CHƯƠNG BA
Thời
gian trôi qua thật chậm và nghẹt thở. Thị Trấn Vĩnh Quyết vẫn sống
trong cảnh khắc khoải lo âu. Người ta mong đợi một phép mầu nào đó nhưng ngày lại
ngày, mỗi khi hoàng hôn buông xuống để sự tươi sáng nhường chỗ cho bóng đêm ảm
đạm, người ta lại biết rằng một ngày dài nhất đã trôi qua phẳng lặng. Ngọn Tử
Sơn đầy đe dọa vẫn im lìm như lúc nào và hạn kỳ nửa tháng cứ thu lại dần dần.
Thấm thoát chỉ còn một tuần lễ, bốn ngày, rồi một ngày cuối cùng. Người dân
Vĩnh Quyết vừa mừng vừa lo nhưng đã bớt tin tưởng vào nhà Tiên tri trong lúc
ông Lỗ Nam vẫn không cần biết sự bên ngoài, cắm cúi làm việc ở trong phòng.
Chiều
hôm cuối cùng ấy, cũng một buổi chiều tà lặng gió như hôm nhà Tiên tri đặt bước
chân đầu tiên đến thị trấn, ánh nắng vàng cũng sắp tắt ở cuối chân trời và cảnh
vật vẫn quen thuộc như lúc nào, Phan Hoàng đang đứng yên lặng, phóng tầm mắt
nhìn về phía Tử Sơn thì Thùy Mai đi ngang qua đó. Cô gái đang có vẻ lo sợ với khuôn
mặt hơi tái và ánh mắt ngập tràn nỗi sợ hãi cho tương lai. Thùy Mai nói với
chàng điêu khắc trẻ tuổi :
-
Anh Hoàng, tôi đang lo lắng cho ngày mai, bữa nay là thời hạn cuối cùng.
Phan
Hoàng thông cảm tâm trạng của cô gái nhưng lúng túng không biết phải làm gì.
Chàng nói không nên lời trong khi Thùy Mai nói tiếp, giọng run run :
-
Tới ngày mai, lời tiên tri của cha tôi hết hiệu lực. Dân ở đây dự định đưa cha
tôi lên dàn hỏa về tội lừa bịp.
Phan
Hoàng cố an ủi:
-
Chắc không có chuyện vô lý ấy. Mới vài ngày trước, họ còn hoan hô, tôn sùng và
năn nỉ thì dễ gì thay đổi nhanh chóng như vậy.
-
Anh đừng an ủi tôi. Càng những dân chất phác mê tín khi họ nổi
giận lên thì không còn gì ngăn cản được. Nhưng tôi phải bảo vệ cha tôi bằng bất
cứ giá nào. Anh Hoàng, anh là người bạn duy nhất của tôi ở thị trấn này, anh hãy
giúp dùm tôi một tay. Cha tôi đã già rồi, già quá rồi.
Lời
nài nỉ của cô gái làm Phan Hoàng rất bối rối. Trong thâm tâm, chàng muốn giúp
Thùy Mai nhưng thấy mình bất lực. Làm sao có thể ngăn cản đám dân xuẩn động
trong khi họ đã dự định thiết lập một dàn hỏa vào sáng ngày mai ở trước tòa Thị
sảnh? Ngay ông Thị Trưởng cũng công nhận đó là một việc bất hợp pháp mà còn
không làm gì được thì huống chi Phan Hoàng. Chàng trai đứng ngây người trong
khi Thùy Mai nói tiếp :
-
Có lẽ cha con tôi phải trốn đi đêm nay. Anh giúp tôi chứ ?
-
Thôi được. Tôi sẽ hết lòng. Bây giờ cô định ra sao ?
-
Khoảng quá nửa đêm nay, chúng tôi sẽ dùng dây thừng để ra khỏi khách sạn theo lối
bao lơn. Anh canh chừng dùm mọi động tĩnh và nếu có thể, hướng dẫn chúng tôi dời
khỏi nơi đây. Tôi xin cám ơn anh trước.
Và
bóng cô gái khuất dần đàng xa. Phan Hoàng lắc đầu chán nản. Lỗi là tại ông Lỗ
Nam tất cả. Tự nhiên từ đâu tới tiên tri ẩu rồi bây giờ phải trốn đi như một
tên trộm, nhưng... biết đâu lời tiên tri của ông chẳng linh nghiệm trong những
giây phút cuối cùng ?
Đến
tối hôm đó, Phan Hoàng đã chuẩn bị sẵn sàng để đợi tới nửa đêm. Nhưng một việc
bất ngờ lại xảy ra đêm ấy, thị trấn Vĩnh Quyết không ngủ. Thật vậy, người dân
Vĩnh Quyết sau hai tuần sống trong lo lắng tới đêm cuối cùng này họ muốn thức để
thấy mọi việc trôi qua êm đẹp và cũng để... bàn kế hoạch đưa ông Lỗ Nam lên dàn
hỏa chiều mai. Trời đã về khuya mà đèn đuốc các nơi thắp sáng trưng, dân chúng
tụ họp ở ngoài đường như mở hội, chào đón một ngày mai tươi sáng. Thế là kế hoạch
của Thùy Mai thất bại vì nếu bây giờ ông Lỗ Nam trốn đi thì chắc chắn sẽ bị bắt
lại mà không chừng còn bị giết ngay nữa. 11 giờ 30, thời gian trôi qua thật nặng
nề. Dân chúng đang tụ tập đông đảo ở tòa Thị sảnh uống rượu vui chơi thì đột
nhiên có tiếng la thất thanh :
-
Trời ơi! Cháy nhà !
Mọi
người giật mình chạy lại và thấy lửa bốc ra dữ dội từ một kho hàng chứa rượu.
Đó là nơi trữ loại rượu mạnh, gần như nguyên chất nên cháy rất mạnh. Ngọn lửa bốc
thật cao, soi sáng cả một vùng trong sự kinh hoàng của bao cặp mắt. Thị Trấn
Vĩnh Quyết không có sẵn đội cứu hỏa nên sau một vài giây ngơ ngác, mọi người vội
cùng nhau chữa cháy. Ông Thị Trưởng đích thân chỉ huy việc này, mong dập tắt ngọn
lửa nhưng vô hiệu. Trời về khuya đột nhiên nổi gió lên, tạt ngọn lửa đi khắp chỗ
và lan tràn rất nhanh. Nỗ lực của toàn dân trong thị trấn chỉ như hạt nước nhỏ
trong sa mạc vì họ chỉ có cách lấy thùng tạt nước vào đám cháy. Tiếng kêu hãi hùng
của bao người bị khỏa lấp trước ngọn lửa đang như một con rồng thiêng ra oai tàn
phá. Những căn nhà gần đó dần dần chìm
trong biển lửa mênh mông và đám cháy vẫn còn cơ hội hoành hành và de dọa cả thị
trấn. Ngọn lửa tạt ra cả tòa Thị sảnh và tòa nhà kiến trúc đồ sộ này cũng ngập
trong lửa sau đó vài phút. Nỗ lực cố dập đám cháy đó thất bại và người ta chỉ
còn cách cuối cùng là để mặc ngọn lừa. Những người can đảm,
có chí phấn đấu nhất như Phan Hoàng cũng đành nhìn từng nhà rồi căn nhà của
chính mình bị thiêu đốt. Các bức tường cháy nám đen từ từ đổ xuống hợp với tiếng
người kêu khóc tạo thành một âm thanh hỗn độn và bi đát. Cả thị trấn Vĩnh Quyết
nhỏ bé này chỉ có gần 300 nóc gia mà bây
giờ đã hơn 100 căn bị phá hủy hoàn toàn. Thật là một tai nạn lớn lao chưa từng
thấy. Lúc đó, chợt có người nhớ ông Lỗ Nam và chạy đi cầu cứu với nhà Tiên tri.
Việc đó có vẻ khôi hài nhưng vì trong lúc cùng đường người ta làm được tất cả
những gì để cứu vãn tình thế. Tuy vậy ông Lỗ Nam lại trả lời bằng giọng lạnh
lùng:
-
Nửa tiếng trước, các người còn đòi đưa ta lên dàn hỏa cơ mà !
Phan
Hoàng cũng có mặt ở đó. Chàng trai trẻ bực tức nói lớn:
-
Bây giờ không phải là lúc mỉa mai, trả thù. Hãy cứu vãn thị trấn trước nhất,
Thùy
Mai cũng kêu lên:
-
Cha! Cha không thấy đây là một tai họa khủng khiếp sao cha?
Nhà
tiên tri dịu giọng:
-
Nhưng cha không phải là phù thủy để hô phong hoán vũ hầu dập tắt đám cháy. Cha
cũng bất lực như những người có mặt ở đây.
Phan
Hoàng thất vọng, nhìn về biển lửa. Đám cháy đang ở thời kỳ dữ dội nhất mà gió vẫn
thổi thật mạnh. Những thùng nước tạt vào không ngăn cản được bao nhiêu vì ngọn
lửa cao tới mấy chục thước và khói bốc lên đen đặc một góc trời. Nếu tình trạng
này tiếp tục trong vòng nửa tiếng đồng hồ nữa thì chắc chắn thị trấn phải biến
thành đống tro tàn. Và rồi Phan Hoàng nhìn thấy cái thảm họa ấy khi ngọn lửa
cháy lan tới giáo đường. ‘‘Không còn cách nào nữa, không còn cách nào nữa’’. Chàng
điêu khắc trẻ lầm bầm những lời ấy trong miệng như kẻ mất hồn. Thượng đế sắp đặt
định mệnh tàn khốc quá !
-
Mưa ! Mưa !
Những
lời reo mừng và từng giọt nước lạnh rơi khắp người làm Phan Hoàng như tỉnh khỏi
một cơn ác mộng. Trời đã mưa, mưa thật sự và mưa lớn nữa
khi ngọn lừa vừa cháy tới giáo đường.
Thượng Đế
đã không quá tàn ác và đem lại lòng phấn khởi cho mọi người. Thế là tất
cả đều hăng say trong công việc cứu hỏa và chỉ vài phút sau, ngọn lửa hạ thấp dần,
thu hẹp lại và tắt hẳn. Cơn sóng gió đã qua, đã thực sự chấm dứt nhưng để lại
những vết tích hoang tàn. Trong khi thị trấn chỉ còn vài chục căn nhà nguyên vẹn
và phần lớn đều sụp đổ. Ngoài ra, còn có ba người chết cháy và gần mười người bị
thương nặng nhẹ. Đây là một tai họa lớn lao nhất cho thị trấn Vĩnh Quyết và phù
hợp với lời tiên tri của ông Lỗ Nam: thị trấn sẽ bị tiêu hủy bởi nguồn năng lượng
rất lớn! Lời tiên tri ấy đã thành sự thật trong những giây phút cuối cùng!
Ông
Thị Trưởng sau cơn hỏa hoạn rất bối rối và khó xử vì nạn nhân của đám cháy quá
nhiều. Giờ đây, họ chỉ còn hai bàn tay trắng, không nhà cửa, không tài sản và đang
cần sự cứu trợ ở bên ngoài. Ông quyết định sáng sớm mai sẽ tự mình lên tỉnh, nhờ
sự giúp đỡ của chánh quyền trung ương hầu dựng lại một thị trấn Vĩnh Quyết êm đềm
và đẹp đẽ như thuở nào. Nhưng trong lúc ấy, dân chúng lại xôn xao vì một vấn đề
khác: Ai là thủ phạm gây ra vụ hỏa hoạn vừa rồi? Nghi vấn ấy được lặp đi lặp lại
nhiều lần và sau cùng một đứa bé gái 12 tuổi nói với mọi người :
-
Khi lửa bắt đầu cháy, cháu thấy ông Tuấn đứng sững ở cửa kho hàng, tay cầm cây đuốc
đang bắt lửa vào vách và cháy lan đi.
Những
người hiện diện ở đó gồm có Phan Hoàng đều hỏi dồn :
-
Tuấn nào?
-
Ông Trần Tuấn, làm lao công ở hãng rượu.
Trời
ơi ! Lời nói của cô bé như sét đánh ngang tai. Phan Hoàng muốn nghẹt thở và
tim như ngừng đập. Có thể thế được sao? Không, không! Trần Tuấn không có lý do
gì để đốt thị trấn cả. Trần Tuấn đốt thị trấn là một chuyện vô lý không thể tưởng
tượng được. Phan Hoàng nghĩ thầm như thế trong khi những người khác nghe vậy
cũng đều ngạc nhiên. Tuy thế, chỉ một thoáng qua họ trở nên phẫn nộ và đi tìm
Trần Tuấn, mang theo cả cô bé gái làm nhân chứng. Nhưng Trần Tuấn đã đứng sững ở
gần đó như một pho tượng đá, như một kẻ mất hồn. Đám đông kéo lại và nhiều tiếng
la lên:
-
Hãy giết hắn. Đó là một tên điên!
-
Quẳng nó vào đống lửa!
-
Hắn là hiện thân của ác quỉ!
Và
còn nhiều lời nguyền rủa nữa. Sau đó đám dân xông lại toan giết Trần Tuấn nhưng
một bóng người chạy tới, quát lớn:
-
Không!
Đó
là nhà điêu khắc trẻ. Phan Hoàng lách vào đứng chắn trước mặt bạn như để che chở
cho bạn. Chàng hướng về đám đông nói lớn:
-
Các người định làm gì ?
-
Giết hắn vì hắn đã đốt thị trấn.
-
Không ai có quyền làm chuyện đó.
-
Chúng tôi là nạn nhân của hắn, đừng bảo vệ một tội ác.
-
Các người đừng hấp tấp quá như vậy. Việc này chưa có gì rõ rệt cả. Các người có
nhớ là cách đây một tiếng đồng hồ đã đòi đem ông Lỗ Nam lên dàn hỏa rồi sau đó
lại năn nỉ ông ta chữa cháy không ?
-
Luật pháp xứ này cho phép xử tử những kẻ phá hoại và bịp bợm.
-
Nhưng các người không có quyền thi hành luật pháp. Phải để tòa án phán quyết mới
có giá trị. Trận hỏa hoạn vừa rồi chưa mở mắt các người sao ?
Phan
Hoàng vì nóng lòng cứu bạn nên mất bình tĩnh. Đem chuyện luật pháp nói với đám
dân ngu muội này trong lúc họ đang tức giận là một điều sai lầm. Thật vậy, những
lời của Phan Hoàng không hữu hiệu chút nào mà còn như đổ dầu vào đám cháy vì gợi
lại trận hỏa hoạn. Và rồi, dân chúng không kể gì đến chàng điêu khắc nữa mà tiến
lại trong khi Trần Tuấn vẫn im lặng, một vẻ im lặng khó hiểu. Phan Hoàng bối rối
quá, quay sang bạn:
-
Anh không nói gì sao ?
-
Tôi không có gì để nói cả.
-
Anh phải minh oan cho chính mình chứ.
-
Tôi không muốn làm việc ấy.
Thái
độ lạ lùng của Trần Tuấn làm Phan Hoàng thêm lúng túng. Đám đông tiến lại gần,
gần hơn nữa... thì có tiếng kêu lên :
-
Khoan đã!
Và
người ta thấy vị Linh Mục già trong thị trấn bước
tới. Ông nói bằng giọng ôn tồn:
-
Xin các ông hãy bình tĩnh. Thị trấn đã cháy gần hết và điều quan trọng là lo
cho tương lai chứ không phải thù hận, chém giết. Trận hỏa hoạn là một tai nạn lớn
lao nhưng là chuyện đã rồi, có giết thêm một mạng người cũng không ích lợi gì
huống chi chuyện này chưa có gì rõ ràng. Tôi can thiệp vào đây vì không muốn thấy
máu đổ thêm nữa. Phan Hoàng nói đúng, các ông hãy kiên nhẫn đợi Tòa án phân xử.
Kẻ có tội sẽ bị trừng phạt đích đáng.
Thái
độ, lời nói và dáng điệu oai nghiêm của Linh Mục trong chiếc áo đen làm mọi người
phải nể phục. Câu nói vừa rồi có tác dụng như một gáo nước lạnh tạt vào cơn lửa
tức giận. Đám đông dừng lại nhưng vẫn còn những kẻ quá khích :
-
Thưa Linh Mục, không thể để kẻ này sống thêm giây phút nào nữa vì hắn sẽ còn
phá hoại xã hội.
-
Thì nhốt hắn vào nhà giam, chuyện đâu còn có đó.
Thế
là nhờ vị Linh Mục với đầy từ tâm mà Trần Tuấn thoát chết. Đám đông giải tán
sau đó vài phút để nhân viên cảnh sát dẫn Trần Tuấn đi trong khi Phan Hoàng thở
phào nhẹ nhàng. Dầu sao thì cũng đã trì hoãn được vài ngày để có thì giờ cứu Trần
Tuấn. Nhà điêu khắc quay sang vị Linh Mục :
-
Thưa Cha, con phải làm gì để cứu bạn ? Con nghĩ rằng không phải anh ấy đốt thị
trấn.
-
Con hãy cố gắng tìm ra thủ phạm thật sự thì mới cứu vãn được mọi việc. Cha sẽ
giúp đỡ con việc đó vì cũng tin rằng Trần Tuấn vô tội. Con
có biết không, một phút trước khi đám cháy xảy ra, Cha còn thấy Trần Tuấn quì
dưới chân Đức Mẹ ở Giáo Đường cầu nguyện.
_______________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG BỐN