Thứ Hai, 4 tháng 9, 2017

Thư Chủ Nhiệm Gửi Các Em Thiếu Nhi (số 65)


Các em thân mến,

Hàng năm, ở miền Nam Việt Nam, cứ đến cuối tháng 11 là các ruộng lúa bắt đầu chín, phủ một màu vàng óng ánh. Mùa gặt lúa kéo dài từ đấy cho đến sau Tết âm lịch, tùy theo loại lúa chín sớm hay muộn. Ở thôn quê, có người sống về nghề cấy lúa, thường gọi là công cấy, có người làm nghề gặt lúa, gọi là công gặt, nhưng cũng có người làm cái công việc mót lúa, nghĩa là đợi cho người ta gặt xong, đến mang theo một cái thúng nhỏ hay cái rổ, lượm mót những cọng lúa còn rơi, sót trên thửa ruộng, bỏ vào thúng hay rổ mang về. Nếu chịu khó, người mót lúa có thể có đủ gạo nuôi gia đình trong nhiều ngày.

Bữa chiều nọ, cũng sắp sửa gần tối, mọi công gặt hay thợ gặt đã về, kẻ mót lúa cũng không còn, người chủ ruộng, như thường lệ, đến quan sát lại những thửa ruộng của mình. Ông ta ngạc nhiên thấy một đứa bé độ 6 tuổi la cà dưới thửa ruộng của ông.

Đứa bé bước ngang, bước dọc, cặp mắt dáo dác, tìm kiếm lượm những cọng lúa còn rơi rớt ở ruộng.

Cọng lúa vàng óng ánh trông thật đẹp mắt, nhưng không còn sót lại dưới ruộng bao nhiêu, vì những người mót lúa đã làm công việc kỹ càng. Mặc dầu cố gắng, cậu bé chỉ lượm được một nắm nhỏ. Người chủ ruộng liền kêu hỏi:

- Nè cậu bé! Cậu làm gì đấy?

Đứa bé có vẻ sợ sệt và cậu ta bắt đầu run:

- Thưa ông, cháu lượm những cọng lúa mà những công gặt của ông bỏ sót lại. Như vậy, cháu có phạm tội không?

- Không, không sao! Cháu cứ lượm. Nhưng cháu dùng những cọng lúa nhỏ ấy để làm gì?

Đứa bé ngửng mặt lên nhìn người chủ ruộng và nói:

- Cháu đem lại nhà máy xay lấy gạo.

Người chủ ruộng cười:

- Ồ! Nè cậu bé, cháu chỉ có một nắm lúa, chắc không nhà máy nào nhận xay cho cháu đâu. Cháu phải có nhiều lúa, thật nhiều như trên những chiếc xe chở lúa của bác đậu trên đường cái kia.

Cậu bé có vẻ lúng túng:

- Nhưng, thưa ông, cháu thật khổ, cháu làm sao lượm được số lúa nhiều như vậy, từ bây giờ cho đến tối.

Người chủ ruộng mỉm cười:

- Trong trường hợp đó, cậu bé ơi! Mai cháu trở lại lượm tiếp.

Với vẻ mặt buồn, đứa bé giải thích:

- Thưa ông, cháu không thể đợi được đến ngày mai. Ở nhà, ba cháu đang đau, không đi làm việc được, không có tiền mua gạo, chiều nay không còn gì ăn, mẹ cháu yếu đuối luôn cũng không làm gì được, mẹ cháu lo lắng, buồn bã, khóc luôn.

Người chủ ruộng lấy tay vò đầu cậu bé:

- À té ra, vì vậy mà cháu la cà ở dưới ruộng của bác hả? Tại vì nhà cháu hết gạo phải không?

Đứa bé cúi đầu, nói khe khẽ:

- Thưa ông, vâng ạ, cháu không muốn mẹ cháu buồn.

Người chủ ruộng nắm lấy tay đứa bé, bàn tay mềm mại, nhỏ đẹp xinh xắn:

- Cháu là một đứa bé can đảm và sự can đảm của cháu sẽ được đền bù. Nhưng nói chuyện mãi, bác quên hỏi cháu, vậy chứ cháu tên chi?

Đứa bé lễ phép thưa:

- Thưa ông, cháu tên là Tâm.

Người chủ ruộng đề nghị:

- Nè cháu Tâm, cháu đưa cho bác cọng lúa cháu cầm trên tay. Bác biết ở gần đây có bà Tiên. Bác sẽ nói với bả biến đổi giùm cháu cọng lúa này thành một bao gạo.

Đứa bé hết sức ngạc nhiên:

- Thật sao, thưa ông, làm sao bà ấy làm được?

Người chủ ruộng nói:

- Ồ cái đó là nghề của bả. Tiên mà. Bả còn làm được những chuyện khó khăn hơn. Bả chỉ cần lấy chiếc đũa thần gõ lên một cái là được. Vậy cháu hãy về an ủi mẹ cháu đi, tối nay, chắc cháu có gạo nấu cơm ăn.

Đứa bé khoanh tay, cúi đầu:

- Thưa ông, cháu xin cám ơn ông, cháu cám ơn ông, cháu mến ông lắm.

Với vẻ mặt đầy hân hoan, cậu bé Tâm chạy miết về nhà.

Nhưng chỉ ít phút sau đó, một chiếc xe đỗ ngay trước nhà cậu bé.

Một người làm công bước xuống, vào nhà, hỏi to lên:

- Chủ nhà đâu, nhận giùm tôi bao gạo, cất giùm chục hột vịt kẻo bể, cất luôn giùm miếng thịt heo này.

Người mẹ hết sức ngạc nhiên:

- Trèn đét, đâu mà nhiều vậy, của ai mà anh đưa đến vậy?

Người làm công tươi cười trả lời:

- Tôi cũng không biết nữa, nhưng đây có bức thư gửi cho con bà.

Bé tâm đang học lớp hai, nó biết đọc, nó liền mở ngay bức thư, nó đọc lớn lên:

- "Gởi cho cháu Tâm, vì tấm lòng tốt biết thương yêu cha mẹ của cháu và để đổi lấy cọng lúa. Bà Tiên của Đồng Ruộng."

Đứa bé mắt sáng lên, cười nói:

- Con biết rồi. Bà Tiên của Đồng Ruộng này rất hiền lành, ở cuối làng, phải không chú?

Người làm công trả lời:

- Có lẽ đúng đấy. Cháu có nhắn gì với bả không?

Đứa bé vui vẻ:

- Cháu nhờ chú nói lại giùm cháu, cháu cám ơn bà Tiên nhiều lắm, cháu muốn ôm bả vào lòng, cả mẹ cháu cũng vậy.

Và tối hôm đó, trong túp nhà nhỏ của cậu bé, cả gia đình được yên vui, hạnh phúc.

Các em thân mến,

Chúng tôi kể chuyện trên cho các em, dựa theo quyển sách : "Các con muốn nghe kể chuyện không" của bà Girardot với lòng mong muốn tất cả các em, cũng như cậu bé Tâm ở câu chuyện, đều thương yêu cha mẹ, lúc nào cũng nghĩ không muốn cho cha mẹ buồn. Vậy các em hãy chăm chỉ học hành và nhớ vâng lời cha mẹ.

Thân mến                
           
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 65, ra ngày 19-11-1972)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>