CHƯƠNG BẢY
Luật
sư Trung và Phan Hoàng vào ngục thăm Trần Tuấn dù là nhà điêu khắc không có hy
vọng khai thác được gì ở người bạn. Tuấn bị giam trong ngôi nhà tù dành cho tử
tội với những bức tường chắc chắn và cánh cửa sắt lúc nào cũng được khóa chặt.
Bầu không khí thật nặng nề đe dọa và thời gian như kéo dài ra đối với những kẻ
đợi chờ trong khám tối .
-
Tuấn, tôi đã vận động để luật sư Trung biện hộ cho anh vào ngày mai. Chúng tôi
vào đây gặp anh lần cuối trước khi phiên tòa khai mạc.
Trần
Tuấn ngửng lên. Phan Hoàng thấy rõ nét mặt bạn tươi trẻ hẳn lại, nét mặt của những
người yêu đời nhất trên thế gian này và dĩ nhiên là chưa muốn chết. Chàng mừng
thầm trong khi Tuấn lên tiếng, một giọng nói đã bớt phần bi quan và lạ lùng hơn
lần trước :
- Cảm ơn mỹ ý của anh và cám ơn cả Luật sư
nữa. Tôi đang phân vân và chờ đợi ngày mai.
Luật
sư Trung nói:
- Nếu cậu muốn tôi biện hộ thật hùng hồn
và có kết quả thì cậu phải nói sự thật. Tôi là Luật sư tất không hại thân chủ của
mình, cậu có thể an tâm về điểm đó.
Trần
Tuấn mỉm cười, một cái cười thật hiếm có mà có lẽ trong suốt thời gian quen
nhau Phan Hoàng mới thấy lần đầu tiên. Sự vui vẻ thái quá của bạn làm chàng ngạc
nhiên không ít. Trần Tuấn thay đổi đột ngột và lạ lùng không thể tưởng tượng được,
mới hôm qua thì bi quan đòi chết mà bữa nay lại cười tươi như hoa. Trần Tuấn
nói:
- Bây giờ Luật sư muốn tôi làm gì?
- Trước hết, tôi muốn cậu xác định lại cho
chắc chắn. Cậu có đốt thị trấn không?
- Không ! Thưa Luật sư ông cũng có thể nhận
thấy lời tôi nói là thành thực vì tôi không có được lợi lộc gì trong trận hỏa
hoạn ở thị trấn
- Tốt lắm. Tôi nghe cậu Hoàng nói rằng cậu
biết thủ phạm là ai phải không?
- Vâng. Nhưng thưa luật sư, ông hãy để tôi
giấu kín tính danh người đó.
Phan
Hoàng kêu lên:
- Anh còn giữ ý định đó sao Tuấn? Ngày mai
là xử án rồi.
- Không hẳn như vậy đâu Hoàng. Tôi sẽ dành
cho anh một sự ngạc nhiên là nói tên thủ phạm ngay trong phiên tòa, trước khi bị
tuyên án.
Ông
Trung xen vào, khuyên Trần Tuấn:
- Nhưng anh nên nói trước với tôi vì tôi
là Luật sư biện hộ. Anh phải để tôi nắm vững vấn đề khi ra trước tòa án chứ.
- Tôi không thể nói ngay bây giờ được
nhưng mọi người sẽ đều sửng sốt khi nghe tên thủ phạm. Hắn là một nhân vật quen
thuộc, thật quen thuộc trong thị trấn này.
- Ông Lỗ Nam phải không?
Trần
Tuấn nghe thế chợt im lặng không xác nhận hay phủ nhận.
Ông
Trung cũng có vẻ lơ là nói:
- Cậu muốn thế cũng được nhưng sau này có
xảy ra việc gì cũng đừng oán trách tôi.
- Thưa ông tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm
về chuyện đó.
- Vậy chúng ta qua vấn đề khác:
cô bé gái nhân chứng. Nó nói rằng khi lửa bắt đầu cháy, nó thấy cậu đứng sững ở
cửa kho hàng, tay cầm cây đuốc đang bắt lửa vào vách và cháy lan. Điều ấy có
đúng không?
- Không. Tôi nhận rằng có đứng trước cửa
kho nhưng không hề cầm cây đuốc nào cả.
Phan
Hoàng lẫn ông Trung đều tỏ vẻ phân vân và lo ngại ở điểm này. Trần Tuấn nói tiếp:
- Có lẽ ai cũng ghét tôi, ngay cả đứa trẻ
con nên mới vu oan như vậy. Sự thực là tôi không đốt và không bao giờ đốt thị
trấn.
- Vậy cô bé đã nói láo sao? Nó mới 12 tuổi.
- Chính vì cái bộ dạng trẻ con, 12 tuổi đó
nên người ta mới tin và tôi phải khốn khổ như thế này. Nó nói láo, hoàn toàn
láo.
Trần
Tuấn nói câu ấy hơi lớn vì đang tức giận. Phan Hoàng an ủi bạn:
- Tôi tin anh sẽ trắng án khi nói tên thủ
phạm. Công lý bao giờ cũng thắng và kẻ có tội phải đền tội. Thôi bấy nhiêu cũng
đủ rồi. Chúng ta về chứ, Luật sư.
Ông
Trung gật đầu bước ra trong khi Phan Hoàng nán lại hỏi bạn thêm vài câu:
- Anh Tuấn, anh cho tôi biết nguyên nhân
nào khiến anh đổi ý kiến, chịu khai tên thủ phạm như vậy?
- À, đó là vì một giấc mơ. Đêm qua, tôi nằm
thiếp đi, mơ thấy mình hồi còn nhỏ, chạy nhảy nô đùa bên dòng suối trong mát,
những lần câu cá bên bờ ao, leo núi… Trong giấc mơ, cha tôi ôm tôi vào lòng mà
dặn rằng: “Tuấn, con phải nhớ sống là tranh đấu, tất cả những sinh vật từ nhỏ
bé như loài kiến, to lớn như con voi, sống ở dưới nước như loài cá hay bay trên
trời như chim muông, chúng muốn tồn tại thì phải tranh đấu, chống lại kẻ thù của
chúng như những loài vật khác, thiên nhiên hiểm nguy hay chính đồng loại”. Và
tôi tỉnh giấc mộng ở đó, nghĩ rằng cha mẹ tôi chưa muốn tôi chết mà người muốn
tôi phải tranh đấu, tranh đấu tới giây phút cuối cùng.
Phan
Hoàng đứng nghe, mừng thầm cho bạn. Chàng cất tiếng nói câu sau
chót:
- Nếu vậy thì tốt lắm. Anh phải tranh đấu
và luôn luôn nhớ rằng mình đang đứng trước vực thẳm. Ông Thị Trưởng ở đây đang
làm áp lực để đẩy anh vào chỗ chết mà tôi còn sợ không biết quan Tòa có giữ nổi
sự công bằng, vô tư trong lúc xử án không.
- Được. Tôi hiểu rằng xã hội con người
còn nhiều chông gai, cạm bẫy hơn bất cứ xã hội của loài sinh vật nào. Tôi hứa với
anh sẽ cố gắng mà nói tên thủ phạm công khai trước phiên tòa sáng mai.
- Thôi, chào anh.
Lúc
ra, Phan Hoàng gặp Luật sư Trung đang đứng đợi chàng ở lề đường. Ông nói:
- Tôi thấy giả thuyết của cậu có lẽ đúng.
Thái độ im lặng của Trần Tuấn khi nghe tên Lỗ Nam cho phép tôi đồng ý với cậu về
thủ phạm đốt thị trấn.
Phan
Hoàng cao hứng đáp:
- Ngày mai, tôi sẽ được một pha thích thú
nhìn dân chúng ở đây chưng hửng khi nghe tới tên Lỗ Nam. Có ai ngờ được nhà
tiên tri danh tiếng lừng lẫy, nhiều uy tín lại có thể làm công việc đốt thị trấn.
Cho họ biết từ nay đừng bao giờ xét người theo bề ngoài.
- Nhưng còn con bé nhân chứng. Tôi thấy lời
khai của nó rất quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến kết quả vụ án. Tôi muốn chúng
ta đi gặp nó ngay bây giờ.
- Được. Nó là con ông Trực, nhân viên ở
Tòa Thị Sảnh
Và
hai người sánh vai nhau cất bước. Bỗng cả hai cùng đứng dừng lại, nhìn về phía
giáo đường. Ở đấy người ta vừa khiêng ra ba chiếc quan tài, quan tài của những
người chết trong trận hỏa hoạn vừa rồi, với những nẹp đồng viền cạnh, góc hòm
phản chiếu lấp lánh dưới mặt trời. Không một tiếng kèn đám ma mà bầu không khí ở
thị trấn thật nặng nề. Thời gian như dừng lại vì dân chúng Vĩnh
Quyết hầu hết đều nghỉ việc để đi đưa đám tang. Trên gương mặt họ Phan Hoàng đọc
được nỗi căm hờn tột độ và chàng biết giờ này, họ là những người nguy hiểm hơn
bao giờ hết. Phan Hoàng nói nhỏ với ông Trung:
- Tôi vô ý quá, không tới chia buồn với
gia đình nạn nhân.
- Điều đó không quan trọng vì chính nhà cậu
cũng cháy trong vụ hỏa hoạn. Tôi chỉ sợ những người đưa ma biến thành đám biểu
tình. Họ dám phá ngục, xông vào giết Trần Tuấn lắm.
Câu
nói làm Phan Hoàng giật mình sợ hãi. Phải lắm, sức mạnh của dân chúng trong cơn
phẫn nộ thật là ghê gớm và không có gì ngăn cản được . Chàng toát mồ hôi lạnh
theo dõi những bước chân âm thầm nhưng ngầm chứa nguy hiểm. “Họ có thể nổi giận
bất cứ lúc nào” Phan Hoàng nghĩ thế trong khi đám tang vẫn từ từ di chuyển. Khoảng
không gian thật yên lặng nặng nề và những chiếc quan tài với những vòng hoa
tươi nổi bật trên mầu sơn xám nhạt. Đoàn người
tiến tới gần và khi đi qua chỗ chàng và Luật sư Trung, họ ném những cái nhìn
thiếu thiện cảm, đầy hăm dọa nhưng may mắn là không có việc gì xảy ra. Đoàn người
đi qua nhà giam Trần Tuấn và khuất dần đàng xa. Ông Trung thở phào:
- May quá. Những người đó nguy hiểm như
thuốc nổ.
Phan
Hoàng cúi đầu, cắn chặt môi rồi nói:
- Thôi, chúng ta không có nhiều thì giờ,
còn nhiều việc quan trọng phải làm.
Và
hai người cất bước trong sự buồn nản và lo lắng. Họ có cảm tưởng lạc lõng giữa
thị trấn Vĩnh Quyết và thấy cảm thông với Trần Tuấn, con người suốt đời sống
trong sự cô đơn bạc đãi của xã hội. Tiếng Phan Hoàng chợt nổi lên:
- Con bé nhân chứng kìa Luật sư. Chúng ta
khỏi mất công tới nhà nó nữa.
Theo
ngón tay của nhà điêu khắc, ông Trung thấy một đứa bé gái, vận một bộ quần áo hồng
nhạt, trông rất mũm mĩm dễ thương. Ông vội gọi:
- Cháu này, bác muốn hỏi thăm một chút có
được không?
Con
bé quay lại, mở to đôi mắt ngây thơ rồi toét miệng cười thật tươi làm Phan
Hoàng phải mỉm cười trả lại. Chàng cúi xuống, nói thật nhỏ nhẹ:
- Cháu tên là Phượng phải không?
- Phải, cháu tên Ngọc Phượng, con của ba
cháu.
Câu
trả lời làm cả hai bật cười giòn giã và thấy vui lên một chút.
Phan
Hoàng hỏi:
- Tối hôm hỏa hoạn, cháu là nhân chứng duy
nhất thấy thủ phạm phải không?
- Nhân chứng là gì hả chú?
- À, nói thế này cho dễ hiểu. Tối hôm đó,
cháu có thấy ai đốt thị trấn không?
- Ông Tuấn chứ còn ai. Cháu có nói rồi,
ông Tuấn tay cầm cây đuốc ngùn ngụt cháy trong khi lửa bắt ra chung quanh.
Phan
Hoàng thất vọng nhìn Luật sư Trung, con bé có vẻ thành thật lắm. Ông Trung suy
nghĩ một chút rồi cúi xuống, trắc nghiệm thử:
- Cháu này, ông Tuấn đáng ghét quá nhỉ.
Bác không ưa ông ấy một điểm nào.
Con
bé quả nhiên mắc lừa, nói ngay:
- Ờ, cháu ghét ông ấy lắm. Người gì mà dữ
ghê gớm. Mỗi lần thấy ông ta đi ngang, tụi cháu muốn nín thở luôn. Cháu mong
ông Tuấn chết càng sớm càng tốt. Cả cha mẹ cháu cũng không ưa ông ấy.
Luật
sư Trung mỉm cười, nói thật chậm rãi.
- Nhưng bác biết ông Tuấn không đốt. Tối hôm
đó, chính bác đứng ở gần và trông rõ ràng.
- Bác có đứng ở đó sao?
Bé
Phượng nói với vẻ lo sợ và phụng phịu muốn khóc. Phan Hoàng xen vào:
- Cháu nên nói thật đi. Nói dối là một
tính xấu và sẽ bị la rầy. Chú đã biết hết sự thực nhưng sẽ không làm gì cháu
đâu.
- Cháu không biết gì hết. Cháu…
- Đừng nói thế. Cháu phải hiểu rằng lời
khai trước Tòa của cháu có thể giết oan một mạng người hay cứu được kẻ vô tội.
Cháu còn nhỏ, phải tập tính thành thật vì… nếu chết oan, ông Tuấn sẽ thành ma,
và hiện về bóp cổ những đứa trẻ nói dối.
Con
bé trông có vẻ sợ hãi thật sự. Nó hỏi lại, mặt mày tái mét:
- Ông Tuấn thành ma hả chú?
- Ờ, vì vậy cháu phải nói thật. Chú sẽ
không làm gì cháu đâu.
- Vậy để cháu nói. Cháu có thấy ông Tuấn đứng
ở kho hàng nhưng tay không cầm gì hết. Cây đuốc được ai bỏ vào kho từ trước,
cháu không biết.
- Tốt lắm, ngày mai ra trước tòa, cháu hãy
nói như hôm nay. Người chết sẽ thành ma, một con ma trắng toát với cặp mắt sâu
hoắm, cái lưỡi dài đỏ như máu và bàn tay lạnh ngắt dùng để bóp cổ. Cháu nhớ chứ?
- Vâng. Cháu không dám nói dối nữa. Thôi,
chú cho phép cháu về.
Rồi
con bé đâm đầu chạy ù một mạch. Phan Hoàng ngửng lên trong khi ông Trung cười lớn,
vỗ vai chàng trai trẻ:
- Tôi không ngờ cậu giỏi nghề dọa trẻ con
như thế. Cậu tả con ma mà tôi cũng muốn cười… ngất.
___________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG TÁM