Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

Con Tôm


1. Ý nghĩ của bố

Có một cái gì là lạ trong bữa cơm hôm nay? – Bố đoán thế vì các con, khi đến ăn cơm, đã nhìn đăm đăm vào giữa mâm. À, phải rồi! Con tôm! Một con tôm khá to nằm kiêu kỳ trong đĩa, giữa mấy lát thịt mỡ nổi trên nước kho màu nâu vàng. Bố lấy làm lạ. Chẳng là me thằng Ti vừa mới than với bố hết tiền rồi mà! Bố nghe, bố ầm ừ lấy lệ chứ bố suy nghĩ lung lắm. Thật ra bố chẳng biết làm cách nào để kiếm được tiền nhiều hơn, mặc dầu bố cũng muốn có dư dả để me và các con được đầy đủ. Xóm này thiếu chi người làm ăn “lớn”: anh Tư ba bánh, chú Mười hớt tóc, bác Năm thợ mộc… đã bỏ nghề để chạy “áp phe, áp…” gì đó, cả đến cậu Lộc làm thư k‎ý đàng hoàng thế kia mà bỗng dưng cũng đi làm việc khác rồi. Chẳng mấy tháng mà họ kiếm được nhiều tiền, sống thảnh thơi ghê lắm. Còn bố, bố bị họ cho là “gàn”, bởi bố vẫn cứ làm cái nghề xưa nay của bố. Chiếc xích lô đạp già nua, đã hơn bốn năm rồi còn gì là người bạn thân của bố, của mẹ và của các con. Mỗi ngày bố làm việc từ sáng sớm đến tối mịt, bố chỉ về buổi trưa một tí để ăn cơm và ngủ năm phút. Buổi tối bố về, bố nghe thằng Ti và con Cốn học bài, đố nhau toán, đố nhau tựa bài tập đọc, bố vui lắm. Bố nghe me thằng Ti hát ngâm nga mấy điệu ca miền bắc mà thuở bố còn nhỏ, bố đã mê đi xem đến nỗi quên cả về nấu cơm cho bà nội. Ngần ấy thôi, cũng đủ làm bố quên bẵng đi cơn mệt nhọc từng buổi trưa nắng gắt gò lưng đạp nặng nề. Nhiều lúc bố tự hỏi: tại sao bố nghèo? Ông bà nội hồi ở ngoài bắc đã nghèo, bố ngày nay còn nghèo hơn. Rồi bố tự trả lời – câu trả lời giống như mọi người gán cho bố rằng: tại bố “gàn”!!! Nhưng bố vẫn nuôi hy vọng – và bố nghĩ rằng sẽ hài lòng – vì bố đã cho thằng Ti và con Cốn đi học đàng hoàng. Thằng Ti tháng nào cũng đứng đầu lớp, còn con Cốn thì không bao giờ dưới trung bình, và lại được khen hạnh kiểm tốt nữa. Bố nghĩ các con của bố sau này sẽ nên người và giàu có hơn bố bây giờ. Con của bố thông minh, ham học, bố me còn mong gì hơn? Bố bằng lòng với hoàn cảnh của bố, không đòi hỏi gì nữa.

Tháng này thình lình con Cốn bệnh, đi bác sĩ cả tuần mới khỏi. Bố cố gắng kiếm thêm tiền để lo cho con mà cũng không xuể. Vì thế bố không lấy làm lạ khi me bảo hết tiền. Nhưng bố lại ngạc nhiên khi thấy trong mâm hôm nay có con tôm. Ngày nào cha mẹ con cái cũng ăn cơm với rau cùng nước mắm, sang lắm thì cũng chỉ cá cơm kho hay thịt mỡ kho là cùng. Bây giờ me lại cho ăn tôm kho giữa lúc đang túng quẫn. Con tôm thật to đối với các con, và làm bố thắc mắc. Nhưng sao lại chỉ có độc một con thôi? Me thì bận giặt giũ sau nhà – ngày nào cũng vậy, me cũng ăn sau mấy bố con – nên bố không tiện hỏi. Bố nghĩ chắc có bà hàng xóm nào cho, và me dọn cho mấy bố con ăn, chứ không lẽ me mua, mà lại mua có một con!

Bố đưa mắt nhìn các con. Bố muốn xem cử chỉ của các con thế nào. Thằng Ti, mắt thì ngó đăm đăm vào con tôm, nhưng không có vẻ gì thèm muốn cả. Hình như nó đang suy nghĩ chuyện gì ở lớp. Đôi mày nó hơi cau lại. Vầng trán cao, sáng sủa, trông con của bố thông minh chi lạ. Thằng Ti hầu như quên ăn, cứ chống đôi đũa xuống bàn, lặng yên. Bố cất tiếng hỏi:

- Ti! Con không ăn cơm hả?

Nó giật mình suý‎t rơi đũa. Bố giục thêm, nó mới nâng chén lên ăn. Nó nhìn con tôm, vẫn còn nguyên vẹn, rồi nhìn bố. Rồi nó lừa lừa mấy miếng thịt mỡ gắp bỏ vào chén. Bố để ý thấy nó cho miếng thịt mỡ lướt nhanh trên mình con tôm. Bố bỗng thấy thương thằng con của bố lạ lùng.

Bố nhìn sang con Cốn. Gương mặt của Cốn vẫn còn xanh xao sau cơn bệnh. Nhưng bố thấy nó có vẻ ăn được lắm. Hình như nó ăn gần xong hai chén rồi, mà chỉ độc với nước mắm. Lâu lâu nó lại e dè nhìn bố. Bố hiểu ý các con lắm. Con nít đứa nào lại chẳng thích ăn ngon. Nhưng con của bố ít khi nào được ăn ngon. Con tôm đó, như một cái gì khiêu khích các con, làm các con lấm lét, ngại ngùng trước mặt bố.

Bố không muốn các con phải nhường cho bố. Bố và nhanh miếng cơm cuối cùng, và bố buông đũa. Các con hẳn sẽ tự nhiên mà chia nhau con tôm.

2. Ý nghĩ của Ti

Con tôm! Con tôm ngon quá! Đã lâu rồi nhà mình không có ăn tôm, nhất là thứ tôm khá to thế này thì lại càng hiếm. Ngày nào cũng phải ăn rau muống, hoặc rau lang luộc, lấy nước làm canh. Mấy bữa em Cốn đau, lạt miệng, me mua phở cho em ăn. Em ăn vẫn chê dở, nhưng tôi đứng nhìn mà thèm ghê lắm. Tuy thế tôi không ao ước được ăn tô phở của em, mà tôi chỉ cầu khẩn cho em đừng bệnh nữa để ăn ngon miệng. Em tôi bệnh cả tuần, chẳng có ai để tôi đố toán, đố tựa bài tập đọc và nhờ dò bài dùm nữa. Nên tôi muốn nhường tất cả cho em. Bây giờ em đã khỏi, em ăn “trả bữa” ngon trông thấy. Giá bữa cơm có cá hay thịt nhỉ! Hôm nay me lại kho thịt mỡ với tôm. Đáng lẽ có nhiều tôm, tôi sẽ gắp bỏ cho em hai, ba con một lúc, em sẽ ăn được nhiều. Nhưng chỉ có một con, tôi làm sao đây? Bố cũng phải ăn chứ! Tôi chẳng thấy bố ăn ngon bao giờ. Thứ gì bố và me –cũng đều dành cho anh em tôi. Ngay đến những lúc có khá tiền, me nấu bánh canh, hay làm chả giò… bố và me cũng chỉ ăn lấy lệ, để cho anh em tôi ăn nhiều. Bố với me làm quần quật cả ngày, tôi thương bố, thương me tôi quá! Nhất là những ngày em Cốn bệnh, bố và me lo lắng đến như già thêm đi.

À, sáng nay cô giáo Việt văn giảng về ông Tản Đà, ông sành ăn lắm, bạn cho đĩa tiết canh mà thiếu rau húng, ông không ăn, sau lại đến cạy nền nhà bạn lên để trồng cây rau húng xuống. Mấy đứa bạn xu‎ýt xoa: “Món đó ngon lắm!”, chúng nó hỏi tôi có thích ăn không, tôi đáp là không. Không ngờ trong số đó có một đứa ở cùng xóm tôi, việc gì của nhà tôi nó cũng biết, nên nó tiết lộ: “Nhà thằng Dũng nghèo lắm, làm gì có thức ăn ngon mà ăn, nó nói hách đấy!” Tôi không giận thằng bạn tí nào cả. Nhưng tôi thấy thoáng buồn. Từ lúc ấy đến bây giờ, ngồi ăn cơm, đầu óc tôi không rời bỏ cái ám ảnh nhà mình nghèo. Vì thế tôi ngưng ăn lúc nào không hay. Tôi suy nghĩ nhiều lắm, về ngày mai của anh em tôi. Chúng tôi phải làm sao bù đắp cho bố mẹ chúng tôi và giúp đỡ cho những kẻ khốn khó như chúng tôi hiện giờ. Mãi đến khi bố gọi, tôi mới vội vàng ăn cơm tiếp. Tôi gắp một lát thịt mỡ, nhưng cố tình chạm vào con tôm. Chà! cưng cứng! Con tôm này chắc là phải thơm lắm đấy! Tôi nhai miếng thịt mỡ nhưng tôi tưởng tượng đến mùi vị của con tôm. Tôi chợt thấy vẻ âu yếm trên đôi mắt bố. Bố đang nhìn anh em tôi. Hình như bữa nay bố ăn ít hơn mọi ngày. Khi bố buông đũa đứng dậy, tôi nhìn thấy những sợi gân to nổi lên, căng phồng trên hai bắp chân bố thật rõ. Tôi thương bố quá. Ngoài những vị anh hùng dân tộc mà tôi được học, còn có bố và me là “thần tượng” của tôi. Bố tôi kiêu hùng quá, khi ngồi trên yên xe xích lô, đạp chạy nhanh trên đường thênh thang. Còn me nữa! Me thật nhẫn nhục và trìu mến. Mỗi buổi trưa đi học về tôi muốn dừng lại ở dưới bếp thật lâu để đếm những giọt mồ hôi trên trán me. Hơi lửa thật nóng, khói củi thật nồng và đôi mắt me đỏ. Bữa cơm nào me cũng ăn sau ba bố con. Me lo giặt giũ lau chùi ở sau bếp. Có hôm me ăn không đủ cơm vì các con ăn lanh quá. Có hôm không còn thức ăn, me lại vui vẻ ăn cơm với nước mắm. Lúc em Cốn bệnh, me không ăn uống chi được, thật tội cho me!

Ấy thế mà hôm nay me dọn tôm cho ăn. Tôi đoán có lẽ me vay tiền hàng xóm để mua tôm cho em Cốn ăn “trả bữa” mấy ngày bệnh. Nhưng tôi thấy vô lý quá vì không lẽ me chỉ mua một con?

Còn có hai anh em ngồi ăn cơm. Bố đã uống nước xong, ra nằm nghỉ trên ghế bố. Me vẫn chưa lên. Tôi nhìn sang, thấy em Cốn đang quậy tròn đôi đũa trong chén, mắt em vẫn không rời con tôm. Nhưng sao em không gắp nó bỏ vào chén? Hay em không dám? A, tại còn me, còn tôi. Tôi đã ăn hết chén cơm. Em Cốn đưa mắt nhìn tôi. Tôi giả vờ vươn vai kêu “no quá!” rồi tôi đứng lên. Chỉ còn em ngồi ăn một mình.

3. Ý nghĩ của Cốn

Sáng nay me đi chợ về gọi là đi chợ chứ em chẳng thấy gì ngoài bó rau muống to tướng. A không, còn nữa chứ, còn gói thịt mỡ bé bằng cái bàn tay của em. Em xuống bếp phụ me lặt rau. Nằm trên giường cả tuần không đi học cũng không làm gì cả em chán lắm. Trong lúc lặt rau, em thấy me lấy gói thịt mỡ ra để thái, trong đó lại có một con tôm nữa. Em mừng ghê, hôm nay được me cho ăn tôm. Nhưng em cụt hứng ngay, vì chỉ có một con hà. Em đoán bà bán thịt đã thêm cho me con tôm đó. Vô lý, ai lại thêm gì kỳ vậy? Cũng chẳng lẽ me mua? Em chịu, đoán không nổi. Hỏi me, me không đáp, em nghĩ chắc me mệt, nên thôi. Me chỉ bảo là em nhớ ăn con tôm này cho khỏi lạt miệng. Em nôn nao lắm, cứ ngửi thấy mùi tôm kho là thèm ngay. Mà đến khi dọn cơm lên, lại càng thấy ngon nữa. Trông cái màu vàng đậm của gạch tôm đến thích. Em tưởng tượng trong cái thân tròn trịa của con tôm đó hẳn là phải có nhiều “chất bổ” lắm nhỉ! Mà em ốm cả tuần, chắc em mất “chất bổ” nhiều chăng? Lúc em ốm, em ăn phở, ăn “xí muội” mà chẳng thấy ngon tí nào. Vậy nhưng bây giờ em lại thèm ăn kinh khủng, đến nước mắm em cũng thích nữa huống chi là cái… con tôm này!

Em với đũa định gắp con tôm, nhưng… trong đầu em bỗng nhiên nhớ đến bài tập đọc hôm trước anh Ti giảng cho em. Ờ… bài tập đọc như thế này: một cậu học trò được đứng hạng cao trong lớp, mẹ cậu mới thưởng cho một trái cam. Cậu biết em cậu thích ăn cam, nên cho em trái cam đó. Cha chúng nó đi làm về mệt mỏi, đứa em bèn dâng trái cam cho cha. Người cha thấy người mẹ đứng nấu ăn trong bếp nóng nực nên đem trái cam cho người mẹ. Người mẹ ngợi khen các con và cám ơn chồng, sau đó cắt cam ra cho cả nhà cùng ăn. Nghĩ đến đấy em không gắp con tôm nữa. Em đợi bố hay anh Ti ăn con tôm ấy đi. Nhưng chẳng có ai ăn cả. Chén nước mắm và đĩa rau càng lúc càng vơi, nhưng con tôm thì vẫn nằm giữa bầy thịt mỡ, trông kiêu ngạo ghê là! Em cố tưởng tượng nó “hách” như cái mặt của con bé Thu hàng xóm để khỏi thèm, để khỏi thấy thịt mỡ và rau muống lạt lẽo vô duyên.

Bố đã ăn xong. Anh Ti cũng đã ăn vừa xong. Chẳng có ai ăn con tôm hết. Ai cũng có vẻ lơ con tôm đi để nhường cho em. Tự nhiên em thấy giống như bài tập đọc “trái cam chạy quanh” đó ghê! Và em phải giống những người ấy, nên em nhất định không ăn con tôm đâu. Để tí me làm việc xong, me lên ăn cơm có con tôm cho ngon miệng. Me làm việc không ngơi tay, vậy me cần phải ăn ngon. Me cũng như bố đã khổ vì em nhiều lắm.

Em sẽ không ăn con tôm này đâu. Chừng nào bố có tiền bố lại cho ăn thứ khác đâu có kém gì! Với lại… em cũng đã nghe mình no bụng rồi!

4. Ý nghĩ của me

Khi me ngồi lại mâm cơm thì bố và các con đã ăn xong cả rồi. Bố ngủ, thằng Ti học bài và con Cốn đọc sách. Me chợt lạ lùng, con tôm sao vẫn còn nguyên đây? Bố không ăn, thằng Ti, con Cốn không ăn? Chẳng lẽ bố và các con không thích? Mới hôm kia bố nhắc tới tôm nướng, tôm kho bằng vẻ thú vị. Còn anh em thằng Ti lý nào thấy tôm mà không thèm? Me thắc mắc và ngạc nhiên hơn bao giờ hết.

Con tôm! Cái con tôm khá to đập vào mắt me sáng nay. Me xách giỏ chợ vỏn vẹn một bó rau muống và gói thịt mỡ chen lấn đám đông để về cho mau. Người đàn bà sang trọng đi trước mặt me xách hai tay hai giỏ đầy thức ăn. Me liếc thấy có gói tôm to tướng. Lớp giấy gói không kỹ bị banh ra, mấy con tôm nằm men ra ngoài. Me không muốn nhìn lâu, vì me nghĩ đến bữa ăn của gia đình mình. Mẹ tội nghiệp cho bố đạp xích lô cả ngày, thương thằng Ti đi học xa xôi, thương con Cốn bệnh cả tuần mới dậy mà chẳng ăn được bữa cơm ngon như người ta. Me toan rẽ ra ngõ khác, nhưng chưa kịp, me thấy một con tôm rơi xuống đất vì lỗ giỏ lớn quá. Người đàn bà vẫn đi thật nhanh và mất dạng trong đám đông. Me đứng yên nhìn con tôm. Nó nằm trên đất, dưới bước chân của người đi. Me ngần ngừ. Giá bữa cơm nhà mình có con tôm nhỉ! Giá con tôm này nằm trong đĩa thịt mỡ nhỉ! Bố hẳn sẽ vui lắm. Thằng Ti hẳn sẽ thích lắm. Và con Cốn hẳn sẽ mừng nhiều nhất. Me phân vân. Me nhìn chung quanh. Mọi người như không biết tới me, vẫn mua bán, qua lại thản nhiên. Cũng không ai biết đến con tôm bị rơi.

Me không suy nghĩ gì thêm nữa. Me cúi xuống, nhặt con tôm lên rất nhanh trước khi bàn chân của người đàng sau giẫm lên đó.

Khi con tôm đã được kho chung với thịt mỡ rồi, tự nhiên me thấy vui vô cùng. Me tưởng tượng gương mặt của bố, gương mặt thằng Ti, gương mặt con Cốn. Me nghĩ me không ăn con tôm này, me nhường cả cho ba bố con đấy. Lúc me giặt giũ ở nhà sau, me nghĩ chắc bố đang xắn con tôm làm ba, hoặc là bố sẽ không ăn, bố cho thằng Ti với con Cốn ăn. Me nghĩ đến mỗi phần con tôm sẽ nằm trong bụng mỗi bố con, và me tủm tỉm cười một mình.

Nhưng bây giờ, bố và các con đã ăn xong, sao con tôm vẫn còn đây? Mẹ chợt nghĩ đến những bài tập đọc các con hay đọc cho nhau nghe, và me cho đó là câu trả lời. Bất chợt me thấy nghèn nghẹn nơi cổ. Me thương cho cảnh nghèo nhà mình quá! Me thương cho bố con thằng Ti quá! Con tôm hình như nhòe đi trước mắt me, màu gạch đậm biến đâu mất.

Me sẽ không ăn con tôm này đâu. Chiều nay, trong bữa cơm, me sẽ tự tay chia con tôm làm ba phần cho ba bố con. Nhất là con Cốn, nó cần phải ăn nhiều nhất.

Cam Li   
  
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 95, ra ngày 15-9-1968)

 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>