Các em thân mến,
Một em thiếu nhi có viết cho chúng tôi: Thưa bác chủ nhiệm, bác thường dạy chúng cháu lúc nào cũng phải thành thật, ngay thẳng. Chúng cháu cho rằng nghĩ sao nói vậy, nghĩ sao làm vậy có phải là thành thật hơn là gò bó theo những phép xã giao phiền phức. Xin bác vui lòng giải thích cho chúng cháu điều thắc mắc nói trên.
Các em thân mến,
Con người đầu tiên trên trái đất nầy, theo truyền thuyết Âu tây là ông Adam có lẽ là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng được sống hoàn toàn tự do, nghĩ sao nói vậy, nghĩ sao làm vậy. Và một khi có thêm người thứ hai là bà E-Và, ông Adam không còn hoàn toàn tự do như trước nữa. Ông Adam phải chiều theo ý bà E-Và mới gây được cảm tình của người bạn gái. Ông Adam đang ăn trái cấm, còn đói muốn ăn nữa, nhưng lại đưa trái cấm mời bà E-Và ăn.
Đưa mời ăn trái cấm là cử chỉ xã giao, lịch sự đầu tiên của loài người.
Sau đó, con người sinh ra càng ngày càng nhiều, khi sống chung người ta phải chiều nhau nhiều hơn vì vậy mà sự tự do càng bị thu hẹp.
Các em thử tưởng tượng trong xã hội chúng ta nếu mỗi người đều sống tự do bừa bãi nghĩ sao nói vậy, nghĩ sao làm vậy, không cần biết lễ phép, xã giao, lịch sự, không sợ làm buồn phiền ai, không nể nang bất cứ người nào, trong một con đường mạnh ai nấy đi không theo luật lệ gì, muốn đi theo chiều nào, bên phải hay bên trái, tùy hứng xe ô tô chạy bừa bãi trên lề, người bộ hành đi nghênh ngang giữa đường, chắc chắn các em sẽ thấy bao tai nạn xảy ra, bao cảnh chém giết lẫn nhau, bao sự bất hòa, bực tức, thù hằn, bao sự xáo trộn trong xã hội, không khí sẽ ngộp thở và các em cũng không thể sống được trong sự vô tổ chức ấy.
Các em chỉ có được tự do làm những điều không hại đến người khác.
Ông Montaigne có nói: Lễ phép không mất tiền mua mà mua đặng tất cả, vì những cử chỉ lịch sự là vật trang điểm cho việc làm.
Sống trên đời, lúc nào chúng ta cũng cần phải học, chúng ta từ nhỏ đã học ăn, học uống, học đi, chúng ta đã học chữ nghĩa và sự hiểu biết, để thành con người có học vấn, con người trí thức. Chúng ta cần phải học lễ nghi, phép xã giao, cách xử sự ở đời để thành người có giáo dục.
Chúng ta kém học thức, chúng ta bị thiệt thòi, chúng ta kém giáo dục, chúng ta bị khinh rẻ.
Nói tóm lại, phép xã giao rất cần thiết trong đời sống chung đụng với nhau trong xã hội. Đấy là cách xử thế làm đời sống của chúng ta được êm đẹp hơn lên, làm cho chúng ta không mất lòng nhau, làm cho chúng ta thương mến nhau hơn.
Người lịch sự không có những hành động cân nhắc, giả tạo để mong lấy lòng người hầu thủ lợi. Người lịch sự theo phép xã giao vì đã hiểu rõ những tập tục, những nghi lễ.
Một đôi khi, chúng ta phải làm những điều mà chúng ta không thích, trái với ý muốn của chúng ta. Đấy không phải là những hành động giả dối, nhưng chúng ta đã chế ngự sự ham muốn của con người chúng ta để chúng ta được hoàn thiện.
Chúng ta nhân nhượng lẫn nhau vì chúng ta muốn đời sống của chúng ta và của những người chung sống với chúng ta được êm đẹp.
Các em thân mến,
Nghĩ sao nói vậy, nghĩ sao làm vậy là đức tính đáng quí của con người chân thật. Nhưng những lời chân thật, những hành động ngay thẳng được đưa ra trong hoàn cảnh thích hợp thì hay hơn nhiều.
Các em thiếu nhi biết theo phép xã giao càng được mọi người mến yêu.
Mong các em lúc nào cũng tỏ ra là con người lịch sự, làm hãnh diện cho gia đình Thiếu Nhi chúng ta.
Thân mến,
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 81, ra ngày 18-3-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.