CHƯƠNG HAI
Sáng
hôm sau, tin tức lan đi rất nhanh chóng và làm đảo lộn hẳn nếp
sinh hoạt của thị trấn. Người dân Vĩnh Quyết hoàn toàn tin tưởng ở lời tiên tri
của ông Lỗ Nam nên lo sợ và hoang mang vô cùng. Cuộc đời phẳng lặng của họ đã nổi
cơn sóng gió hãi hùng nhất. Khắp nơi như bị bao phủ bởi một màu đen của một tương
lai chết chóc. Dân chúng xôn xao, bàn tán thật nhiều nhưng không đem lại biện
pháp cứu vãn nào hơn là việc khoanh tay để dòng thời gian đưa đẩy tới cái chết.
Họ nhìn ngọn Tử Sơn với cặp mắt sợ hãi vì tưởng như ngọn núi lửa sau bao năm
yên tĩnh sẽ nổi dậy, phun nham thạch tiêu hủy cả thị trấn. Nhiều nhà giàu tính
tới việc dời thị trấn Vĩnh Quyết càng sớm càng tốt để tránh cái tai họa ghê gớm
sắp xảy ra. Tình thế bi đát đến nỗi ông Thị Trưởng phải mở một phiên họp thật gấp,
bao gồm những người có uy tín trong thị trấn để tìm phương pháp giải quyết những
nỗ lực ấy cũng thất bại vì chính những người này cũng hoang mang hơn ai hết.
Và
thói thường tệ bạc của con người là lúc gặp nạn mới nhớ tới những Đấng Tối Cao.
Nhiều người đã tới Thánh Đường cầu nguyện, xin Chúa che chở cho khỏi cơn nguy
hiểm. Trong khi đó, khoảng hơn 100 người khác kéo đến khách sạn, đòi gặp mặt
nhà Tiên Tri. Họ la hét, làm ồn ào quá và sau cùng ông Lỗ Nam phải xuất hiện
trên thềm nhà, cũng với bộ y phục đen tuyền như lúc mới đến.
-
Các người muốn gì ?
Nhiều
tiếng la cùng một lúc:
-
Chúng tôi muốn ngài lập lại lời tiên tri đêm qua thật rõ ràng.
-
Được. Ta tiên tri rằng trong vòng nửa tháng nữa, thị trấn Vĩnh Quyết sẽ bị
thiêu hủy hoàn toàn bởi một số năng lượng rất lớn.
Đám
đông lại chất vấn tiếp:
-
Năng lượng rất lớn là gì ? Ngài muốn nói tới ngọn Tử Sơn chăng ?
-
Đúng. Ta cảm thấy như thị trấn sụp đổ, tê liệt hoàn toàn. Nhưng muốn rõ hơn,
hãy cho ta vài tuần nữa để nghiên cứu hết tấm bia đá trên Tử Sơn đã.
-
Không được. Vài tuần nữa chúng tôi đã bị chôn vùi trong lớp tro tàn nóng bỏng,
đâu còn sống để xem bí mật tấm bia đá. Xin ngài hãy cứu chúng tôi vì chỉ có
ngài là người duy nhất làm được công việc đó.
- Không. Ta không thể giúp các người bất cứ
điều gì. Chỉ có Thượng Đế mới thay đổi được định mạng mà thôi.
Đám
người vẫn cố nài nỉ :
-
Chúng tôi tin là ngài có thể cứu chúng tôi được.
-
Không !
Và
ông Lỗ Nam bỏ lên phòng giữa một sự thất vọng não nề của đám dân. Và rồi, thái
độ từ chối thẳng thắn đến độ tàn nhẫn của nhà tiên tri đã làm sự thất vọng biến
thành phẫn nộ. Họ như kẻ đang ở bước đường cùng mà bị từ chối sự giúp đỡ nên nổi
giận và đổ lỗi rằng chính ông Lỗ Nam đã đem sự kinh hoàng lại cho thị trấn.
Lòng kính trọng, tôn sùng trong trường hợp này đã thành bất mãn, cộng thêm với
sự kém hiểu biết và mê tín làm đám dân trở thành những kẻ như điên dại, muốn đập
đổ tất cả những gì sẵn có và có thể làm ngay cả việc giết ông Lỗ Nam !
Đứng
gần đó, chứng kiến từ đầu đến cuối, Phan Hoàng cảm thấy bực tức và buột miệng
nói một mình:
-
Thật là một lũ điên cuồng.
-
Đó là một vở bi hài kịch !
Phan
Hoàng giật mình quay lại. Người nói câu sau như để đáp lời của chàng là Trần Tuấn,
một người lao công nghèo khổ làm việc trong hãng rượu. Trần Tuấn chưa tới ba
mươi vốn là một cựu tù nhân nên bị dân chúng Vĩnh Quyết bạc đãi, khinh thường
và đưa tới kết quả hắn thành con người bất mãn xã hội, nhìn cuộc đời với cặp mắt
thù hận, đen tối và đáng thương nữa. Trong thị trấn, Phan Hoàng là người duy nhất
hiểu được tâm trạng ấy và làm bạn với con người bất hạnh đó.
-
Tuấn, anh nói bi hài kịch?
-
Phải. Phan Hoàng, anh thử bình tâm suy xét từ đầu xem. Tự nhiên có một người
khách lạ tới thị trấn xưng là nhà Tiên Tri Lỗ Nam. Thế là hắn được đón tiếp trọng
thể và tôn sùng như bậc Thánh thần. Chỉ một việc đã có vẻ khôi hài và điên
khùng. Thế rồi ông tiên tri lại đoán rằng thị trấn sắp bị tiêu diệt và dân
chúng phải tuân theo như một con cừu non để mà sợ hãi, hoang mang. Đó là tất cả
những gì vô lý và buồn cười nên nó là một vở hài kịch. Vở hài kịch biến thành
bi kịch vì tôi thấy thương hại những người dân kém suy xét, mê tín và ngu dại đó.
Phan
Hoàng im lặng. Nhận xét của Trần Tuấn cũng có lý nhưng gay gắt quá vì xuất phát
từ một con người, một nạn nhân của xã hội bất công. Nhà điêu khắc nghĩ một lúc
rồi hỏi:
-
Anh nghĩ sao về kết cuộc vở kịch này ?
-
À. Tôi cho rằng ngọn Tử Sơn sẽ yên trong nửa
tháng nữa và sẽ yên lặng vĩnh viễn. Lúc đó, dân ở đây hẳn biết rằng mình bị lừa,
lừa một cách trắng trợn nhất và họ nổi giận, lôi lão tiên tri bịp bợm lên dàn hỏa.
Thế thôi !
-
Vậy ra anh cho Lỗ Nam là một kẻ bịp? Anh nên nhớ rằng ông ta đã nổi tiếng hơn
20 năm nay.
-
Nhưng tôi vẫn không tin lời tiên tri ấy. Tôi thích thú được xem đoạn chót của vở
kịch : cả dân chúng ở đây lẫn lão Tiên Tri đều mở mắt ra. Dân chúng thì mở mắt để
hiểu rằng từ nay đừng bao giờ xét người theo bề ngoài và vội vã quá như vậy. Còn
lão Tiên tri sẽ mở mắt để thấy kết quả trò lừa bịp của mình là dàn hỏa.
Nói
đến đây, Trần Tuấn dừng lại một chút rồi buột miệng:
-
Tôi chỉ tội nghiệp cho Thùy Mai. Cô gái đáng thương sẽ phải mất cha.
Phan
Hoàng ngạc nhiên. Chàng tưởng con người như Trần Tuấn đã cạn hết tình cảm, khô
khan như tượng đá và cứng rắn như thép lạnh. Rồi Phan Hoàng ngẩng lên nhìn bạn
và thấy như trong ánh mặt, nét mặt của bạn đã có điều gì thay đổi khác xưa...
-
Anh không hiểu tôi sao, Hoàng ?
-
Phải, hôm nay anh lạ lắm, lạ hơn tất cả mọi ngày.
-
Có lẽ hơi lạ thật. Tôi vừa nhận ra rằng lòng thù hận, bất mãn không giải quyết
được gì mà chỉ đào thêm hố sâu cách biệt. Ở đâu cũng còn có những người trong sạch,
đáng mến và điều đó đã làm tình cảm chân thật của con người trở lại với tôi, dù
chỉ trong một vài giây phút ngắn ngủi.
-
Anh nói gì lộn xộn quá. Tôi không hiểu một chút nào. Bữa qua cũng như hôm nay,
thị trấn Vĩnh Quyết có làm được gì tốt dẹp cho anh
đâu.
-
Một ngày nào đó anh sẽ hiểu nhưng... ngày ấy vẫn còn xa vời và mơ hồ quá.
_______________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG BA