Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

Ngõ Lội


Xóm tôi ở nằm lọt vào một vùng đất thấp. Cứ đến mùa mưa, nước từ những vùng chung quanh dồn cả vào cái xóm nghèo vô phước ấy. Đã gọi là xóm nghèo, hẳn đường sá chẳng thể là đường tráng nhựa. À mà không, là đường nhựa chứ, nhưng đã cách đây cả chục năm rồi, vào thuở vàng son mà xóm tôi mới chỉ lèo tèo vài căn nhà chứ chưa đông đúc như bây giờ. Bây giờ, kể ra thì chán lắm. Nhà đâu mà san sát, choán cả đường đi. Theo lời ba tôi kể, trước kia, nghĩa là cách đây chừng hai năm – nhà tôi mới dọn về xóm này có hơn năm – đường tuy xấu, toàn đất đá, nhưng khá rộng, được đến bốn thước bề ngang. Nhưng rồi không hiểu ai bày đầu mà rồi sau đó, nhà nào cũng làm thêm phía trước một mái hiên chừng hơn kém một thước. Con đường chỉ còn chưa đầy hai thước! Và từ đấy, nó hết là “con đường” nữa, nó thành một cái “ngõ”. Tên cái ngõ ấy là “Ngõ Trường Học”.

Vâng, Ngõ Trường Học! Vì nếu đi mãi ngõ này, người ta sẽ gặp một ngôi trường. Một ngôi trường không bảng hiệu, không tên tuổi, chỉ có một bà già vừa là hiệu trưởng, vừa là giám thị, vừa là giáo viên duy nhất, còn kiêm cả chức quét dọn ngôi trường! Phụ với bà giáo, thỉnh thoảng, bọn học trò chúng tôi – từ mẫu giáo đến lớp nhất – rủ nhau vài đứa đến lau bàn ghế, sơn bảng, hoặc thu dọn thành phòng khách mỗi dịp Tết về. Có tất cả hơn ba mươi học trò, tôi có tên trong số ấy. Bà giáo mệt ngất ngư vì chúng tôi; vừa giảng Toán cho mấy đứa lớp nhất xong lại phải dỗ hai đứa mẫu giáo đánh nhau vì đứa này làm gãy bút chì của đứa kia. Bọn lớp nhì chúng tôi có năm đứa tương đối khiến bà giáo dễ chịu hơn cả. Chúng tôi cùng chăm học cả (Đây là tôi nhận xét chứ không biết rõ sự thật ra sao). Toán, Luận bà giáo cho về nhà, chúng tôi làm, học tử tế. Đến lớp, năm đứa trả bài thật nhanh, góp bài cho bà giáo thật lẹ. Và có lẽ vì thế, năm đứa lớp nhì chúng tôi được cưng nhất “trường”.

Trở lại chuyện xóm tôi, có lẽ tôi phải cố “vẽ” bằng lời ra mới được. Xóm tôi được kể từ ngoài đường nhựa – đường có tên đàng hoàng – rẽ vào một con đường đất khá lớn, xe hơi có thể đi được. Con đường mang tên Xóm Trũng, tên xóm tôi, là hệ thống giao thông chính xuyên từ đầu đến cuối xóm. Cắt ngang đường Xóm Trũng, những con đường nhỏ – trong số có vài con đường đã thành ngõ như đường nhà tôi – chia xóm thành nhiều khu vực. Như khu nhà tôi có tên Khu Trường Học, những khu khác như Khu Lò Gạch, Khu Tạp Hóa, Khu Giếng... Nhắc đến Khu Giếng, tôi xin dài dòng một tí. Chả là ở xóm tôi mọi nhà đều phải dùng nước giếng vào việc bếp núc, giặt giũ, tắm rửa. Nước phông tên có tốt thật đấy nhưng ở tận ngoài đường xa, dân lao động trong xóm làm gì có thì giờ đi lấy, chỉ thỉnh thoảng. Có lẽ vì năm nào cũng bị ứ đọng, toàn thứ nước không mấy tốt lành ở các xóm khác, đất xóm tôi ngấm những thứ không tốt lành ấy, cho nên giếng nhà nào nhà nấy đều đục và vàng. Áo trắng mới mua về chỉ cần giặt đôi ba lần là thành áo... vàng ngay! Duy có một cái giếng ở một khu là trong hơn cả. Khu ấy được tiếng nhờ cái giếng  và mang tên Khu Giếng!

Đấy, đại để xóm tôi là như thế. Với những cái tên ngồ ngộ, nghe lạ tai. Nào đường Xóm Trũng, nào Ngõ Trường Học, nào Khu Lò Gạch, nào Khu Giếng... Trong chừng ấy thứ, có lẽ chỉ có con đường Xóm Trũng là tương đối khá hơn cả. Rộng rãi, bằng phẳng. Dù sao, mùa mưa đến, nước vẫn không tha, ngập đường. Xe nào phải băng ngang đường xóm tôi là cả một cực hình. Phải rẽ nước chầm chậm. Chẳng may tắt máy là đẩy nhọc. Chúng tôi, bọn trẻ loai choai, hay ra đứng hai bên đường nhìn xe cộ đi qua. Cứ mỗi chiếc xe bị tắt máy, chúng tôi lại nhao nhao lên vỗ tay reo. Y như đi xem hội chợ. Những nạn nhân mặt nhăn lại, đau khổ dẫn xe vào lê hì hục chữa. Chẳng ai thèm giận chúng tôi làm gì!

Năm nay, mùa mưa khởi bằng những cơn mưa dầm kéo dài cả hai ba tiếng vào những buổi chiều. Nước trong xóm tôi bắt đầu ứ đọng. Mọi người đã phải xách dép, bước chầm chậm trong làn nước ngập đến mắt cá chân. Mỗi buổi sáng, chiếc xích lô của ba tôi lau chùi sạch sẽ ra khỏi ngõ, chiều về, đất, bùn đã dính cùng khắp.

Chúng tôi, ba mươi mấy đứa học trò của ngôi trường dạy từ mẫu giáo đến lớp nhất phải lội nước đi học. Trường tôi không nghỉ hè. Mới hôm thứ bảy còn học lớp ba, sang sáng thứ hai tôi đã lên lớp nhì. Ngày ấy cách nay gần hai tháng. Sáu đứa lớp nhất vừa giã từ trường, mất năm đứa phải nghỉ học luôn – ở nhà đi bán hàng hay kiếm việc giúp ba má – có mỗi một đứa may mắn đậu vào đệ thất trường công. Nó làm cho bà giáo hãnh diện với mọi người trong xóm. Nó cũng làm số học trò lớp nhất của bà giáo đáng lẽ chỉ có bốn đứa từ lớp nhì cũ lên, tăng lên đến tám đứa! Và khiến bọn chúng tôi, lớp nhì, phải xuống hạng “lớp ít nhất” của trường. Chúng tôi chỉ có năm đứa. Tên chúng tôi là: Tí, Ngô, Được, Mười và tôi, Soạn.

Bọn năm đứa chúng tôi mỗi đứa có một biệt danh. Có lẽ tôi phải kể lể đôi chút về chúng tôi đây. Để xem nào, người đầu tiên phải là Được. “Được Thành Được”, chúng tôi gọi nó như vậy vì nó tên Được, lại ca vọng cổ “khá” như Thành Được. Được học khá nhất trong khi nhà nó nghèo nhất. Nó chỉ còn má, sáng sáng bán xôi đậu, trưa và chiều bán chè, bán bánh... Tí và Ngô là hai anh em, hơn kém nhau một tuổi. Vóc dáng hai anh em giống nhau, từa tựa, nhưng tính tình thì khác hẳn. Tí ưa nói, tía lia cái miệng. Ngô lại ít nói. Chúng tôi gọi Tí là “Tí chuột”, gọi Ngô là “Ngô rang”. Mười là con một ông bán phở, dĩ nhiên là người di cư, giọng nó hệt ba nó,nghe bắt tức cười: “... rưng mà... con tâu ấy không bằng con bò được...”. “Mười phở tái” là biệt danh của nó. Còn tôi, Soạn, rất ít cái đáng nói. Bọn bạn phải nghĩ mãi mới đặt cho tôi một cái tên. Chúng nó kêu sai tên tôi “Soạn” thành “Sạn”. Hòn sạn, hòn sỏi ấy mà!

Bao giờ chúng tôi cũng đi học cùng một lúc. Nhà thằng Được xa trường nhất. Trên đường đến trường nó ghé rủ anh em Tí, Ngô, rồi ba đứa ghé nhà tôi. Cuối cùng ghé nhà Mười phở tái, thẳng đến trường. Mấy đứa nhóc, con bà Chín chuối chưng hay ngồi ăn quà sáng ngoài ngõ thấy chúng tôi đi tới là rạt cả vào, không thôi, nước bắn bẩn hết vào mấy chén chuối chưng, nước dừa thơm phức của chúng. Má thằng Phủ, một đứa học trò lớp tư, hay đem chúng tôi ra dọa em nó: “Này, có nín đi không, mấy anh ấy bắt đi bây giờ”. Có tội nghiệp chúng tôi không, vì chúng tôi rất hiền, tuy có hay đùa nghịch đôi chút!

Sáng nay, sáng thứ bảy, lớp chúng tôi học Việt sử, Địa lý và làm Luận. Vừa rồi, bà giáo dạy chúng tôi bài Việt sử “Mai Hắc Đế”, lúc chép đến đoạn “... ông đen như lọ chảo...”, năm đứa chúng tôi cùng ôm bụng cười. Tí chuột hỏi bà giáo: “Thế ông Mai Hắc Đế đen bằng anh Bảy chà Hynos không cô?”. Bà giáo cốc đầu nó một cái, bảo: “Chỉ nói nhăng thôi”. Chúng tôi khúc khích mãi mới thôi cười. Đề Luận, chúng tôi được cho tả con mèo. “Thôi! Dễ nhé! Lo làm đi”. Bà giáo bảo thế rồi quay sang dạy bọn lớp nhất. Tám đứa lớp nhất đang bí Toán nãy giờ. Chúng tôi thì ngồi cắn bút nghĩ Luận. Thỉnh thoảng có đứa hỏi vọng sang bàn lóp nhất:

- Con viết câu “con mèo mà trèo cây cau” vào bài luận được không bà giáo?

- Con mèo mướp nhà con cụt đuôi mà con tả nó dài đuôi được không cơ?

- Thôi chết rồi, sao mày dám tả giống tao?

- Mày cũng tả mèo mướp dài đuôi hả? Thế thì tao tả cụt đuôi vậy...

Bà giáo bực mình vì chúng tôi, nhưng cũng phải trả lời cho xong, rồi lại tiếp tục chỉ Toán cho bọn lớp nhất.

Chúng tôi cắm cúi ngồi nghĩ, viết, rồi gạch, lại nghĩ, lại viết... Bài Luận dần được làm đến gần hết thân bài.

Chợt chúng tôi cùng thấy trời như tối lại, năm cái đầu ngóc lên nhìn ra cửa. Bọn lớp tư ngồi ở bàn đầu reo lên:

- Ông Sáu! Ông Sáu về!

Ông Sáu, con trai bà giáo, khoác áo mưa, tay cầm giầy vớ, quần xắn lên tận gối đang đứng chắn ngang cửa, cười tươi, hàm răng ông trắng muốt khoe giữa gương mặt đen đủi. Tôi nhớ đến bài “Mai Hắc Đế” và ôm bụng cười. Mười phở tái có lẽ cùng ý nghĩ với tôi, cũng gục mặt xuống bàn cười hinh hích.

Bà giáo quay nhìn con trai, lấy tay sửa đôi kính già:

- Mày mới về đó hả Sáu?

Ông Sáu còn đứng ngoài hiên, cởi áo mưa, bỏ ống quần xuống, không đáp lời mẹ mà nói:

- Đường năm nay lội dữ, con tưởng mới tháng này đâu đã mưa dữ vậy...

Rồi, ông đi vào trong nhà – nhà hay trường cũng thế thôi, vì phía ngoài là bàn ghế học của chúng tôi, phía trong là nhà bà giáo, không có vách ngăn gì cả.

Ông Sáu tìm chỗ khoác áo mưa xong, ngồi xuống giường, rút lược ra gỡ đầu.

Bọn chúng tôi bắt đầu ồn lên:

- Bà giáo cho tụi con nghỉ nghe...

- Ông Sáu ơi! Ông Sáu có quà cho tụi con không?

- Ông Sáu ơi! Lại đây con hỏi cái này coi... Tả con mèo bắt chuột thì phải tả làm sao?

Bà giáo nhìn chúng tôi cười rồi lắc đầu. Nét phúc hậu hiện rõ trên nếp da nhăn. Ông Sáu, lần nào cũng thế, hễ về thăm mẹ là không quên cho quà chúng tôi và xin cho chúng tôi được nghỉ. Ông tiến lại phía chúng tôi, nói với mẹ:

- Má cho tụi nhỏ nghỉ học nghe má!

Rồi nói với chúng tôi:

- Qua có ít bánh kẹo để ngoài xe đó, mấy con ra ngoài đó lấy vô mà chia nhau...

Chúng tôi reo ầm lên, giành nhau ra ngoài cửa, lội nước lần về phía chiếc xe con cóc của ông Sáu đậu tuốt ngoài đường – đường Xóm Trũng. Có đứa nóng lòng, chạy nhanh, nước bắn tung tóe. Lúc chúng tôi ôm bốn túi ni lông đầy bánh, kẹo từ ngoài xe vào đến trường thì ông Sáu đang ngồi nói chuyện với mẹ. Lớp trống trơn, tập vở bày la liệt trên bàn học. Bà giáo bảo một đứa trong bọn chúng tôi:

- Liệt! Con chia đều nghe!

Thằng Liệt, thằng học trò “lớn” nhất trường, dĩ nhiên là học lớp nhất, được bà giáo cho giữ chức “trường trường”, thu bốn gói bánh kẹo lại, đem lên bàn bà giáo, mở từng gói ra. Chúng tôi đứng quanh bàn đợi nhận phần. Liệt dặn chúng tôi:

- Tao chia từ từ đó nghe, mỗi lần hai cái bánh, hai cái kẹo. Đứa nào có rồi phải giơ lên cho tao biết. Ăn gian, “ông” “cộp” cho thì đừng khóc đấy!

Tất cả chúng tôi cùng nghe lời, ừ không thôi. Chúng tôi biết Liệt, nó làm gì cũng có phương pháp và công bằng. Bà giáo giao cho nó làm “trưởng trường” quả không uổng.

Một lúc, chúng tôi đều có trong tay phần bánh kẹo bằng nhau, tản mác ra, ngồi bừa bãi cả trên bàn học ăn bánh, ngậm kẹo, trò chuyện. Thằng Liệt đem phần của nó ra ngoài cửa đứng nhìn ngõ lội, bóc kẹo.

Câu chuyện của mẹ con bà giáo dẫn đến một câu hỏi của ông Sáu:

- Má... má nghĩ sao về chuyện con nói với má hồi tháng rồi?

Bà giáo cúi xuống, ngoáy một chút vôi quết lên lá trầu, cuốn tròn lại. Tay kia, bà với miếng cau bỏ vào miệng trước:

- Tao nghĩ kỹ rồi...

- Má chịu đề nghị của con hả má?

Bà giáo chậm rãi đưa nốt miếng trầu, nhai bỏm bẻm, khẽ lắc đầu.

Tôi vừa nhai kẹo – tính tôi ưa thế, nhai kẹo chứ không ngậm kẹo – vừa theo dõi câu chuyện, nhưng chưa hiểu được gì.

Ông Sáu có vẻ không vui:

- Má thiệt kỳ. Ở chỗ sung sướng không chịu, ở chi cái xóm lầy lội này...

Bà giáo nhai trầu không nói. Ông Sáu lại tiếp, giọng kể lể:

- Con thương má mà má. Má ở đây là hồi con còn chưa khá kìa, chớ giờ này, con cũng làm ăn được, có xe, có nhà rồi, má phải để con lo cho má chớ. Má nghĩ lại đi má, về sống với vợ chồng con cho sung sướng...

Bà giáo:

- Tao biết rồi. Bấy nhiêu đó đủ cho tao biết mày thương tao lắm rồi. Nhưng tao vẫn không thể bỏ nơi này đi được...

- Vì sao vậy má?

Bà giáo đưa mắt nhìn chúng tôi:

- Tao thương tụi học trò...

Ông Sáu:

- Không có má, tụi nó cũng tìm trường khác chớ đâu chịu ở nhà mà má lo...

- Biết vậy... Nhưng tao... tự nhiên tao không muốn xa tụi nó...

- Má thiệt là...

Ông Sáu thốt rồi, nhìn chúng tôi. Tôi thoáng thấy nỗi bực dọc của ông Sáu trong cái nhìn đó. Và trong trí tôi, tôi hiểu lờ mờ được câu chuyện. Chuyện được sáng tỏ. Ông Sáu đến gần chúng tôi, nói:

- Nè mấy con, lại đây nghe qua hỏi cái này chút coi...

Chúng tôi cùng hướng về ông Sáu chờ đợi. Chỉ có mấy đứa mẫu giáo không biết gì, mải nghịch với nhau. Ông Sáu quay sang mẹ:

- Để con hỏi tụi nó chút nghe má?

Bà giáo gật đầu:

- Mày hỏi gì thì hỏi chớ ai cấm cản.

Ông Sáu hỏi chúng tôi:

- Nè các con, qua hỏi các con mấy điều, các con trả lời cho thiệt tình nghe.

Chúng tôi cùng dạ vang. Ông Sáu tiếp:

- Các con thương má của qua không?

Chúng tôi ồn cả lên:

- Con thương bà giáo nhất nè ông Sáu.

- Bà giáo không ưa đánh tụi con, con thương bà giáo hơn mấy cô, mấy thầy hồi trước nhiều đó...

- Bà giáo dạy giỏi ghê mà ai không thương...

- Con làm toán trật mà bà giáo không cho “hột vịt”, còn cho làm lại rồi mới chấm điểm đó ông Sáu...

Ông Sáu chận chúng tôi lại, hỏi tiếp:

- Vậy chớ mấy con muốn má qua sung sướng hay khổ cực?

Chúng tôi lại nhao nhao lên:

- Sướng!

- Hổng đứa nào muốn bà giáo chịu cực đâu!

Ông Sáu mỉm cười:

- Thiệt vậy hả? Nè, qua nói cho mà nghe. Qua tính mời má qua về ở chung với vợ chồng qua ở trên tỉnh đó, mấy con chịu không?

Ba mươi mấy đứa chợt im lặng cả. Chúng tôi nhìn bà giáo, nhìn ông Sáu, rồi nhìn nhau. Bà giáo về ở với ông Sáu sao? Rồi còn chúng tôi, bà giáo bỏ chúng tôi sao? Bỏ ngôi trường nhỏ trong ngõ lội này, bỏ những đứa học trò nghèo này sao?

Ông Sáu tỏ vẻ ngạc nhiên trước cử chỉ của chúng tôi. Ông hỏi từng đứa. Thằng Liệt trả lời:

- Ông Sáu đừng đem bà giáo đi nghe ông Sáu...

Thằng Mười phở tái:

- Bà giáo mà đi, tụi con nhớ lắm ông Sáu ơi!

Những đứa khác:

- Bà giáo đi rồi lấy ai dạy tụi con?

- Tụi con thương bà giáo lắm, bà giáo cũng thương tụi con nữa, bộ ông Sáu không thương tụi con sao ông Sáu?

Những câu nói ngây ngô, thành thật của chúng tôi làm đôi mắt bà giáo nhòa lệ. Mắt ông Sáu cũng đỏ dần. Giọng bà giáo run run:

- Đó, mày nghe chưa Sáu?

Ông Sáu nhìn chúng tôi, ánh mắt lướt trên tất cả những gương mặt dại khờ đang cùng chong mắt về phía bà giáo. Ông quay sang mẹ:

- Con thua má và bọn học trò của má rồi...

Bây giờ bà giáo mới mỉm cười, nụ cười thần thánh. Bà nói:

- Học trò như vậy đó, hỏi sao tao bỏ đi được...

Ông Sáu khôi hài:

- Phải chi xóm đừng lầy lội, con xây trường cho má.

Bà giáo:

- Xây mà chi, thế này tao còn vui hơn.

Ông Sáu cười, nhìn đồng hồ. Đã đến giờ về học, chúng tôi lấy sách vở bỏ vào cặp, chào bà giáo, chào ông Sáu ra về. Những bước chân khua động ngõ lội. Bà giáo đứng lên ra ngoài cửa nhìn theo chúng tôi, ông Sáu tiến đến đứng bên mẹ.

Một đứa học lớp tư, còn chưa hiểu được rõ, hỏi tôi:

- Bà giáo có đi với ông Sáu không, anh “Sạn”?

- Không! Chừng nào xóm mình hết lội, bà giáo mới bỏ tụi mình.

Tôi trả lời thế vì tôi biết không bao giờ xóm tôi hết lội. Họa chăng, tôi nghĩ dại, một trận hỏa hoạn xảy ra, cả xóm bị thiêu rụi hết, người ta phải san bằng và đổ thêm đất cho cao lên, rồi cho làm nhà lại, bấy giờ xóm tôi mới hết lội. Nhưng chắc chắn chẳng bao giờ có chuyện đó.

Xóm tôi, Xóm Trũng và ngõ nhà tôi, Ngõ Trường Học, còn lầy lội hoài. Bà giáo còn dạy chúng tôi hoài.


NGUYỄN THÁI HẢI     


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 112, ra ngày 15-8-1969)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>