Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

CHƯƠNG BA_TRỞ VỀ TÂM TƯ


Ba


Đột nhiên có một khoảng khắc mưa lay phay. Thật lạ và thật hiếm ở thành phố có nhiều nắng cháy này. Mưa như để tiễn biệt mùa thu và đón đông về. Gió lành lạnh bắt thèm hơi ấm. Tôi đi bên này đường và Uyển phía bên kia. Hôm nay nàng mặc thêm chiếc áo len mầu vàng. Mầu của anh về yêu hoa cúc. Gần nhau đấy mà xa nhau vời vợi. Ngày nao cũng vậy tôi và Uyển cùng về chung lối. Lòng đường xe chạy như một dòng sông vĩnh viễn ngăn cách. Bao giờ tôi cũng đi phía sau. Để được nhìn dáng đi dịu dàng của Uyển. Để nhìn Uyển ôm nghiêng tập vở. Nhìn tóc dài tà áo vờn bay. Tôi vẫn thầm ước được sóng bước bên Uyển. Để hai đứa cùng trò chuyện với nhau. Để tôi giải thích cho Uyển hiểu là tôi không giận Uyển, nhưng sở dĩ tôi tránh Uyển, không hồi âm những lá thư nho nhỏ của Uyển chỉ vì tôi chưa tìm ra được cách thức cắt nghĩa cho Uyển hiểu những mộng ước của tôi. Để nói cho Uyển hay là mấy ngày nay hình ảnh Uyển làm xao xuyến tâm hồn tôi, hiện đến trong giấc ngủ, đậu trên sách vở, bắt tôi chia trí khi học bài, làm máu bật dậy trong tim bấy lâu yên ổn. Một ngày, một tuần tôi thấy thật lâu và buồn chán. Tuy nhiên tôi vẫn chưa hiểu nổi tình cảm của tôi. Nghĩ tới tôi chỉ hoảng hốt chứ không dám dừng lại phân tích. Cho đến bây giờ tôi vẫn ngạc nhiên tại sao tôi lại quá bận tâm đến Uyển như thế. Con người tôi như đã hoàn toàn thay đổi. Thật chóng. Từ một học trò quận lỵ nhút nhát và mặc cảm tôi hiện trở thành một người tình si. Tôi sợ. Tôi muốn quên Uyển hay ít nữa cứ coi Uyển như bao người bạn khác trong lớp. Nhưng không được. Tôi đã thua trận nhiều lần. Tôi thua tôi. Tôi thua Uyển. Uyển bắt tôi nhớ, bắt tôi vào tận lớp học, về tới nhà còn ngẩn ngơ. Và tôi đang nghĩ cách để làm hòa với Uyển, để được nghe Uyển nói, để lại nhận được những mảnh giấy quen thuộc. Một ngày qua đi là một ngày tôi nuối tiếc. Tôi ân hận rất nhiều đã vô tình tạo ra tình trạng này. Tuy nhiên tôi vẫn lại không dám đến với Uyển. Một vài lần khi bắt gặp tôi nhìn nàng, Uyển vội quay mặt đi. Tôi buồn hơn.

Uyển vẫn đi trước mặt tôi bên kia đường. Một hai đứa con trai cùng lớp chạy theo rồi đi bên cạnh Uyển. Uyển bắt chuyện thì phải. Tự dưng tôi ghét bọn đó lạ. Nhìn từng đám học trò vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ, hồn nhiên, tôi thèm, tôi thấy mình cô độc. Một bài hát nào đó tôi vẫn thường nghe hiện về với tôi: Tous les garçons et les filles de mon âge se promènent dans la rue, deux pas deux, et la main dans la main, les yeux dans yeux. Oui, mais moi, je vais seul, l’âme en peine…

Mưa vẫn lay phay. Tôi nghe rõ tiếng dép của tôi lê trên mặt đường.

Cơm trưa xong, tôi tìm ra ngoài hành lang. Dạo này tôi thích được sống một mình. Chính trong những giây phút đơn độc này tôi mới gặp được con người của tôi. Lại có cả hình ảnh Uyển đến với tôi nữa. Ai mà chẳng muốn có một thế giới riêng. Tôi cũng vậy, dù biết rằng mình hiện hữu trong cơn khủng hoảng…

Chợt chú Thịnh xuất hiện, tiến về phía tôi. Biết không thể lẩn tránh, tôi làm bộ tự nhiên, nhìn những chòm cây lao xao trong gió. Tới gần tôi, chú Thịnh mỉm cười:

- Đang mơ mộng gì phải không?

Tôi giật mình. Chú Thịnh nói đùa hay vì đã đọc được những xao xuyến trong mắt tôi? Tuy nhiên thấy chú vẫn cười nụ, tôi hơi an tâm nhưng lại không biết trả lời sao. Giọng chú Thịnh pha lẫn chút đùa cợt:

- Khi người ta ở một mình hẳn phải có điều gì suy tư.

Tôi đỏ mặt, chối:

- Dạ… đâu có.

Tuy vẫn biết chú là người rất trẻ trung, cấp tiến và cởi mở, tôi lo sao đâu. Chú ngồi xuống cạnh tôi:

- Cháu đi học có vui không?

- Dạ… vui.

- Định mấy lần hỏi chuyện cháu mà chú bận quá thể.

Không hiểu sao tôi có cảm tưởng chú Thịnh đang giăng bẫy để bắt con mồi. Tôi hồi hộp chờ đợi để đối phó.

- À, tháng rồi cháu đứng hạng mấy?

- Hạng năm… Tháng đầu cháu đứng nhì.

Chú Thịnh cười:

- Thụt lùi rồi nhá!

- Tại cháu bị… một bài toán dưới điểm trung bình.

Tôi đã nói dối. Tại Uyển. Những giao động đầu đời đã không để tôi cầm trí trọn vẹn mỗi khi ngồi học. Hồn lơ đãng mộng ra ngoài cửa lớp. Nhưng làm sao tôi có thể thố lộ với chú Thịnh.

- Về học, so sánh với những học sinh trên này cháu thấy cháu thế nào?

- Ngoài môn toán cháu hơi yếu, còn thì trội hơn họ về các môn khác.

- Cháu muốn đi học thêm toán nữa không?

- Thưa chú, cháu nghĩ không cần thiết lắm. Cháu sẽ cố gắng nữa.

- Chú tin cháu. Nhớ đừng bao giờ chểnh mảng phụ lòng cha mẹ cháu. Gia đình trông chờ ở cháu nhiều lắm đấy.

- Vâng.

Dần dần tôi trở nên dạn dĩ, trao đổi với chú những nhận xét về học vấn, sinh hoạt trong lớp. Chú Thịnh có vẻ bằng lòng:

- Chắc cháu không gặp khó khăn gì lắm chứ nhỉ?

- Khởi đầu cháu bỡ ngỡ kinh khủng, nhưng nay thì quen rồi.

- Dĩ nhiên, mấy ai có thể thích ứng ngay được với một môi trường mới. Thí dụ như bây giờ đưa học sinh trên này về dưới tỉnh lẻ, họ cũng mất tự nhiên thời gian đầu, sau rồi quen. Việc cháu lên đây học trước như vậy chú nghĩ sẽ giúp cháu dễ dàng hơn khi bước chân lên Đại học.

- Nhưng… nguy hiểm!

- Sao, cháu?

- Ơ… dạ không.

Tôi lỡ lời. Tôi buột miệng nói “nguy hiểm” chỉ vì Uyển vừa chợt hiện đến trong tâm trí tôi. May mà chú Thịnh không hỏi thêm, nếu có thì tôi sẽ chẳng biết phải giải thích sao cho tự nhiên và cụ thể. Tôi không muốn là một tên trộm khờ khạo. Tiếng chú Thịnh mơ hồ bên tai tôi. Hình như chú đang nói về những hy sinh và những kỳ vọng của cha mẹ tôi. Tôi đang bận với từng đường nét của hình ảnh Uyển. Nàng diễm tuyệt quá. Cha mẹ thì vẫn tin cẩn con nhưng nào biết được những uẩn khúc trong lòng con. Cha mẹ ơi, con đây đang lao đao vì một cô gái dễ thương vô cùng. Phải chăng con đã phụ lòng tin yêu của cha mẹ? Con lo ghê đi nhưng con cũng không biết phải làm sao để quên Uyển. Hồn con đang chơi vơi. Tim con đang căng máu. Con người con toàn diện thức dậy sau những năm tháng ngủ dài. Nếu nàng công chúa trong huyền thoại sau thời gian một trăm năm yên giấc, thức dậy nhờ nụ hôn của hoàng tử, ngạc nhiên và thích thú trước vẻ đẹp của lá hoa, của mây bay và trời xanh thì hiện tại con cũng vậy. Những giao động đầu đời như những nốt nhạc tuyệt vời lan trong từng tế bào, từng li ti huyết quản tưởng chừng sẽ không bao giờ ngưng. Con cũng không còn đủ ý thức để hiểu là mình đang thực tế hay đang sống trong một giấc mơ huyền thoại. Con chỉ biết vạn vật chung quanh con đều đáng yêu, được kết bằng những tơ trời, huyền ảo mà nếu con cử động mạnh là tất cả sẽ tan biến ngay.

Tiếng chú Thịnh đưa tôi về thực tại:

- Lớp cháu học “mixte” phải không?

- Vâng.

- Như thế lại càng vui, cháu nhỉ?

Câu nói được kèm theo nụ cười chúm chím có vẻ bí mật khiến tôi lại nghĩ tới cửa bẫy vừa được kéo lên để chờ tôi vô ý bước vào là sập xuống. Tôi ậm ự cho qua và để lấp khoảng trống:

- Dạ… vâng.

- Nhưng này, đừng để vướng vào hình bóng nào nhá!

Và tiếp theo là nụ cười trên môi chú Thịnh thành tiếng vỡ ra.

Thế là cả buổi trưa không ngủ và buổi chiều không cầm trí nổi vào sách vở, tôi khắc khoải với câu nói của chú Thịnh. Tôi cứ tự hỏi, chú nói đùa, vô tình hay thật sự, ám chỉ gì… để rồi tôi lại càng lo lắng trăm mối. Tôi nhớ mình chưa lần nào thố lộ cho ai nghe về những giao du và những tình cảm nẩy nở giữa tôi và Uyển. Tôi chỉ lo chú Thịnh biết chuyện rồi mách cha mẹ tôi. Ắt hẳn những người vẫn tin tưởng và hy vọng nơi tôi sẽ buồn lòng. Buổi tối, tôi nhai cơm mà không cảm thấy mùi vị gì. Tôi đẫn đờ cả người.

Tôi gấp sách lại rồi ngồi đưa mắt nhìn vu vơ qua khung cửa sổ. Bầu trời đêm nay lốm đốm những vì sao. Hoa trên trời là sao. Sao dưới đất là hoa. Một thi sĩ Nhật Bản nào đó đã viết vậy. Giờ này Uyển đang làm gì nhỉ? Học bài, xem tivi hay đã đi ngủ rồi? Không hiểu trong giấc mơ có lần nào Uyển mơ thấy tôi không? Tôi thì nhiều lần gặp Uyển rồi. Mỗi lần mơ thấy Uyển, sáng hôm sau tôi vui và yêu đời lắm. Bỗng tôi thấy một vì sao đổi ngôi, kéo một vệt sáng dài trên nền trời tím đậm. Tôi nhớ có lần trong kỳ hè khi trả lời cho đứa em gái về “hiện tượng sao đổi ngôi” tôi đã nói đùa đó là những vì-sao-thông-tín-viên của thế giới tinh tú; nó đổi từ vị trí này qua nơi khác là để mang thư, mang tin cho những ngôi sao khác ấy. Tôi muốn gọi vì-sao-thông-tín-viên vừa bay qua tầm mắt tôi dừng lại để tôi nhờ mang tin đến cho Uyển: “Uyển ơi, Nguyễn đang nghĩ và nhớ về Uyển lắm”… Nhưng, giá không giận nhau, sáng mai đi học thể nào tôi cũng kể cho Uyển nghe về chuyện sao đổi ngôi đêm nay. Để Uyển cùng vui với tôi. Tôi thích nhìn Uyển cười. Nhưng biết làm cách nào để làm hòa với Uyển? Nghĩ vu vơ đến gần nửa đêm tôi mới đứng lên đi ngủ.

Tôi chợt tỉnh giấc khi cơn nghẹn đưa lên cổ. Khó thở lạ lùng. Cả nhà đang ngủ say. Người tôi lạnh toát, rịn mồ hôi. Đầu nặng và quay cuồng. Chiếc chăn, lại thêm tấm “drap” không đủ làm dịu những cơn rùng mình chạy trên da thịt. Tôi đoán mình bị cảm rồi. Một cơn gió độc? Hay hậu quả của việc nằm ngủ phanh áo khi trong người đã ngây ngấy từ hồi chiều? Tôi thèm một ly nước lạnh để làm dịu những tế bào cháy khô trong cổ họng. Muốn bước xuống khỏi giường nhưng tôi thấy toàn thân mình nặng như đeo cả chục khối đá. Bây giờ tôi mới tiếc lọ dầu nóng do mẹ tôi bắt đem theo người nhưng rồi đã bị tôi lén để lại nhà.

Thế là tôi bị liệt giường. Dễ dàng và nặng đến không ngờ.

Một ngày, rồi ba bốn ngày qua đi, tôi không đứng dậy nổi. Chú Thịnh đã đưa tôi đi bác sĩ và rồi một chồng thuốc đã nằm trên mặt bàn. Nằm nghĩ các bạn đang vui vẻ bên cạnh sách vở, tôi bắt thèm sao đâu. Tôi nhớ chỗ ngồi, nhớ bảng đen, bụi phấn bay, nhớ giọng thầy giảng bài và nhất là nhớ mái tóc huyền đen trước mặt. Một ngày qua đi tôi nghe nuối tiếc dâng đầy. Sự vắng mặt của tôi có gây chú ý cho Uyển không? Hẳn Uyển còn mải vui với bạn bè, chắc gì nàng để một giây phút nghĩ về tôi? Người ta bảo con gái chóng quên lắm. Tôi cố gắng xua đuổi những ý nghĩ vu vơ để đầu óc thanh thoải. Mấy ngày đau yếu cho tôi nhìn lại dĩ vãng. Hai tháng giao động. Hai tháng nổi lửa. Hai tháng lơ là sách vở. Hai tháng giảm bớt thiết tha theo đuổi nguyện ước tương lai. Hai tháng chơi vơi với hình ảnh người con gái đầu đời. Bao lần tự hứa sẽ quên Uyển, sẽ chăm chú vào việc học để cuối năm thi đậu, nhưng sau đó tình cảm lại càng thiết tha hơn.

Xa gia đình, những ngày đau yếu mới cảm thấy thấm thía mình cô độc hơn cả. Trong nhà thì người nào đã việc nấy : chú thím Thịnh đều đi làm từ sáng sớm đến chiều tối mới về. Người giúp việc mỗi bữa bưng lên tô cháo trắng, với đường, quả chuối, ít bánh bích-qui. Thèm được những câu hỏi han, an ủi. Thèm được bàn tay sung mãn tình thương đặt trên trán. Thèm được ly nước đưa tới tận môi. Không có. Chung quanh thinh lặng như tờ. Thỉnh thoảng có con thạch sùng tắc lưỡi trên tường hay chuột rúc rích dưới gầm tủ. Căn phòng trơ lạnh với những vật dụng vô tri giác. Tôi nhớ mẹ đến quay quắt. Giá ở nhà mẹ đã vội ra chợ mua chục cam về vắt nước cho uống, đã cuống quít lo thuốc thang, đã thao thức suốt đêm bên giường. Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào. Bây giờ thì mẹ ở mãi dưới quận lỵ, xa vời vợi, đâu biết con đau, đâu biết con nhớ mẹ. Tôi cắn đôi môi se khô cho niềm tủi thân dừng lại trong lồng ngực. Mẹ!

Vào một buổi chiều, Bạch dẫn vài người bạn cùng lớp tới thăm tôi. Từ ngoài cổng tiếng cười nói đã nghe ròn tan. Tôi mừng được có người để nói chuyện. Tôi hỏi những việc ở trường, ở lớp học. Linh bảo:

- Trường mình đang tổ chức tuần lễ kỷ luật. Vui kinh khủng.

- Sao vui?

- Lớp nào cũng muốn đứng nhất, ganh nhau chí chóe. Nhiều lớp dám xuất tiền túi ra mua khăn trải bàn giáo sư, mua bình hoa, lại còn mỗi giờ rót nước cho các thầy nữa.

- Ai chấm điểm?

- Sau mỗi giờ các giáo sư phụ trách lớp cho điểm liền.

- Thế lớp mình được khá điểm chưa?

Chương chen vào – Chương được bầu làm trưởng lớp tôi:

- Khá mẹ gì! Hôm qua được 120 điểm, sáng nay lại bị trừ mất một nửa.

Tôi nhích người lên thành giường, ngạc nhiên:

- Ủa, sao vậy?

Sau cái vung tay, giọng Chương có vẻ thất vọng:

- Tại mấy “em” lớp mình!

- Chuyện gì thế?

- Ăn vụng trong lớp!

Tôi nhếch môi cười theo các bạn. Chương kể tiếp:

- Thật ra chuyện các “em” ăn vụng trong lớp đâu có lạ gì. Thường xuyên! Nhưng đàng này không biết chùi miệng mới chết thiên hạ chứ. À, mà cậu biết các “em” ăn vụng gì không?

- Gì?

- Không thể tưởng tượng nổi, đến thánh cũng phải ngạc nhiên. Hột vịt lộn!

- Vịt lộn? Vô lý! Ăn sao được?

- Thế mới tài! Đã bảo không thể tưởng tượng nổi mà. Cả dẫy bàn trên đều đồng lõa hết.

Tôi ngừng cử động, chăm chú hơn vào câu chuyện. Cả dẫy bàn trên, tức là trong số đó có cả Uyển. Tôi giục Chương:

- Tiếp đi. Rồi sao?

Giọng Chương chậm rãi:

- Giáo sư toán tới trễ, mấy “em” tưởng được nghỉ, rủ nhau đi “đớp” quà. Một lúc sau ông thầy đến, các “em” hoảng hồn chạy về lớp đem theo cả những trái vịt lộn đang “thanh toán” dở dang. Sáng nay ông thầy bị đau nên cho làm bài tập. Lợi dụng lúc thầy chép đề trên bảng, các “em” lại “làm” tiếp. Bọn con trai ngồi dưới thấy vậy xì xào rồi khúc khích cười. Ông thầy không nói gì cả. Các “em” được thể cứ “tiếp tục chương trình”. Nhưng rủi cho cái “em” gì… tóc dài ngồi trước mặt cậu đó, lại đánh rơi một trái vịt lộn xuống sàn đúng lúc ông thầy quay xuống. Thế là đổ bể!

Tôi đã hiểu Chương muốn nói tới ai. Tim tôi đột nhiên rộn lên. Tôi háo hức như người nhận được tin của một người ruột thịt đã mất lên lạc cả chục năm trường.

Chương kể tiếp:

- Cả bàn bị khám phá ra với những “tang vật bất hủ”! Ông thầy nổi nóng la một trận tơi bời.

- Rồi sao? Có phạt không?

- Phạt là cái chắc. Ông toán “dur” có tiếng!

- Phạt gì?

- Ông ấy cho hai điều kiện : một là các “em” đứng quay mặt xuống lớp rồi ăn vịt lộn tiếp cho mọi người xem, hai là ra hành lang với quả trứng trên tay.

- Họ chọn giải pháp nào?

- Ra hành lang đứng.

- Rồi sao?

- Đã không biết lỗi, ba bốn “em” gì đó lại còn cà rỡn nữa. Ông thầy nổi sùng cho mời Tổng Giám Thị lên. Lại một phen được nghe giảng “đạo đức học” nữa. Lần này cả bọn khóc như ri!

- Rồi sao nữa?

- Kết quả lớp mình bị trừ 60 điểm. Tức quá trời!

Tôi không tức nhưng tội nghiệp Uyển. Hình dung Uyển đứng khóc tôi xót xa trong lòng. Không hiểu sao tôi vẫn nghĩ là Uyển bị oan. Mọi khi Uyển hiền và ngoan trong lớp lắm. Lần này chắc Uyển bị bạn bè lôi cuốn. Tự nhiên tôi thấy mình hăng lên. Giá tôi đi học hẳn tôi đã đứng lên xin thầy giáo rộng lượng.

Bạn bè con thay phiên nhau kể chuyện này nọ, nhưng tôi không còn nghe rõ tiếng ai. Đôi mắt Uyển đỏ ửng vì khóc nhiều (tôi đoán thế!) chiếm trọn tâm thần tôi. Tôi ngẩn ngơ và xót thương. Tôi ước muốn được gặp Uyển để nói lời an ủi, để chia sẻ nỗi buồn. Tôi giận tôi đã đau không đúng lúc!

Chiều xuống thật chậm. Gió hiu hiu. Những hàng cây đứng trĩu nặng, phủ trên mình mầu nắng nhạt. Một khoảng trời đỏ thẫm đóng khung trong vuông cửa. Tiếng chim quen thuộc ríu rít về tổ. Căn nhà chìm trong thinh lặng. Chiều nay chú thím Thịnh đi dự một tiệc cưới. Tôi cô đơn nằm đây với những ý nghĩ vu vơ, thèm khát khí trời và chạy nhảy. Khi đau yếu mới thấy sức khỏe là ngà ngọc. Sáu ngày qua đi rồi còn gì. Tôi nghe day dứt buồn trong hồn.

Chợt cửa phòng tôi hé mở. Tôi lật người nằm nghiêng nhìn ra. Bạch cười bước vào, tay cầm quyển sách. Đôi mắt nhỏ của hắn hấp háy sau tròng kính cận dày cộm. Tôi hỏi trước:

- Ủa, sang hồi nào vậy?

- Vừa xong. Nhà đi đâu hết trơn vậy? Giá trộm vào khênh hết đồ chắc cũng không ai biết.

Tôi cười nhẹ:

- Chú thím mình đi ăn cưới. Chắc người giúp việc đang ở dưới bếp đó. Ngồi chơi.

Bạch ngồi xuống mép giường tôi, lấy trong cuốn sách một phong thư màu xanh nhạt:

- Của cậu này.

- Ai vậy?

- Cô Uyển gửi cho cậu đấy.

Tôi ngồi bật dậy, không tin thính giác của mình:

- Ai?

- Cô Uyển, ngồi trước mặt cậu đó.

Bạch liệng phong thư vào lòng tôi. Tôi chụp vội lấy. Đúng rồi, đây là nét chữ quen thuộc, thân thiết. Tôi vô tình trách Bạch:

- Sao bây giờ mới đưa?

- Hồi chiều tụi nó tới đông quá, tớ ngại.

Nhận ra sự hấp tấp của mình, tôi ân hận:

- Cám ơn đằng ấy.

- Cô Uyển mới đưa sáng nay.

- Lúc bị phạt chưa?

- Trước khi vào lớp học. Cô ấy hỏi thăm cậu rồi nhờ tớ đưa thư này.

Giọng Bạch bỗng trở nên thân mật:

- Cậu… thân với cô Uyển lắm hả?

Hơi giật mình nhưng tôi cố lấy giọng tự nhiên:

- Cũng… vậy thôi. Tại tớ ngồi gần Uyển.

Bạch ngả người vào thành giường, duỗi dài hai chân:

- Cô Uyển coi… khá nhất lớp nhỉ?

- … Ờ.

- Tớ nghe nói nhiều tên “si” cô Uyển lắm.

- …

- Cậu biết Chánh Hippy không? Tên này khoái cô Uyển đến nỗi lấy tiền đóng học mua quà tặng, lại còn chép cả một tập thơ tình cho cô Uyển. Khiếp chưa?

Tôi quay nhìn Bạch. Không ngờ Bạch biết quá nhiều về Uyển. Tôi tò mò muốn tìm hiểu hơn về Uyển mặc dù nóng lòng muốn Bạch đi về để tôi được đọc thư của Uyển và dù nhức buốt tâm thần khi nghe có nhiều người mê Uyển:

- Thế cô Uyển có… nhận không?

- Hình như không.

Tôi thở ra nhè nhẹ, nhìn xuống nét chữ để tên tôi trên phong bì. Tiếng Bạch tiếp nối:

- Cậu ngồi trên không biết chứ bọn tớ ngồi phía dưới lúc nào cũng nghe tụi nó nói hết em nọ đến em kia mà cô Uyển được tụi nó ca tụng nhất đấy… À, cậu biết gì không?

- Gì?

Giọng Bạch đột ngột trầm xuống:

- Tụi nó xầm xì cậu… với cô Uyển…

Câu nói của Bạch chưa dứt tôi đã nghe choáng váng trong đầu. Tôi như con chim sợ tất cả những gì có hình chiếc cung. Bạch như đang nhìn sâu vào mắt tôi dò xét. Tôi quay đi nơi khác. Nói thêm năm ba câu bâng quơ nữa Bạch lấy cớ về học bài để sáng mai làm bài kiểm rồi ra về. Tôi vẫn như người mất hồn bởi câu nói vừa rồi của Bạch. Lúc sau, tôi mới lấy thư của Uyển ra đọc. Dường như có mùi thơm nước hoa từ tờ giấy trắng. Chắc do tôi tưởng tượng?

Thứ năm, 29 – II,

Anh Nguyễn,

Nghe tin anh Nguyễn đau, Uyển lo thật lo vậy đó nên Uyển viết thư thăm anh. Thế anh Nguyễn đau gì vậy? Đã đỡ chưa anh Nguyễn? Mấy bữa nay không có anh đi học, Uyển cũng buồn ghê, gặp bài khó chả biết hỏi ai.

Chúc anh Nguyễn mau lành bệnh để chóng đi học lại.

À, anh Nguyễn ơi, Uyển cho nhỏ Thu mượn cuốn Vạn Vật rồi nó làm mất của Uyển. Uyển lo quá thể, chỉ sợ thầy khám tập thì chết Uyển. Anh Nguyễn cho Uyển mượn tập của anh được không? Uyển giữ cẩn thận cho. Sáng mai anh nhờ Bạch mang cho Uyển nhé. Cám ơn anh Nguyễn trước.

Uyển mong anh Nguyễn mau khỏe. Nhớ anh ghê…

UYỂN    

Tôi đọc đi đọc lại lá thư. Những dòng chữ dễ yêu quá. Tôi thấy mình như đã khỏi bệnh, cảm tưởng ngay bây giờ tôi có thể đi học lại được. Thì ra Uyển đã hết giận tôi. Uyển đã không nhắc gì tới câu hỏi ngày nào. Uyển dễ thương thật. Ước gì tôi có thể chạy đi tìm Uyển để nói cho Uyển biết tôi có thể sẽ chiều ý Uyển tất cả. Tôi tin tưởng Uyển cũng đã cho tôi nhiều cảm tình. Lá thư và những lời thăm hỏi ân cần là những bằng chứng gần nhất. Tôi sung sướng đến mê người đi.

Ngoài trời đã tối hẳn. Tôi không bật đèn nhưng vẫn thấy chung quanh mình đầy ánh sáng. Có Uyển đứng trước mặt nữa:

- Anh Nguyễn khỏe chưa?

- Anh hết bệnh rồi!

- Vắng anh, Uyển nhớ anh kinh khủng.

- Anh cũng nhớ Uyển nữa.

- Thiệt hôn?

- Anh chưa từng nói dối Uyển bao giờ.

- Chỉ sợ anh quá lo tương lai mà quên Uyển thôi.

- Tương lai của anh là của Uyển.

Nhưng anh say mê tương lai hơn thì sao?

- Mất Uyển thì tương lai cũng vô nghĩa.

- Đừng bao giờ quên Uyển nhé, anh Nguyễn.

- Làm sao quên được?

- Uyển cũng sẽ nhớ anh đời đời.

- Không tin! Còn thiếu gì thằng con trai khác.

- Nhưng chỉ có một anh Nguyễn trong cuộc đời này mà thôi.

- Anh cũng chỉ biết có Uyển.

- Xạo. Trong lớp thiếu gì con nhỏ mê anh.

- Nhưng chỉ có một Uyển anh chọn mà thôi.

Tôi nằm tưởng tượng ra những mẩu đối thoại thật tình tứ giữa tôi và Uyển. Tôi không đỏ mặt. Dường như trong bóng tối người ta dễ phạm tội hơn. Tôi triền miên trong mơ mộng.

Bác giúp việc bưng cháo lên cho tôi:

- Tối quá, đi tí nữa ngã. Sao cậu Nguyễn không bật đèn?

Tôi bàng hoàng, trở về thực tế:

- À… tôi quên.

- Chắc cậu đang ngủ?

- … Vâng.

- Thầy hai nói cậu uống mấy viên thuốc này trước bữa.

- Bác để tôi. Cám ơn bác.

Tự nhiên tôi thấy không đói nữa. Mà cũng không cần phải uống thuốc, lá thư của Uyển đã chữa tôi lành bệnh. Tôi đứng lên đi lại và làm mấy cử động mạnh. Ngày mai tôi sẽ đi học lại. Chính tôi sẽ đưa tập cho Uyển mượn, chép bài dùm uyển, không nhờ ai, không để Uyển viết mỏi tay. Trong thế giới riêng chỉ có tôi với Uyển. Thế thôi. Cầm mấy viên thuốc trắng, chậc lưỡi, tôi ném qua cửa sổ. Cháo nhạt nhẽo, không mùi vị gì trong miệng, tôi trút cả vào thùng rác, không cần ăn cũng no. Ở đời thiếu gì việc quan trọng gấp ngàn lần hơn việc ăn. Tôi còn bận với niềm vui riêng của tôi. Câu nói của chú Thịnh hôm nào và câu hỏi dở dang của Bạch lúc nãy cũng trở về trong đầu óc tôi nhưng chỉ nhạt mờ, rồi mất hẳn, không gây nổi hoang mang như tôi vừa mới nghe. Có lẽ trong tâm hồn tôi đang quá rộn rã trong hiện tại.

Tôi nằm gối đầu trên tay, thanh thản như người sung sướng nhất trần gian này. Tôi thầm nghĩ một bài thơ. Trang sức bằng nụ cười phì nhiêu. Nhẩy bằng chân chim trên giòng suối cạn. Ấy là em trên đường đi buổi sáng. Trăng ở trên môi và gió ở trong hồn.

Ngoài khung cửa, sao đã mọc đầy trên da trời xám đục.
_______________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG BỐN
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>