Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017

Những Thiên Thần Bằng Sành


1

Anh Danh thả bé xuống sau khi đã chở bé đi hết con dốc. Anh vuốt tóc lại cho bé, và quàng dây chiếc cặp qua vai cho bé.
 

- Vào trường đi! Chiều anh tới đón.
 

- Nhớ nghen! Anh Danh không được trốn đi nữa đó.
 

Anh bẹo má bé, và bỗng nhìn thật lâu vào đôi mắt đang mở tròn to ngơ ngác. Chắc bé không hiểu gì đâu! Bé hẳn đang nghĩ rằng anh Danh kỳ quá, cứ biết trêu chọc con nít thôi, ngoài ra không làm được gì hết. Có một nỗi vui chợt đến cùng lúc với một nỗi buồn. Anh muốn cười to, và đồng thời cũng thấy muốn khóc. Bé ngây thơ vô tả. Bé xinh xắn giống như mọi đứa bé trên thế gian. Bé vui tươi khôn cùng. Mà anh thì già khụ hơn ông lão. Anh xấu xí đen đúa so với bé. Và anh hay buồn. Thật vô duyên như một đám mây đen lẻ loi giữa bầu trời xanh. Bé đã quay lưng. Anh muốn theo bé vào trường. Nhưng thôi. Đám mây đen phải theo gió mà bay đi.

Bé ngoảnh lại, dặn thêm:
 

- Chiều anh nhớ đến đón.
 

Anh gật đầu, rồi leo lên xe đạp. Có tiếng “cót két” dường như ở yên xe, nơi bàn đạp, hay trước tay cầm – không biết. Nhưng đó là một sự tố cáo rằng anh đã lâu không dùng đến chiếc xe này. Ai cũng có sở làm xa, cũng đi xe gắn máy. Bé nhỏ xíu thì đi học phải có người đón đưa. Chỉ có anh xa nhà quá lâu. Hơn nửa năm còn chi! Anh trở về khi mùa đông gần tàn lụi. Anh gặp lại chiếc xe đạp vẫn để ở trong căn phòng sau lưng buồng ngủ, như gặp lại những người thân, gặp lại bé. Chiếc xe đạp giúp anh đi chơi trong những ngày giờ trống, và chở anh với bé thả dốc, leo dốc, đưa đón bé đi học. À, thế thôi. “Kỷ niệm” là như vậy thôi. Anh còn vài ngày nữa để “làm kỷ niệm” trong tâm trí bé. Khi anh tiếp tục đi xa nhà như bao lâu nay, bé sẽ nhớ, ít ra là nhớ những ngày gió lộng được anh chở đi học – Con dốc dài có nhiều hoa Cúc vàng mọc bên đường, ngang qua lò gốm và dẫn đến ngôi trường nhỏ – Những ngày cuối đông nghe lạnh hơn mọi khi – Những cụm mây xám trên nền trời buồn – Và tiếng “cót két” của chiếc xe đạp cũ kỹ thân mến – Kỷ niệm là đó, bé!

Anh đạp xe leo lên con dốc cũ. Không có bé sau lưng, anh vẫn cảm thấy nặng nề. Bởi con dốc khá cao. Nhưng đã nói trời lúc này lạnh hơn mọi khi, nên anh không thấy mệt. Anh bỗng nhớ lại lúc mình mới mười ba, mười bốn tuổi, chiều nào cũng rủ bạn bè đua xe đạp với nhau, vượt những quãng đường thật dài, chạy đến toát mồ hôi mới chịu. Thuở bé ai cũng có những ngày giờ và những việc làm thật vô ích – người lớn sẽ nghĩ như vậy. Nhưng phải là con nít mới cảm thấy thú vị, sung sướng khi rong chơi, nghịch ngợm và đấm đá nhau. Bé sẽ lắc đầu và trề đôi môi mỏng hồng thắm ra mà cười khi biết anh thuở nhỏ như thế. Vì bé là con gái. Bé có nhiều trò chơi hiền dịu, dễ thương hơn của anh. Bé có ba bốn đứa bạn ngoan quá là ngoan. Bé có một con búp bê nhỏ bằng củ khoai lang. Bé có một con chó bằng len của chị bé làm cho, trắng như bông gòn. Và bé có một rổ đựng son, chảo, chén, đũa bằng nhựa quá xinh. Anh không biết chơi kiểu như bé. Nhưng không ai cấm được anh thích thú khi nhìn bé bày hàng. Anh muốn ngồi xuống chơi với bé. Anh muốn giả giọng “bà cụ non” nói với bé:
 

- Bán cho “tui” năm đồng chè đậu đen đi “bà”!
 

Không ai cấm được anh ngắm bé ôm búp bê ru ngủ. Anh không phải nhà thơ nên không biết nói gì để ca tụng bé. Chỉ biết rằng đứa bé nào ôm một con búp bê, một cái gối hay một khúc gỗ giả làm em bé mà ru ngủ thì cũng đều dễ thương cả.

Anh gò lưng đạp xe lên dốc, nhưng dừng lại ở ngang lò gốm. Những hũ, bình, chén, đĩa phơi ở trước sân trông đẹp quá! Anh leo xuống, nhặt một mẩu đất sét. Đất kêu nhẹp nhẹp giữa mấy ngón tay. Anh lại đang làm một công việc vô ích đây chăng? Có gì đẹp đẽ ở mẩu đất sét? Anh không có bàn tay khéo léo để làm ra những chén đĩa lọ bình như mấy người thợ kia, nên đất sét vào tay anh trở thành vô dụng. Anh hờ hững quăng mẩu đất sét đi. Mấy ngón tay anh còn dính lại một chút đất sét. Quái, hình như hồi còn bé có lần anh đã lẩn thẩn hỏi: “ Tại sao việc gì qua đi cũng để lại dấu vết nhỉ?”. Rồi anh lại tự cho rằng đó là lẽ đương nhiên, nó phải như thế. Như bị đòn thì phải còn lại dấu roi, ăn vụng thì thường dính mép, khóc xong thì mắt phải đỏ, và đạp xe mãi thì chân phải mỏi. Nghĩ như vậy đó, thật là trẻ con và lẩm cẩm. Tự nhiên anh nghĩ giá anh là một người thợ lò gốm chắc anh sẽ làm cho bé thật nhiều đồ chơi bằng sành, bé sẽ thích lắm vì đẹp hơn đồ chơi nhựa. Vì anh muốn mai kia anh đi rồi anh sẽ còn để lại cho bé một vài dấu vết. Ít ra bé sẽ nhớ hoặc nghĩ đến anh một lần trong mỗi ngày, khi nhìn các món đồ chơi bằng sành đó. Uổng quá! Anh không làm nên tích sự gì cho bé cả. Vậy mà ở ngoài đời, anh hăng hái vô cùng. Khi trở về anh mới thấy rằng anh đang bỏ bé quá xa. Anh đang bỏ quên tuổi thơ của anh, của bé. Nhưng bây giờ anh đang yêu những gì bé dại, nhỏ nhắn đây. Anh đang muốn làm một cái gì cho bé. Thương con nít, không phải chỉ ngồi ngắm nó hay viết văn, làm thơ ca tụng nó – mà phải làm gì cho nó. Ít ra, trong đời sống anh, cũng đang có bé.


2

Bé Thơ sáng đôi mắt lên khi thấy anh Danh đón ở trước trường. Anh cũng đi bằng chiếc xe đạp ấy. Và đã đúng như lời hứa là anh không trốn đi chơi. Bé thích được anh chở leo lên dốc. Khi anh khom lưng đạp xe, bé vịn chắc yên trước, hỏi:
 

- Anh Danh mệt không?
 

- Không mệt.
 

Bé không tin, hỏi nữa:
 

- Không mệt sao anh thở?
 

Anh cười khì:
 

- Người sống thì phải thở chứ sao!
 

Anh trả lời gàn như ông cụ. Nhưng tự nhiên câu nói của anh làm bé thấy thương anh chi lạ! Lúc trước, anh đi đâu lâu quá không về, đôi khi bé thắc mắc không biết anh có đang thở, đang ăn, đang ngủ, đang nói… giống như bé và mọi người trong nhà đây không. Bé có nhiều câu hỏi tự đặt ra và tự trả lời. Bé không nhờ ai giải thích. Ai cũng có việc riêng của người ấy. Chỉ có anh Danh là bé muốn để dồn nhiều thắc mắc về hỏi anh. Không phải vì anh là người hay giải đáp. Mà vì bé biết anh là Ông Già Nô-en đến bỏ quà bên cạnh bé trong khi bé ngủ say – Anh chỉ làm như thế vào một đêm trong mùa đông của mỗi năm thôi. Mỗi lần nhận quà bé đều tin rằng đó là quà của Ông Già Nô-en cho bé. Bé cám ơn “ông ấy” mà không cám ơn anh. Nhưng anh vui lắm chứ anh có giận đâu! Đến nay anh vẫn chưa biết là mẹ đã tiết lộ bí mật cho bé rồi. Nhưng bé sẽ im lặng, để anh lại tiếp tục làm Ông Già Nô-en tặng quà cho bé. Anh đã về đúng lúc mùa đông gần hết. Gió lạnh nhắc bé rằng bé sắp được có quà. Nếu anh không về nhằm lúc này thì sao nhỉ? Chắc là mẹ sẽ nói với bé rằng năm nay Ông Già Nô-en bận việc không đến, hoặc “ông ấy” hết tiền rồi… Ý nghĩ đó làm bé bật cười, và hỏi anh không do dự:
 

- Anh Danh! Anh còn tiền không?
 

- Hết rồi. Bé muốn ăn kẹo hở?
 

- Dạ đâu có!
 

Xe đạp đã đến ngang lò gốm. Anh Danh ngừng xe lại, đỡ bé xuống. Anh bảo:
 

- Tới đây, xem người ta nắn đồ sành. Rồi có muốn ăn kẹo, anh cho.
 

Tiếng của anh lùng bùng trong gió. Bé ôm chặt chiếc cặp vào người. Anh còn nói gì nhiều chữ nghe không rõ. Anh và bé ngồi xuống trên sân phơi đồ sành. Anh cũng đang nói nữa. Bé thích thú khi thấy anh vừa nói vừa móc trong túi áo lấy ra hai chiếc kẹo:
 

- Bé muốn có một món đồ chơi bằng sành không? Anh sẽ làm cho. Một trái bưởi nhé! Một trái khế nhé! Hay là một con chuột bạch? Hay một ông tiên bồng đứa bé giống như hình vẽ trên cái đĩa này?
 

Bé lắc đầu:
 

- Không, bé không thích mấy thứ đó. Để nghĩ coi… Anh Danh làm cho bé… nhiều thật là nhiều thiên thần đi!

Bé không biết rằng anh đang trố đôi mắt nhìn bé, ngẩn ngơ. Thật là nhiều THIÊN THẦN cho bé! Chết anh rồi! Anh nào có biết nắn đất sét thành thiên thần. Anh cũng chưa bao giờ nhìn kỹ hình hay tượng của thiên thần. Anh chỉ còn nhớ những khi ngắm nhìn hang đá bày bán ngoài phố, anh thấy những vị thiên thần dường như là trẻ nhỏ, có cánh trên vai và gương mặt thì dịu hiền ghê lắm.

- Ừ, anh sẽ làm. Nhưng xấu thì ráng chịu nghe!
 

Bé dạ. Anh lại dẫn bé ra nơi có đống đất sét. Anh nhặt lên một mẩu. Không đủ đâu. Bé đòi có nhiều thật là nhiều thiên thần. Anh phải xin nhiều đất sét đem về nhà. Anh sẽ làm cho bé nhiều tượng thiên thần, cho bé sắp dài trên bàn học. Bé sẽ có một thứ đồ chơi độc đáo mà tụi bạn bé không có: Những thiên thần bằng đất sét – a, nói như thế nghe không hay chút nào – những thiên thần bằng sành, bé hở!
 

Nhưng anh lại ngẩn ngơ. Làm sao để có mẫu mà nặn đây? Anh lại phải ra chợ mua một bức tượng thiên thần về bắt chước theo ư? Anh chẳng muốn thế chút nào. Anh sẽ làm bằng óc tưởng tượng của riêng anh.

Khi bé lúi húi leo lên yên sau xe đạp, anh bỗng dưng có ý nghĩ rằng bé cũng đẹp như một thiên thần. Vì rõ ràng trước mắt anh, bé xinh xắn ngoan hiền và thanh khiết vô vàn. Anh nhớ đến một dạo nào người ta đã ví tuổi thơ như thiên thần. Nhiều người đã viết, và nhiều người đã lập lại như thế. Anh không thích bắt chước họ, cũng không thích viết văn. Ca ngợi con nít là thiên thần, đối với anh không có lợi ích gì. Anh chỉ muốn nhìn bé và nắn cho bé nhiều bức tượng thiên thần, thế thôi. Anh giản dị vô cùng bé hở!

Bé biết không, anh cũng là một thứ “thiên thần” đó! Một thứ thiên thần không có cánh mà bay được. Anh không muốn nhận một thứ danh xưng nào cả. Anh chỉ muốn làm anh của bé, của một đứa trẻ thơ thanh khiết. Bỏ qua cái hiệu “thiên thần” của anh đi. Anh còn một số ngày để ở lại với bé trong mùa đông này. Mai mốt trên bàn học của bé sẽ có nhiều thật nhiều thiên thần bằng sành để thành một hàng. Anh chưa dám hứa với bé là sẽ có bao nhiêu, vì anh sẽ bắt đầu làm, ngay chiều nay, suốt ngày, cho đến khi anh tiếp tục đi xa nhà.

3

Mùa đông sẽ tàn lụi. Bé Thơ biết như thế. Cả những cơn gió lạnh rồi cũng sẽ không còn. Còn một thứ vui thích của bé là nhận những món quà của “Ông Già Nô-en” cũng mất cả ‎ ý nghĩa. Bởi vì lần này, chính tay anh Danh đã viết vào mảnh giấy để bên gối bé, rằng: “Anh là Ông Già Nô-en, đêm nay đến tặng cho bé Thơ món quà này. Ông Già Nô-en hết tiền, nên chỉ cho bé hai mươi thiên thần bằng sành. Cho bé ngoan mãi”. Và sáng hôm sau anh đã đi thật sớm. Đã đến ngày anh đi rồi. Tượng thiên thần thứ hai mươi chưa hoàn thành. Có một cái cánh gắn chưa kỹ vào vai. Dù thế, bé vẫn cho nó nhập bọn với những tượng kia. Bé sắp cho các thiên thần đứng chung với nhau thành một dãy dài trên bàn học. Bé ngắm những đồ chơi đó và mỉm cười một mình. Tự nhiên bé thấy nhớ anh Danh kỳ lạ. Khi đó anh đang đi ở một nơi nào. Anh không có mặt ở nhà để thấy bé vui với những thiên thần nhỏ. Bé phải đi học với chị Thi. Và những hôm chị Thi bận, bé phải đi học một mình. Bé leo về con dốc cao, đường có nhiều hoa Cúc, dừng lại một chốc ở trước lò gốm. Người ta tiếp tục làm những chén đĩa hũ bình, phơi đầy sân và chờ đem bán.

Bé muốn reo lên cho người ta biết rằng chưa có ai nghĩ ra việc làm những thiên thần bằng sành cho trẻ nhỏ. Chỉ có anh của bé mới làm được mà thôi. Người ta sẽ hỏi rằng anh của bé là thợ trong lò gốm, là họa sĩ hay nhà điêu khắc? Bé sẽ đáp rằng anh của bé chỉ là một người biết đạp xe đạp chở em đi học và biết mua kẹo cho em ăn – ngoài ra anh còn biết đi xa nhà nữa thôi. Anh đi xa để làm gì bé không biết. Chẳng có ai nói cho bé biết hết.


Chẳng có ai nói cho bé biết hết! Nhưng một hôm nhà nhận được một mảnh giấy. Bé thấy ai cũng khóc. Chỉ có anh Danh thiếu mặt nơi đây. Bé biết có việc gì đã xảy đến cho anh Danh. Không ai dám cho bé biết, để mặc cho bé tưởng tượng những hình ảnh quái gở trong đầu. Ai cũng đi thăm anh Danh mà không cho bé đi theo. Ngày nào, tuần nào mẹ cũng đem thức ăn ngon đi cho anh Danh. Bé biết rồi, anh Danh không chết.

Anh Danh không chết. Nhưng bé biết rằng sự chết chắc cũng không ghê gớm bằng. Chết là hết – người lớn vẫn hay nói một cách tự nhiên như thế. Còn anh của bé vẫn còn sống nhưng chịu nhiều đớn đau. Bé khóc òa nhìn những thiên thần vô tư đứng trên bàn học. Có một-thiên-thần-đã-gãy-cánh. Đó là thiên thần thứ hai mươi mà anh đã làm vội vàng vì đã đến ngày đi. Có một thứ vỡ nát nào trong tâm tư non dại của bé. Có một đổi thay chua xót nào trong đời sống của anh rồi!!!

Buổi chiều nay tan học bé hờ hững đi về con đường quen. Những bụi Cúc vàng vẫn nở tươi vui. Ngang lò gốm vẫn thấy khoảng sân nhộn nhịp. Nhưng bé muốn khóc quá! Không còn thấy anh Danh khom người nhặt đất sét. Và trên con dốc này không còn anh Danh gò lưng đạp xe chở bé đi học. Dù anh có về nhà – bé biết – dù anh có về nhà, anh cũng không còn đạp xe được nữa. Không bao giờ anh đạp xe được nữa! Bé thương anh, thương bé, bé khóc ngon lành trên đường về.

Anh Danh xuất hiện ở cửa nhà, chờ đợi bé. Anh dang tay muốn ôm bé vào lòng. Bé nhìn anh như nhìn một người quen, một kẻ lạ. Anh đỡ cặp trên vai bé, vuốt tóc lại cho bé, và bẹo má bé. Những cử động quá quen và trở nên nhu cầu. Anh cười. Nhưng bé khóc.

4

Bé Thơ ơi! Đừng khóc. Anh đã thấy có nước mắt trong khoảng đời thơ ấu của bé rồi. Anh đã thấy có sự khắc nghiệt trong đời sống của anh. Anh đã thấy có một thiên thần gãy cánh trong đám thiên thần để trên bàn học của bé. Bé còn quá nhỏ dại nên khi thấy những mất mát, những đau đớn, bé khóc. Rồi đây, khi lớn lên, bé sẽ thấy có những định mệnh thê lương trong đời sống chúng ta, mà người như anh, như bé cũng phải nhận lãnh. Đáng lẽ thiên thần làm bằng cao su, thiên thần sẽ không bao giờ gãy cánh. Nhưng vì anh đã làm thiên thần bằng đất sét nên thiên thần phải chịu đớn đau. Thiên thần gãy cánh thì thiên thần không bay được. Anh đã không còn gì để đạp xe chở bé đi, về con dốc – ngang qua lò gốm để ngắm những chén đĩa lọ bình.

Nhưng bé Thơ, đừng khóc nữa. Anh sẽ đến đó, nhặt thêm một mẩu đất sét. Anh sẽ gắn lại cánh cho thiên thần. Anh không còn phải vội vàng bỏ bé mà đi như một sáng sớm mùa đông kia nữa. Anh sẽ chắp lại cánh cho thiên thần như nhóm một chút tin yêu trong tuổi thơ của bé, trong đời sống của anh. Đâu có ai cấm chúng ta thắp lại một ngọn đèn, trồng lại một bông hoa, bé nhỉ!

Rồi một sớm mai khi thức dậy bé sẽ thấy trên bàn học có đầy đủ hai mươi thiên thần quỳ ngay ngắn bên nhau. Bé sẽ cười thật sung sướng. Anh sẽ cười thật đau khổ. Rồi sẽ có lúc anh kể cho bé nghe về cuộc đời anh, về những ngày gian nan của anh. Bé sẽ cảm thấy sự sung sướng và sự đau khổ là một. Thiên thần cũng có lúc biết khóc vậy bé nhỉ!

Anh sẽ còn làm cho bé nhiều thiên thần nữa, những thiên thần bằng đất sét – bằng sành. Dù anh không còn đạp xe được nữa, anh cũng sẽ đến đó – lò gốm, giữa con dốc thân yêu của anh Danh, và của bé Thơ.


Nguyễn Thị Mỹ Thanh  


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 215, số Giáng Sinh, ra ngày 15-12-1973)

Bìa của Vi Vi : Mơ Giáng Sinh
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>