Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

CHƯƠNG MỘT_TRỞ VỀ TÂM TƯ


Một


- Xong rồi. Bà an tâm, cháu chỉ bị cảm xoàng thôi. Gói thuốc này bà về cho cháu uống mỗi ngày ba lần, mỗi lần một viên.

- Dạ… thưa bác sĩ… lấy cháu… bao nhiêu ạ?

- Bà muốn đưa bao nhiêu cũng được.

- Thưa… chả giấu gì bác sĩ… cháu chỉ còn… năm chục bạc… bố cháu thất nghiệp…

- Không sao cả. Bà giữ lấy mua trái cây cho cháu ăn.

- Nhưng… thưa bác sĩ…

- Bà đừng bận tâm. Lối xóm cả mà, có gì đâu.

- Ở đây ai cũng chịu ơn bác sĩ. Cháu không bao giờ quên…

- Thôi bà bế cháu về. Nhớ kiêng gió máy cho cháu nhá.

- Dạ… cháu xin chào bác sĩ.

Nguyễn nhìn theo người đàn bà nhà quê ôm đứa con đi ra cổng. Bệnh nhân cuối cùng trong ngày. Lòng chàng chùng xuống. Dân chúng ở quận lẻ này thật nghèo nàn, còn xa vời ánh sáng văn minh vật chất thành phố. Vợ chồng Nguyễn về đây đã được năm tháng. Một phòng mạch sơ sài được thành lập. Nguyễn khám bệnh, vợ chàng làm y tá. “Thân chủ” của Nguyễn đều túng thiếu. Người trả được năm ba chục, một trăm, kẻ không có gì. Vợ chồng Nguyễn vui nhận. Được tin một người bệnh nặng, chàng đến tận nơi, đi thật xa để chữa trị. Biết ai nghèo, Nguyễn không bao giờ nhận dù một đồng. Chàng thật sự thương họ ngút ngàn. Như vậy là ước nguyện thành hình trọn vẹn. Giấc mơ thành sự thật viên mãn. Lý tưởng được thực hiện tròn trĩnh. Ngược lại, người bình dân trong quận này cũng thương vợ chồng Nguyễn như thương người ruột thịt. Một con cá béo, một giỏ trái cây, những hạt gạo đầu mùa… được kính cẩn đem tới tận nhà Nguyễn. Họ nhớ ơn chàng. Nguyễn, cũng như Uyển, vợ chàng, lấy niềm vui, nỗi buồn của những người quê mùa chất phác ở đây làm của chính mình.

Treo chiếc “blouse” trắng trên móc, Nguyễn bước vào nhà trong. Chiều quận lỵ thường vắng lặng. Càng vắng lặng hơn khi Nguyễn nhớ đến Uyển. Vợ chàng đã về Sàigòn thăm gia đình từ sáng hôm qua. Nguyễn thấy căn nhà trống trải hẳn. Lần đầu tiên, từ sau ngày cưới, vợ chồng mới xa nhau. Ngồi xuống ghế, đốt điếu thuốc, Nguyễn nhìn lơ đãng bầu trời qua khung cửa sổ. Dĩ vãng dần dần sống dậy trong tâm trí Nguyễn. Lần lượt như một cuốn phim. Thời gian qua đi thật mau. Mới đó mà đã 8 năm rồi.

8 NĂM VỀ TRƯỚC…

Đậu tú tài phần một xong, tôi được cha mẹ gửi lên Sàigòn học hết năm đệ nhất hầu sửa soạn vào đại học. Quyết định này vừa làm tôi lo sợ, vừa gây một sự háo hức nhẹ nhàng, mông lung trong tôi. Sàigòn, cái tên tôi chỉ được nghe nói tới nhiều chứ chưa một lần thấy tận mắt. Tôi cứ tưởng tượng nơi đó phải ghê gớm và sang trọng lắm. Tự nhiên tôi lại không muốn lìa bỏ quận lỵ tuy nghèo nàn nhưng thân thiết này. Nhưng đồng thời chuyến đi xa dự định như đã hứa hẹn với tôi nhiều thích thú. Tôi như lớn hẳn lên, có cảm tưởng mình sắp dấn thân vào một thế giới xa lạ. Và tôi chờ đợi.

Cha mẹ tôi cũng lo lắng cho tôi nhiều, thường khuyên bảo tôi hãy để hết tâm trí vào việc học và đừng đua đòi. Trước ngày tôi đi, mẹ lại căn dặn:

- Con lên trên đó thì phải cẩn thận đấy. Tối sớm mà lo học hành để sau này ấm vào thân. Đừng có kết bè kết đám với ai làm gì, thời buổi này…

Dĩ nhiên tôi phải tạo một bộ mặt nghiêm trang, vâng vâng dạ dạ để cho mẹ an tâm. Khổ một điều, cái con bé em thỉnh thoảng lại chêm vào một câu bông đùa cốt ý để trêu tôi nhưng cũng đủ làm mẹ lo âu hơn trong ánh mắt:

- Mẹ ạ, anh Nguyễn bảnh trai thế kia con sợ quá. Các cô Sàigòn sức mấy mà tha.

Mẹ tôi ký đầu nó, quát:

- Đừng vẽ đường. Mày liệu cái thần hồn!

Nhưng con bé vẫn liến thoắng:

- Rồi mẹ xem. Đời nay mà, bảnh trai một chút thì thiếu gì đào.

- Mày có câm miệng không?

- Con nói thật mà mẹ.

- Mày cũng là thứ đồ quỉ!

Con bé quay sang tôi, nheo mắt:

- Anh Nguyễn đừng thèm đi đâu học cả, ở nhà em giới thiệu mấy nhỏ bạn em cho.

Lần này mẹ tôi tức giận thật sự, vớ cây chổi phất trần, nhưng con bé đã nhanh chân chạy ra sân kéo theo một tràng cười khanh khách, ròn tan.

Ngày ra đi, tuy có mẹ bên cạnh suốt cuộc hành trình, tôi vẫn cảm thấy buồn buồn. Tôi nhớ quận lỵ, bạn bè sao đâu. Tôi thoáng hối hận đã chịu rời xa nơi mình đã sống từ thuở bé. Trong nỗi hoang mang quay quắt, tôi thầm hứa sau này với bất cứ giá nào tôi cũng sẽ trở về đây. Với quận lỵ nghèo nàn. Với những người chân lấm tay bùn chất phác, mộc mạc. Giấc mộng tôi nuôi từ hồi mới lớn mọc sáng hơn bao giờ hết. Tôi chưa dám tỏ cho ai biết – vì còn rất xa vời – vì sợ bị chê là lý tưởng vẩn vơ – nhưng tôi đã quyết thực hiện. Xuất thân từ một gia đình nghèo hèn, đã sống giữa những người cùng hoàn cảnh, tôi phải trở về với họ. Chăm sóc họ. Cứu giúp họ. Tôi đem theo mộng ước này làm hành trang, làm nguồn an ủi và phấn khởi cho những ngày tháng xa lạ sắp tới.

Tôi được gửi trọ tại nhà người chú ruột. Chú Thịnh. Tuy lấy nhau đã sáu bẩy năm nhưng chú thím tôi vẫn chưa được đứa con nào. Việc tôi lên học trên thành phố là do sự đề nghị của chú Thịnh. Chú tôi bảo trời không cho nuôi con thì nuôi cháu vậy. Mẹ tôi căn dặn chú thím đủ điều. Chú thím phải bắt cháu học hành siêng năng chứ đừng nuông chiều nó. Cháu hư gì, cứ đánh thật lực cho tôi. Bố nó vẫn ao ước cho nó ăn học đến nơi đến chốn, không hơn người thì cũng chẳng để ai đè đầu đè cổ mình. Nhà trông cậy có mình nó… Chú Thịnh cười, anh chị cứ an tâm, ai chứ tôi thì cái gì cũng phải vào khuôn vào phép. Mẹ tôi còn dặn dò nhiều thứ nữa mới ra về.

Một buổi tối, chú Thịnh hỏi tôi:

- Năm tới thi xong cháu tính học ngành gì?

Tôi thành thật:

- Từ lâu cháu vẫn ao ước theo y khoa.

- Tốt. Đúng ý chú. Làm bác sĩ tha hồ giầu, bảo đảm tương lai.

Câu nói của chú Thịnh làm tôi hơi thất vọng. Đó không phải giấc mộng của tôi. Những người nghèo đói nơi quận lỵ đang chờ những bàn tay sung mãn tình thương chăm sóc. Tôi phải về đó. Phải làm một cái gì cho cuộc đời ý nghĩa. Tuy nhiên trong hiện tại tôi chưa thể nói ước nguyện của tôi cho ai nghe. Kể cả chú Thịnh. Thành thử khi chú bàn gì tôi cũng vâng dạ cho qua.

Chú Thịnh đã chọn cho tôi trường học. Một trường tư thục công giáo. Chú nói trường này có nhiều giáo sư nổi tiếng và tận tâm, bao giờ cũng chiếm tỷ lệ thí sinh đậu cao. Trong những ngày chờ đợi khai giảng, tôi được chú Thịnh dẫn đi xem thành phố Sàigòn. Đi chơi cho đã chân rồi mai mốt để tâm vào mà học. Chú Thịnh bảo vậy nhưng tôi vẫn thấy chán ngay thành phố nắng cháy, bụi bặm và ồn ào này. Tôi vẫn không nguôi ngoai nhớ thương sự yên tĩnh, nét hiền hòa của quận lỵ.

Rồi ngày đầu niên học tới.

Tôi nhớ sáng hôm đó, ngày tựu trường, sau khi dùng điểm tâm tôi đi học. Trời thật đẹp. Khí mát. Mới hơn bẩy giờ nên đường phố còn vắng. Rất thưa thớt người qua lại. Chưa có chút nắng hồng. Hàng cây me tươi mát hai bên đường còn ướt sương đêm. Tay cầm sách, tôi đi từng bước nhỏ. Tâm trạng tôi lúc này thật khó tả. Mừng vui khấp khởi sao đâu. Đúng là thứ tình cảm của ngày-xưa-còn-bé. Tôi chợt nhớ lại một đoạn văn của Thanh Tịnh mà hồi còn nhỏ cô giáo đã bắt học thuộc lòng như cháo : “Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nao nhớ đến những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường… Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi và dẫn tôi đi trên con đường đầy gió lộng…”. Ở đây tuy không có lá vàng ngập lối đi, không có sương thu ướt sũng bờ ao, luống cải, nhất là bên tôi không có mẹ hiền dắt tay, nhưng cái khép nép, cái ngượng ngùng cũng như những hồi hộp hiện hữu trong tôi chắc chắn không khác của cậu bé quê của Thanh Tịnh.

Ngôi trường đã hiện ra ở xa xa. Tim tôi đột nhiên đập mạnh. Đi cùng đường với tôi, lũ lượt những tà áo trắng, những cậu trai trong đồng phục áo trắng quần xanh. Hẳn trong số những người này có người sẽ ngồi chung lớp với tôi, trở thành bạn đồng song. Tôi nghĩ vậy và hơi đỏ mặt, vội xóa bỏ một vài hình ảnh vừa vụt đến. Lời mẹ tôi căn dặn và những câu trêu chọc của con bé em văng vẳng đâu đây.

Tôi đi thêm một quãng đường, gió lạnh từ con sông lên làm rối bời mái tóc. Cây bên đường như rắc xuống nhiều hơn những chiếc lá vàng. Mùa thu. Lòng tôi dạt dào một niềm vui bâng quơ. Tôi hít mạnh để nghe gió lạnh chạy lần trong lồng ngực. Những tiếng ồn ào của xe cộ, tiếng nói cười của người chung quanh, tất cả đều mơ hồ, thoang thoảng bên tai tôi. Lúc này tôi đang bận cho thế giới riêng của tôi. Thế giới mùa thu có lá vàng bay.

Sân trường đã đầy học sinh. Tự nhiên tôi trở nên rụt rè, ngượng ngập. Tôi có cảm tưởng những con mắt trong sân đều quay nhìn về phía tôi. Giữa đám đông đó, hẳn có trên ngàn người, tôi thấy mình bơ vơ, lạc lõng. Tôi chọn một chỗ khuất nhất, cạnh một bức tường mà đứng.

Mãi một lúc thật lâu sau chuông mới reo báo hiệu giờ vào học. Tôi như con ốc sên thu mình trong vỏ, thẫn thờ theo các học sinh khác đi về trước kỳ đài.

Tôi đứng ở hàng cuối. Lá quốc kỳ được từ từ kéo lên đỉnh cột. Không hiểu sao thân thể tôi lúc này hết chỗ này ngứa lại đến nơi khác đòi gãi. Có những con kiến chạy rần rần trên da thịt. Tay chân thừa thãi cả ra mà không sử dụng được vào việc xoa dịu mình mẩy. Thêm vào đó, hết huấn từ của linh mục hiệu trưởng, lại diễn văn của cha giám mục, lời dặn dò của thầy tổng giám thị, cơn cực hình mỗi lúc một nặng nề khiến tôi có cảm tưởng thời gian đã đứng lại rồi. Tôi chỉ mong chóng được lên lớp.

Và sau cùng, tôi được giải thoát. Vị giáo sư dạy triết học xếp chỗ cho lớp. Bàn đầu dành cho nữ sinh. Học trò con trai ngồi những dẫy sau. Tôi bị bất chợt chỉ định ngồi đầu bàn, hàng thứ hai. Cơn hốt hoảng vội chụp lấy tôi. Mặt mũi nóng bừng bừng. Thấy tôi do dự, thầy giáo giục:

- Ngồi vào đi. Không ưng chỗ này à?

- Dạ… thưa…

- Thấy anh cận thị tôi cho ngồi gần bảng.

Chắc những người khác đọc rõ được những ý nghĩ trong đầu tôi nên nháy mắt nhau cười. Tôi càng thẹn hơn. Sau khi mọi người đã đâu vào đó, giáo sư cho chép chương trình rồi nói về ý nghĩa cùng phương pháp học môn triết. Ông có giọng nói sang sảng và cách giảng bài dí dỏm, thường xuyên tạo những trận cười cho lớp. Còn ít phút cuối cùng của giờ học, ông hỏi có ai thắc mắc gì không. Im lặng. Rồi ông kể về cuộc đời còn bé của ông. Ông cởi mở hết sức:

- Hồi trước cha hiệu trưởng đây với tôi học cùng lớp, nhiều lần oánh lộn cũng ra gì lắm chứ…

Chợt một cánh tay giơ lên ở cuối lớp. Thầy gật đầu:

- Em hỏi gì nào?

- Thưa thầy như vậy là ngày xưa thầy cũng đi tu?

- Ừ… đại loại như vậy.

- Rồi sao thầy không tu nữa, thầy?

- Mỗi người có một con đường phải đi. Do đó ông Trời đã “điều chỉnh” cho tôi vào đúng vị trí của mình. Thế thôi.

- Khi ra đời rồi, thầy… thấy thế nào ạ?

Thầy chúm chím môi. Mọi người chờ câu trả lời. Nhưng ông thầy không nói, lẳng lặng lên bảng viết hàng chữ: Cổ nhân đã dạy “tu là cõi phúc, tình là dây oan”. Lớp phá lên cười. Nhiều tiếng la lớn: đúng thầy, đúng quá, thầy ơi, hoan hô thầy. Vị giáo sư cũng cười theo, chảy cả nước mắt. Giơ tay ra hiệu cho lớp im lại, ông hỏi:

- Các anh chị đồng ý không?

- Dạ, đồng ý!

- Đúng trăm phần trăm thầy ơi!

Như đã hòa đồng trọn vẹn với cái vui của tuổi trẻ, vị giáo sư đi đi lại lại giữa lớp học. Chợt ông hất hàm hỏi tôi:

- Riêng anh, anh nghĩ thế nào?

Tôi giật mình, từ từ đứng lên giữa bao nhiêu con mắt chờ đợi:

- Dạ… con… không biết.

Có nhiều tiếng khúc khích sau lưng tôi. Ông thầy trợn mắt:

- Không biết? Ở tuổi các anh bây giờ tôi tưởng sành đời hơn các thế hệ trước lắm chứ? Đâu, anh cứ thử nói đại một vài cảm nghĩ xem nào.

Tôi đánh bạo liều trả lời:

- Thưa thầy, theo con nghĩ muốn so sánh thì mình phải biết rõ cả hai đối tượng… Nhưng con thì… cả hai môi trường con đều… chưa có… kinh nghiệm!

Tiếng cười bỗng nổ như vỡ chợ. Tôi xấu hổ ngồi vội xuống.

- Xin thầy cho anh í kinh nghiệm!

- Lớn vậy mà chưa biết yêu, tu quách cho rồi!

- Yêu là chết trong lòng một tí đấy, đừng dại học vào!

Chờ cho những câu trêu đùa chấm dứt, ông thầy gục gặc đầu:

- Anh trả lời như vậy, tôi nghĩ anh học triết được!

Đúng lúc chuông ra chơi.

Chưa quen một ai, lại mang nặng mặc cảm, tôi đứng ở một góc sân, chán nản tột cùng môi trường sinh hoạt mới này. Cặp mắt của tôi không dám nhìn thẳng ai đành trông lên các tấm bảng treo đây đó, đọc đi đọc lại cho đến thuộc lòng những dòng chữ quảng cáo về nhà trường. Khổ ơi là khổ!

Hai giờ sau học toán. Khác với vị giáo sư dạy triết, ông thầy này còn trẻ nhưng bộ mặt nghiêm kinh khủng. Lớp im lặng. Phá thông lệ như chép chương trình, nói về thi cử, ý nghĩa môn học, ông thầy giảng bài ngay. Học trò không ai kêu ca hay phản đối gì. Chỉ có tiếng quạt trần vù vù và tiếng nói như sấm sét của ông thầy. Đang ôn lại chương trình toán đệ nhị. Giảng công thức xong, ông thầy chợt đưa trước mặt tôi cục phấn:

- Lên bảng!

Tôi vâng lời nhưng trái tim lại muốn nhảy khỏi lồng ngực.

- Anh hãy áp dụng định lý Thales vào hai đường song song BF’ và CG cho tôi!

Một phần vì hồi hộp, phần vì đầu óc mệt mỏi bởi những ý nghĩ đâu đâu, tôi tìm mãi không ra đáp số. Dường như có những giọt mồ hôi bò theo sống lưng của tôi. Tôi lắng tai để mong nhận được tiếng nhắc phía sau lưng nhưng tuyệt nhiên không có lấy một tiếng động. Thấy tôi loay hoay vô ích, ông thầy đập bàn:

- Tìm ra không?

Tôi lặng thinh. Ông hất hàm, giọng mỉa mai:

- Anh đậu tú tài một lâu chưa?

- Dạ mới vừa rồi.

- Hạng gì?

- Dạ… bình.

Ông thầy giơ hai tay lên trời, bĩu môi:

- Bình! Đúng là Bộ Giáo Dục lầm tai hại!

Có một vài tiếng cười nhẹ. Tôi đứng chịu trận. Được đà, ông thầy tấn công nữa:

- Tôi không hiểu sao anh lại đậu được. Chắc tôi phải yêu cầu Bộ thâu hồi văn bằng của anh lại. Về chỗ!

Tôi lững thững rời bảng đen. Nước mắt cứ chực chảy ra. Tiếng nói của ông thầy đuổi theo tôi:

- Bộ mặt đẹp trai thế kia mà không thông minh!

Lớp cười. Một giọng nói ồ ề vượt lên:

- Anh ấy học trò mới, thầy!

Vẻ nghiêm nghị lặn dần trên khuôn mặt sạm nắng của ông thầy:

- Người ta mới hay cũ thì kệ người ta, mắc mớ gì tới anh?

Giọng nói lúc nãy bạo dạn:

- Em thấy thầy la anh í tội, thầy.

- Sao tội?

- Tại anh í… đẹp trai, con nhà giầu!

Lớp lại cười. Không khí căng thẳng trầm xuống. Giọng ông thầy đã có vẻ dễ dãi:

- Có là thánh mà… tối dạ tôi cũng la!

- Bị kiện, thầy ơi!

- Ai kiện? Vớ vẩn!

- Các chị lớp này kiện!

Thế là lớp ồn ào hẳn lên. Cười. Nói. Vỗ tay. Còn tôi, thẹn chín người. Tôi thấy “học trò Sàigòn” bạo dạn quá sức tưởng tượng. Dường như không biết sợ là gì. Tôi không thể nghĩ nổi là họ dám nói những “chuyện đó” một cách tự nhiên như vậy, giữa đám đông, trước mặt thầy giáo. Ở dưới quận lỵ, học trò chẳng bao giờ dám làm thế, sợ oai của thầy còn hơn sợ cha mẹ. Giờ đây tôi bị lao đao trong những cái bất ngờ. Tôi cúi đầu, vẽ nguệch ngoạc trên tờ giấy trắng. Lớp học đã im lặng trở lại và ông thầy tiếp tục giảng bài, nhưng đầu óc tôi không còn chăm chú nổi vào những hình học, định lý, phương trình. Tiếng nói của ông thầy dần dần nhỏ lại, thoang thoảng bên tai. Uể oải, tôi để hồn thoát xác, bay qua khung cửa sổ, vụt về quận lỵ nhỏ bé, nơi có cha mẹ kính yêu, có bạn bè hiền hòa thân thiết. Tôi ngồi tiếc nuối những ngày tháng dĩ vãng ngà ngọc.

Giờ này tháng trước tôi đang cùng đứa em gái vào vườn cây hái mận chín. Nó thoăn thoắt như một con sóc. Chạy nhẩy chán, hai anh em lại nằm lăn ra cỏ hát nghêu ngao. Thật thú vị. Những cảnh vườn cây trùng điệp, những đồng ruộng xanh rì ngọn mạ, những dòng sông uốn khúc giữa những bóng dừa nặng trái… tất cả như phà nắng ấm cho nụ hoa chớm nở trong tôi.

Tôi nhớ ngôi nhà tôi nằm gần một vườn cây đầy trái. Chiều chiều tôi vẫn tinh nghịch dùng dao khắc tên mình trên các thân cây. Trong những ngày cũ tôi hay hát cho mình tôi nghe. Bài hát tôi thích nhất mà thầy giáo anh văn đã tập cho cả lớp. When I was just a little boy, I ask my mother what will I be?... Will I be hansome, will I be rich?... Que sera, sera?... Những câu hát làm ấm tâm hồn.

Những ngày tháng quận lỵ của tôi không có gì gọi là ồn ào, động đạt, trái lại độc điệu là đằng khác. Tuy nhiên trong bất cứ cảnh sống nào người ta cũng vẫn có thể tìm thấy niềm vui : tôi cảm thấy ham sống hơn bao giờ hết, bắt gặp trong đồng nội một thứ tri kỷ, nhìn rõ được tâm hồn mình tỉnh dậy sau mười mấy năm dài ngủ mê. Chính những lúc tôi yêu đời là những khi tôi say mê tương lai và những dự liệu lý tưởng của tôi hơn cả…

Thế mà tôi đã rời xa tất cả…

Tôi dần dần quen thuộc với không khí mới. Nghĩ nếu ngày nào cũng như những ngày đầu khai giảng niên học, tôi chắc tôi sẽ bỏ cuộc. Con ngựa bất kham còn có ngày thuần thục huống chi con người. Những lời nói thẳng thừng, nạt nộ của thầy giáo đỡ làm tôi ngột ngạt. Những câu trêu chọc của bạn bè cũng đã giảm bớt hiệu lực. Con ốc sên đã khởi sự ló đầu ra khỏi chiếc vỏ của nó để nhìn mảnh trời xanh lơ và đón những cơn gió thoảng.

… Rồi ngày qua đi.

Tháng 9 đầu niên học sắp hết.

Hàng ngày tôi vẫn đều đều cắp sách đến trường. Đúng điệu “con nhà lành”. Chỉ biết bài vở. Hầu làm vui lòng cha mẹ, làm vững tin nơi những người trông đợi mình. Để cuối năm thi đậu. Để bắt đầu thực hiện nguyện ước tương lai. Cuộc sống tưởng đã khởi sự độc điệu, êm ả… nếu cô gái ngồi bàn trên không quay xuống ném vội vào lòng cuốn tập của tôi một tờ giấy với những dòng chữ mềm mại:

Anh Nguyễn,

Anh làm xong bài Pháp văn chưa? Cho Uyển mượn xem một chút được không? Uyển chưa làm được chút xíu nào. Giờ sau góp rồi. Uyển lo quá đi mất!

Cám ơn anh Nguyễn trước nhé.

Khi ngẩng mặt lên, tự nhiên ánh mắt tôi đậu lại trên một suối tóc đen huyền. Lần đầu tiên.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG HAI

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>