Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2021

Con Búp Bê Đẹp Nhất

 

Các học trò của cô giáo Thảo trong kỳ thi tam cá nguyệt cuối năm đã tỏ ra ngoan ngoãn chăm chỉ, nên trước ngày nghỉ hè, cô muốn dành cho các em một phần thưởng đặc biệt.

Cô vui vẻ nói:

- Các em xứng đáng được thưởng. Phần thưởng cô dành cho các em đây đòi hỏi một chút công lao, nhưng cô chắc các em đều thích thú làm cái công việc ấy. Vậy sáng ngày mai...

Cô giáo ngừng lại đằng hắng. Các học trò đều nhấp nhổm sốt ruột trên ghế.

- Ngày mai và tiếp theo mấy ngày cuối năm, các em khỏi phải đem sách vở đến lớp. Nhưng các em nhớ mang kim chỉ, vải lụa đến để tập may...

Những khuôn mặt đang hớn hở bỗng xịu cả xuống... Ồ! Tưởng gì, chứ lại tập may, thì tuy các em có thích thật, nhưng nếu bảo đó là một phần thưởng thì có gì đáng gọi là đặc biệt đâu?!

Cô giáo tiếp:

- Chúng ta sẽ may quần áo cho... búp bê của mấy em! Vậy các em hãy mang theo các thứ cần thiết... Và nhất là đừng quên đem cả búp bê của mình đến nữa!

Vừa nghe cô giáo nói thế, cả lớp vỗ tay reo vang:

- Hay quá!

- Đúng là một phần thưởng đặc biệt!

- Hoan hô sáng kiến của cô!

Rồi các em xúm lại, xì xào khoe với nhau:

- Em có con búp bê lớn bằng này cơ! Lớn như một đứa trẻ thật ấy.

- Con búp bê của em biết mở mắt, nhắm mắt, và khóc oe oe nữa!

- Còn con của em, tóc nó bằng ny lông có thể chải được!

Giữa sự vui vẻ ồn ào của các bạn, chỉ riêng có Thu ngồi lặng yên không thấy nói gì.

*

Lớp học của cô giáo Thảo sáng hôm ấy vui vẻ một cách khác thường. Mỗi em vào lớp đều có bồng theo một con búp bê. Những con búp bê các em mang đến có đủ cỡ, đủ loại... Có con to bằng đứa bé hai tháng, chân tay mũm mĩm bằng chất nhựa mềm. Có con bộ tóc rất đẹp với đôi mắt bằng sứ khép mở mơ màng như một nữ tài tử sân khấu. Cũng có con nghèo nàn hơn, chân tay cứng queo, với bộ mặt tô sơn vụng về.

Trong tất cả ngần ấy búp bê chỉ có con của Dung là đẹp hơn cả. Đó là một con búp bê nom mũm mĩm hồng hào y hệt một đứa trẻ sơ sinh. Đứng xa mà nhìn có thể nhầm là đứa trẻ thật. Nó lại được đeo yếm, mang giày, đội mũ nom thực kháu khỉnh.

Các em tranh nhau đòi bế, đòi xem và xin được phần may mặc cho nó...
 
Cô giáo giơ ra một tập mẫu, mỉm cười nói:

- Chúng ta sẽ chọn trong tập mẫu này các kiểu quần áo, giày mũ thích hợp cho mỗi con búp bê. Sau đó cô sẽ chỉ bảo cho các em cách may cắt...

Chợt cô ngừng lại, ngạc nhiên hỏi:

- Ủa, còn Thu đâu, sao không thấy đến lớp nhỉ. Có ai biết Thu làm sao không?

- Thưa cô không ạ!

- Hay Thu bị đau?

Không. Thu chẳng đau ốm gì cả. Song đêm qua em thao thức không ngủ được vì lời đề nghị của cô giáo.

Bởi Thu chẳng có con búp bê nào khả dĩ mang đến lớp được. Tuy Thu cũng có một con khá đẹp mà vú đỡ đầu của em đã cho hôm lễ Giáng sinh. Nhưng con búp bê ấy, than ôi, đã gẫy mất một tay, chột hẳn một mắt và nhem nhuốc dễ sợ.

Sở dĩ con búp bê của Thu lâm vào tình trạng ấy không phải tại Thu thiếu ngăn nắp, mà vì Thu có một lũ em nhỏ nghịch ngợm, thường cứ lấy đồ chơi của chị đem ra phá.

Thu phần muốn nhường em, phần có nhiều công việc phải giúp mẹ nên cũng ít thì giờ rảnh rỗi. Vả Thu đã có một con búp bê thật bằng xương bằng thịt, là bé Tâm để săn sóc đỡ cho mẹ rồi.

Nhưng sáng nay, sau khi thay quần cho bé Tâm và ngồi cho bé bú bầu, Thu thấy buồn tủi không muốn tới trường. Một giọt nước mắt lăn trên gò má, khiến Thu vội đưa tay lên lau. Cử chỉ ấy không khỏi làm mẹ Thu ngạc nhiên. Bà nhẹ nhàng hỏi con và Thu đã thuật lại nguyên do. Em nghẹn ngào nói:

- Hôm nay má cho con ở nhà. Con không thể nào đem con búp bê gẫy tay, chột mắt của con tới trường được. Các bạn con, đứa nào cũng có những con búp bê xinh đẹp cả. Chúng nó sẽ chế diễu con...

Mẹ Thu thở dài:

- Tội nghiệp con má! Tại con có nhiều em quá, biết làm sao được!

Chợt bà nảy ra một ý kiến, vui vẻ bảo Thu:

- À thôi con ạ, má nghĩ thế này: tại sao con không đem bé Tâm đến trường? Ừ, nó là búp bê của con đấy, một con búp bê sống... mà má chắc chẳng có con búp bê nào bằng!...

*

- Thưa cô, chị Thu kia rồi ạ!

- Chị ấy không đau ốm đâu ạ! Và, ồ, chị ấy ôm một con búp bê to quá, còn lớn hơn của chị Dung nữa kia!...

Mọi người xô nhau ra cửa và hoan nghênh nhiệt liệt con búp bê của Thu. Quả thật, bé Tâm rất kháu khỉnh. Đôi mắt bé mở to, hau háu nhìn mọi người và chiếc miệng xinh xắn toét ra cười mỗi khi bé được hỏi đến.

Các em tranh nhau bế, tranh nhau nựng bé Tâm. Cả cô giáo cũng vậy, cô vui vẻ bảo:

- Vì các em đều mến thích bé Tâm, nên cô đề nghị mỗi em bồng một lúc, trong khi người khác làm việc... Những vải lụa mang theo đây đem cắt vụn ra chỉ để may áo quần cho búp bê thôi kể cũng hơi phí. Chi bằng chúng ta hợp nhau lại may cho bé Tâm một bộ... Và nếu còn nữa thì ta may tặng các em nhỏ khác trong các gia đình nghèo quanh đây? Như vậy các em có bằng lòng không?

- Thưa cô, bằng lòng ạ!

- Hoan hô ý kiến của cô ạ!

Cô giáo mỉm cười hân hoan vì thấy ý kiến của mình luôn luôn được các em vui vẻ tán thành.

Cô đo người bé Tâm, chọn kiểu để cắt rồi chia cho mỗi người một việc: người khâu cái tay áo, kẻ khâu cái ống quần, tất cả đều được bàn tay khéo léo của cô giáo ráp lại thành một bộ áo quần đẹp đẽ mà bé Tâm mặc vừa xinh.

Ngắm bé Tâm diện bảnh trong bộ áo quần mới, ai nấy đều vui vẻ mãn nguyện.

Riêng Thu cũng rất hãnh diện về con búp bê của mình, chẳng những không thua ai mà còn được cả lớp cưng chiều.


BÍCH CHÂU     

(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Tuổi Hoa "Con Búp Bê Đẹp Nhất")
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>