Tình cờ, tôi gặp lại M. Lần gặp gỡ đó, tôi vừa nhìn thấy M. từ xa, mới biết lâu quá không thấy nhau. Tôi trách mình sao lúc nầy lẩn thẩn nhiều việc quá. Hôm đó, trở về thị trấn cũ, rảnh rỗi thả bộ lang thang. Như có cảm tưởng mình nhỏ lại, của mấy tháng trước còn làm học trò. Vậy mà tưởng như đã xa. Đã qua cả năm rồi vậy. Có lẽ tôi bận nhiều điều suy nghĩ, đắn đo. Tôi đi chậm rãi. Một cách rất nhàn nhã. Giống như hồi đó trốn học, đi mòn giày con đường Bạch Đằng dọc bờ sông. Để chờ bóng tà áo trắng từ đường Đ.B.L. sẽ sang. Chỉ im lặng nhìn, đằng sau. Gió từ mặt sông thổi bay tóc, tà áo vờn bay. Và nghe lòng mình lênh đênh như sóng.
Lần này, tôi đi đoạn đường ngày đó. Ngày đó. Hai tiếng đó làm mình ngậm ngùi, tưởng nhớ. Chỉ tiếc bây giờ là buổi sáng. Buổi sáng không nồng nàn như chiều. Mấy hôm nay, thị trấn bị bão rớt. Mưa, mưa và mưa. Mưa kéo dài từ sáng đến chiều, đến tối. Ít khi có một sáng trong trẻo như nay. Mình may, ý nghĩ đó làm tôi vui vẻ. Tôi huýt sáo vu vơ. Sau đó tôi nhận ra đó là khúc Hương xưa.
Những thân cây to trên ngọn đồi tòa Hành Chánh đang sửa soạn rụng lá. Không biết đó là những cây gì. Đã thấy xuất hiện màu lá vàng. Chúng đang sửa soạn rơi. Đời lá sắp hết và một đời lá khác mọc ra. Bãi cỏ ướt sũng nước, lá giao nhau xanh mướt. Hình như nơi đó ít có người ra vào, chăm sóc. Chúng đẹp một cách tự nhiên, hoang dại. Bên bờ sông, giàn hoa giấy đỏ rực rỡ. Gió luồn trong hoa, hoa cười rung cành. Vẫn mùi gió cũ. Như những mùa Thu ngát hương.
Khi rẽ qua đường Đ.B.L, tôi chợt nghe thoang thoảng mùi hương quen thuộc quanh quất đâu đây. Tôi dừng lại nhìn. Mảnh vườn rộng trồng vú sữa, măng cụt rậm rạp, ẩm ướt như giọt sương đọng trên lá. Bên dưới tràn đầy lá úa xếp lớp dầy. Và từ đó bay lên mùi lá mục, mùi đất trộn lẫn vào nhau. Đối với tôi, mùi lá quen thuộc như những thân cây vườn nhà M. Lá mục nát, trơ gân lá vì mưa làm ẩm mục. Cùng với bùn đất, chúng tạo ra một mùi là lạ, ngầy ngật. Tôi đứng ngẩn ngơ giây lát, nhìn lá mục tưởng chừng ngày cũ in rõ trên các đường gân lá.
Trên cành thưa lá, không như những ngày mùa hạ lá đơm kín. Khung cảnh âm u, lắng đọng như những đoạn thơ Appolinnaire.
Lúc đó M. từ hướng chợ rẽ sang. M. đi chợ về. Trông cô bé là lạ. Do đó, tôi mới sực nhớ lâu quá không thấy M. Dễ cũng đã ba tháng rồi còn gì. M. cười chào tôi, hỏi:
- Anh thi đậu?
Tôi gật đầu cười đáp:
- Đậu, lâu quá không gặp M.
- Anh N. cũng vậy.
Tôi và M. cười. Huề nhé. M. đặt giỏ xuống đường.
- Đậu rồi anh đi đâu mất tích làm M. đợi khao mỏi cả cổ.
- Bận quá lo đủ thứ việc. Nhưng với M. thì không khao đâu.
M. cười tinh nghịch:
- Sao vậy?
Tôi cười, im lặng. Biết nói sao đây hở M. ?
M. nhìn tôi một lượt, như giám thị nhìn học trò có đồng phục không. Tôi đọc trong ánh mắt một chút dí dỏm, như muốn nói trông tôi lạ hẳn. Nhưng dù gì cũng không còn là cậu học trò trung học.
M. hỏi:
- Anh định học gì?
- Chưa biết nữa.
M. ngạc nhiên, đôi mắt như mở to hơn.
- Đến giờ anh vẫn chưa quyết định gì cả?
- Thì nơi nào cũng thi, định mệnh đã xếp sẵn cho mình một chỗ ngồi cả rồi. Đậu đâu học đấy, không thì vào khoa học, văn khoa.
- Anh chẳng có lý tưởng gì cả.
Tôi cười buồn:
- Lý tưởng gì nữa, có chỉ còn mơ hồ trong đầu. M. không biết, việc học như là bế tắc cả. Không môi trường nào để mình thực hiện dưới Trung học. Đậu được Tú Tài rồi thì hoang mang, phân vân dễ sợ.
- Anh không thích học gì à?
- Có lẽ Báo chí hợp nhất, nhưng lại không theo đuổi được.
M. nói với nụ cười hóm hỉnh:
- M. thích học kiến trúc, anh N. biết tại sao không?
- Không.
- Tại thích mấy cái đồ án be bé, hôm đi xem triển lãm thấy thích ghê.
Tôi cười to, nói:
- M. làm như trò chơi vậy.
Nụ cười nở trên môi M. Hàm răng nho nhỏ trăng trắng bé như răng thỏ. Có một chiếc mọc hơi mất trật tự, chính chiếc răng đó làm nhiều người bối rối. M. lại nói:
- Anh không xin đi du học sao?
- Có chứ, nhưng không được.
- Còn P., anh C., anh T. học đâu?
Chúng đi lính hết cả. Chỉ có T. làm thầy giáo. Năm nay M. vẫn học tại A. M ?
- Dạ. M. không thích đổi trường khác.
Hương hoa bưởi phả xuống, từ căn nhà cạnh Ty Bưu Điện. Đoạn đường vắng vẻ chỉ có bọn học trò và những người bỏ thư đi qua, mà hôm nay là chúa nhật. Con đường dài bị ngăn lại vì một khu quân sự, thành ra đoạn đường ngắn ngủn. Chỉ có hai căn nhà. Nhưng cũng như con đường, nó rất im vắng. Hàng Tigone hồng lan tràn như một căn nhà hoang. Bìm bìm leo lên thân cây to chằng chịt ổ rồng, chùm gởi. Mọi tiếng động ồn ào phiên chợ khu phố bị gió thổi qua cành lá làm tan biến. Tôi có cảm tưởng đứng ở một thành phố mà mọi người đã hóa đá.
Gió làm tóc M. bay dạt ra sau, trông em lớn hơn khi mặc áo dài trắng. Tôi nói ý nghĩ đó.
- Trông M. khác lạ lắm.
- Ra sao?
- Thí dụ như lớn hơn, tóc dài ra.
M. nguýt dài. Ý M. nói gớm, làm như nói cái gì hay ho lắm. Tự nhiên phải lớn lên, cũng như tóc phải dài ra một cách rất bình thường.
Tôi nhìn thấy những cánh hoa bưởi trắng tròn trĩnh nở trên khóm lá xanh. Hoa gợi tôi nhớ thời thơ ấu, ở quê nhà. Có những chú ong bầu mập tròn bay vơ vẩn. Tôi hỏi bâng quơ:
- M. đi chợ?
Tiếng M. dạ nhỏ. Cô bé hay dạ, trông ngoan hiền và bé bỏng. M. bứt chiếc lá dâm bụt, vò nát, vứt đi, lại bứt chiếc khác. Tôi nhớ những chiếc lá tội nghiệp bị chúng tôi bứt nát trong vườn nhà M. Và những cọng cỏ vò nát trong tay, cỏ sân trường nào có tội tình chi, cũng như lá khô sân trường bóp mạnh trong tay vu vơ. M. hình ảnh dễ yêu của khoảng đời vừa lớn. Quãng đời êm đềm, nhẹ như bông, mong manh như một mảnh kính dễ vỡ.
Tôi nhìn M. nói. Tôi nghe rõ giọng nói mình lạ, xa xôi.
- Được học lại trường cũ cũng thích chứ, M. ?
- Nhưng năm tới buồn lắm. Mấy anh bỏ đi hết, tụi này làm được trò trống gì. Nhớ năm ngoái mà vui ghê!
- Khi rời trường rồi M. sẽ thấy ngày còn học trường cũ là một niềm hạnh phúc lớn. Anh đang ước gì được học lại trong đó thêm nữa. Rời trường đi mới thấy bên ngoài phiền toái quá.
M. cười nho nhỏ:
- Vậy mà tụi M. lại mong mau ra khỏi trường, tức cười quá anh há!
Ừ. Để rồi khi ra M. sẽ tiếc vô cùng. Anh đang thèm được đi bộ từ trường về đây!
- Thì cứ đi, có ai cấm anh N. bao giờ đâu!
- Nhưng đi với tính cách học trò như hồi đó mới vui. Hồi đó, có những chiều thứ bảy đẹp trời chúng tôi rủ nhau đi bộ về. Trường cách phố chợ bảy cây số. Đi bộ về qua những mái nhà tranh, con đường nhỏ mát mẻ, ruộng lúa hai bên. Thật thích thú. Chúng tôi nói chuyện, cười vang, muốn đường dài thêm ra. Con trai con gái đi thành từng bọn, con đường rợp màu áo trắng.
- Vậy mà hơn ba tháng rồi, mau thật!
- Hả?
- Mới nghỉ hè mà đã được ba tháng rồi, tưởng như xa trường lâu lắm rồi. M. có đi đâu chơi?
- Không, ở nhà buồn thí mồ.
- Có nhiều người muốn được buồn như M. mà không được.
M. nheo mắt, trông thật lém lỉnh:
- Đổi không?
- Đồng ý.
Tôi đưa ngón tay trỏ ra, M. đưa tay ra ngoắc tay tôi và M. cười vang. Tưởng như đang sống một đêm cắm trại, sinh hoạt vui nhộn.
Nắng nhẹ đã len lỏi đến, đậu trên vai. Tôi và M. vẫn đứng ở tư thế đó. Tay vịn bên hàng rào dâm bụt.
M. cầm giỏ lên nói:
- M. về thôi. Anh N. nhớ đến nhà M. nhé!
- Nhớ.
Tôi gật gật đầu. Sao quên được hở M. Tôi nhìn dáng M. đến khi tới bờ sông, rẽ trái! Nắng lấp lóa trên sông, trông như hàng vạn vì sao. Khéo tưởng tượng, sao đâu giữa ban ngày thế này. Tuy nhiên tôi vui với ý nghĩ thoáng qua đó. Mình hãy còn mơ mộng vẩn vơ lắm, như những ngày học lớp 12 lang thang ngoài bờ sông.
Tiếp tục đi, nghĩ lan man. Câu chuyện với M. làm tôi nhớ ngôi trường ghê gớm. Đúng hơn là nhớ kỷ niệm khi còn học ở A.M. Cũng như những vụng dại đầu tiên. Để khi rời trường mình mới biết rằng đời sống không thần tiên như lúc đó. Bao nhiêu điều bận tâm vây bủa, chỉ trong mấy tháng phân vân trước ngưỡng cửa Đại Học, tôi mới biết ra cuộc sống không đơn giản nữa. Khi giã từ mái trường Trung học là đã lớn, phải đối phó với nhiều vấn đề. Khuôn viên Đại học không quyến rũ như tôi tưởng. Mà nó chứa đầy lo lắng, phiền muộn bên trong. Đâu còn thân mật thầy trò bạn bè, bảng đen phấn trắng. Mà là giảng đường to lớn chật chội mà mỗi người là một vũ trụ thu hẹp, cô đơn. Biết thế tức là phải biết thích ứng. Ôi, đến nay tôi mới thấy hình như mình đang dò dẫm ra đời. Mới biết mình quá khờ khạo trước đời sống bủa vây. Tôi không biết mình sẽ học ở đâu nhỉ. Hình như ít có tên nào đạt được lý tưởng, được học nơi hợp với khả năng. Bởi vì có quá nhiều khó khăn trên đoạn đường sắp tới.
Và bây giờ thấy nuối tiếc quãng đời thần tiên cũ đã qua mất bóng.
Chợt muốn đá tung cái ống lon trên đường cho phát ra chuỗi tiếng động nhức nhối, khô khan...
Buổi tối đến nhà T. về. Lúc chạy ngang qua đường M. tôi bảo T. cho xuống. Tôi nói chào thầy giáo, rồi có lúc tao nhờ mày đấy. T. cười. Ừ, sẵn sàng chờ gõ đầu trẻ con của mày. Tiếng T. cười vang vang. Tôi nhận ra trong tiếng cười đó giấu một điều bất đắc chí, như anh hùng sa cơ thất thế. Và có vẻ an phận. Tôi tưởng tượng ông thầy giáo làng quanh quẩn với đám học trò nhỏ, đàn gà vịt chung quanh trường kêu quang quác. Chợt buồn. Bao nhiêu ước mơ, hàng ngàn mục đích cao đẹp, bao nhiêu ước mộng vá trời quăng đi đâu mất hết hả T. ?
Vườn nhà M. gió mát, êm ả làm quên đi chút buồn vừa dấy lên. Có một cây ngọc lan nhơ nhỡ, cao hơn tôi tí xíu, đã có vài đóa hoa. M. đang đọc sách, thấy tôi cười và cầm quyển sách ra. Tôi nhìn thoáng qua, thì ra quyển Cô bé treo mùng của H.N.T. Tôi đứng bên ngoài vì chợt thấy ánh sáng trong nhà hắt ra thật ấm. Trông hay hay. M. phác một cử chỉ mời vào, tôi thấy nhưng vẫn đứng yên. M. giục:
- Anh N. vào nhà.
- Thôi đứng đây được rồi.
- Vào nhà đi.
M. nhìn vào trong ngầm nói với chị V. rằng M. có mời khách vào đàng hoàng, tại khách không vào.
- Ở ngoài này có phải mát hơn không.
M. ngần ngại. Sau cùng M. vác hai chiếc ghế mây ra. Tôi và M. ngồi ở sân nhà, dưới bóng cây trứng cá. Buổi chiều gió, lá rụng ngập sân.
Tôi thấy mắt M. sáng lấp lánh, như có những vì sao trong đó. Hai tay M. đặt ngay ngắn trên đùi, bàn tay nhỏ nhắn. Trông M. xinh xắn, thánh thiện như mấy cô bé hát thánh ca in trên thiệp Giáng sinh. Tôi nhớ lại những lúc nói chuyện với M. nơi đây. Giữa chúng tôi là một thứ tình cảm không lời, không nói ra. Ừ, cứ giữ mãi đi. M. ạ. Thế lại càng hay, càng học trò. Như nụ hoa thơm ngát hồn nhau.
Nhìn quyển sách trên tay M., tôi thốt nhiên nhớ lại những chuyện tình trong đó. Mơ hồ, lâng lâng không rõ như một làn sương mờ. Tôi hỏi M.:
- M. đọc hết quyển này chưa?
- Gần hết, anh N. ạ.
- M. thấy thế nào?
M. ngập ngừng.
- Hay lắm. M. thích loại sách thế này.
Và lại im lặng, chỉ nhìn nhau. Đêm nhẹ bổng, không khí chung quanh cũng nhẹ. Như trong giấc mơ đẹp.
Tôi hỏi để mà hỏi thôi:
- Chừng nào M. tựu trường?
- Tháng mười anh ạ, còn anh?
- Khoảng cuối tháng.
- Ở nhà hoài buồn quá. M. mong mau đi học, nhưng đi học mấy ngày thấy bài vở chắc ngán lắm.
M. nhìn bâng quơ, đôi mắt nhìn vào nơi nào xa xôi. Lát sau, M. nói tiếp:
- Năm ngoái vậy mà vui không ngờ. Anh N. nhớ hồi đi bán báo không. Đắt kinh khủng, chẳng đủ bán nữa. M. nhớ hôm tất niên cắm trại tụi nó nấu bánh chưng ăn ngon ghê. À, anh N. có giữ phim chụp không? Bữa nào anh rửa vài tấm giùm M. nhé.
Tôi gật đầu. M. nói liến thoắng:
- Mấy hôm gần hè N. đâu mất vậy? Hôm lãnh thưởng chẳng thấy anh. Chẳng có văn nghệ gì hết, buồn hiu à. Anh N. biết không, cây phượng ở ngã ba chỗ bọn M. đón xe đó, bọn con trai hái chẳng còn một nụ. Tụi nó bỏ đầy đường vô trường, cái cây trụi lủi thấy tội nghiệp. Chắc lâu lắm anh N. không vô trường?
- Lâu lắm. Từ hôm gần nghỉ hè.
M. kể đủ thứ chuyện. Những lần cắm trại, tất niên, bãi trường... vân vân. M. nhắc sân banh sau trường, hàng tre cây điệp bên bờ giếng hay ngồi tán dóc. Cây nầy trước văn phòng, rụng trái đập vỏ cứng trên nền xi măng, ăn miếng ruột trắng bùi bùi. Nói về con chim sẻ làm tổ bên cây, hôm trời mưa to, có một con chim con rơi xuống đất, gãy chân. Bọn M. bắt về nuôi, con chim vừa mở mắt mới mọc lông. Được mấy ngày nó chết. M. chôn ở sau trường. M. nhắc những trái sấu trường chín đỏ mùa hè, trái sấu ăn chua chua. Rồi M. cười thú vị, nói cái ông giám thị đeo kính dữ nhất trường hôm nọ xe bể bánh phải dắt bộ gần hai cây số. Bọn học trò thích quá, cười cười hoài. Trường có mấy cái kính hiển vi của Mỹ cho xem hoa lá, vi trùng ngộ ghê. Những hôm ở lại trường buổi trưa, ra bụi tre lấy cơm ra ăn, đùa giỡn.
Tôi ngồi nghe một bên tai, trí óc lãng đãng những kỷ niệm dạt dào. Đem nhà M. thoảng hương ngọc lan dìu dịu. làm sao M. biết nhiều ngày tôi lang thang bờ sông chờ mong, nhiều đêm đi ngang qua đây.
Những kỷ niệm M. kể không biết bao giờ cho hết! Có lẽ nói hết đêm đến chiều hôm sau cũng chưa hết!
Cho đến khi đêm như lắng xuống, tiếng xe cộ thưa thớt ngoài đường. Tôi đứng lên, M. hỏi:
- Bao giờ anh N. đi?
- Mai có lẽ tựu trường anh vô trường một chút.
- M. chúc anh thi đậu hoài!
Tôi cười, đáp nhỏ:
- Để M. ăn khao mãi nhé! Anh cũng mong M. năm nào cũng lãnh thưởng.
M. nhắc:
- Anh N. còn nợ M. đấy!
- Biết rồi. Không quên đâu.
Khi đi ngang cây ngọc lan, tôi bứt hai đóa. Mùi thơm thật dễ chịu, hoa trắng ngần. Tôi nói nhỏ. Về nhé.
M. thân mến, tất cả chỉ là những tình cảm êm đềm. Dịu dàng như hương ngọc lan trong vườn. Như một giấc mơ đẹp. Như chưa có mặt kính nào vỡ. Giữa chúng ta chỉ có tình cảm thuở còn là học trò. Mong rằng mãi mãi là giấc mơ đẹp. Là kỷ niệm hồng để đời đời còn tưởng nhớ.
Giữa tháng mười, tôi về trường, lấy hồ sơ. Giờ học, sân trường vắng những chú chim sẻ nhảy nhót. Đứng trước cổng trường, nhìn lên tấm biển tôi nghe một nỗi ngậm ngùi. Rõ ràng mình là kẻ đứng ngoài, kẻ đã bỏ trường mà đi. Bỏ quãng đời thần tiên để bước vào vùng có gió cát, có mây mù. Không biết chỗ ngồi cũ giờ ai ngồi? Trên bàn học khắc tên, những câu thơ, chỗ ngồi kỷ niệm. Và những giờ tan học theo sau tà áo trắng.
Trở về, tôi nghe bước chân mình xa lạ, trái tim đánh nhịp khác thường. Tôi về trước khi tan học, bởi vì không muốn thấy lại hình ảnh mình đã đánh mất. Như những chiếc lá sân trường rơi xuống, gió thổi bay tứ tán.
M. thân mến, hôm nào M. hái cho tôi mấy chiếc lá trong sân trường nhé. Những chiếc lá cây cầy, cây điệp, bã đậu, cả những cọng cỏ bị chúng ta vẩn vơ vò nát hồi đó đấy M.
DUY NGUYÊN
(Bình Dương Ngày về)
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 35, ra ngày 7-10-1972)