Thứ Tư, 17 tháng 3, 2021

Ngày Hội Hai Bà Trưng Ở Trưng Vương

 

Chiều nay 1-3-1971, theo lời mời của một em độc giả Tuổi Hoa, tôi đi xem Ngày Hội Hai Bà Trưng ở trường Trưng Vương. Đến trước cổng trường Trưng Vương đúng bốn giờ rưỡi, tôi ngần ngại không dám vào dù vẫn nhớ lời dặn của em độc giả là năm nay vào cửa tự do... Năm ngoái, lần đầu tiên đi viếng ngày Hội Hai Bà ở trường này tôi đã bị một bà giám thị có nhiệm vụ giữ an ninh ở cổng chận lại muốn không cho vào dù tôi có cầm tờ giấy mời trong tay hết sức đàng hoàng. Lúc đó tôi có hơi thắc mắc vì bị quê (!) trước công chúng, nhưng suy nghĩ lại bà ấy kỹ lưỡng là vì muốn bảo vệ học trò gái của mình, tôi không thắc mắc nữa và tự kiểm soát lại hình dáng của mình: có vẻ du đãng không, có gì khả nghi không?

Vì thế, năm nay, tôi ngần ngại mãi đến lúc em độc giả trong trường chạy ra mời vào.

Khi vừa vào tới sân trường, cảm tưởng đầu tiên của tôi là năm nay không rộn rịp bằng năm ngoái: tổ chức đơn sơ hơn, ít người xem hơn. Nhưng những điều đó đối với tôi không quan trọng, điều quan trọng đối với tôi là xem thấy được những gì tiêu biểu cho truyền thống nữ nhi anh hùng, những gì tiêu biểu cho công dung ngôn hạnh được trình bày trong một ngày Đại Hội kỷ niệm Hai Bà Trưng tổ chức tại một trường nữ thuộc hàng danh tiếng nhứt Việt Nam để viết phục vụ độc giả Tuổi Hoa.

Khi đất nước quê hương điêu đứng, những ngày lễ lịch sử lại càng nổi bật hơn cả bao giờ vì những ngày ấy có tác dụng kích thích dân tộc nổi dậy noi gương tiền nhân đánh đuổi quân thù xâm lược. Các trường học đã giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong công cuộc truyền bá ý nghĩa của các ngày lễ lịch sử dân tộc.

Trong các ngày lễ lịch sử, ngày lễ Hai Bà Trưng chiếm một chỗ đứng hết sức đặc biệt: đó là ngày lễ tiêu biểu cho ý chí bất khuất của nữ nhi Việt Nam anh hùng qua hành động hào hùng chống quân thù xâm lược của Hai Bà Trưng.

Ngoài tác dụng chống quân thù xâm lược, hành động của Hai Bà Trưng, Bà Triệu và hàng hàng lớp lớp nữ nhi anh hùng trong suốt quá trình lịch sử còn có tác dụng góp phần bảo vệ văn hóa dân tộc trước sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai.

Tôi đi xem ngày hội Hai Bà Trưng với hy vọng được thấy những sự kiện tiêu biểu cho những ý nghĩa trên. Một trường học đã gây được ý thức dân tộc quê hương vào tim óc vài ngàn học sinh của trường mình. Hàng trăm trường học cũng như thế... thì may cho dân tộc biết là chừng nào.

Dưới sự hướng dẫn của em độc giả, tôi đi viếng qua các gian hàng bán quần áo búp bê, rồi các gian hàng bánh. Năm nay nhà trường tổ chức đơn sơ hơn là tôi tưởng. Đến các gian hàng bánh, tôi được một em cho biết là năm nay cũng thi làm bánh như năm ngoái nhưng có hơi khác là nhà trường chỉ cho mượn tiền làm mà thôi, sau khi làm xong dù bán được hay không được cũng phải trả tiền lại, số tiền hạn định được mượn là năm trăm đồng. Vì lý do đó, năm nay ít người ghi tên thi làm bánh. Sau khi kể xong, em ấy than: năm nay buồn quá! Phải! Tôi là khách mà cũng thấy buồn quá, buồn một nỗi buồn thấm thía khi thấy nền kinh tế phá sản kiệm ước hối suất song hành đã xâm nhập vào đời sống ngây thơ học trò. Tôi chợt nhớ xăng lại vừa lên giá mà nếu xăng lên giá một thì tất cả vật dụng khác lại lên giá gấp hai gấp ba gấp bốn theo dây chuyền. Nếu nước nhà cứ ở vào tình trạng chiến tranh này mãi, không biết ngày Hội Hai Bà của trường này năm tới tổ chức ra sao?

Năm nay, tôi thật là vô duyên, đến Quán Nắng trung tâm bán nước ở ngày Hội Hai Bà Trưng uống nước thì nước ở đó vừa cạn! Năm nay, cả nước uống cũng ít nữa!

Tôi đang thắc mắc tại sao năm nay không có thi hóa trang thì một em lại mời mua vé xem Đại Hội Văn Nghệ Trưng Vương vào lúc 15 giờ thứ bảy 6-3-71 ở rạp Thống Nhứt. À! Thì ra tất cả những gì hào hứng của ngày Hội đều ở trong Đại Hội Văn Nghệ này: Hóa trang, nhạc dân tộc... Nhưng muốn tham dự, phải... giá vé có ba hạng: một ngàn, năm trăm và ba trăm - Tôi run run từ chối lấy cớ chiều thứ bảy bận mắc đi dạy học nhưng thật ra đâu có bận gì!

Tôi ước mơ phải chi tổ chức Đại Hội Văn Nghệ ngay tại trường thì vui biết mấy, tổ chức như thế này làm sao học sinh cả trường tham dự được, chỉ có một thiểu số dư dả tiền bạc mới tham dự được mà thôi!

Buồn quá, tôi ra về... Bài hát Trưng Nữ Vương hùng hồn do các em Trưng Vương hát đang được phát qua các loa treo ở trường làm tôi vui vui trở lại, bớt chán nản.

Chưa lần nào tôi viết một bài văn thiếu cảm hứng bằng bài này.

Tối mai, tôi sẽ đi dự Đêm Mê Linh tổ chức tại Đại Học Văn Khoa theo lời mời của Ủy Ban Bảo Vệ Sinh Hoạt Dân Chủ Học Đường thuộc Tổng Đoàn Học Sinh. Dù chưa xem, tôi tin chắc Đêm Mê Linh này sẽ góp được phần nào trong việc phục hưng truyền thống dân tộc và nhất định tôi sẽ thấy và cảm được nhiều điều hay để viết... nhưng không biết Đêm Mê Linh này có được phép tổ chức hay không và những điều tôi viết có được ra mắt độc giả hay không... hay là như bài viết tả lại buổi đi xem Triển Lãm sinh hoạt sinh viên học sinh Việt Nam cũng tổ chức tại Văn Khoa từ ngày 31-10-70 đến 7-11-70, bản thảo này tôi đã phải cất kỹ xem như một kỷ niệm của riêng mình.


Đêm Saigon 1-3-71     
HOÀNG ĐĂNG CẤP  

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 149, ra ngày 15-3-1971)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>