Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

Đứng Ở Bên Ngoài


Buổi chiều mặc cái quần dài xanh cũ quen thuộc và cái áo trắng mới tự nhiên thấy lạ lùng buồn buồn sao đâu. Vậy là thôi bỏ Tổng Hợp đằng sau lưng rồi, cái áo xanh có gắn huy hiệu trường bên phải chắc là sẽ không bao giờ còn dùng tới nữa. Bây giờ, sắp sửa là thầy giáo làng rồi, biết không? Buổi sáng nhìn thấy tên mình trên bảng kết quả chính thức thí sinh đậu vào Sư Phạm, tôi đã biết điều đó, thật ra thì cũng không ngờ, nhưng V. có nói, tàm tạm một thời gian đã, K. ạ. Và tôi chịu, nghĩa là chấp nhận. Đã chấp nhận rồi thôi thì đừng buồn. Tôi cầm cuốn vở mới trên bàn, cố mỉm cười với V. Đi nghe. Rồi tôi đi nhanh ra cửa.

Con đường Đ.T.H. trước mặt dài. Đi thẳng. Đừng nhìn lại nghe. Nói vậy mà lúc băng ngang đường H.V, tôi cũng không khỏi nhìn lại, nhìn lại con đường mấy năm nay tôi đã đi, để bây giờ đành đoạn bỏ nó. Vài tà áo dài xanh đi lên, ngó tôi, con mắt là lạ, tò mò. Tôi tự nhủ, thôi đừng tiếc nuối chi nữa, cuốn vở mỏng trên tay tôi nằng nặng. Lúc đi ngang qua căn nhà lầu cao sơn đen, tôi nhìn lên khung cửa sổ bằng kính mở, không có ai trên đó, không có cô bé áo vàng nào dễ thương đứng tì tay vào cằm ngó xuống đường cho tôi mơ. Rồi tôi rẽ ngang đường L.19. Trường Sư Phạm nằm sau mấy cây muồng cao lá xanh. Tôi đứng tần ngần trước cổng trường mất mấy giây, nhìn vào trong sân, bây giờ là áo trắng chứ không còn áo xanh nữa. Áo trắng ngút mắt, áo trắng rộn rã. Bỏ trường Tổng Hợp mà đi, tôi tiếc những buổi sáng đứng trước cửa lớp cho mắt thỏa thuê bay trên từng hàng áo xanh đáng yêu không tưởng, những buổi chiều học giờ phụ đi thênh thang trong sân để nghĩ mình là kẻ nhàn du vui sướng nhất. Thật là kỳ lạ, khi còn hòa mình trong cái tập đoàn vô tư đó, mình không thấy gì đặc biệt hết mà khi ra đi chao ơi thương nhớ vô cùng. Thế mới biết những gì ta thường nói với nhau đều sai hết cả, phải không V. Khi tôi vào đến cổng lớp, vừa vặn ngó lên cái bảng xanh kẻ chữ trắng Nhất Niên A thì chuông reo. Đứng xếp hàng nhìn qua bên kia, trường Nữ Tiểu học. Và bên kia nữa, trường Trung học Tổng Hợp thân mến, bỗng có cái cảm giác như mình bị hất hủi, bị loại bỏ ra khỏi cái tập thể mà đã bao nhiêu năm mình hòa đồng trong đó. Vị giáo sư đầu tiên của giờ học đầu tiên tới. Đối với tôi những gì ở trường Sư Phạm đều còn mới mẻ xa lạ cả, nên khi vào trong phòng, lấy cuốn vở mới phủi bụi dưới ghế ngồi xuống, tôi tò mò nhìn một vùng áo trắng rộn ràng trước mặt, cái bàn tôi ngồi nằm gần cuối lớp ngó ra cửa sổ, thấy cỏ xanh cây xanh trời xanh. Màu xanh lại làm tôi nhớ áo xanh xưa quá đỗi.

Vị giáo sư gõ gõ tay lên bàn. Xin các anh chị im lặng cho một chút, tôi đọc Thời Khóa Biểu đây. Tôi lật bìa sau cuốn vở ra, ghi. Lần đầu tiên trong ngày khai giảng tôi thấy mình bê bối quá. Dạo trước tới ngày tựu trường tôi đã bao sách bao vở, bút mực, tẩy, thước đủ cả, bây giờ buổi học đầu tiên thiếu thốn đủ thứ, vở không bao, thước, tẩy không có và cây viết thì gần hết mực. Có lẽ lớn rồi ít còn để ý đến những tiểu tiết đó nữa. Các anh chị nghe cho rõ nghe, thứ hai buổi chiều hai giờ đầu Sư Phạm lý thuyết, hai giờ sau Giáo dục cộng đồng. Môn học chi nghe lạ lùng quá vậy. Vị giáo sư đọc luôn một lượt những cái tên lạ hoắc tôi chưa hề nghe lần nào. Tâm lý giáo dục, Luân lý chức nghiệp, Vận dụng khoa học. Tự nhiên tôi cười khi nhìn ra khung cửa kính. Lớp học bỗng ồn ào, vị giáo sư trẻ tuổi lại gõ gõ mặt bàn. Xin các anh chị im lặng cho. Các anh chị nhớ các anh chị vào đây không phải để làm học trò nữa mà để làm thầy giáo cô giáo đó, nên đàng hoàng một tí. Sau lưng tôi có tiếng ai cười rú lên. Tôi nghĩ đáng lẽ ra mình cũng nên cười rú lên một cái như thế lắm, nhưng sao tôi không làm được. Vị giáo sư nói một câu gì đó. Thưa các anh chị giáo sinh… Giáo sinh, cái tên đọc nghe mới toanh và hụt hẫng kỳ lạ, hết học sinh rồi, bây giờ là giáo sinh, nghe chưa. Thưa các anh chị, các anh chị tương lai sẽ là những giáo chức rất có lương tâm nghề nghiệp, các anh chị sẽ là những vị lương sư sẽ dẫn dắt, dạy bảo các em, những mầm non rường cột của đất nước, các anh chị, bắt đầu từ hôm nay, sẽ học hỏi ở chúng tôi những kinh nghiệm, những phương pháp dạy dỗ mà chúng tôi đi trước đã từng làm… Vị giáo sư nói một hồi dài, các anh chị sẽ, các anh chị sẽ… Bốn giờ chiều, nắng mới ngả vàng ngoài sân. Khi tôi đi về trời đất đã xám. Mấy đứa bạn cũ của tôi cùng đậu vào Sư Phạm nhìn tôi cười. Tôi cười lại và thấy nụ cười mình vô duyên hơn bao giờ. Ra tới cổng tôi muốn gặp H. cô bạn của trường cũ. Tôi và H. cùng chào nhau, rồi tôi đi thẳng, với cái áo trắng mới mặc lần đầu, sao tôi không muốn nhìn lại màu áo xanh của kỷ niệm. Bao giờ tôi cũng vẫn cảm thấy như mình đã vừa lỡ tay đánh mất một cái gì thật thương mến. Lúc đó, T.V. bên kia đường băng ngang, T.V. mặc áo ngắn màu vàng, tóc dài, thấy tôi cô bé reo lên. Anh K. ở bên này rồi hở, chà, mặc áo trắng vào trông người lớn ghê vậy đó. Tôi bắt buộc phải đứng lại, đi luôn, T.V. giận chết, tay tôi lúng túng với cuốn vở, ngượng ngùng hết chỗ nói.

Lúc T.V. đi tới gần tôi, tôi hỏi:

– T.V. đi đâu đó?

Cô bé lắc lắc mái tóc:

– Tới nhà P.M. mượn cuốn vở Lý. Hôm đó V. nghỉ đi đón anh T. vậy là mình đi cùng đường rồi.

Nhà P.M. gần nhà tôi, tôi hơi bối rối nhìn ra sau. Những cái áo trắng đi tản mác. Và con đường tôi sắp về vắng hoe. Con đường này mới mẻ, mấy tháng trước có hàng kẽm gai chận ngang. T.V. đi bên cạnh tôi, cười nói như không:

– Chị T.Q. mới hỏi thăm anh K. hôm qua.

Tôi giật mình:

– T.V. nói gì?

– Chị T.Q. hỏi thăm anh, nghe rõ chưa. Chị nói sao lâu quá không thấy anh sang nhà chơi, mốt chị ấy đi Saigon rồi.

Tôi hỏi, giọng lạ hoắc:

– Thật à?

– Ừ, chị T.Đ. cũng nhắc anh nữa (T.V. đưa tay hất nhẹ mái tóc). Từ hồi bỏ trường Tổng Hợp qua Sư Phạm, anh K. lơ hết, lơ cả tụi này nữa. Buồn ghê

Buồn ghê. Tôi quay sang nhìn T.V. Cô bé có vẻ nói thực, khuôn mặt không cười trông tội nghiệp. Tôi đính chính:

– Anh lơ hồi nào đâu. Dạo này bận việc quá. Không đi đâu được hết. Vừa học Sư Phạm vừa học chương trình lớp 12 để thi tú tài 2. T.V. thấy anh rảnh không, học bù đầu cả ngày.

Con mắt T.V. dí dỏm:

– Xạo, chiều nào V. cũng thấy anh ra V.H.

– Đâu có, lâu lâu anh ra mua sách học đấy chứ

– Thôi tạm tin anh, bây giờ V. hỏi anh cái này nghe. Sao dạo này V. thấy anh có vẻ là lạ vậy, đi ngoài đường cứ nghinh mặt đi thẳng, gặp ai cũng không thèm cười, không thèm chào, sao kỳ thế?

Tôi cúi đầu:

– Anh vẫn vậy.

– Anh lại dối V. rồi đó. Dạo này anh K. kỳ ghê.

Giọng T. V. buồn buồn. Nhưng tôi không thể nói cho cô bé biết được. Nội tâm tôi, chỉ có tôi hay mà thôi, làm sao anh có thể nói rõ cho em nghe, hở V.? T.V. chỉ tay vào trong sân căn nhà lầu sơn đen, kêu lên. Coi cái cây kìa, anh K., cây chi không có một chiếc lá, dễ thương quá. Tôi nhìn theo hướng tay chỉ của cô bé, khuôn mặt T.V. hí hửng trông dễ thương hơn cái cây không lá này nhiều lắm. Tôi nói:

– T.V. ạ, có những điều mà em không thể nói với anh được, cũng như có những điều mà anh không thể nói với ai hết, dù T.V. Nhưng dù thế nào đi nữa thì anh cũng không dám làm mặt lạ với T.V. đâu.

Cô bé im lặng, cười nhỏ. Một lát, cô bé nói:

– Trường mình lúc này kỳ lắm anh K. à!

– Sao?

– Trường ra thông cáo là không ai được phép vào trường trừ học sinh của trường, ai vào bị mời ra ngay.

– Kể cả anh? Tôi đùa.

– Chứ sao. V. thấy làm vậy kỳ quá. Sau này học trò cũ có muốn về thăm trường, vào trường một chút cũng không được. Tội nghiệp họ.

Tôi im lặng. Tôi cũng đang muốn trở lại thăm trường đó, tôi muốn một buổi sáng buổi chiều nào đó tôi lẫn vào trong đám áo xanh vô tư quen thân cũ, nhìn lại, ngắm lại tất cả. Tôi cúi đầu nói nhỏ:

– Anh đâu có muốn bỏ trường mà đi.

– V. biết mà.

Một khoảng im lặng phủ xuống chúng tôi. T.V. vừa đi vừa nhìn cây bên vệ đường, mắt tròn, môi đỏ, tóc dài dài ngang vai. Cô bé nói, bất chợt:

– Khi nào anh đến nhà V. chơi nghe.

Tôi nghe tôi ừ một tiếng nhỏ. Tiếng tôi rơi trong không gian, lạ hoắc. Tôi và T.V. băng ngang đường H.V. Chúng tôi xuống đường Đ.T.H. Tôi đưa chân đá viên sỏi nhỏ, viên sỏi lăn đi xa. Thốt nhiên tôi cười, nụ cười buồn hiu muốn ứa nước mắt. T.V. hỏi:

– Cái gì vậy?

Tôi nói:

– Anh nghĩ tới lúc anh ra trường, dạy học tụi be bé tí xíu, chắc vui lắm

Giọng T.V. nhí nhảnh, cô bé đã quên:

– Lúc đó anh kêu V. tới làm phụ tá cho nghe. V. chấm bài siêng lắm.

Hai đứa cười. T.V. đứng trước cổng nhà P.M. đưa tay chào tôi. Nhớ đến nhà V. chơi nghe. Tôi còn phải đi một khoảng nữa và một góc đường nữa mới tới nhà. Tôi gật đầu. Và tự nhiên tôi đi ngược lại khoảng đường lúc nãy tôi và T.V. đã đi lúc cô bé bước vào nhà P.M., đến đầu đường Đ.T.H., tôi đi thẳng lên H.V. Thực tình tôi không nghĩ gì hết, và tôi biết trời chiều rồi. Vâng, trời chiều rồi. Đồng hồ trên tay tôi chỉ 6 giờ 5 phút. Giờ này V. đã đứng trước nhà chờ tôi về rồi đấy. tôi đi dưới những hàng cây quen thuộc mấy năm, con đường reo vui dưới chân tôi. Tôi muốn nhìn lại trường cũ của tôi một chút trước khi tôi không bao giờ đặt chân đến đó nữa, lòng tôi thanh thản vô cùng. Tôi hát khe khẽ một đoạn sau của khúc Hương Xưa. Người ơi còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm bên ao. Người ơi còn nhớ mãi tiếng ru êm đềm buồn trong ca dao. Tôi nghĩ chị T.Đ đã bỏ trường ra đi mấy năm về trước, năm nay T.Q. lại ra đi. Và tôi, tôi cũng ra đi. Chỉ còn T.V., một hai năm nữa sẽ tới lượt cô bé, lúc đó tôi mong T.V. đừng buồn đừng tiếc nuối gì hết, cô bé như cánh bướm đến với hoa rồi bay. Mái trường cũ đã hiện ra rồi kia, thốt nhiên từ trong nỗi xôn xao mừng rỡ tôi thấy có một chút gì nguội lạnh chán chường. T.V. nói, trường mình bây giờ kỳ lắm anh K. à, phải là học sinh trường mới được vào trường, còn…, phải rồi, bây giờ tôi đã không còn là học sinh của trường nữa. Bây giờ tôi đến trường một cách lén lút như thế này, há chẳng phải là tôi đã hành động trái với lương tâm mình rồi sao. Đầu óc tôi giằng co dữ dội giữa hai ý nghĩ, đi tới hay quay lại. Tâm lý con người thật kỳ cục, mấy phút trước đây lòng tôi thanh thản sôi nổi biết mấy. Trường thân yêu ơi, tôi quay lưng, trường nằm sau tôi đi, mãi hoài và mãi hoài. Tôi nhìn cái áo trắng bên ngoài. Đừng bao giờ trở lại trường nữa. Tôi cố gắng không nhìn lại mái ngói đỏ quen thuộc. Màu áo xanh vĩnh viễn tôi đã mất. Tất cả chỉ còn như một thứ kỷ niệm nhỏ nhoi mà đầm ấm. Tôi tự hỏi, mình kỳ dị quá phải không? Nắng quái còn sót lại trên đầu tôi rưng rưng như muốn khóc.

Lúc về, ngang qua nhà P.M. một lần nữa, tôi thấy hai cô bé đứng nói chuyện với nhau trong sân. T.V. tròn mắt nhìn tôi.

T.V. ơi, có phải khi mình ra đi thì mất hết tất cả không em?


Thương Vũ Minh
(giao hữu)      


(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 38, ra ngày 20-11-1972)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>