Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017

Một Giờ Học Cổ Văn


- Dạy từ thuở hãy còn trứng nước
Yêu cho đòn, bắt chước lấy người
Trình, thưa, vâng, dạ, đứng, ngồi;
Gái trong kim chỉ, trai ngoài bút nghiên
Gần mực đen, gần đèn thì sáng;
Ở bầu tròn, ở ống thì dài...

Thày giáo An đặt cuốn sách xuống bàn, nhìn một lượt khắp lớp, dặng hắng rồi cất cao giọng hỏi:

- Các anh, các chị đã viết xong cả chưa?

- Dạ rồi ạ!

Thày xoa tay:

- Được, vậy ngồi yên nghe tôi giảng đây. Bài này trích trong "Gia Huấn Ca" của cụ Nguyễn Trãi... Xuỵt, đừng nói chuyện...

Thày cầm cái thước, gõ cạch trên bàn, trừng mắt nhìn xuống cuối lớp:

- Định!

Định có hỗn danh là Định Còm đứng lên, ngơ ngác nhìn thày giáo:

- Dạ?

-Ngồi yên mà nghe!

- À, vâng ạ!

Định Còm ngồi xuống, đầu cúi nhìn trang sách, nhưng vẫn nói với Thất ngồi bên cạnh:

- Tao tưởng bố ấy gọi gì! Bài hôm nay có gì khó đâu, chỉ đọc qua một lượt cũng hiểu.

Thất:

- Thôi yên đi mày! Yên mà nghe...

Thày giáo An:

- ... Nguyễn Trãi, hiệu Ức Trai, người xã Nhị Khê huyện Thượng Phúc là một văn gia nổi tiếng buổi Lê sơ. Tác phẩm ông viết bằng Hán văn rất nhiều. Riêng về Việt văn có tập Gia Huấn Ca vẫn truyền là của ông soạn ra.

Định Còm:

- Mày ạ, tuần này có một phim hay tuyệt cơ. Chị tao đã đi xem rồi mà hãy còn muốn xem lại.

Thất:

- Xuỵt, im mày!

Định Còm:

- Ờ, nghe làm gì mày? Lớp học hè ấy mà! Có bài gì cần lắm đâu? Thế nào sang niên học sau, chả phải giảng lại. Này...

Nhưng thấy Thất không có vẻ muốn nghe chuyện, hắn đạp chân lên hàng ghế trên:

- Ê, Lưu! Mày làm gì thế?

- Tao đương... đọc truyện!

- Truyện gì hả?

- "Đôi mắt huyền"! Lưu nháy mắt thêm:

- Tiểu thuyết diễm tình của tuổi đôi mươi, mê ly không chê được! Mày xem chưa?

Thày giáo đứng trên bục vẫn giảng:

- Tập Gia Huấn Ca, viết theo thể lục bát, chia làm sáu bài:

1) Dạy vợ con; 2) Dạy con ở cho có đức; 3) Dạy con gái; 4) Vợ khuyên chồng; 5) Dạy học trò ở cho có đạo; 6) Khuyên học trò phải chăm học; chủ ý tác giả là đem các điều cốt yếu trong luân thường diễn ra lời nôm cho mọi người đọc, nên lời văn dùng nghe giản dị, lưu loát và êm ái.

Chiếc thước ở tay thày An lại gõ xuống bàn cạch cạch:

- Im! Lưu!

- Dạ!

Thày cau mặt, gắt:

- Chuyện gì mà lắm thế! Anh thử nhắc lại lời tôi vừa nói.

Lưu nhìn nhìn sang hai bên, đá chân vào các bạn, có ý giục nhắc, rồi ấp úng:

- Thưa thày, thày vừa... khuyên học trò nên... lưu loát và êm ái!

Cả lớp cười ồn. Thày An lắc đầu thở dài:

- Anh chẳng chịu nghe gì cả. Vậy bài học mà tôi đương giảng có ích gì cho anh?!

Thày ngồi ôm đầu một lát, chán nản, suy nghĩ, rồi ngửng lên thày nói như dỗ học trò:

- Nếu các anh chịu khó ngồi nghe giảng hết bài này, tức là một đoạn trích giảng của bài "Dạy vợ con" trong tập Gia Huấn ca, tôi sẽ kể thêm cho các anh nghe một truyện lý thú về Nguyễn Trãi...

Các học trò con gái, ngồi hai hàng ghế trên cùng, láu táu:

- Thày kể ngay đi ạ!

Lớp học lại ồn lên. Chiếc thước kêu cạch cạch mãi chẳng ăn thua gì đành nằm im lặng trên mặt bàn. Được thể, có anh học trò che mồm đi, để giục trắng trợn một câu:

- Vâng ạ, luôn tút xuỵt đi cho vui!

Thày bực lắm lắm, nhưng không làm sao được vì biết bọn học trò bây giờ nó dân chủ quá mất rồi. Có mắng mỏ dạy dỗ chúng cũng phải hết sức nhẹ lời chứ không thì...

Trường là trường tư, ông hiệu trưởng chỉ cần đông sĩ số. Nên có học trò dám xử hỗn cả với thày. Không học trường này thì đi trường khác.

Thày đành miễn cưỡng giảng lạc đề đi một tí:

- Các anh các chị đã học Việt sử hẳn cũng biết, vì cái án Thị Lộ mà năm 1442 Nguyễn Trãi bị tru di cả họ.

Tục truyền rằng : Một hôm đi chầu vua về, giữa đường ông gặp một người con gái đẹp gánh chiếu bán. Ông bèn đọc thơ bỡn:

Ả ở đâu mà bán chiếu gon
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?

Định Còm thích khuỷu tay vào Thất:

- Thơ gì mà bố ấy đọc ông ổng thế mày?

- Thơ của Nguyễn Trãi bỡn Thị Lộ!

Định Còm nhìn lên bàn học trò gái nháy mắt:

- Thị Lộ à! Mày có rủ được Thị Lộ nào đi chơi xa lộ không? Trên xa lộ rất nhiều Nguyễn Trãi và Thị Lộ mày ạ. Rìa đường, bên gốc cây chỗ nào cũng có. Nhất là trời nực này.

Lưu quay lại:

- Chúng nó kéo nhau lên đấy làm gì, mày?

Định nhún vai:

- À, phất phơ... Tơ lơ mơ... chứ còn cái gì nữa. Mày quê một cục!

Thày giáo, giọng hơi gắt:

- Định, nói gì thế?!

Định trâng tráo đứng lên:

- Em nói truyện Thị Lộ...

Thày giáo lơ đãng:

- Ờ phải, Thị Lộ quê ở Tây hồ nghe Nguyễn Trãi đọc thơ bỡn, liền họa lại:

Tôi ở Tây hồ bán chiếu gon
Nỗi chi ông hỏi hết hay còn?

Thấy là người ứng đối thông minh, Nguyễn Trãi cưới nàng làm hầu.

Định Còm nhấp nhổm trên ghế:

- Thú nhỉ!

Hắn ngừng lại thì thào vào tai Thất:

- Hết giờ này chuồn lên xa lộ chơi nhé.

Thất:

- Xa lắm mày ạ.

Định:

- Ăn nhằm gì! Mày quên rằng tao là anh hùng Suzuki à?

Thày giáo:

- Tháng 7 năm 1442 vua Lê Thái Tôn tuần du phương đông, duyệt võ ở Chí Linh, Nguyễn Trãi mời đón xa giá, Vua bèn đến chơi chùa Côn Sơn là chỗ ông trí sĩ. Vua nghe tiếng Thị Lộ có nhan sắc lại có văn tài liền triệu cho làm Lễ-nghi-học-sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi Đông tuần, xa giá về đến vườn Lệ chi xã Đại-lại huyện Gia-bình thì mắc bệnh, rồi mất. Ai nấy đều nói Thị Lộ giết vua bắt nàng giết đi và tru di cả họ Nguyễn Trãi.

Định Còm:

- Mày có giầu "xìn" không? Cần độ dăm bảy chịch thì đủ.

- Nhiều thế? Tao làm gì có!

- Gì mà nhiều! Lên đấy cũng phải làm một chầu giải khát nữa chứ!

Thày giáo:

- Trở lại bài Gia Huấn chúng ta đương học đây thì... Ồ, Định!

Định ngồi yên lẩm bẩm:

- Gì mà cứ gọi luôn! Sao hôm nay lão này "trù" mình dữ thế" Thôi đi bố, giảng văn thì cứ việc mà giảng, kệ mẹ người ta nói chuyện có được không?

 Thày giáo thấy Định đã không đứng lên, còn ngồi lẩm bẩm như có ý xược với mình, thì không nén nổi cơn giận. Thày vẫn nghĩ : cái nghề dạy học nó đã đơn bạc chẳng ra gì, suốt ngày gào rát cổ bỏng họng chỉ mong cho học trò được trở nên giỏi giang đức hạnh là mừng, nó cũng hả cho cái công dạy dỗ. Thày không hề phàn nàn bao giờ và ngày nọ qua ngày kia thày vẫn sống kiên nhẫn với lương tâm một ông thầy.

Thế mà bọn trẻ, có những hạng tuổi trẻ như Định Còm kia thật đã làm cho thày héo gan héo ruột. Học không buồn học, còn quấy rối cả trật tự trong lớp. Của này lớn lên, chẳng biết rồi sẽ làm được gì hữu ích cho gia đình xã hội? Cứ nghĩ thế mà thầy thấy xót xa lo lắng cho trò, băn khoăn cho tương lai của đất nước. Nhiều lúc bực mình toan thây kệ chúng, đứa nào muốn học thì học, nhưng rồi thày lại không thể để mặc chúng thế được. Đành phải nói:

- Anh Định, sao tôi gọi anh không đứng dậy?

Định Còm lẩm bẩm:

- Ừ, nào thì đứng!

Hắn khoanh tay trơ trẽn nói to:

- Thầy bảo gì?

Thày An giận quá run cả giọng:

- Từ nãy đến giờ tôi gọi anh lần này có đến lần thứ ba chỉ để bảo anh ngồi yên mà nghe tôi giảng bài. Vậy mà anh không chịu ngồi yên, làm phiền cho cả người bên cạnh.

- Em làm gì đâu?

- Anh không làm gì! Nhưng anh cũng có ngồi yên nghe giảng đâu? Tôi đã giảng những gì anh có thể nhắc lại được không? 

Trên bàn con gái nhiều người quay lại nhìn, cười khúc khích. Định đỏ mặt, đâm nói hỗn:

- Bài này em không cần học!

Thầy An giơ hai tay lên trời:

- Học hay không học là tùy anh. Cũng như tương lai anh sau này hay, dở là tùy ở anh vậy. Nếu anh không cần học, anh ra ngoài kia, để cho người khác học.

Định đứng ngẩn mặt, rồi tự ái (!) nổi lên, hắn vênh váo:

- Ô-kê!

Hắn bảo Thất:

- Mày mang sách về cho tao nhé.

Rồi hắn rời khỏi ghế bước ra ngoài.

Thầy An toan gọi giật hắn lại, bợp cho mấy cái, về cái tội hỗn xược của hắn, nhưng thầy chợt nghĩ đến cái nghề giáo của mình : cao quí nhưng cũng thật là đơn bạc, đến lũ thiếu niên đang ngồi trước mặt, mà tương lai của chúng liên hệ đến tiền đồ của Tổ quốc mà ngao ngán. Thầy đành thở dài, cầm sách lên cố nuốt nghẹn ngào để giảng cho xong bài Gia-huấn.


Hà Châu    


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 76, ra ngày 1-9-1967)



oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>