của tôi nghe lạc hẳn đi:
- Hết giờ ra chơi, cô Uyển…
- Nhưng Nguyễn chưa…
Tiếng nói của Uyển cũng không còn là sự thật nữa. Tâm thần tôi tối đen. Hình như mắt Uyển long lanh:
- Nguyễn!... Nguyễn!
Tôi vụt bỏ chạy về cuối hành lang sâu hút.
Tôi bỏ học hai giờ kế tiếp, sau khi đã nhờ Bạch, người bạn ở cạnh nhà đem sách vở về dùm và lấy cớ nhức đầu xin văn phòng cho về sớm. Tuy nhiên tôi không trở về nhà mà lang thang ở một con phố ít xe cộ, vắng người qua lại. Cơn gió thổi nhẹ làm xao động những cành cây. Vòm lá me nghiêng nghiêng che kín bầu trời. Tâm hồn tôi đã hơi dịu xuống sau những phút nổi lửa. Tuy nhiên nỗi bâng khuâng vẫn hiện hữu nơi tôi để rồi bắt tôi phải tự hỏi không biết ngày mai có là những ngày hôm qua, hôm kia không? Và mình sẽ ra sao?
Tâm tư tôi ngổn ngang, rối bời trăm mối. Tôi đang nghĩ tôi đã dại dột. Tôi đang lo lắng. Tôi đang cô độc. Tôi đang muốn thời gian lùi lại để tôi sẽ không ngồi nói chuyện với Uyển, không ngoéo tay Uyển. Tất cả đã quá trễ. Tôi đang cầu ước mình biến thành hơi nước, dâng lên trời làm mây bay đi một nơi rất xa hoặc tan loãng vào hư vô.
Câu hỏi của Uyển đang nổi hiện rõ rệt trong đầu óc tôi. Tại sao Uyển lại hỏi thế nhỉ? Vì vô tình hay Uyển có ẩn ý gì sau những từ ngữ đó? Mà sao mình lại quá bận tâm đến như vậy? Uyển có… liên quan gì tới mình đâu? Hơn nữa tương lai còn rất xa, thì câu hỏi của Uyển có ý nghĩa gì đâu? Thôi hãy coi câu hỏi của Uyển như một thứ lời nói bông đùa… Nhưng khổ cho tôi ở chỗ tôi càng xua đuổi, tiếng Uyển càng sắc cạnh bên tai, trong tâm trí tôi. Tôi như linh cảm con thuyền – đời – tôi đang tới một khúc quanh dẫy đầy những tảng đá ngầm. Rồi ngày mai, ngày mốt dĩ nhiên tôi không thể trốn học như hôm nay, và tôi sẽ lại gặp Uyển, ngồi sau nàng. Chắc gì Uyển đã quên câu hỏi của nàng? Và tôi sẽ phải trả lời. Mà trả lời ra sao? Chắc là tôi lại bịa đặt ra một câu trả lời nào đó. Tôi chẳng muốn đánh lừa ai, nhất là dối Uyển. Cảm giác đụng chạm người khác phái gây nên bởi cái ngoéo tay với Uyển chưa lịm hẳn trong tôi. Nghĩ đến, tôi như vẫn còn ngây ngất, như đang trong cơn sốt. Tôi xao xuyến tận đáy tâm hồn.
Tôi đã đi hết con phố có hai hàng cây đứng nghiêng đầu vào nhau. Không biết làm gì hơn, tôi lang thang ngược trở lại. Làm học trò không sách cầm tay. Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ. Tôi không hiểu nổi tôi. Tâm sự tôi càng tối tăm mịt mù. Biết nói gì với những hàng cây kia? Liệu những chiếc lá me đang bay là là này có làm dịu vợi phần nào những rối bời trong tôi? Tất cả là vô nghĩa. Tôi cô đơn trong lao đao và lo lắng…
Rồi những ngày qua đi. Những ngày dài heo hút. Tôi đã tìm lại được phần nào sự bình an. Tôi đã trách tôi, mắng tôi là đã để mình dao động một cách không đâu. Tôi cười tôi đã quá dại khờ. Như “nai vàng ngơ ngác”. Tôi lại tiếp tục tới trường nhưng âm thầm tránh nhìn mái tóc trước mặt. Uyển gửi xuống nhiều mảnh giấy, tôi vò đến rách nát trong lòng tay. Không đọc. Phải quên, phải xóa bỏ tất cả để học hành, để xây dựng tương lai, để thực hiện những nguyện ước. Không ai hiểu mình thì tốt hơn đừng bao giờ tâm sự hoặc nói thật lòng mình cho bất cứ ai. Uyển cũng chỉ như bao nhiêu người con gái khác, thế thôi…
Nhưng, vào một buổi tối, tôi giật mình thấy giữa trang giấy trắng của cuốn tập sinh ngữ những dòng chữ viết vội:
Anh Nguyễn,
Uyển vẫn không hiểu tại sao anh Nguyễn đang yên lại giận Uyển, tránh mặt Uyển? Nếu anh Nguyễn thấy Uyển không xứng đáng… quen với anh thì thôi vậy. Uyển sẽ chả bao giờ làm phiền anh Nguyễn nữa đâu. Chào anh Nguyễn nhé.
Uyển.
Đêm. Hình ảnh Uyển nở đầy trong những giấc mơ của tôi.
______________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG BA