Thuộc dòng quí tộc, con của một thống chế Áo, Bertha Kinsky (Bec-ta Kin-sơ-ky) mồ côi cha trước khi chào đời mấy tháng. Cái chết của thân phụ đã là nguyên nhân sa sút của gia đình, do đó năm 1873 Bertha Kinsky phải từ giã trường quốc gia âm nhạc Paris trở về Vienne (Viên) kiếm việc làm. Mặc dầu là một nữ sinh viên khả ái duyên dáng, thông thạo nhiều ngoại ngữ đồng thời là tác giả của một số vở kịch ngắn, Kinsky phải vất vả lắm mới kiếm được một chỗ kèm trẻ em về nhạc cho 4 cô con gái của Nam tước Von Suttner (Vôn Suýt-nê). Thời gian kèm nhạc ở đây được ít lâu thì Kisky và Arthur con trai lớn của Nam tước yêu nhau. Biết được chuyện này gia đình Arthur quyết tâm ngăn cản vì lẽ cô giáo hơn Arthur những 7 tuổi, lại nghèo. Tan nát vì mối tình đầu Kinsky xin nghỉ việc. Thất tình, thất nghiệp, Bertha Kinsky như người mất hồn lang thang đây đó. Cô cố tìm một công việc làm cho khuây khỏa. Tình cờ cô đọc được mẩu tin rao vặt cần người rất lẩm cẩm trên mặt báo:
"Đàn ông đứng tuổi, cần một cô thư ký đứng tuổi" Bertha Kinsky viết thư xin việc, một tuần sau nhận được giấy mời đến Paris nhận việc. Ông chủ mới là một kỹ nghệ gia 43, dáng dấp dễ thương, có bộ râu quai nón rất tài tử đón tiếp cô thư ký 33 tuổi niềm nở. Sau khi được ông chủ đưa đi thăm các cơ xưởng Kinsky mới biết ông chủ mới của mình là Kỹ sư Nobel. Alfred Nobel có một số vốn lớn nhờ sáng chế ra chất nổ cực mạnh Ni-trô-ly-xê-rin (Nitro glycérine) và công việc này còn đang trên đà phát triển. Trong thâm tâm của kỹ sư Nobel chỉ muốn có chiến tranh để món hàng của ông được bán mạnh! Làm việc với Nobel, Kinsky biết rõ con người của chủ mới: Tôn thờ chủ nghĩa độc thân, làm giầu bằng cách khai thác khí giới chiến tranh, nhưng có lòng nhân ái, thích làm việc thiện.
Bertha Kinsky tuy làm việc với Nobel tại Paris nhưng vẫn thương nhớ Von Arthur vô cùng, nhờ 4 cô học trò cũ thông tin mà Kinsky biết được mọi chuyện xẩy ra trong gia đình Nam tước. Bỗng một hôm, Kinsky nhận được thư của Arthur gởi tới, nói không thể xa nhau được, cô liền xin từ dịch, sáng hôm sau lên xe về Vienne. Hai người cưới nhau và đưa nhau đến Mingrélie (Manh-rê-li) trong miền Caucase (Cô-ca-dờ) nơi đây do người Nga chiếm cứ từ lâu. Bầy giờ Bertha Kinsky đã trở thành bà bá tước Von Suttner. Chồng làm kế toán, vợ đi dạy dương cầm, đời sống trải qua chín năm trường trong hạnh phúc tuy vật chất có phần vất vả.
Năm 1887, Nga tuyên chiến với Thổ, biến vùng Mingrélie thành căn cứ địa. Chiến tranh xẩy đến, vợ chồng Von Suttner lao mình vào công việc cứu trợ. Hàng ngày đón nhận những toa xe lửa từ mặt trận trở về đầy những chiến binh, xác chết không ai săn sóc. Cả hai vợ chồng lăn xả vào việc băng bó các vết thương, chôn cất xác chết. Ban đêm thức trắng để dệt thêm những cuộn băng, nhưng trận chiến ngày càng khốc liệt, chết chóc, tai nạn chồng chất kinh khủng, gây mối xúc động lớn lao cho Arthur và thúc đẩy cho Arthur báo động cho thế giới biết tội ác của chiến tranh. Những bài phóng sự của Arthur gây dư luận sôi nổi tại Âu Châu. Theo gót chồng Kinsky cũng viết những bài bình luận nhỏ gởi đi nhưng ký tên "B. Oulst" cho nó có vẻ đàn ông và mạnh dạn. Lần đầu tiên Kinsky nhận được 20 đồng Florius tiền nhuận bút. Số tiền nhỏ nhưng phần thưởng tinh thần lớn. Kinsky lại tích cực lăn vào các công việc cứu trợ, giúp đỡ thương bệnh binh. Rảnh giờ nào là viết giờ nấy như một loài hải âu gào sóng, Kinsky gào thét, kêu la, bày tỏ cho nhân loại biết hiểm họa chiến tranh, những ghê tởm của tội ác chém giết. Suốt trong thời gian này, Kinsky đã viết được 6 pho kể tội ác chiến tranh, kêu gọi hòa bình. Sự thành công trong lãnh vực này kéo sự chú ý của tất cả các giới chức thẩm quyền Âu châu thậm chí đến con người mong mỏi chiến tranh để bán chất nổ như Alfred Nobel cũng phải khen ngợi lòng kiên trì, chí khí hòa bình của Kinsky! Năm 1885 hai vợ chồng Von Arthur trở về Viên trong niềm cởi mở của gia đình rồi qua Ba-lê theo lời mời của Nobel. Tại Ba-lê, tin đồn về chiến tranh sắp bùng nổ, thủ tướng Bismark chẩun bị tuyên chiến. Thấy nguy cơ hiểm họa chiến tranh bao phủ Âu châu, Kinsky lại lăn vào cuộc chiến, cố giành lại hòa bình cho nhân loại. Kinsky kêu gọi mọi người chống chiến tranh, xây dựng hòa bình. Bà gia nhập tổ chức hòa bình thế giới và để bầy tỏ cho mọi người thấy cái mặt thực của chiến tranh ghê tởm, bà tiếp xúc với đủ mọi tầng lớp quân nhân tham chiến, dấn thân đến tận mặt trận tìm các dữ kiện kinh khủng nhất viết thành cuốn sách gởi cho nhà báo. Song song với công việc trên, bà cố gắng thuyết phục Alfred Nobel nên nghĩ đến nền hòa bình nhân loại một cách thực tế, đóng góp cho hòa bình chung bằng một phương tiện khác hơn là ý nghĩ dùng chất nổ cực mạnh để tiêu diệt chiến tranh. Cuốn sách được xuất bản, đã gây một dư luận rộng rãi, có tầm ảnh hưởng mãnh liệt. Văn hào Léon Tolstoi không ngần ngại so sánh nó với "Túp lều của chú Tom". Alfred Nobel cũng rất khâm phục và cũng phải công nhận rằng: Nền hòa bình chỉ được cứu vớt bằng chính những phương tiện hòa bình, mà không phải bằng khí giới tối tân như ông tưởng. Lợi dụng lúc yếu mềm này của Nobel, bà lại càng tấn công mạnh mẽ để Nobel cộng tác thiết thực vào hòa bình nhân loại. Kết quả, sau hai năm trời gian khổ, tận tụy của bà, Alfred Nobel đã để lại một di chúc trước khi lìa trần ba tuần sau đó: Một phần gia tài dành cho những ai mưu cầu hòa bình cho nhân loại. Giải Nobel hòa bình được thiết lập.
Hennri Dunant sáng lập hội Hồng Thập Tự được nhận giải Hòa bình đầu tiên năm 1901, đã không ngớt lời ca tụng Kinsky, nhờ bà mà có giải quí hóa này.
Ngày 10-12-1905, bà là người phụ nữ đầu tiên lãnh giải Nobel Hòa bình do chính bà là người thôi thúc Nobel sáng lập.
HUY YÊN
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 121, ra ngày 15-2-1974)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.