Một ngôi trường, mùa hè thi vị có hoa
phượng nở đỏ rực, tuổi thơ là những gì ngọt dịu êm đềm. Dưới đám lá nhỏ mịn và
xanh, hoa phượng nở lưa thưa, xinh xinh, khoảng thời gian đó, trường học đóng
cửa – dĩ nhiên – tôi trở về nếp sống bình thường bên mẹ và chị Duyên – vì tôi ở
nội trú – sau khi dự buổi tất niên nhỏ ở lớp.
Nhà tôi không mấy giàu, miếng đất sau
nhà khá rộng vì phù sa năm bảy năm bồi đắp, mẹ tôi và chị Duyên ra công cày,
cuốc, bây giờ miếng đất ấy trở thành một mảnh vườn khá rộng và xinh xắn, một hàng
dài dừa xiêm non mua gốc tận bên kia giòng An Cựu, mấy bụi trầu xà lẹt lá vàng
và um tùm, một khoanh đất trồng rau cải, mồng tơi, mướp khía, mướp hương, vài
giàn bí đao trái to bằng hai cái bắp chân của tôi.
Ngay dưới gốc hàng dừa – vì đất xốp mẹ
tôi thuê thợ đào cái mương dài thông ra sông để thả bèo và nuôi vịt, chính con
mương ấy đã ngăn “phần đất riêng” của tôi với mẹ tôi.
Bên đây mương, mẹ tôi rào cho tôi bằng
các phên tre mắt cáo, chỉ chừa một lỗ to ở chỗ đất trống để vịt có đường đi vào
chuồng mỗi tối mà không phá hại chi đến cây cối của tôi.
Các thứ cây tự tay tôi trồng rất yếu
ớt, và lèo tèo, một cây phượng xinh – nhưng chưa có hoa – một cây mãng cầu non,
một vài bụi hành ngò và ớt, và mới có thêm bụi lựu đang đơm hoa đỏ rực. Mỗi sáng,
tôi thức dậy sớm, đi ra sau nhà tưới cây, lu nước mưa ở góc vườn, cái gáo dừa
cũng ở đấy, cây của tôi tràn đầy sức sống, và cũng mỗi ngày, tôi ngắm từng cái
lá non mới nhú, từng cái hoa mới mọc, tôi đã bỏ bao nhiêu thì giờ, tỉ mỉ vạch
lá xem một con sâu, một cái trứng ruồi, cắt, xén công phu, như những cụ già
ngày xưa chơi kiểng, tôi phải ví công việc ấy, sự săn sóc đầy thương yêu ấy như
tình mẹ, vì nguồn vui, tôi đã đặt hết vào đám cây trái ấy.
Mùa hè là những gì vui vẻ nhất tích tụ
lại trong khoảng đời êm vui của tôi, thỉnh thoảng ra chợ với chị Duyên là tôi
có dịp ăn quà thỏa thích, con gái là chúa ăn quà vặt, ăn bớt tiền chợ, tôi đã
tự hào bao lần, tôi không phải là con gái, nhưng ra chợ, thì tôi lại sướng mê
tơi, ăn luôn mồm, ăn sướng miệng, quên mất câu “đường đường một đấng nam nhi…”
mẹ dạy, và có dịp gặp anh hề bán thuốc đau răng, giọng nói có duyên như con gái
của anh ta pha hề thì không chê vào đâu được.
… Lúc ngày còn đi học, cuối giờ, tôi
trốn khỏi phòng nội trú, đi lang thang trên con đường không tên dài hun hút, u
ám. Con đường không một tia nắng lọt qua, thấm đến lớp lá nhỏ mịn màng, êm êm
và héo mục dưới chân. Về mùa thu, hai hàng cây phượng trơ cành gầy guộc, khẳng
khiu không lá. Tôi thơ thẩn, lặng lẽ, con đường dẫn đến một khu vườn trồng chôm
chôm, vườn chôm chôm có rào nên tôi chỉ dám đứng ngoài dòm ngó chứ không dám
leo trèo, con trai chi mà yếu xìu, tôi đã từng phê bình gắt gao tôi như vậy –
thỉnh thoảng có một vài trái chin rụng, tôi nhặt lấy bóc vỏ ăn ngon lành. Đến
đầu mùa xuân, hai hàng phượng trổ lá xanh non và mùa hạ đến, hoa phượng nở đỏ
chói, gay gắt dưới ánh nắng, đầy hy vọng như lòng tôi.
Mưa kéo về bất chợt, lá cây mục nát
hòa với màu đất nâu sậm, bốc lên có mùi quen thuộc. Và rồi hoa phượng, mùa Thu
dần dần đến… Tôi vẫn vô tư, và đâu biết đang có “một biến cố” lớn xảy ra trong
quãng đời êm đềm ấy! Ở dưới này không có trường trung học, và tôi phải lên
tỉnh. Đối với tôi, cái “nước Sàigòn” sao mà lớn thế, và tôi buồn không cùng.
Ừ nhỉ! Tôi sẽ mất những gì tôi hiện
đang có, tôi không còn thấy ngôi trường, con đường không tên này, cả ngôi nhà
và khu vườn thân yêu này, cả mẹ và chị Duyên nữa, những vật, những người thân
yêu của tôi ơi! Tôi sẽ phải đi xa, không biết bao giờ sẽ trở về, tôi chỉ mong
những gì có bây giờ, vẫn tồn tại ở mai sau, tôi cầu mong đừng có gì thay đổi,
có lẽ nó là “một biến cố” quan trọng không kém biến cố tôi đang gánh chịu. Giã
từ… giã từ và mong ngày tái ngộ…
Dĩ nhiên, bao giờ tâm hồn tôi cũng ăm
ắp những kỷ niệm, và chuyến đi tuổi nhỏ ấy, cho đến bây giờ và có lẽ tôi không
dám chắc chắn vì thời gian… cả về sau nữa, tôi sẽ không quên biến cố ấy.
Chị Duyên bây giờ đã có chồng, chồng
chị là một trong những anh quân nhân đồn trú ở An Thành, có dịp đi qua nhà, và
quen biết nhau từ đấy. Ngôi trường cũ đã xây kiểu khác, con đường không tên
không còn nữa, nhà cửa san sát với nhau, không còn một chứng tích của ngày xưa.
Chỉ riêng giòng An Cựu vẫn chảy lờ đờ,
không reo vui khi người xưa trở về. Mẹ tôi tóc thêm bạc trắng, vẫn vui bên đám
cây trái của ngày xưa. Cây phượng, cây mãng cầu, bụi ớt, bụi ngò, và mẹ tôi :
những nhân chứng nguyên vẹn và trung thành.
Tôi dìu mẹ tôi ra ngồi bên hiên, dưới hàng
trầu xà lẹt già cỗi.
Mùa Thu đang về trên cao, tôi mỉm
cười. Và tôi nũng nịu gọi mấy tiếng mẹ, mẹ.
Mẹ tôi cười, xỉa tay vào trán tôi:
- Mày làm như là con nhỏ nhít lắm vậy.
THƠ
THƠ