Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

Sự Tích Chim Gõ Kiến














Thời thượng cổ, trong loài chim người ta không hề thấy con Gõ Kiến. Điều đó không có gì là lạ, bởi Thượng Đế toàn năng và đại lượng, thương vạn vật như con đỏ, không bao giờ Ngài lại tạo ra một giống chim xấu xí cục mịch đến thế.

Con Gõ Kiến là một thứ chim nhỏ nhắn, nó có bộ lông màu xám xịt, buồn thảm, cổ thì ngắn ngủn, mỏ lại rất lớn, cũng ngắn và rắn chắc, dùng để đục thủng vỏ cây, kiếm cái ăn. Suốt ngày, con Gõ Kiến kiên nhẫn lò dò từ cây này sang cây khác, mò mẫm trên thân cây... gõ, gõ, gõ... gõ không ngừng bằng cái mõ nặng nề xấu xí của mình. Bị động, kiến trong các thân cây túa ra, Gõ Kiến nhặt tuốt nuốt trôi vào cái diều lép kẹp! Có lẽ không một giống chim nào lại phải khổ nhọc đến như thế, trong lúc chim sẻ tha thóc ngoài đồng, chim cưỡng tìm kiếm quả na, quả chuối ; hoặc bay liệng trên không thì Gõ Kiến cứ kỳ cục gõ lên "cồng cộc" ở các thân cây không ngừng nghỉ. Vì kiến là con vật nhỏ bé nên gõ trọn ngày chưa chắc đã lưng lửng cái diều mà loài chim này lại chỉ có thể ăn loài kiến, có tội nghiệp không?

Đúng ra, tiền kiếp Gõ Kiến không phải là giống vật, nó là người. Một người đàn bà cực kỳ keo kiệt, nổi tiếng một vùng.

Vào một trong những ngày xưa xa lăng lắc đó (những ngày mà tiên còn ở lẫn lộn với phàm nhân, để thử thách, để trừng phạt hay ban thưởng), tại một thành phố lớn, nơi có người mệnh phụ giàu có và keo kiệt đã kể trên, xuất hiện một ông lão già nghèo khó.

Lão sống không có một nghề nghiệp gì nhất định: khuân vác cho bạn hàng ngoài phố chợ, gánh đôi gánh nước, giúp tưới cây cho một chủ vườn rau. Rửa bát cho ông hàng cơm, giặt gịa quần áo cho mấy cậu học trò từ xa đến trọ trong công quán. Không bao giờ mè nheo về công xá, ai trả bao nhiêu thì trả, hoặc đổi công bằng bát cơm, củ khoai luộc cũng xong. Tuy nghèo khổ thế, lão sẵn sàng giúp đỡ mọi người không nề hà, nhất là người nghèo khổ hơn lão. Người ta đồn rằng có lần, vì cứu một đứa trẻ té sông, lão bị cảm mấy hôm. Không rõ điều đó có không, nhưng người ta thường thấy lão bỏ dở công việc, những công việc được trả bằng tiền, để chịu khó dắt tay một kẻ mù lòa băng qua đại lộ, hay lục moi trong cái túi vải lão vẫn mang kè kè bên lưng tìm những đồng trinh còn sót, mua cho được chiếc chiếu mỏng đặng bọc quanh cái thi hài của kẻ xấu số vô danh đã tắt thở trong một đêm đông giá rét bên thềm chợ, trong lúc người khác bịt mũi đi qua.

Một lần khác, có anh hàn sĩ lâm bạo bệnh không một người quen thuộc, tứ cố vô thân, đành nằm chờ chết, thì lại cũng chính lão dốc hết tiền túi lo chạy chữa thuốc men cho anh hàn sĩ thoát chết, về sau thi đỗ làm quan to, cho người đến vời ông lão có tấm lòng vàng hiếm có về phụng dưỡng, nhưng ông lão khăng khăng từ chối mà rằng:

- Nếu quả thượng quan có lòng tốt, hà tất phải tìm đến ta để trả ơn? Trong thiên hạ thiếu chi kẻ cần giúp đỡ? Bao nhiêu kẻ quan quả cô đơn? Nay ta già rồi không ham chi ăn ngon mặc tốt... ta muốn được ung dung tự tại, kiếm lấy mà ăn bằng hai bàn tay quen việc. Phỏng như ta theo về Đại dinh, ta còn mong gì giúp đỡ được ai? Đành phụ lòng nhau!

Thế là đành phụ lòng nhau thật: vị Thượng quan không có thì giờ đâu mà cất công lần nữa tìm tìm thuyết phục một lão già gàn. Nếu lão đã muốn chết đường, chết bụi, nào phải lỗi của thượng quan? Ngài còn bận giúp vua chăn dân, trị nước. Ngài chả dư công.

Tháng ngày chồng chất trôi qua. Trong vùng lâm vào tình trạng khó khăn vì ảnh hưởng trận lụt lớn trong năm. Bao nhiêu hoa mầu của những bàn tay quen lao tác trôi ra biển cả. Người ta bới nhặt từng củ khoai sùng, nhai cả rễ cây, lá cỏ. Người chết như rạ. Lão già cũng trong số phận của bọn nghèo hèn. Trong các đại gia then cài kín, cổng khóa chắc, người ta sợ bọn dân nghèo quá đói làm xằng. Tường xây cao hơn để tiếng kêu khóc không vọng đến tai kẻ nọ, giàu, đầy đủ. Lợn đầy chuồng, gà vịt khắp sân, thóc lúa trong các bồ, lẫm, trong các kho vẫn vun có ngọn. Ừ! Thì có lụt, lụt lớn nữa, đã sao đâu? Chuyện đó đâu quan trọng, hề hấn gì đến những đại gia vốn quen ky cóp? Nhường cơm xẻ áo là cái quái quỉ gì gì? Bọn nghèo khó, bọn cùng đinh, mạt vận có khi nào nhường xẻ cho các đại gia đâu? (người ta quên rằng họ vắt mũi đút miệng đâu có dư mà nhường với xẻ).

Lão già đáng thương vô cùng khốn đốn. Một chiều đông trời lạnh tê da, lão lê đến một ngôi nhà đồ sộ thì ngất lịm đi. Nghe tiếng chó sủa dai dẳng, chủ nhân ngôi nhà gọi gia nhân ra xem thử có gì. Tên gia nhân vốn là kẻ được chồng chủ nhân sai đi mời ông lão dạo nọ nhìn thấy lão già thì động lòng thương, quên cả phép tắc lễ nghi, vực lão vào ngay phòng khách.

Chủ nhân là một thiếu phụ sang trọng, một mỹ nhân với cái sắc đẹp kiều mị vô song. Ngoài sắc đẹp nàng còn có thêm hai nết xấu: keo kiết và kiêu ngạo.

Nàng đang ngồi bên lò sưởi và lò nướng bánh. Nhà không thiếu chi gia nhân, song nàng muốn đích thân nướng lấy bánh, kẻo bọn tôi tớ đói sẽ ăn vụng, ăn bớt ít nhiều. Trong thời kỳ đói kém, dù là nhà nàng dư thừa thóc, bột, thịt thà, rau cải, nàng vẫn không cho gia nhân được ăn no, viện cớ là phải lo xa, dành dụm phòng khi nạn đói kém kéo dài.

Phòng khách cũng cực kỳ sang trọng, sang trọng như dáng bộ chủ nhân. Nhưng tên đầy tớ nhớ đến lời chủ (ông chủ) dặn từ lâu rằng: "hễ bắt gặp ông lão phúc hậu kia tại nơi nào, bất cứ trong trường hợp nào, đều cứ tìm mọi cách mang về nhà cho bằng được". Thế cho nên, tên gia nhân không e ngại chút nào. Xui xẻo làm sao: lúc đó thượng quan đi vắng, mà phu nhân thì không dung thứ được những điều bừa bãi, thương người bậy bạ như thế được. Thoạt thấy lão già bẩn thỉu, rách rưới, còm nhom được vực nằm giữa trường kỷ bóng soi thấy mặt, bà cau mày quát mắng chẳng tiếc lời. Tên gia nhân phân trần rành rẽ. Nghe xong, bà lặng yên suy nghĩ, phu nhân không muốn làm phật ý chồng, nhưng cũng không muốn dung dưỡng một kẻ già nua, nghèo hèn như thế. Người ta sẽ nghĩ sao, nhất là các bạn đồng liêu của chồng bà, khi họ biết rằng chồng bà vốn là một hàn sĩ từng sống nhờ vào lão già nghèo khổ rách rưới nằm kia nhỉ? Phải tống khứ lão bằng mọi cách.

Một giây sau, phu nhân ra lệnh cho tên đầy tớ:

- Thôi, cho mi lui. Để ta tự liệu.

Lão già được ấm, chợt tỉnh giấc nồng. Lão kinh hãi lồm cồm bò dậy. Cơn đói cồn cào, thắt, nạo ruột gan. Lão nhìn quanh và khi mùi thơm của những cái bánh nướng sực nức bay vào mũi thì chuyện đầu tiên là lão nghĩ đến cái ăn. Lão tiến lại gần vị mệnh phụ, lễ phép thưa:

- Kính thưa phu nhân, chắc phu nhân đã rủ lòng thương cho kẻ hèn được nằm nhờ trong phòng ấm, thì phu nhân cũng không tiếc gì một cái bánh. Tôi già cả, đói khổ, ba hôm nay chưa có chút gì dằn bụng...

- Phải! Ta không tiếc gì với lão, nhưng hãy kiên tâm, ngồi chờ chút nữa. Ta còn phải nướng xong đợt bánh này.

Lão già kiên nhẫn ngồi chờ. Lão ngạc nhiên thấy vị phu nhân xinh đẹp cứ rứt mãi những chiếc bánh viên sẵn cho nhỏ bớt, nhỏ nữa, nhỏ hoài. Và mỗi lần vớt bánh từ lò ra, phu nhân hình như sắp trao cho lão rồi lại phân vân, rụt tay lại cất vào chiếc hộp lớn để bên cạnh, viên lớp bột khác, nhỏ hơn những viên đã bớt bột nằm chờ. Thì ra, cứ mỗi lần nhìn vào cái bánh dù bà đã bớt bột rồi sắp cho ông lão, bà lại thấy cái bánh quá đỗi là to, nên tiếc, phải làm một chiếc nhỏ hơn cho vừa ý. 


- Thưa bà, tôi đói quá, e rằng kẻ tuổi tác này không đợi nổi lâu hơn, xin bà rủ lòng thương, cho tôi một mẩu đỡ lòng...

- Yên tâm, ông lão! Ông quá đói, không nên ăn vội, nguy hiểm cho ông, hãy từ từ rồi ông sẽ được ăn, không phải một mà dăm bảy cái cơ!

Ông cụ buồn rầu, ngồi nhìn ngọn lửa ấm nhẩy nhót trong lò, tưởng tượng như dạ dày mình cũng đang bị đốt.

Trong chiếc áo khoác đắt tiền bằng nhung xám, vị phu nhân kiêu kỳ và keo kiệt cũng đang thắt ruột vì tiếc những chiếc bánh bé tí, chỉ nhích hơn chiếc hạt mít mà bà sắp bố thí cho lão già nghèo.

Mùi thơm của vỉ bánh cuối cùng sực nức khắp gian phòng rộng. Lão già nuốt nước bọt, ngồi chờ...

Không chần chờ được nữa, phu nhân đành phải trao mấy cái bánh thảm hại thay: mỗi cái chỉ to hơn một hạt mít! cho ông già, cau có nói:

- Đây! Ông ăn đi, không phải một đâu nhé, tôi cẩn thận, chỉ sợ ông ăn nhiều một lúc, nguy hiểm cho ông...

Lạ thay, ông lão không đón nhận ; lão hất tay thiếu phụ, cười gằn:

- Xin cảm ơn bà. Xin bà giữ lấy! Ta không thấy đói nữa. Ta không cần ăn nữa. Ta không ngờ lòng dạ bà lại có thể hẹp hòi đến mức ấy. Từ nay, bà sẽ không bao giờ còn được thưởng thức những chiếc bánh ngon như thế. Từ nay, bà sẽ khổ sở, vất vả vì cái ăn, bà sẽ phải khổ công lần mò đục khoét, tìm tòi... Lão xin từ biệt!

Phu nhân nóng cả mắt lên, lão già đê mạt lại dám táo gan đe dọa ta ư? Bà muốn nói:

- Này lão già kia, lão định nói cái gì vậy? Lão nói ai sẽ phải vất vả để kiếm cái ăn? Lão đói quá nên hóa điên chăng?

Nhưng, bà chưa kịp mở miệng thì chao ơi! Kinh ngạc làm sao: Lão già đói rách vụt biến mất ngay trước mắt bà. Phu nhân bàng hoàng kinh hãi, song bà không kịp có thì giờ để mà hối hận hay kinh sợ lâu hơn, một phép mầu kỳ diệu tức khắc làm cho bà hóa ra một con chim xấu xí có bộ lông mầu xám y như tấm áo nhung bà đang mặc.

Từ không trung, một tiếng nói vọng đến, mơ hồ:

- Mi sẽ mang cái tên là chim Gõ Kiến. Gõ Kiến, nhớ chưa? Và từ nay mi chỉ ăn toàn kiến, phải tìm kiến mà ăn, mi chỉ ăn được kiến mà thôi!

Trên trái đất, kể từ ngày ấy, thêm một loài chim, một thứ chim xấu xí ngoài ý muốn của Thượng Đế toàn năng.


MINH QUÂN    


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 68, ra ngày 10-12-1972)

Bìa của Vi Vi : Băn khoăn

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>