Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

CHƯƠNG MƯỜI_THIÊN THẦN HAY ÁC QUỈ


CHƯƠNG MƯỜI


Suốt một ngày hôm sau, Phan Hoàng bỏ công theo dõi nhà Tiên tri mà chẳng thu lượm được kết quả gì. Ông Lỗ Nam rất ít đi ra ngoài nên chàng không có nhiều cơ hội nhận xét. Đến tối, Phan Hoàng lại nhà Luật Sư Trung, khi đi ngang Thánh Đường thì gặp Thùy Mai từ trong đó bước ra. Cô gái có vẻ buồn nản như có tâm sự không vui. Thùy Mai báo cho Phan Hoàng biết một tin quan trọng:

- Nội trong vài ngày nữa, chúng tôi sẽ rời thị trấn Vĩnh Quyết vĩnh viễn.

   Nhà điêu khắc giật mình. Nếu ông Lỗ Nam ra đi gấp rút như vậy thì chương trình hành động sẽ bị đảo lộn. Sở dĩ chàng để yên tới hôm nay là muốn tìm bằng chứng kết tội ông ta là thủ phạm đốt thị trấn nhưng đã thế này thì không thể được. Phan Hoàng suy tính thật nhanh, nói:

- Tôi muốn gặp bác một chút.

- Có chuyện gì không anh?

- Rất quan trọng và có liên quan đến vụ án Trần Tuấn sắp xử tiếp trong vài ngày tới.

   Nghe nói thế, Thùy Mai có vẻ sợ hãi và hỏi thêm nhưng Phan Hoàng nhất định không nói. Chàng muốn đặt thẳng vấn đề với nhà Tiên tri để điều đình thu xếp mọi việc ổn thỏa. Dầu sao, ông Lỗ Nam cũng không được rời thị trấn trước khi vụ án Trần Tuấn chấm dứt và Phan Hoàng sẽ sử dụng tất cả phương tiện hầu đạt tới mục đích.

   Và mười phút sau, nhà điêu khắc ngồi đối diện với ông Lỗ Nam. Nhà Tiên tri vẫn với bộ y phục đen, nét mặt khắc khổ, lạnh lùng như bao giờ. Ánh đèn mù mờ trong phòng càng làm bầu không khí có vẻ khn trương và Phan Hoàng có cảm tưởng như đang bước vào một thế giới lạ kỳ, xa cách với đời sống bình thường. Ông Lỗ Nam lên tiếng.

- Cậu gặp ta có chuyện gì quan trọng? Cầu xin một điều gì chăng ?

  Phan Hoàng bực mình trước thái độ ngạo mạn ấy. Chàng đáp sẵng giọng :

- Không. Tôi vừa biết ngài sẽ rời thị trấn trong vài ngày nữa nên tôi đây yêu cầu ngài nán lại một thời gian nữa cho đến khi vụ án đốt thị trấn xong xuôi.

- Ta không thể thỏa mãn lời yêu cầu ấy. Từ khi sinh ra đời tới nay, ta chỉ bắt người khác tuân phục chứ chưa nghe lời ai bao giờ. Hơn nữa ta cần rời thị trấn này thì ta cứ đi.

  Nhà điêu khắc cũng trở nên lạnh lùng không kém. Chàng đổi giọng :

- Nếu thế tôi bắt buộc ngài phải ở lại.

  Ông Lỗ Nam chồm về phía trước:

- Bắt buộc ? Này, hãy cẩn thận lời nói vì ta không quen nghe kiểu nói đó.

- Nếu ngài không quen thì hãy tập nghe. Tôi nhắc lại rằng ngài phải ở lại.

- Vô lý. Cậu nên ra khỏi đây trước khi ta nổi nóng.

- Rời khỏi đây, nếu tôi tới gặp ông Cảnh Sát Trưởng, ngài sẽ bị bắt và lên dàn hỏa về tội bịp bợm trong ba tuần lễ nay. Tôi bắt buộc ngài ở lại vì ngài là kẻ bị tình nghi đốt thị trấn.

- Láo ! Một Trần Tuấn rồi ông Thị Trưởng chưa đủ sao mà còn kéo thêm ta nữa. Ta không có lý do gì để đốt...

- Có. Ngài đốt để thực hiện lời tiên tri của mình hầu khỏi bị lên dàn hỏa. Tôi đã biết tất cả sự thật, ngài không phải nhà tiên tri danh tiếng Lỗ Nam.

  Dưới ánh đèn mờ, Phan Hoàng thấy sắc diện kẻ đối diện tái nhợt đi. Một lát sau, ông ta mới lên tiếng chống chế :

- Cậu căn cứ vào đâu mà dám nói như thế. Ta không phải Lỗ Nam thì...

- Tôi khuyên ông không nên phí thì giờ trong việc biện hộ vô ích. Chúng ta còn nhiều việc phải thảo luận mà tôi là kẻ có quyền đặt mọi điều kiện. Trước hết, tôi muốn ông xác định lại lai lịch của mình dù... Bác Sĩ Nhật, trưởng đoàn y tế đã nói nhiều về ông.

  Nhà tiên tri thở dài buồn nản, biết không thể chối được nên đành phải nhận :

- Phải. Tôi không phải ông Lỗ Nam.

- Vậy tại sao ông tới đây tiên tri đại như thế ?

  Giọng người đối diện trở nên hiền hòa hơn bao giờ hết :

- Cậu hãy nghe đầu đuôi mọi việc. Tôi là Văn Giang, một văn sĩ già với 40 năm cầm bút. Ước vọng duy nhất trong suốt cuộc đời tôi là viết một tác phẩm văn chương vĩ đại lưu truyền cho hậu thế nhưng trong suốt mấy chục năm, tôi thất bại hoàn toàn. Thời gian đi nhanh chóng như một mũi tên qua cửa sổ, tôi thấy mình mỗi lúc một già, chẳng còn xa cách cái chết bao nhiêu nên quyết định thử một lần sau chót. Tôi chọn đề tài CON NGƯỜI TRƯỚC CÁI CHẾT cho tác phẩm vĩ đại để dự định và quyết định sẽ khảo sát tận mắt trước khi viết. Tôi chọn thị trấn Vĩnh Quyết này làm bối cảnh cho câu chuyện nên mới giả ông Lỗ Nam bịa ra lời tiên tri để tạo cho dân chúng ở đây cái cảm tưởng họ đang đứng trước cái chết. Trong suốt 15 ngày qua, tôi đã quan sát tường tận và viết xong cuốn sách đó.

  Phan Hoàng nói:

- Ông có biết việc làm của mình là điên rồ và có thể bị dân chúng ở đây hành quyết không ?

  Ông Lỗ Nam bây giờ phải gọi là Văn Giang mới đúng ôm đầu với dáng điệu khổ sở, đáp:

- Phải. Bây giờ tôi mới nhận thấy mình đã điên vì nghệ thuật. Giấc mộng văn chương ám ảnh suốt cuộc đời đã biến tôi thành kẻ điên khùng có những hành động tai hại.

- Theo tôi, nếu ông chỉ ở đây chừng một tuần rồi trốn đi thì chưa chắc đám cháy đã xảy ra.

- Mới đầu tôi cũng dự định chỉ ở đây vài  ngày nhưng vì quá ham mê văn chương, tôi cứ nán lại và chần chờ tới hôm nay. Tuy nhiên, tôi cho rằng sự hiện diện của mình không liên quan gì đến vụ hỏa hoạn. 

- Vậy có nghĩa là ông không đốt? 

- Phải, tôi thề với cậu như vậy. 

Phan Hoàng chậm rãi nói :

- Đối với tôi, ai là thủ phạm không thành vấn đề nếu vụ đốt thị trấn không dính líu tới Trần Tuấn. Bây giờ, tôi muốn điều đình thẳng với ông:

- Cậu muốn sao ?

- Tôi sẽ không tố cáo ông nhưng ông phải hợp tác với tôi trong việc cứu Trần Tuấn.

- Bằng cách nào ? Tôi hoàn toàn đứng ngoài vụ án từ trước đến giờ.

- Ông phải dùng uy tín của Lỗ Nam can thiệp vào vụ án. Tôi thấy dân chúng ở đây rất tôn sùng và tin tưởng tài tiên tri của Lỗ Nam. Nếu mọi việc êm đẹp, ông sẽ ra đi thong thả, còn ngược lại ông sẽ chết theo Trần Tuấn.

- Đến lúc này, tôi không cần thiết phải sống nữa. Dù tôi chết, con gái tôi cũng sẽ đem xuất bản cuốn CON NGƯỜI TRƯỚC CÁI CHẾT. Đó là một tác phẩm vĩ đại, vĩ đại nhất trong lịch sử văn chương và sẽ tồn tại mãi mãi. Một mạng sống đánh đổi lấy tác phm ấy có chi là quá đáng?

- Trời ơi ! Ông điên vì nghệ thuật rồi. Ông muốn chết thì đó là việc của ông, nhưng Trần Tuấn phải được cứu sống với bất cứ giá nào, Tôi chỉ hỏi ông có bằng lòng điều kiện vừa rồi không?

  Ông Văn Giang không còn nghe rõ lời chàng trai. Ông đang lạc vào thế giới của văn chương, nơi đó ông thấy tác phẩm của mình nổi bật như một vầng trăng sáng rực rỡ huy hoàng. Ôi ! Đó là tất cả ước nguyện của cuộc đời. Ông mỉm cười với sự tưởng tượng ấy nhưng chợt thấy một hình ảnh khác hiện lên trong trí óc. Đó là Thùy Mai, đứa con gái yêu dấu, xinh tươi ở tuổi đôi mươi và có lẽ nó không thể sống nếu thiếu vắng ông. Ông Văn Giang giật mình vì ý nghĩ đó, quay sang Phan Hoàng :

- Được. Tôi bằng lòng dùng uy tín của Lỗ Nam để cứu bạn cậu.

  Nhà điêu khắc gật đầu, toan quay về nhưng chợt quay lại :

- Tôi muốn coi bản thảo cuốn CON NGƯỜI TRƯỚC CÁI CHẾT một chút có được không !

- Dĩ nhiên là có thể. Đối với tôi, chuyện văn chương có thể nói hàng thế kỷ vẫn chưa hết.

   Rồi ông Văn Giang lại bàn, lấy một tập giấy dày gần 300 trang, đưa cho Phan Hoàng. Trong vòng 15 ngày mà viết được gần 300 trang, điều ấy chứng tỏ ông rất say mê văn chương, nhưng chàng trai chợt ngạc nhiên khi nhận ra một điều mới lạ. Bản thảo được viết bằng mực đen với lại ngòi bút rất sắc và đặc biệt là giống hệt như bức thư của kẻ bí mật gửi cho chàng hôm qua. Như thế này có nghĩa là bản thảo của ông Văn Giang và bức thư cùng được viết bằng một cây bút và mặc dầu nét chữ ở hai chỗ hơi khác nhau nhưng người ta có thể cố ý đổi nét chữ đi được. Đúng rồi ! Ở thị trấn Vĩnh Quyết này không có loại mực đen mà chỉ dùng mực xanh. Phan Hoàng đứng ngẩn người trong khi ông Văn Giang lên tiếng :

- Cậu thấy thế nào ?

- À... hay lắm. Đây là một áng văn chương tuyệt tác.

  Phan Hoàng trả lời đại như thế rồi tiếp luôn:

- Thôi, chào ông. Chúng ta sẽ gặp lại nhau vào sáng mai. Chúc ông ngủ ngon.

   Lúc ra về rồi chàng trai mỗi lúc càng nghi ngờ ông Văn Giang. Còn nhiều chuyện bí ẩn chung quanh nhà văn sĩ điên khùng ấy. Phan Hoàng yên chí rằng chính ông ta là thủ phạm đốt thị trấn, và điều ấy ăn sâu vào trí óc đến nỗi đêm hôm đó chàng mơ một giấc mộng kỳ dị. Nhà điêu khắc thấy mình tìm được một cúc áo bằng vàng, xám đen lại vì bụi đất và tro tàn, ở kho hàng đựng rượu tức nơi đám cháy phát ra. Cái cúc áo bằng vàng tất nhiên là của ông Văn Giang vì người dân Vĩnh Quyết không ai có bộ y phục cầu kỳ như thế. Cái cúc áo lại  xám đen vì tro tàn chứng tỏ nó có ở đây trước khi vụ hỏa hoạn xảy ra. Đây! là một bằng chứng tạm đầy đủ và Phan Hoàng lập tức tới gặp ông Văn Giang để chất vấn :

- Ông hãy giải thích tại sao cái cúc áo của mình lại ở nơi đó?

- Tôi... không biết.

- Phải. Làm sao ông nói được? Nhưng thôi, để tôi nói cho mà nghe. Chính ông đã cầm cây đuốc đốt kho hàng nhưng lúc bị Trần Tuấn bắt gặp. Ông sợ quá chạy đi và trong lúc vội vã, móc rách cái áo vào nơi nào đó nên cái cúc áo mới tuột ra và rơi xuống đất...

- Tôi không đốt

- Đừng chối vô ích.

  Ông Văn Giang gục xuống ghế rồi một lát sau mới ngửng lên với cặp mắt kinh hoàng:

- Phải. Chính tôi là thủ phạm. Trong một giây phút điên cuồng, tôi dốt thị trấn để cứu lấy mình. Ba mạng người chết, hơn 100 căn nhà ra tro nhưng đó là vì dân chúng ở đây dồn tôi tới con đường cùng.

- Không. Lỗi ấy do giấc mộng văn chương của ông thì đúng hơn. Tôi đi gặp ông Cảnh Sát Trưởng ngay bây giờ để báo tin cho ông ta biết chính thủ phạm đã nhận tội lỗi.

  Rồi Phan Hoàng chạy nhanh ra cửa nhưng một tiếng thét thất thanh vang lên :

- Trời ơi ! Anh Hoàng !

  Chàng giựt mình dừng lại. Người vừa kêu lên là Thùy Mai. Cô gái từ đâu chạy tới, với một vẻ mặt sợ hãi nắm lấy tay Phan Hoàng:

- Anh Hoàng, tôi van anh đừng tố cáo cha tôi. Cha tôi già, già quá rồi. Hãy để người sống yên vui với chuỗi ngày còn lại,

- Nhưng còn Trần Tuấn ? Tôi không thể bỏ rơi bạn tôi được.

  Lúc này, cặp mắt Thùy Mai đẫm lệ. Cô gái nói với giọng tha thiết, thảm não hơn bao giờ hết :

- Làm sao tôi có thể sống được nếu phải chứng kiến cảnh cha tôi lên giàn hỏa ? Anh Hoàng, tôi van anh chúng tôi chỉ có hai cha con với nhau. Anh nỡ nào . . .

- Nếu tôi không nói, kẻ vô tội là Trần Tuấn sẽ lên giàn hỏa. Cô nghĩ sao về chuyện này chứ ?

- Việc đó cha tôi đã hứa cứu bạn anh. Dầu sao, anh không nỡ tố cáo cha tôi chứ anh Hoàng ? Anh nhìn đi, cha tôi là hình ảnh của một cuộc đời vất vả, thất bại. Mái tóc người đã bạc trắng và tuổi đời cũng đã xế chiều. Đó là nguồn tình thương duy nhất của tôi.

   Phan Hoàng ngửng lên nhìn Văn Giang và thấy lời Thùy Mai nói là đúng. Người văn sĩ già ấy đáng thương hơn là đáng ghét. Rồi Thùy Mai nữa, khuôn mặt cô đầy vẻ kinh hoàng nhưng qua làn nước mắt vẫn còn một tia hy vọng. Cô gái đang chờ đợi một ân huệ ở Phan Hoàng như một tín đồ ngoan đạo van xin thượng đế. Một lời nói của chàng c này sẽ quyết định dứt khoát... Nhưng trời ơi ! Phan Hoàng thấy khó xử quá. Chàng biết mình không thể vì tình cảm mà bỏ rơi Trần Tuấn nhưng cũng không có can đảm đi tố cáo. Thùy Mai, cô gái đáng thương không thể sống nếu thiếu vắng người cha già. Làm sao bây giờ ? Phan Hoàng vô cùng bối rối với câu hỏi ấy nhưng may thay, đúng lúc đó chàng giựt mình tỉnh giấc mơ. Phan Hoàng vẫn nằm trên giường, mồ hôi ra ướt đẫm và tất cả những việc vừa rồi chỉ là giấc mộng. Một giấc mộng hãi hùng làm Phan Hoàng chợt cảm thấy sợ sự thật. Phải, nếu cuộc điều tra đi đến chỗ ông Văn Giang là thủ phạm thật nhưng gặp cảnh vừa rồi thì liệu chàng có can đảm đi tố cáo không ? Đó là một trường hợp nan giải và làm lung lay cái ý chí tìm cho bằng được thủ phạm của Phan Hoàng. Có lẽ mình nên giải quyết vụ án êm đẹp chừng nào tốt chừng ấy và mong sao không có ai phải chết.

_______________________________________________________________ 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>