Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

5 Ngày Ở Hải Đảo (II)


(Giũ, rửa, giã... thật nhiều lần rau câu vẫn còn lẫn san hô và cát nhuyễn). Trẻ em lợi dụng khi đi gỡ rau câu, nhặt thêm lũ ốc xa cừ, ốc hương, ốc heo... Than ôi! Chúng nào biết giá trị của vỏ ốc sống khi được mài dũa thành đồ trang sức, vật kỷ niệm..., nên chúng đem luộc hoặc nướng tất, rồi đem đập vỏ nát, lấy thịt ăn ngon lành.

Bức tranh chiều tàn trên bãi biển, hôm nay đẹp tuyệt. Nền biển với trời xanh lơ, xám nhạt dần và muốn che cả vầng thái dương ửng đỏ. Trên bãi san hô lởm chởm nâu và lốm đốm trắng là những bóng cao thấp không đều, lom khom thẩy từng túm rau câu vào gùi tre đeo sau lưng.

Mấy đứa lội nước lõm bõm, quên đem giầy bata nên đành chống đá ngầm với san hô bằng dép da. Chẳng mấy chốc mấy túi nylon đầy ắp ốc với san hô, phải loại bớt để chứa mấy con cầu gai. Khi đem về T. và Hải lui cui lôi phọt-môn ra tiêm ngay vào lũ ốc, sao biển, nhím biển và cầu gai... T. bắt được một con cá nóc bằng bàn tay, nhưng rất tiếc chú ta bị kim độc của nhím biển bắn chết, nằm lật ngửa phình bụng. Ốc với san hô được ngâm cho báng mùi, còn sao biển, cầu gai được T. và Hải phơi trên sân xi măng. Con chó mực lạ lùng chạy đến đánh hơi ốc với san hô rồi len lén chú ta ăn cắp miếng khô cá của hàng xóm phơi ở bờ tường tha vào gầm giường nhâm nhi.

Có tiếng còi xe Jeep như mời gọi. Thì ra một trong hai chiếc xe Jeep duy nhất trên đảo vừa ngừng trước cửa nhà Hải. Ba của Hải ngoắc hai đứa lên xe đi một vòng, cả Đáng nữa. Tài xế chính là chủ xe, ông nghị viên của tỉnh Bình Thuận, nhưng lập nghiệp và nhà cửa ở đảo. Trẻ nít tò mò bu theo cái xe lạ, dù nó được mang về hơn hai tháng rồi. Một chiếc khác của một ông nhà giàu thuộc xã Tam Thanh. Cả hai ông đều dùng xe để chở hàng và làm chân đi lại trên đảo. Chiều nay mười mấy ông có thể coi như toàn bộ tham mưu của đảo hội họp rủ nhau đánh chén. Chạy vòng vo rồi cũng về xã Long Hải. Tiệm kem của ông nghị viên được trưng dụng bàn ghế để làm một màn nhậu nhẹt. Mấy ông không cho tụi này nhậu kem. Mấy ông bắt buộc tụi này phải sơ sơ  ba chai la ve với mồi mực tươi xào dưa leo, rồi mực khô, cá khô... Trời tối lúc nào không hay, những câu chuyện dai nhách của mấy ông xã trưởng, phái viên, thư ký... hầu như không muốn dứt. Anh Hùng (em ông Nghị Viên) thay làm tài xế, đưa từng người về nhà. Anh dặn tụi này sáng mai đến anh dẫn đi leo núi. Bác L. (ba của bạn Hải và Đáng giờ đã nhập ngũ) hứa hẹn trưa nay cho tụi này, khi leo núi về, nhậu một bữa lăn quay với đồ biển, không chừng có cả gà với rượu mạnh.

Nhưng ba đứa chúng tôi không thể y hẹn. Vì sáng ngày đi nửa đường xe Honda của của Đáng nổ ruột, bung vỏ, phải lếch thếch dắt về. T. thắc mắc rất nhiều chuyện muốn các bạn kể nghe, nhưng họ hẹn ngày mai... ba đứa lại lông nhông làm một phát tắm biển... Tắm biển đối với dân đảo không có gì thích thú, ngày nào họ chẳng đụng chạm với nước mặn cho nghề nghiệp đâu... Tối chủ nhật cả bọn gặp vài bạn quen. Đáng lẽ giờ này họ ngủ và nghỉ ngơi để khuya thức dậy đi biển. Nhưng lâu ngày gặp kẻ "du học" từ phương xa trở về họ phá lệ. Chúng tôi không uống cà phê ở quán của nhà Đáng, mà kéo rốc tới quán của ông phái viên. Trò chuyện mãi cho đến khi quán sửa soạn đóng cửa dẹp mới thôi. Tuy rằng cũng có giới nghiêm, có tổ chức N.D.T.V. thật đấy, nhưng nơi đây yên lành, bà con xóm giềng với nhau, tha hồ đi lang thang không cần giờ giấc. Ngày thứ tư trên đảo là một ngày đầy kỷ niệm. Trước khi lên đường, má của Hải nướng ba con tôm thiệt là lớn và đổ gạo vào bao cho chúng tôi mang theo. Chở thêm cái tên rảnh rỗi hổm rày và thường đi chơi chung, mấy đứa lỉnh kỉnh đồ ăn với máy hình, trực chỉ xã Long Hải. Vì không thể đem xe theo nên mấy đứa gửi ở tiệm kem quen, còn gửi lại bọc đồ ăn, chỉ mua thêm mấy cái kem bánh. Núi Cao Cát cao độ từ 70 m đến 80 m bị bốn đứa chinh phục nhanh chóng. Ấy là chưa kể khoảng thời gian làm dáng chụp hình. Nào những lúc đang leo núi, trợt té, hay vin đám cây dại, hoặc ngồi trên mỏm đá cheo leo (tương truyền đó là chỗ hàm rồng). Bốn đứa leo tít Quan Âm Phật Đài ngồi từ bi nhìn xéo về hướng đông. Nắng mai dìu dịu chan hòa sau vài cơn mưa nhỏ không đủ ướt những rẫy bắp rộng lớn. Nhìn xuống, có thể thấy bao quát toàn thể đảo. Đối diện là núi Cấm, cao độ khoảng 60 m, buồn tênh vì không có thắng tích gì ngoài cột Hải Đăng như ở đỉnh núi Cao Cát. Ruộng vườn phân ranh từng ô rõ rệt, san sát không một chỗ trống chen chúc với nhà cửa li ti của xã Ngũ Phụng, Long Hải. Xã Tam Thanh thì nằm mút  tầm mắt với hàng dừa rậm rạp của xóm Núi. Bốn đứa khoan khoái đón gió biển lộng tư bề, ăn vội mấy cái bánh kem. Chuyến về chuyền lần ngõ chính lên núi, chứ không mò mẫm mặt lưng nữa. Lưng chừng là Linh Sơn cổ tự. Theo truyền thống của những kẻ nghịch ngợm, bốn đứa chúng tôi vào bếp lôi con dao mũi nhọn ra khắc tên và đánh dấu ngày tháng trên cây bồ đề trước sân chùa, vốn dĩ chi chít những tên cùng họ của du khách đến trước. Ông Từ không ở thường trực, mỗi chiều tối mới lên thắp nhang. Khách thập phương cứ việc vào chánh điện lễ bái, và nồi niêu, chén bát sẵn đó, kiếm củi là có thể tự nấu cơm ăn... Bốn đứa uống lấy uống để nước mưa ngọt và trong chứa ở hai lu ngay máng xối. Bận xuống có bực thang xây theo vách đá nên đếm bước không mấy khó. Đầu lối lên chùa là một cái miếu hoang. Gần chân núi có miếu  bà Chúa, cây cối um tùm bao quanh tạo một vẻ huyền bí thâm u. Tương truyền hồi xưa có một số người Chàm ở Cù lao Ré đi biển bị bão dạt ra đảo, họ đem khoai theo ăn, rồi gây giống khoai rất nhiều trên đảo, nên xưa đảo Phú Quý còn có tên là Cù lao Khoai. Về sau người Việt ra ở, đánh đuổi người Chàm đi. Cho đến nay không còn vết tích gì của người Chàm trên đảo ngoài cái miếu thờ Bà Chúa của họ, khi xưa chết được họ chôn ở đấy. Linh ứng thì không rõ, chớ nghe đồn miễu có ma, ít ai dám qua lại nơi đó từ sẩm tối.

Trên đảo có nhiều miễu rải rác, chẳng hạn như miễu Cây Da (thờ Thành Hoàng) mà bốn đứa vừa chạy xe ngang qua trên đường đến Mộ Thày. Ngoài ra toàn là miễu thờ thần Nam Hải tức cá Ông. Ở Mộ Thày cũng sẵn đồ nấu bếp, chỉ việc đem thức ăn và bỏ công chút đỉnh thôi.

Nơi đây tự do ăn mặn, người khác vẫn thường cúng gà vịt, nên chúng tôi thản nhiên đánh tiệc cơm tôm nướng với nước mắm dầm ớt. Nồi cơm chín không đầy 1 tiếng đồng hồ. 1 phần leo núi mệt, 1 phần đã quá ngọ, bốn đứa vét sạch nồi cơm. Rửa vội nồi, đũa, chén dĩa, đem trả vào kho vật dụng của mọi người cúng nơi mộ, bốn đứa móc quần áo vào nhánh cây cách, ào xuống vụng biển. Đá ngầm, đá nổi, vô khối. Mấy con cua biển chưa biết hãi sợ loài người, nhưng cũng nhút nhát lẩn nhanh vào kẽ đá. Rong nâu trôi lềnh bềnh tìm chỗ tấp vô, cùng với những cái nang mực trắng hình bầu dục đủ cỡ. Lội chán, bốn đứa ngồi trên gộp đá nghe Đáng kể sự tích Mộ Thày. Đáng cẩn thận rào đón, vì nghe kể đi, kể lại nên tích có "tam sao thất bổn" mất nhiều, tuy nhiên đáng tin cậy vì qua người già lão thuật rõ ràng vào những lúc "trà dư tửu hậu".

Chuyện xảy ra cách đây mấy trăm năm... khi 1 thuyền buôn của người Tàu bị bão dạt lên đảo. Trên thuyền có 1 ông rành về khoa địa lý. Thuyền buôn lo lấy nước ngọt và đổi vật thực cần thiết sửa soạn trở về. Ông thày cũng theo lên đảo quan sát đất đai, phong thổ. Ở lại, ban đêm, ông thấy phát xuất một hiện tượng kỳ lạ xảy ra vào dịp trăng sáng, may có mặt ông. Nhìn từ xa, 1 mỏm núi mường tượng miệng một con rồng, nơi đó hào quang chốc chốc vút lên thinh không. Ông thày nhận xét được một kiểu đất. Nếu táng xác người nào vào nơi đó, sẽ kết phát, chính người được táng sẽ thành thần và con cháu sẽ học giỏi, thi đỗ, vẻ vang trên đường sự nghiệp, làm quan to và hiển đạt. Cái huyệt không ở hàm rồng, vì hàm rồng há miệng khơi khơi với thiên nhiên, mà mập mờ ẩn hiện ở rún rồng. Chót đuôi con rồng nằm uốn khúc chính là 2 hòn đảo trơ trụi: hòn Đen và hòn Đỏ giữa biển. Mình rồng nằm dựa ven biển, núi đá tựa vẩy, cheo leo. Đối với người thường chẳng có gì quan trọng, nhưng với con mắt nhà nghề của thày địa lý, đã chấm rồi linh huyệt. Lặng lẽ thày Tàu theo bạn ghe ra về. Câu chuyện bọn người Tàu xí xô, xí xào lạc vào đảo dần dà chìm theo năm tháng.

Một đêm trăng nọ, dân đảo hơi ngạc nhiên thấy ánh lửa cùng khói bốc lên tại một góc đảo (chính là chỗ long huyệt: rún rồng). Vốn quen đời bình dị, không ai tò mò đến đó tìm hiểu xem tại sao có lửa? Lửa của bọn cướp? Hay lửa của nhóm người đi ghe lạc lối? Hay lửa thiêng của trời đất phát sanh?

Sáng ngày, có vài đứa trẻ chăn bò, nhân đánh bò qua chỗ có lửa đêm hôm, chợt phát giác một cái mả vô danh. Theo lời mục đồng báo tin, dân đảo cũng tụ đến xem xét, chịu không nhận ra dấu vết gì, dù là 1 chiếc ghe đã cập bến ban đêm để làm cái công việc tang ma lặng lẽ trên. Rồi họ cũng để yên ngôi mộ, vì đó là đất hoang và thấy cũng chẳng thiệt hại gì cho ai, dù sự việc xảy ra rất kỳ lạ và khó hiểu. Ngôi mộ đất tròn trịa có đá hòn xếp quanh được chấp nhận nằm đó, thi gan cùng tuế nguyệt. Từ đó về sau, theo 1 chu kỳ bí mật như sự hiện diện của ngôi mộ, vài làn ánh sáng xẹt lên. Không xẹt từ "hàm rồng" nữa, ánh sáng xẹt từ "rún rồng" có vòng như cái cầu rơi xuống tắt phụt ở vùng đất khác cũng gần đó. Lại thêm tiếng sấm động ầm ầm tựa tiếng gào thét của quái vật cựa mình sau giấc triền miên. Nhưng tuyệt nhiên trời không có gió bão với mưa gào. Ánh sáng thì rực rỡ như hỏa pháo, tiếng động thì kỳ bí và không phải bất cứ người nào cũng thấy và nghe được. Khiến cho một số dân "được" chứng kiến sợ hãi, đồn đãi với nhau về một sự linh thiêng của 1 kẻ khuất mặt bắt đầu tác yêu tác quái. Dân đảo nào hay biết, ông thày Tàu rành khoa địa lý đã sai con cháu đem chôn xác ông ở cái huyệt trời ban trên đảo, mà dân đảo không có may mắn hưởng phúc. Những người có thẩm quyền trên đảo định san bằng, hay đào mộ liệng ra biển, để đem lại sự an lòng cho dân đảo. Nhưng chính ông thày Tàu hiện về báo mộng kể rõ khúc nôi và tự xưng Thần. Nếu dân đảo lập cho ông một chỗ nương nhờ nhang khói, ông sẽ là một Thổ Thần phù hộ cho mọi người. Đôi khi ông còn hiển hiện, cái bóng trắng tiên phong đạo cốt, chống gậy đi từ chỗ ngôi mộ, theo làn ánh sáng rồi biến mất theo nó. Một số dân đảo nhiệt thành tin cậy, xây cất một cái miễu con để thờ phụng ông Thày. Nhiều sự cầu xin, khấn vái được kết quả như ý. Họ đồn đãi với nhau. Ngôi miếu được tu bổ và khang trang dần theo địa thế xinh tốt mà giờ dân đảo mới nhận ra. Cả vùng đất bằng và hơi trũng đó (bụng rồng) người ta gọi là Mộ Thày. Còn Dinh Thày là nơi đốm sáng hạ tan và tắt ngúm, họ cho xây thêm một miễu con và gọi là Dinh Thày, ngụ ý chỗ ông thày ngự lúc dạo chơi. Hồi vua Gia Long bị nhà Tây Sơn đuổi mãi tận đảo, ngài cũng cầu xin ở thần và được mãn nguyện bao điều ước. Về sau, khi lên ngôi vua có ban sắc để phong tặng sự thần đã giúp đỡ. Sắc phong đó cư dân trên đảo vẫn còn giữ. Mấy năm gần đây (1969-1970), dân đảo không biết, vô tình sửa sang ngôi mộ thày, đắp gọn theo hình bát quái, bề ngoài rất đẹp. Một ông Đại Tá (quên tên) cũng sành khoa địa lý đã cho hay chỗ sơ hở nhân dịp đi thăm toàn đảo. Phải phá hình thức bát quái chụp ngôi mộ như mảnh bia yểm đi linh khí của huyệt thiêng. Mọi người theo lời khuyên, tuy tiếc công trình, nhưng cũng vui vẻ đập phá ra và trả lại hình dáng nguyên thủy của ngôi mộ. Ngày nay ngôi mộ vẫn nằm trơ đó, đá hòn vây quanh, xa trông như một miệng giếng to. Gần mộ là ngôi miễu vuông vức. Xế lưng miễu là 1 gian nhà dài của dân đảo hảo tâm dựng lên, làm nơi bày biện cỗ nấu để cúng kiến, có bàn ghế để ăn, có chiếu để trải ra nghỉ. Bên hông là chỗ chứa chén đũa, nồi... cũ, mới... lẫn lộn. Dứa dại um tùm mọc lẫn với cây sầm và cây cườm thảo lan xuống góc núi có một cái bếp cất dựa theo hốc đá, kín đáo và an toàn. Bực tam cấp lợi dụng theo địa thế, dẫn lên Mộ Thày, trổ xuống bếp, dài ra vụng biển là bãi tắm thiên nhiên an lành. Đôi lúc có lễ lớn, hoặc trúng vụ mùa đánh cá hay rẫy bái, có người còn tổ chức hát bội, cúng kiến linh đình, diễn ra trên mặt sân tráng xi măng bằng phẳng chỗ Mộ Thày. Toàn thể dân đảo đều tin vào sự linh hiển, phò trợ của Thày. Họ cầu xin cho con em thi đỗ, học giỏi, buôn may bán đắt, đi biển bình an, trúng mùa (trúng mực, trúng cá...), đi lính thì tai qua nạn khỏi. Chính Hải, bạn T., một con người "văn minh khoa học" của thế kỷ 20 vẫn hằng tin tưởng vào sức giúp đỡ linh thiêng trong các kỳ thi mà gia đình Hải đã cầu khấn hằng năm...

Bốn đứa chúng tôi vùng vẫy chán chê, lên bờ hong khô đầu tóc, quần áo. Khát nước kinh khủng! Nước đá làm phụ theo máy kem mua hồi sáng đã tan hết, nước đem theo không còn một giọt. Cả bọn rủ nhau về Xóm Núi mua dừa uống cho đã thèm. Thế là nhong nhong về xã Tam Thanh, 4 đứa không ghé nhà đi thẳng. Cứ vài chặng lại phải dắt bộ, vì xe khó vượt động cát trải dài. Mấy bụi dứa dại không đủ sức ngăn đồi cát di chuyển dần về phía trong đảo. Hình như dân đảo không có ý định trồng phi lao để chặn bớt sức gió và giữ cát. Xóm Núi thuộc ấp Triều Dương. Có một núi nhỏ 2, 3 chục mét, gọi là núi ông Đụn, tên của người khai phá lập xóm đầu tiên ở đấy. Vùng đó thích hợp với dừa, nên dừa ngon ngọt và được trồng nhiều nhất. 4 đứa chúng tôi tham lam mua cả quày. Nhưng chỉ đủ sức ních mỗi đứa hai trái và số còn dư xách về. Chùa chiền sao mà lắm? Thật vậy, hầu hết dân đảo thờ Phật. Nổi tiếng nhất là Linh Quang Tự do vua Gia Long cho xây hồi tẩu quốc. Chùa nằm ở xã Tam Thanh. Kế đến là Linh Sơn cổ tự ở triền núi Cao cát. Rồi đến chùa Bạch Mã (khá linh thiêng) ở ấp An Hòa (xã Ngũ Phụng). Rải rác còn vài chùa nhỏ nữa. Trên đầu đảo (xã Ngũ Phụng) còn có một nơi gọi là Bãi Lăng thờ Thành Hoàng. Đầu đảo ngoài mô đất đó (tiếng địa phương gọi là mom đất hay giàn đất), ấp Mỹ Khê (xã Tam Thanh) có lăng Cô, không rõ sự tích nhưng rất linh hiển. Tương truyền năm 1945-1946 có một đoàn tàu hải tặc ghé đảo, dùng súng bắn vãi vô đảo để thị uy. Cư dân cúng vái ở lăng cầu xin sự che chở. Ngay lúc đó có một dải lụa trắng từ lăng Cô bay ra đốt cháy tàu chúa cướp. Cả đoàn tàu thất kinh rùn rùn nhổ neo bỏ chạy cho xa.

Hiện thời đảo còn có một giáo đường của đạo Tin Lành. Một nhà giảng của đạo Bahais và một chùa Cao Đài... không mấy phát triển. Mục sư, thủ từ... sinh sống bằng lương thực chu cấp hằng tháng từ đất liền.

Mấy đứa tôi lội về qua những quãng đường cát lún, số lượng nước dừa dưới ánh nắng mặt trời đã muốn bốc hơi từ những giọt mồ hôi tươm đầy thân thể. Mạnh đứa nào, đứa nấy lo về nhà tìm chỗ ngủ. Buổi tối thức dậy ăn cơm hãy còn sật sừ. Hải gặp bạn đi biển rủ ngồi quán (của ông phái viên). Những người bạn mới lấy làm tiếc T. đến chơi không nhằm mùa biển động. Khi ấy họ sẽ đưa đi hòn Tranh cách đảo không đầy một cây số. Hòn Tranh còn có một hòn phụ là hòn Trứng (đây là hòn Trứng của hòn Tranh). Trên hòn Tranh chỉ có vài gia đình sinh sống coi ruộng rẫy mà thôi. Vả lại cuốn phim T. đã chụp hết nhẵn. T. hẹn sang năm sẽ lại cùng họ chèo ghe đi hòn Tranh thăm đền thờ Đức Trần Hưng Đạo và Vũng Phật. Hai địa danh này đều có sự tích khá ly kỳ. Tương truyền có một ông đánh cá, mùa biển động nên qua hòn làm rẫy. Làm biếng đi đi về về ông cất chòi và mang gia đình qua hòn sinh sống luôn. Thằng bé con ông, một hôm nhặt được một hình nhân gỗ trôi tấp vào bãi, nó bèn nhặt làm đồ chơi. Cha nó liền được thần nhân báo mộng quở trách. Ông đem chuyện lạ về đảo thuật cho mọi người hay. Người ta ngắm nghía, suy xét và nhận dạng tượng gỗ của Đức Trần Hưng Đạo, chẳng biết lẽ nào trôi giạt đến đây. Họ bèn xây cất đền thờ và giao việc trông nom cho ông đánh cá đó. Còn Vũng Phật nằm ở cuối hòn. Cái vũng tròn vo như có người tạo ra. Kỳ lạ ở chỗ rằm và mùng một mỗi tháng có một hòn đá từ đáy nổi lên và vũng réo ầm ĩ, sôi sục... Người ta bèn nhặt hòn đá, chạm trổ hình tượng Phật và thỉnh về thờ trong Linh Quang Tự. Cho nên đền thờ Đức Trần Hưng Đạo và Linh Quang Tự vẫn còn linh thiêng đến nay. Những người bạn mới cho T. biết, họ cực khổ quanh năm với nghề đi biển, chính lúc biển yên gió lặng là họ phải ra sức tranh đua với thiên nhiên tìm cái sống. Biển động, họ không bó tay ở nhà, họ làm rẫy, đi qua hòn Bố, hòn Vung lượm trứng chim về bán. Quần đảo Phú Quý ngoài hòn Bố, hòn Vung... tụ tập hải âu, chim biển... còn có hòn Khám, hòn Tiền, hòn Đen và hòn Đỏ (đuôi rồng). Trên đảo không thiếu một thức gì, trừ lúa gạo phải mua thêm ở đất liền và một vài loại cây ăn trái khó trồng. Đời sống dân đào không mơ ước cao xa và đòi hỏi nhu cầu giải trí gì quá tấm sức. Bi da, banh bàn không kiếm ăn nổi trên đảo. Có một rạp xi-nê lại quá tệ, chỉ là một căn nhà rộng 4m, dài 30m, cũng có lầu, nhưng lâu lâu chủ rạp "mượn" được cuốn phim thời sự, trình chiếu, bán vé hẳn hòi. Không một phong trào, với mốt thời trang nào xâm nhập được, vì dân đảo vốn cần cù, bận rộn với sinh kế hơn là lo đến vấn đề nào khác. Trẻ em không biết đến một tiếng chửi thề, chỉ biết tụ tập bày trò chơi hoang sơ và rất lạ lùng với xe Jeep, với chiếc trực thăng mỗi tháng hai lần công vụ đáp trên sân banh lộ thiên trước trụ sở nha phái viên, chúng nhao nhao bu theo như cái đuôi để xem. Và nhất là thích thú với ba máy vô tuyến truyền hình của Tổng Thống vừa tặng cho ba xã nhân dịp ông đi kinh lý.

Ngày cuối ở đảo, T., Hải và Đáng theo gia đình đến Mộ Thày để cúng. Chú Liếu, một ông lang bang phất phơ nhưng lại đa nghề nghiệp, nhất là làm đầu bếp cho bất kỳ gia đình nào có cúng kiến, giỗ quảy. Một nồi cháo gà, hai con gà xé phay, lại thêm mực tươi dồn râu mực chiên gia vị, rau sống... mà chú Liếu, ba má của Hải, hai ông bạn quen của ba Hải, ba đứa này, vị chi là 8 người, ăn không hết, phải gọi lũ trẻ chăn bò coi việc phơi mực lên ăn phụ. Chúng được gói cho cả bọc xôi với mực chiên, chuối, mía nữa đem về cho mấy đứa em.

Sau đó, ba đứa theo lệnh người lớn, sì sụp lễ bái và khấn vái trước mộ và miễu của Thày. Dọn dẹp đã có chú Liếu và má của Hải lo, ba đứa rảnh rỗi vòng quanh triền núi, lần theo những gộp đá trơn tru có, bén có, bị xâm thực bởi gió và sóng biển đêm ngày. T. để mắt tìm thêm một ít ốc heo và nang mực. Hình như có tiếng đồi mồi thở phì phò trong kẹt đá. Đáng và Hải cãi nhau, hổng chừng có con chình (một loại rắn biển), nếu thọc tay bậy bạ, coi chừng nó cắn chết tươi. Dân đảo chỉ có một, hai người bắt đồi mồi, chế tạo thành vật trưng bày để bán. Ngoài ra ai nấy bắt được đồi mồi, đều thả đi làm phúc. Quanh mộ Thày nồng mùi ngải cứu, người ta quen gọi là lá Từ Bi hay Ngũ Trảo. Lá này, T. còn bắt gặp mọc xen với cây sầm dứa dại ở vùng núi Cao Cát. T. nhặt được một con đồn đột (hay đồm độp) đã hóa đá trắng hếu. Có nơi người ta gọi nó là đỉa biển. Hình dáng nó tương tợ con đỉa, mà to lắm kia, có thể cỡ 1 khúc tay người lớn. Nó nằm im như 1 cái bánh gai, hiền lành và di chuyển chậm chạp. Màu sắc thì đen hắc hay xám xám. Nếu có điểm lấm chấm đỏ, gọi là đồn đột gai. Nhưng chỉ có loại màu vàng sậm như da bò, bắt được giữa biển khơi và hiếm có mới được dùng làm món ăn, tên chúng gọi rất văn hoa: hải sâm. Dân đảo cũng có làm nước mắm, nhưng chỉ để gia đình dùng và chia chác với người quen. Họ chỉ thiếu vài nghề của dân miền biển như : làm khô cá thiều, làm đồ trang sức bằng vỏ ốc, và khai thác bào ngư mà thôi. (Bào ngư: bong bóng cá đường, dân biển vùng mũi Cà Mau, Phú Quốc rất hay bắt cá đường chỉ để mổ lấy bong bóng, vứt xác). Nhưng cần gì, nhìn khái quát, đời sống dân đảo cũng khá sung túc, nhà cửa gạch, ngói, chắc chắn... mọc lên hoài. Nhìn nhà nào, người ta đều biết rõ tuổi tác căn nhà với con số năm xây to tướng ngay chính giữa. Nếu 2 bên không là tên hiệu tiệm, sẽ là hoa lá cành trông rất lòe loẹt và rập một khuôn. Chúng sẽ để lại nhiều kỷ niệm khi T. rời đảo, vì chính đêm nay có ghe chở hàng đi Phan Thiết. Mãi mãi T. không bao giờ quên những người bạn mới quen. Tất cả mọi người dân đảo đều niềm nở, hiếu khách, họ giảng giải từng chút gì T. thắc mắc, tiếp đãi lúc nào cũng chu đáo. 5 ngày ở đảo T. ăn cá biển thật là đủ hương vị. Nào cá liềm, cá luồng, cá mím, cá ngác, cá bè, cá gáy, cá sọ dừa, cá bò, cá nhồng, cá ngừ, cá mú (mú chiên, màu hồng, và mú xảy, da sọc xám), cá hồng, cá khế, cá mó (mó tro, mó xanh, mó củ... đủ loại, đủ màu)... Ôi thôi còn nhiều loại mà T. ăn rất thường khi chúng được bán ở đất liền như cá cam, cá nục, cá thu, cá mối, cá chim... Còn nhiều lắm, chẳng hạn: "cá đổng, cá tà mà, cá thèn, cá thút thít, cá cờ, cá căng, cá đém, cá sơn, cá suốt, cá thòi lòi biển, cá lầm, cá vi, cá đưng, cá bui (cá đối biển lớn cỡ bắp chuối), cá chàm v.v..." T. chỉ mới nghe bạn kể tên. Hẹn nhau một dịp thuận tiện hoặc không còn dịp nào khác T. sẽ lại ra "hòn" sống trọn những ngày tháng tiêu dao như một bực ẩn sĩ. Có còn chăng những hình ảnh T. ghi được qua cuốn phim ngắn ngủi và mơ hồ trong tiềm thức vốn mau quên, những thanh âm sóng biển rì rào, chim chóc ít ỏi, ca ngợi vùng trời yên bình tự do, những giọng nói mộc mạc, khó nghe mà chân thật. Những con thuyền thô sơ lần lần cơ giới hóa, bóng dáng ngư phủ sửa lưới, sửa thuyền. Những khi ghe về bến tấp nập người lấy vi, xẻ cá... có những chiếc gùi quen thuộc trên lưng, giống bất cứ thiểu dân miền sơn cước nào... mãi mãi sẽ không thể xa rời ký ức T. được.

Họ quá giang vào Phan Thiết chật ních cả ghe. Mùa này còn đi buôn được. Mùa biển động, đàn bà con gái hay vào đất liền, túa đi các tỉnh, về Sàigòn làm mướn, không lãng phí thời gian bao giờ. Ghe chòng chành sau hồi máy nổ. Hải và Đáng có chút việc phải đi Phan Thiết, sẵn dịp đưa T. về luôn. Thật may, trời êm sóng gió như hôm T. đến đảo. Đã khuya lắm rồi, nhưng ông già cầm lái vẫn thao thức với bổn phận và nhắm hướng không sai chạy chút nào. Một cơn mưa nhỏ rì rào khiến 3 đứa nằm sát nhau hơn, trùm kín tấm poncho. Lời dặn dò nhau và trò chuyện, mãi rồi làm nhảm theo giấc mê, không đầu không đuôi. T, ngủ quên với cảm giác lênh đênh, chập chờn theo nhịp lướt của chiếc ghe. Hình như ghe đã đi khỏi tọa độ có mưa và âm thanh biển cả như thầm mời gọi T. chớ vội xa lìa.


PHAN KHƯƠNG THÁI 

(Trích tuần báo Thiếu Nhi các số 115, 116, 117, 121) 
  


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>