Cứ theo sách vở thì tết Trung thu còn gọi là tết nhi đồng ở một sự phịa của người Đường Minh Hoàng. Người phịa rằng: Vào một đêm trăng trong gió mát, ao thu lạnh lẽo nước trong veo người được một vị tiên mời lên Apollo cầu vồng đi thăm Trăng. Lúc trở về người còn thuổng được một vũ khúc nhãn hiệu là Nghê Thường.
Cái sự phịa không tiền khoáng hậu này đã được mọi người vờ vĩnh ra cái điều có thực và chính cống bà lang trọc nên hàng năm có bầy ra đại lễ kỷ niệm gọi là lễ Trông trăng. Thế là tết Trung thu ra đời. Cứ vào ngày 15-8 thiên hạ lại kéo nhau ra, ngửa mặt lên trời nhìn trăng cứ như đười ươi giữ ống. Sự trông trăng này kéo dài cho tới khi trăng khuất non ngàn là a lê vào giường nằm co chờ sáng, không có cái màn lỉnh kỉnh huê rạng chư bi giờ. Ôi nếu con cháu cứ giữ cái sự trông trăng chay tịnh thật lực như thế thì khỏe khoắn biết mấy, đằng này lại bầy vẽ ra nào là phải có bánh dẻo, bánh nướng, đèn giấy, múa lân cơ. Nếu không có thì kể như kém văn minh, lạc hậu! Nhiêu khê thật! Rắc rối thật.
Nguyên cái khoản bánh Trung thu cũng đã đưa bàn dân thiên hạ đến chỗ điêu đứng hấp hối về: Tiền tài và sinh mạng. Nhất là từ ngày các đấng nhi đồng được người nhớn chiếu cố sang đứt cho cái tết Trung thu không đòi một khoản bồi thường thiệt hại nào cả thì con số búp bê suýt tiêu điều miền cực lạc quả có hơi cao. Bởi lẽ nền bánh Trung thu do các vị người giao chỉ gốc Mã Viện sáng tác rất ư là kinh khủng, sau nữa là vì các búp bê ăn uống kỹ quá nên fost jestum pestum diễn nôm là: "Sau ngày tết Trung thu, Tào Tháo đuổi". Nếu có dịp làm một pha thanh tra các xưởng nhớn nhỏ chế bánh Trung thu thì có lẽ các đấng bảo vệ nhi đồng phải hồn phách ngất ngư con tầu đi.
Bánh Trung thu mà bàn dân thiên hạ được ẩm thực vào đêm rằm lúc bóng trăng đã xế tà sau khi đã nghe dăm bẩy bài diễn văn, rước đèn vài cây số và hoan hô vỗ tay sướt cò bợ ra là cái bánh đã được chế ra cách đó chừng 4 tháng trước. Bởi rằng thì là đại xưởng nào cũng muốn tung bánh ra thị trường trước để rước mối, hóa cho nên cái sự điều chế nó mới sớm sủa kỹ như vậy. Bánh chế ra rất là vệ sinh. Có cả viện Pasteur phân chất kia đấy ; nhãn hiệu cũng đã được cầu chứng tại tòa, kẻ nào mà giả mạo cầm nhầm là cứ vác chiếu ra ba tòa quan nhớn, cái gương bánh bao bác Cả Cần còn rành rành ra đấy, coi chừng! Nếu thầy Lang Pát-Tưa có gặp cái bánh Trung thu phân chất rồi cũng phải sống lại mà khóc thét rồi mới chết nữa được. Bởi lẽ vì cái bánh đem phân chất ấy chỉ có tính cách trình diễn, còn bao nhiêu thì làm bằng cái gì có thánh biết. Chỉ biết rằng: Bàn dân thiên hạ đừng có tin vào cái nền quảng cáo của cái xứ này mà có ngày đi tầu suốt. Bánh đậu xanh ngon lắm! Sức mấy, khoai lang đấy. Đậu xanh đào đâu ra mà làm, đừng tưởng bở. Thập cẩm hột gà? Ôi sao mà quí hóa thế? Nào mè, nào hạt dưa, nào lạp xưởng, nào hạt sen, nào quế, nào đủ thứ... thập cẩm. Ngon lắm, xơi vào là bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ. Bổ hơn cao hổ cốt, sâm nhung nữa đấy, nhưng bổ rồi thì lên luôn con tầu suốt không có ngày về thưởng trăng. Bởi lẽ cái chất ngọt và béo ngậy ấy được các nhà bào chế rút ra từ đường hóa học và bầy heo tịch đã được lệnh các vị thú y tức lang gia súc bắt chôn từ khuya, nay được moi lên. Mỡ heo tịch làm bánh ai biết. Thịt nạc làm lạp xưởng, xương nấu tàu vị yểu – da làm bóng phơi khô, bán dần. Vẽ vời chôn với cất mất công phí của! Thời buổi này mà phí phạm là có tội đấy! Nếu nhân dân được phép tham quan – xin lỗi các đấng thuổng nhờ tí nhé – các xưởng chế bánh Trung thu tất hồn phách phải mất thăng bằng, có khi còn tiêu diêu nơi cõi thọ là đằng khác. Bánh nướng nhân khoai tục gọi là bánh đậu xanh chế rất tinh vi hợp vệ sinh lắm. Khoai lang luộc tán nhỏ trộn đường hóa học thêm chút dầu chuối là thành bánh đậu xanh vốn liếng là mấy! Bánh thập cẩm lại càng rùng rợn hơn. Mỗi "cẩm" một chậu, tay đuổi ruồi tay trộn nhân. Ngứa đâu gãi đấy, khuất mắt ai coi! Ôi bàn tay năm ngón của miêu duệ Sầm Nghi Đống thì hết chỗ chê!
Quí vị ăn chay niệm Phật hả? Được ngay, quí vị cũng có bánh chay trăm phần trăm. Mô Phật sao mà phúc đức thế! Xin tam bảo phù trì nền bánh Trung Thu đất nước này. Thế nhưng, kính thưa chư Phật tử, làm gì có dầu, có đậu, quí vị đang được thưởng thức mỡ heo và đường hóa học đấy.
Đại khái thì nền bánh Trung thu của ta là như vậy đấy, thế mà thiên hạ cứ xếp hàng một mà mua như chờ phát chẩn không bằng, lại còn rủ nhau: một hai ba chúng ta mua bánh cả làng!
Ngoài khoản bánh, người ta phải kể đến vụ nhộn nhịp, cờ xí, trống phách, chũm chọe ngậu xị họ lên đó là Múa Lân, có nơi còn gọi là múa sư tử chả biết ai đúng. Nhưng có điều đã gọi là tết nhi đồng thì mọi chuyện cứ để cho nhi đồng vui vẻ, đằng này người lớn bầy vẽ lập hội múa lân mục đích để kiếm tí tiền còm. Cái mục đích này nó lâm ly và vất vả lắm. Trước hết ông Chủ hội phải làm một màn đi trước, nghĩa là đi gạ xem gia chủ nào bằng lòng rước lân để cầu an làm ăn khấm khá thì hội sẽ hẹn giờ vác đầu lân và đoàn tùy tùng tới. Dĩ nhiên khoản tiền còm đã được định trước.
Khi lân đến, gia chủ mở cửa, lân sẽ làm một pha vái chào rất ư là lễ phép. Càng lễ phép gia chủ càng hả hê có thể thêm địa là đằng khác. Sau đó là màn nhẩy múa, vờn địa, cắn đuôi, vờ tìm trái cầu v.v... nghĩa là mệt lắm. Nhưng nếu mồ hôi cục đã chảy ra, lân có quyền vờ vĩnh nằm nghỉ nhưng mắt vẫn chớp lia lịa. Hết một màn nhẩy, lộn lại bắt đầu chừng vài ba pha là lân bắt đầu khều tiền. Mục này là mục vất vả nhất. Nếu hội nào bị tổ trác có chầu gẫy xương, vỡ mặt. Gia chủ buộc tiền thưởng lên chỗ cao hiểm hóc, lân phải công kênh nhau hết thang ngắn đến thang dài mới hòng khều nổi. Ôi nghệ thuật kiếm tiền quả hốc hác thật.
Đệ tam món Trung Thu là đèn giấy, nó cũng được xếp vào loại tối quan trọng của ngày rằm. Thiếu đèn kể như bất thành Trung Thu, lời các đấng nhi đồng đã dậy thế.
Ngày xưa đèn Trung thu nó giản dị lắm, lơ thơ vài kiểu rất là hòa bình như đèn mặt trăng, đèn củ ấu, đèn kéo quân tục gọi là đèn cù. Nhưng ngày nay nền đèn đóm đã đến thời kỳ lạm phát đầy vẻ thời trang. Người nhớn nhà buôn khôn lắm biết gãi đúng chỗ ngứa của búp bê, phục vụ búp bê hết mình nhưng không phải để làm phước đâu nhé, họ khều tiền đấy. Phe kẹp tóc thì có đèn bươm bướm, đèn bông huệ, bông hồng, con thỏ, bù câu. Phe húi cua thì có đèn xe tăng, tầu lặn, trung liên, tàu bay, ngựa chiến, bét men... Cũng có đấng nhi đồng khéo tay làm lấy, nghệ thuật rất tinh vi lại còn có vẻ thời trang tân kỳ. Chỉ cần một lon cô-ca, một ống chỉ, một cây que thế là một đèn Trung thu tự động ra đời, rọt rẹt cả đêm ngoài đường không sợ bà hỏa hỏi thăm như nền đèn giấy.
Kể ra thì mấy món ăn chơi Trung thu quả có tốn kém vung vít nhưng không ai dám nhổ rễ nó lên bởi rằng thì là nó đã trở nên cái màu mè, hình thể của ngày đó rồi. Nó ngồi chồm chỗm trong đầu mỗi người chỉ cần nghe tiếng gọi Trung Thu là nó hiện ra một cách rất sốt sắng rõ mồn một: Bánh dẻo bánh nướng đèn giấy đèn hoa, múa Lân chũm chọe. Như vậy thì làm sao mà chia ly được! Có nên tìm một hình thức vui vẻ nào khác có tính cách giáo dục, xã hội, văn nghệ không hay cứ phải ôm lấy nó sợ nó vuột mất là hết Trung thu? Khó thật.
HUY YÊN
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 106, ra ngày 7-9-1973)