Thứ Năm, 11 tháng 3, 2021

Niềm Vui Tỉnh Lẻ


Mỗi khi nghe lại những bài hát của thập niên '60, hoặc chỉ nhìn những hình bìa nhiều màu sắc tươi vui minh họa những bài hát đó thôi, tôi cũng thường hay bắt gặp mình hoài niệm về những tháng ngày tuổi ấu thơ bất đắc dĩ phải sống nơi tỉnh lỵ Châu Đốc. Bìa bài hát Đêm Buồn Tỉnh Lẻ vẽ một thanh niên áo khoác vắt trên vai, đứng lặng nhìn dãy phố buồn thiu của một tỉnh lỵ miền Tây nào đó, khiến tôi tự hỏi, không lẽ tỉnh lẻ chỉ có những nỗi buồn, cho dù là nỗi buồn man mác đi nữa?

Hồi tưởng lại những chuỗi ngày tháng tuổi thơ êm đềm đó, tôi mới nhớ ra rằng, thật ra, tỉnh lẻ cũng có những nguồn vui riêng của nó, tuy không ồn ào náo nhiệt như chốn đô thị phồn hoa, bằng không thì tại sao người ta vẫn có thể sống hết năm này tới năm khác, ở những nơi bị mệnh danh là tỉnh lẻ?

Châu Đốc nằm sát biên giới giữa nước ta và nước Cambodia. Hàng năm vào rằm tháng 10 âm lịch, người ta thường tổ chức cuộc thi đua ghe mừng Lễ Cúng Trăng. Tôi chỉ được tham dự có một lần duy nhất, và thành thật mà nói, tôi cũng chẳng hề muốn có thêm cơ hội lần hai! Bác gái dắt chị Tâm và tôi chen vào đám đông nêm chật cứng bên đây  bờ sông Hậu Giang. Lùn xủn vì chỉ mới khoảng sáu, bảy tuổi, tôi chẳng thấy được gì ngoài rừng người chen chúc, hò hét để cổ vũ cho đoàn đua ghe, và cái nóng bức chật chội muốn nghẹt thở. Thỉnh thoảng tôi mới ghé mắt qua khoảng cách giữa những người lớn đứng trước tôi, để  thấy dưới sông hàng chục chiếc ghe đang được cật lực chèo bởi vô số những đấng nam nhi đầu quấn khăn, và trông rất vạm vỡ, lực lưỡng. Đối với một đứa trẻ con, nhất lại là trẻ gái, đội nào thắng thì có khác gì nhau đâu, nên tôi chẳng cảm thấy hứng thú gì, nhưng lại không dám một mình rời khỏi đám đông vì sợ bị lạc. Trên đường về nhà, bác gái nói bị móc túi mất mười đồng! Nếu không có chi tiết này, chắc tôi cũng đã quên khuấy cái lễ hội đua ghe Ngo ấy từ lâu.

Thỉnh thoảng bác gái cũng lững thững dắt chúng tôi ra chùa Bồ Đề gần nhà xem hát chèo (?). Có lần tôi biết được tên vở chèo đó là Quan Âm Thị Kính nhờ sự diễn giải, thuyết minh, chỉ trỏ của bác gái. Sân khấu cách chỗ chúng tôi đứng cả trăm mét, nên tôi chỉ thấp thoáng thấy khi thì Thị Mầu vận yếm đào, thắt lưng xanh hoa lý, vấn khăn mỏ quạ; còn Thị Kính thì bận áo nhà chùa, nhưng ai nấy cũng đều tô son đỏ choét, trát bự phấn  trên mặt. 

Tôi rất thích những buổi diễn miễn phí ngoài trời chung quanh phạm vi chùa Bồ Đề, vì tôi được tha hồ quanh quẩn đi tìm hoa để bứt. Chùa trồng rất nhiều các loại hoa, và tôi đã tha hồ hái mà chẳng bị ai la rầy, có lẽ vì lúc đó  tôi vẫn còn là một đứa con nít, hay do những vị sư sãi của chùa quá đỗi hiền lành nên đã chẳng chấp nhất gì? Chỉ nhớ tôi đã bứt vô số những bông cúc đơn cánh đủ màu hồng vàng cam..., mà vì không biết tên, và cũng chẳng hỏi ai được, nên tôi đã tự đặt tên cho chúng là Cúc Chùa! (Trông mặt đặt tên mà!). Ngoài ra tôi còn tìm thấy, sát bên hàng rào sắt của chùa, những bụi hoa cao hơn đầu tôi, bông li ti màu đỏ và mọc thành chùm khá thơm mà tôi tự gọi là hoa Hải Đường! 

Đối diện với chùa là công viên, nơi trồng những cây phượng đỏ, chỉ nở hoa vào mùa hạ. Đối với lũ trẻ chúng tôi, hoa phượng rất quý, dĩ nhiên là vì hoa phượng đẹp rực rỡ, nhưng trên hết là vì hoa phượng mọc quá cao, vượt tầm với của lũ trẻ chúng tôi, nên rất khó hái. Vì vậy, mỗi khi vô tình có được chùm hoa phượng trong tay, do những đứa trẻ trai nghịch ngợm dùng sào chọc xuống rồi làm rớt hoặc lượm không xuể, tôi mê man nhặt lấy, rồi tha hồ ngắm nghía lật tới lật lui những cánh hoa phượng màu đỏ ánh cam thật lộng lẫy, bên những chùm trái phượng nhỏ to đủ cỡ. Có lần vì tò mò, tôi còn tách cả những trái phượng đó ra để coi có gì, chỉ để thấy cuộn bên trong cũng chỉ là những bông hoa phượng còn non chưa đủ kích thước, nằm co quắp chờ tới ngày được chào ánh mặt trời, trông nhỏ xíu và thật ngộ nghĩnh. Đưa lên mũi hửi, tôi cảm thấy hơi thất vọng vì loài hoa hữu sắc nhưng vô hương đó. 

Gần cuối tháng tư âm lịch, khách thập phương tứ xứ và ngay cả dân chúng trong vùng nữa, nô nức kéo nhau đi dự lễ vía Bà ở núi Sam. Cả tỉnh lỵ bé nhỏ Châu Đốc bỗng tấp nập rộn rịp khắc hẳn ngày thường. Hàng chục chiếc xe đò phun khói, hàng trăm chiếc xe lôi mà người lái gò lưng liên tiếp nối đuôi nhau chạy về phía xa xa. Lần  đó tôi nhớ mình đã một mình tự leo lên núi Sam và đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy bắt rễ lẫn trong những tảng đá xanh khô khốc đó, lại có thể mọc lên những cây ăn trái rất tươi tốt như mãng cầu, lồng mứt, lủng lẳng những trái tuy vẫn còn non. Gần lên tới đỉnh núi, thấy nhiều lớp hàng rào dây kẽm gai, bót canh gác và những tấm biển ghi hàng chữ, Không phận sự miễn vượt rào hoặc Khu quân sự cấm vượt rào gì gì đó trông thật bí hiểm, và mặc dù tính hay tò mò rất muốn khám phá, tìm hiểu núi Sam cao thêm nữa, tôi đành chép miệng tiếc nuối quay trở xuống. Cứ đi xe là tôi bị ói, (trừ xe gắn máy), vì vậy tôi chỉ đi dự lễ vía Bà duy nhất một lần trong đời đó mà thôi, còn thì tôi toàn chọn giải pháp ở nhà chơi để lãnh hai đồng bạc mua chuối nấu ăn, vừa ngóng những thành viên khác trong gia đình bác đi dự lễ trở về!

Hình như đi coi xi nê cũng là một trong những niềm vui tỉnh lẻ ở Châu Đốc, dù trong suốt quãng thời gian năm năm ở dưới đó, tôi chỉ được đi coi một hay hai lần. Hình như cả tỉnh Châu Đốc chỉ có hai rạp chiếu bóng là rạp Lạc Thanh (có lẽ chuyên chiếu phim Ấn Độ?), và rạp Tân Việt (gần nhà bác tôi hơn). Có lần rạp chiếu cuốn phim Ngày Dài Nhất với nhạc phim mang cùng tên, nói về đệ nhị thế chiến. Tôi còn nhớ những người lính trên phi cơ đã đổ hết hộp này tới hộp khác đầy những đinh là đinh xuống đất, và chỉ khi dưới đất bùng nổ ầm ầm và khói lửa kinh hoàng khắp nơi thì tôi mới biết hóa ra những cây đinh nhìn trông vô hại đó lại chính là những trái bom, và phi cơ  phe Đồng Minh đang thả bom tiêu diệt phe Trục Đức-Ý-Nhật!

Nếu không vào dịp có lễ lạc gì, tôi đoán những đứa trẻ tỉnh lẻ đã tự tạo niềm vui cho chính mình, bằng những vật dụng dễ tìm, không mất tiền mua  ở xung quanh nơi ở hay môi trường sống. Chúng sống gần gũi với thiên nhiên hơn, không như những trẻ em thành phố ngày nay, với những tiện nghi hiện đại như rạp chiếu phim 4D, 5D, thậm chí 8D, 9D..., những trò chơi điện tử, những thiết bị công nghệ đời mới... Con nít thời thập niên '60 chỉ biết bắt những chú dế ngoài đồng để chơi đá dế, bắt những chú cánh cam trong bụi bỏ vào lon nhưng chẳng biết để chơi trò gì, leo cây hái trộm trái trứng cá, ổi xá lỵ... hay bông hoa nhà hàng xóm, tắm mưa, bắn bi, chơi u, chơi năm mười, chạy đua trên những con đường phẳng phiu nhưng vắng vẻ thơ mộng trong những buổi chiều có những trái sao dầu rụng bay như chong chóng trên đầu, và những thú vui đơn giản, bình dị khác ở tỉnh lẻ mà chẳng phải bỏ tiền mua như túm năm tụm ba tán gẫu trong những đêm mùa hạ trời lấp lánh sao. Thường thường tôi nhớ đã thấy nhiều trẻ em trai hơn những trẻ em gái chạy lăng quăng chơi bên hàng xóm hay ngoài đường, có lẽ vì trẻ em gái bị quản thúc chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn chăng?

Có lần tôi đang ngồi trên hai tầng ghế: một ghế gỗ có tay vịn phía dưới, độn thêm một ghế con bên trên cho cao lên, và tôi thì vắt vẻo trên cùng, để được cắt tóc, kiểu "bum bê", thì bác gái đi chùa về, theo sát sau là một chú chó đi lạc! Con nít rất sợ "bị" cắt tóc, nhưng tôi không nhớ đã khóc lóc la hét gì. Vì ngược lại, tôi lại thấy rất dễ chịu khi cứ việc ngồi không hưởng làn gió mát hiu hiu đưa tới, tai nghe tiếng tông đơ hay kéo lách cách bên tai, tiếng bác thợ hớt tóc dạo mài dao lên tấm da dài nghe xoàn xoạt, nhìn những cụm tóc cứ rơi lả tả xuống đất, và cái êm dịu của bông phấn đưa qua đưa lại nhồn nhột sau gáy nghe mát ơi là mát, và sau cùng, được bác thợ ẵm xuống đất, đối diện với chú chó mới thấy lần đầu tiên trong đời! Sáng  sáng khi trời còn sớm, chú chó đó đã chạy đua theo chúng tôi ra Ty Thông Tin chơi, cùng chúng tôi tập thể dục, mà không cảm thấy xa lạ ngại ngùng chút nào. Người ta nói chó vô nhà thì giàu! Chưa kịp thấy giàu đâu, thì một hôm chú chó đó đã ra đi không một lời từ biệt. Chắc chú ta nhớ và đã tìm đường về với chủ cũ.

Tôi tới Châu Đốc chỉ một lần, và xa lần đó tới giờ chưa hề có dịp quay trở lại thăm thêm một lần nào nữa. Nhưng nghe nói Châu Đốc bây giờ đã khác xa ngày trước. Nên thôi, cứ để vậy coi bộ mà hay, còn hơn là bị thất vọng khi thấy tỉnh lẻ đó giờ cũng chẳng khác gì Sài Gòn chốn đô hội. Tôi muốn giữ mãi hình ảnh êm đềm của Châu Đốc, với những cánh hoa lục bình đơn sơ nhưng đầy thơ mộng, những giàn bông giấy rực rỡ trong vườn, những cánh hoa phượng đỏ thắm khi hè sang, những trái sao dầu bay bay trên những lối đường trong chiều lộng gió, và những cuộc tán gẫu dưới tán cây nhạc ngựa đêm hè, để còn yêu mãi nhớ hoài, những NIỀM VUI TỈNH LẺ...

Trần Thị Phương Lan    
(Bút nhóm Hoa Nắng)    

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>