Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2021

Cổ Thụ Biết Khóc

 

Trong một dịp tình cờ, tôi được xem lại cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư xa xưa. Cuốn sách cũ vàng, thô sơ, nhưng từng trang, từng trang chứa đựng hồn thiêng dân tộc, tình nghĩa đồng bào qua những bài học ngắn thật ngắn dùng để dạy các em bé Việt Nam, tương lai của dân tộc Việt Nam Anh Hùng. Đọc qua những giòng chữ cũ xưa trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư, tôi nhận thấy hết sức gần gũi những gì là tình Việt Nam, nghĩa đồng bào, tôi thấy yêu thương những mái nhà tranh, thương những con đường làng ngoằn ngoèo giữa các hàng tre xanh, tôi thấy tình cảm Việt Nam và tình cảm Đông Phương chan hòa.

Đọc Quốc Văn Giáo Khoa Thư xa xưa, tôi nhận thấy niềm cảm xúc của tôi trái nghịch hẳn niềm cảm xúc khi đọc những cuốn sách mà hiện nay các em bé Việt Nam đang học được in rất đẹp ở Úc, ở Đài Loan nhờ tiền viện trợ Mỹ. Giở trang một cuốn sách Quốc Văn bây giờ, tôi cảm thấy xa lạ, cũng những giòng chữ Việt Nam, cũng những mẩu chuyện Việt Nam mà sao thấy dân tộc tính xa vời, thấy không khí Việt Nam gượng gạo.

Cuốn Quốc Văn giáo khoa thư được ín dưới thời Pháp thuộc, thời mà bọn thực dân chỉ biết bóc lột dân thuộc địa chớ chưa dốc toàn lực để chế ngự dân bản xứ đời đời kiếp kiếp bằng vũ khí văn hóa : dùng văn hóa tiêu diệt văn hóa. Nhờ thế cuốn Quốc Văn giáo khoa thư mới là cuốn sách đầu tiên bồi dưỡng nhiều vào tâm hồn các em bé Việt Nam trong cảnh dân tộc bị ngoại bang phân hóa. Hai mẩu chuyện trong Quốc Văn giáo khoa thư làm tôi xúc động nhứt là chuyện ông Đại Tướng về thăm thầy và chuyện ba anh em họ Điền.

Một ông Đại Tướng quyền uy lừng danh thiên hạ trở về làng xưa giở mũ chào thầy cũ: "Thưa thầy! Con về thăm thầy đây ạ!" Cảm động và nghĩa khí biết là chừng nào! Tình nghĩa thầy trò thiêng liêng đã được un đúc một cách hết sức chân thành thiết tha vào đầu óc một con người Việt Nam thuở còn thơ. Chả bù bây giờ, trong không khí phá sản tột cùng của một xã hội đô la - chim cút thiếu căn bản tình người, các con người Việt Nam thuở còn thơ phải luôn luôn chứng kiến cảnh trái tai gai mắt, người bóc lột người... và mới đây học trò Việt Nam còn phải chứng kiến cảnh ông thầy của mình đánh nhau ngay cửa lớp vì chim Cút tại một trường lớn ở Saigon!!! Hòa bình ơi! Mau về đây để không khí Việt Nam trong Quốc Văn giáo khoa thư được trở về nhưng trở về trong Việt Nam của người Việt chớ không phải trong Việt Nam của đế quốc.

Tình nghĩa thầy trò dâng lên cao ngút trời trong chuyện trên thì tình anh em, tình đồng bào ruột thịt lại thấm thía xót xa trong chuyện ba anh em họ Điền.

Ba anh em nhà họ Điền, cha chết, bèn chia nhau gia tài, cái gì cũng chia ba, từ cái nhà, cái giường, cái nồi đến cả miếng giẻ rách. Cuối cùng, chỉ còn một cổ thụ phía trước nhà. Ba người dự định sáng hôm sau đốn cổ thụ đó rồi chia ba. Nhưng bất ngờ, sáng hôm sau, ba người tính ra đốn cổ thụ thì thấy cổ thụ bỗng nhiên úa tàn hết sức bất ngờ dù mới hôm qua còn tươi tốt xum xuê. Ba anh em họ Điền ngạc nhiên nhưng thình lình, chợt nghĩ ra, người anh cả ôm mặt khóc hu hu. Thấy lạ, hai người em hỏi anh thì anh trả lời:

- Trước cảnh chia rẽ của anh em ta, cổ thụ là cây cỏ mà còn biết buồn rầu, héo tàn, huống chi chúng ta là con người...

Hai em nghe nói xong, cảm động, khóc theo anh. Thế là ba anh em họ Điền ôm nhau khóc vùi và bỏ ý định chia rẽ.

Cổ thụ biết buồn, biết khóc đã thức tỉnh được lòng người.

Kể từ đó, ba anh em nhà họ Điền thương nhau hơn cả bao giờ...

Mẹ Việt Nam đã buồn khổ, già nua, khóc nhiều vì cuộc chiến này. Tôi ước mơ, một ngày nào đó toàn thể ba mươi triệu người Việt Nam sẽ ôm nhau khóc vùi khi nhìn mẹ Việt Nam như ba anh em nhà họ Điền nhìn cổ thụ héo tàn.

Ngày ấy, không còn hận thù, không còn người này người nọ, ngày ấy chỉ có tình đồng bào ruột thịt, chỉ có người Việt Nam thương yêu nhau cùng tạo lịch sử dân tộc oai hùng, cùng xây dựng non nước Việt Nam hùng cường.

Ngày ấy... Ngày ấy...


Mỹ Tho 14-2-71        
HOÀNG ĐĂNG CẤP    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 148, ra ngày 1-3-1971)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>