Thứ Tư, 13 tháng 6, 2018

5 Ngày Ở Hải Đảo (I)


Chuyến đi của T. vội vàng và không báo trước gây ngạc nhiên cho cả gia đình. T. chỉ kịp mua một ít đồ lặt vặt, còn quần áo đã ủi xếp sẵn cho kỳ du khảo bụi, giờ chỉ việc xách theo. Hai đưa đi mua vé xe đò Sàigòn Phan Thiết chuyến chót. Còn rộng thì giờ để cả hai mua "phọt-môn", phim và một ít sách dành đọc giết thì giờ. T. chở bạn lang thang trên đường phố Sàigòn rồi về ăn cơm. Chẳng trễ được với giờ giấc xe chạy ưa co dãn như dây thun.

Trên xe Hải thiu thỉu ngủ, trong khi T. lạ mắt quan sát cảnh vật qua cửa sổ. Từng địa danh lúc vun vút, lúc chờ mời khi xe đón thêm khách hoặc thả bớt xuống... Bốn giờ chậm chạp trôi với những trận mưa rào, gây một không khí hâm hấp nóng. Bến xe rất trống trải và dời về cửa vào tỉnh lỵ làm tốn kém cho hành khách cần di chuyển. Cả hai đi xích lô đạp đến tận nhà bà dì của Hải. Tiếng chuông điện reng dài đánh thức hai con chó già có bộ mặt lầm lì đáng sợ trước tiên. Dì Hai giúp việc ra mở cửa, đon đả chào hỏi cả hai đứa... Ôi thôi, đủ mọi chuyện:

- Tụi mày về sớm sớm, chắc "quá giang" trực thăng ra "hòn", khỏe ru.

- Ba rưỡi chiều hôm qua tụi con chỉ mới thi xong môn cuối ở Tây Ninh, làm sao về kịp...

- Ba mày (ba của Hải) ổng mới về sáng hôm kia. Ổng bỏ quên cái áo da, treo kia kìa.

- Đã nói tụi con mới có mặt ở Sàigòn hồi 7 giờ sáng đây. Họa chăng bay mới về kịp. À bữa nay có ghe đi "hòn" không dì Hai?

- Ai biết, nhưng chắc tối mai mới có, đâu mày ra bến hỏi thăm coi...

Bao hăng hái vụt tan biến. Hai đứa uể oải tắm táp, dẹp đồ, rồi dạo phố, đi ăn cơm. Mới một tua đã gặp bạn. Hải và Đáng sánh vai nhắc bao chuyện ngày qua. Đáng lý Đáng đã theo trực thăng về rồi, nhưng vì nhận được thư và tập nhạc của Hải, nên Đáng có ý định chờ bạn cùng về ghe chung cho vui. Cả ba đi xi nê, ngặt nỗi ba rạp ở đây chiếu toàn phim cũ của Sàigòn nên đành thôi. Phan Thiết về đêm phố xá rực đèn và rất rộn rịp, tiếng nhạc từ các hàng quán vang vang, cũng có những sân trượt patin nực mùi mồ hôi người. Ngoài này họ gọi bánh khọt là bánh căng và bánh xèo là bánh khoái. Đó đây những quán cóc tráng bánh, khói thơm nức mũi, nhưng vì còn no, cả ba đứa ăn chè bông cau và chè thập cẩm rồi về. Sang một ngày lang thang cho biết phố xá Phan Thiết, từ một con đường chính vui vẻ đến những ngõ hẻm buồn thiu. Hải dẫn bạn đi khắp... nào các trường học, tòa sơ thẩm, ty bưu điện, công viên, bồn chứa nước, hội quán quần vợt, chùa, nhà thờ... Nếu còn đủ thời gian và phương tiện có lẽ ba đứa sẽ rủ nhau đi tắm ở bãi Vĩnh Thủy, ngang lầu ông Hoàng và ra tận Mũi Né chụp hình.

Đi đâu T. cũng thấy Hải gặp người quen, nhiều nhất là các bạn hàng chất hàng hóa lên ghe, sửa soạn về "hòn". Đêm nay có hai ghe đi Phú Quý. Chiếc của ông Diêu mới mua, máy mạnh và còn tốt, thủng thẳng khởi hành sau chiếc kia. T. hỏi thăm ông thuyền trưởng và được biết 2 giờ khuya ghe mới chạy. Đủ mọi hạng người đã chồng chất như hàng hóa để ngủ. Khác ở chỗ là hàng hóa trong khoang, dưới hầm, còn họ thì nằm trên mui, trên boong, trên phòng lái. Đầu châu vào nhau, chân day ra ngoài, say ngủ đến nỗi khi ba đứa loạng choạng đạp nhầm họ vẫn không buồn càu nhàu. Còn vài chỗ trống đằng mũi ghe, đủ để ba đứa ngồi ghé lưng. T. sốt ruột xem đồng hồ từng chập, nước lớn và sắp ròng. Chiếc ghe đi trước chắc đã nuốt được phân nửa đường. Con sông Phan Thiết lững lờ chảy dưới ba cây cầu im lìm theo thành phố lặng ngủ. Xa xa dãy Trường Sơn không rõ hình thù, đen đúa và trơ ra dưới ánh sáng yếu ớt của các vì sao. Ông "Thuyền Trưởng" đã dậy, lục tục réo gọi bạn ghe quấn đỏi, quấn neo, giựt máy nổ... Có tiếng trẻ nít giật mình khóc è ẹ. Tiếng chó sủa ran trên bờ đưa tiễn. Máy ghe nổ xình xịch vẫn không đánh thức nổi một số người. Trăng hạ tuần vừa nhô lên, cùng chòm sao Bắc Đẩu, sao Mai... sẽ giúp ông "lái ghe" định hướng. Đồng hồ dạ quang của T. chỉ đúng 3 giờ rưỡi. Ghe xoay mũi trôi nhẹ theo con nước. Xóm Hàm Hộ (xóm chuyên nghề đi biển) hình như không biết ngủ là gì. Đuốc sáng rực cả chợ cá Phan Thiết, soi rõ cả vài hãng nước mắm phía bờ đường bên kia. Qua khỏi chiếc xáng vét lòng sông, thổi cát, đã thấy gió biển lồng lộng. Sóng vẹt hai bên mũi ghe lấp lánh như pha lân tinh. Và một hàng đèn chạy dài không thấy chỗ đứt quãng. T. được Hải giảng, đó là đèn Măng-xông của những ghe đi "làm mực". Một ông già bịt khăn đốt cả bó nhang khấn vái Thủy Thần. Ông vừa quơ quơ cho lửa tắt bớt, luôn thể làm dấu cho các ghe nhỏ biết mà tránh. Thêm một ông khác đốt liên hồi giấy vàng bạc, sau khi biểu ông kia cắm bó nhang ở đầu mũi ghe. Mấy ông chỉ cần thay tay lái khoảng vài tiếng thôi, còn bây giờ các ông cứ việc tìm chỗ trống đánh giấc. Như mọi người, Hải và Đáng không say sóng và yên ngủ. Dù đã uống trước hai viên Nautamine ngừa say sóng, T. vẫn mang cảm giác nôn nao và muốn tuôn tất cả những gì đã ăn ban chiều. Trăng khuyết hình lưỡi liềm lên còn thấp, trông như cách mặt biển khoảng một thước tây, như cười duyên với hàng đèn của ngư dân làm mực biển và trời mênh mông vô tận. Mỗi lần vượt qua chỗ ghe làm mực, T. thấy các đèn "măng-xông" họ đặt riêng trên phao nổi cũng nhấp nhô theo sóng nước. Mấy ngày rày biển êm, T. chập chờn ngả lưng trên bó tre chở theo ghe. Sương đêm hay bọt sóng li ti làm ướt đẫm gương mặt của T. Cả người T. đã trang bị quần dày, áo "ba-đờ-suy" và nón... chỉ chừa có mỗi đôi bàn tay đã khoanh kín trong tấm "poncho". Cảm giác nhồi lắc bất tận và T. quen dần theo nhịp ghe lướt bềnh bồng.

T. chợt thức khi trời sáng trắng. Mọi người bỡ ngỡ quan sát nhau. Như những con quái vật cựa mình, vài cái đầu tóc sút xổ của mấy bà già ló ra sau đám chăn mền. Họ đã quá quen thuộc để biết phải đem theo gối nằm, bỏ sẵn trong bao nylon. Ai như tụi trẻ gối bằng cánh tay, có vài cái bị lại lười biếng bỏ tuốt trong hầm ghe. Tất cả đều là dân đảo Phú Quý đi buôn trở về. Người lớn vồn vã hỏi thăm Đáng và Hải. Họ không quên một chi tiết nào, cả sự có mặt bất thường của T. Họ trọng nể người đi xa và có học thức vô cùng. Nhất là đối với Đáng và Hải.

Không phải dân trên đảo, ai cũng có tiền dư để cho con "du học" ở đất liền được. Xưa kia có hai ông thuộc nhà giàu có nhất nhì trên đảo, đi học rồi đỗ bằng "Primaire" mà đã vinh hạnh và vẻ vang lắm thay, họ trở về làm lớn, oai quyền khôn kể. Mãi đến thời nay có vài anh học đến Tú 2, nhưng hỏng và nhập ngũ cả rồi. Hải bạn của T., lên được Đại Học nên "giỏi" nhứt đảo rồi đó. Đáng và một đứa khác, tập tễnh lên lớp 12 vậy là chiếm hạng nhì... Gần đây, nhiều nhà cũng cố gắng cho lũ trẻ vào đất liền học trung học, còn lớp đàn anh đành để ở nhà đi biển, làm ăn, với cưới vợ. Mới đầu còn ngượng ngùng, sau khi cả ba đứa đã quen với câu hỏi đầu môi chót lưỡi của dân đảo là: "Vợ con gì chưa?"Đó là tình trạng chung cho lứa bạn bè của Hải còn ở lại đảo.

Mấy ông già dùng chung một ống ngoáy trầu bằng vỏ đạn cũ, nhai ngồm ngoàm. T. tránh xa mỗi khi họ nhổ bã trầu, cũng như tránh những khi mấy cô bé trên ghe cho "cá ăn chè". Mấy nhóc tì len lỏi từ mũi ra sau lái, leo lên mui, ở đâu cũng có mặt chúng, trừ cái cột buồm, bỗng reo lên: "Hòn kìa".

Hải chỉ cho T. một chấm đen hiện ở mặt phẳng của biển. Ghe đã đi được hơn nửa đường. T. làm quen với ông Cuộc Trưởng Cảnh sát ngoài đảo đang nhức đầu và say sóng. T. cười thầm khi được ông ấy khen: "Cậu nhỏ mới đi lần đầu mà chịu đựng sóng giỏi quá". Biển thật êm và trời trong vắt, ghe đi như còn trong dòng sông. Nhiều con cá chuồn hốt hoảng bay vun vút trước khi rơi tòm xuống biển thật bất ngờ như khi chúng xuất hiện. Không một bóng dáng Hải Âu giữa vùng trời nước bao la này. "Hòn" lớn dần dần. Đáng nói rằng đảo Phú Quý trước có tên là cù lao Thu do tàu của Hải Quân đặt, vì nhìn từ xa trông như con cá Thu. Nhưng riêng T. nhìn nó giống con cá sấu với cái đuôi hơi ngắn. Có nhiều bãi ghe đậu, nhưng riêng ông Diên sẽ ghé bãi Tam Thanh tiện cho cả ba đứa vì đó gần nhà và tiện cho cả chủ ghe. Ghe vòng qua xã Ngũ Phụng cho thấy núi Cấm chơ vơ ngọn Hải Đăng. Rồi ba cây dừa với một cái chòi lá mới tinh lộng gió tứ bề. Chỗ "doi dừa" đó xưa rất nhiều cây dừa lão, họ mới đốn chừa ba cây tượng trưng cho ba xã và cất cái nhà mát cho Tổng Thống nghỉ chân nhân dịp ông đi kinh lý và ghé đảo. Đây là lần thứ nhì một vị nguyên thủ quốc gia thăm đảo. Lần thứ nhất là vua Gia Long thời kỳ tẩu quốc. Còn ngoài ra chỉ có thủ tướng và các tướng vùng ra đảo bằng tàu hay trực thăng vì lý do quân sự mà thôi.

T. như đang sống trong mơ. Giờ này hôm qua mình còn ở Phan Thiết, có ngờ đâu vượt 120 cây số đường biển đến chốn xa khơi này. Thực ra đảo Phú Quý cách đất liền có 80 km. Nhưng đi bằng ghe hay tàu, còn tùy thuộc ở sóng gió, thời tiết... cản trở nên hơi lâu. Những 7 giờ đồng hồ lênh đênh, để rồi thấy hòn Trứng của đảo Phú Quý cô đơn với lũ chim dạn dĩ. Và đảo Phú Quý xinh tươi sẽ là nơi T. nghỉ những ngày hè đầu. Mọi người chuyển đồ sang ghe nhỏ để lên bãi. Những cây dừa oằn bóng mát cố che cái nắng sắp giữa trưa. Xã Tam Thanh có lẽ giàu nhất với xóm nhà tập trung đông đảo ven biển. Nhà của Hải ở ấp Mỹ Khê. Xã còn hai ấp nữa là Hội An và Triều Dương. Vì vậy mà gọi là xã Tam Thanh (Tam là ba), ngày xưa còn có tên là xóm Ba Làng. Cũng như xã Ngũ Phụng gốm năm ấp là: Quý Thạch (Xóm Bầu), Thương Hải (Xóm Biển), Hải Châu (Bãi Lăng), Phú Mỹ và An Hòa (còn gọi là xóm Chợ). Đặc biệt xã Long Hải gồm hai ấp Long Hải Đông và Long Hải Tây cách biệt với nhau. Tùy theo mùa mà ghe tàu buôn sẽ ghé bãi Tam Thanh về mùa gió bấc và mùa gió nồm (mùa Nam) sẽ ghé bến Long Hải Đông để núp gió, tránh sóng lớn va chạm làm mau hư ghe.

T. theo Hải đi những bước lún vì cát nóng, đôi ống quần lết phết và hành trang chỉ muốn vứt cho rảnh tay. Nhà Đáng hai căn, đều kế cận nhà Hải. T. và Hải cất đồ trong căn nhà trống day lưng phía bãi ghe. Hai đứa về nhà trong ăn cháo nóng. Ba má của Hải được thư báo tin nên đoán chắc con sẽ về, ai dè trễ nải như vầy. Không rõ ghe chạy với vận tốc bao nhiêu. Ông lái ghe cho biết cỡ "700, 800 ga, theo kinh nghiệm của ông. Và T. có thể tính nhẩm, vận tốc trung bình của ghe khoảng 15 tới 20 cây số giờ. Việc đầu tiên của hai đứa là quét dọn căn nhà trống, lúc trước vợ chồng bà chị của Hải ở, nay anh chị đã dời về dạy học ở Phan Rí Cửa. Từng dưới là nhà kho chứa dầu gasoil, đậu, tiêu... để bán, kế bên là cái chái để máy phát điện, cung cấp điện cho cả xóm. Trên là căn gác trống, mặc sức cho cả hai đứa tự do tung hoành. Con chó mực nhận ra Hải, sủa vài tiếng ngắn rồi quấn quít ngay. Sóng biển sát vách tường nhà sau rì rào theo từng cơn gió thổi thốc tới một mùi cá tanh tưởi. Mặc, cả hai đứa mở toang các cửa sổ và leo lên giường gần bếp đánh một giấc. Một giấc thật dài và an lành không nhồi không lắc không một tiếng động phá rầy. Mãi đến khi trời khẽ vạch biển xanh để chun trốn, có tiếng ba của Hải đập cửa gọi hai đứa về nhà trong ăn cơm. Bữa cơm toàn thức ăn biển. Mực tươi xào với dưa leo và khế, cá liềm kho... Hai đứa chiếu cố tận tình. Trong lúc trên lầu ba của Hải đang khề khà nhậu "sec" rượu mạnh với ông bạn già. Thú vui duy nhất ngoài đảo vắng này chỉ có thế, nếu muốn có một trò cờ bạc nào thì dịp Tết mới hoạt động mà thôi.

Loanh quanh không biết đi đâu, Hải và Đáng tìm được hai chiếc Honda và rủ thêm một bạn nữa. Anh bạn này bỏ học vào đất liền làm nghề thợ may, nay cũng về thăm nhà. Vậy là bốn thằng ma cà bông đèo nhau vượt 7 km đường ngoằn ngoèo, hết cát là đá, lại tối om, để đến xã Long Hải ăn kem. Vị kem mát lạnh và chất nước đá tan trong bình nước làm khoan khoái T. và Hải vốn quen những nhu cầu nước đá, tăm xỉa răng... từ lúc còn trọ học nay mới gặp lại. Trên toàn đảo chỉ có  ba nhà máy sản xuất kem. Một ở xã Tam Thanh, ăn dở như bột ướp lạnh. Và hai tiệm kế cận nhau ở xã Long Hải Đông này. Chuyện trò với vài người bạn xa cách đã lâu, cả bọn nghe nhạc chán, rủ nhau quay về. Hầu như dân chúng trên đảo đều quen biết lẫn nhau. Có nhiều nhỏi gì với dân số chỉ trên dưới 12.000 người. Đa số chuyên nghề đi biển, lấy vi cá, bắt mực, gỡ rau câu... Làm rẫy chỉ là nghề phụ. Họ cũng trồng được lúa, nhưng hoa màu chính trên đảo là bắp, kế đến là đậu (đậu xanh, đậu đỏ, đậu váng, đậu nàng, đậu mèo...) Máy phát điện đã tắt lúc 11 giờ đêm. Toàn đảo ngập trong bóng đêm thâm u. Nhưng ngoài khơi là hàng đèn của ngư dân "làm mực". Hải và Đáng tận tình giải thích những gì thắc mắc cho người bạn ở chốn đất liền. Bên ánh đèn dầu mù mờ cả ba ngưng đọc truyện để nghe Đáng kể về nghề làm mực.

Bây giờ chính là lúc biển êm gió lặng. Mùa làm mực bắt đầu. Làm mực nghĩa là đi câu hay lưới mực. Ngư phủ khởi hành lúc hoàng hôn với hai cây đèn măng xông và chỉ trở về khi trời bình minh không sử dụng được ánh đèn để dụ mực được mới thôi. Đến một vùng biển đã chọn, họ buông neo và đốt đèn. Một cái để soi treo trên ghe. Một cái cột chắc trên giàn nổi bằng phao ruột xe hay bằng "móp". Ánh sáng tỏa ra một khoảng, quyến rũ những con mực tò mò thích rong chơi. Người ta thả một sợi dây dài có buộc cục chì nhỏ ở đầu dây xuống biển. Kế tiếp cục chì là những mảnh vải chữ nhật bằng kim tuyến lấp lánh, cách khoảng đều với nhau. Người ta giựt nhẹ nhẹ... Vài con mực háu ăn bơi đến, nhởn nhơ không biết cạm bẫy và táp lấy mồi là mảnh vải kim tuyến. Một người nghe tiếng động, nhanh tay phăng sợi dây lên để người khác cầm cây vợt xúc chặn. Thường thì chặn ở phía đuôi mực, vì mực quen xịt nước và tống thân hình thụt lùi nhanh hơn là vọt mình về đàng trước. Công việc tuy dễ dàng là thế mà cũng rất công phu. Có thể mực vẫn thoát khỏi vợt xúc dễ dàng. Đôi khi mực lại cắn chặt mảnh vải gỡ không ra, hoặc chúng bị ghim dính bởi cây chĩa họ đâm hớ. Mùa "làm mực" bắt đầu từ tháng 6 dương lịch. Đến tháng 10 thì số thu hoạch ít dần và người ta có thể câu loại "mực thước" ban ngày. Đại khái các loại mực như:

Mực thẻ: thịt ngon ngọt nhất.

Mực ghim: đít của con mực hơi nhọn.

Mực lá: loại này hay được muối nước đá tiêu thụ ở Sàigòn. Thịt dày, 2 bên có vè lớn bầu ra.

Mực nang: còn tươi ăn ngon, phơi khô thì dầy.

Mực thước: thân hình dài hơn một thước.

Chỉ có ở tận gốc mới mua được mực tươi rói để làm thức ăn. Hầu hết người ta phơi khô mực trên các gộp đá (cách này bất tiện khi có mưa) hay trên những tràng bằng tre đan hình vuông. Con mực đổi màu dần và quắt queo chờ ngày cân kí, tập trung lại rồi phân phối đi khắp nơi. Đa số dân miền duyên hải đều có "làm mực". Mực ngon có tiếng phải kể ở vùng Long Hương, rồi đến Phan Rí (đều thuộc tỉnh Bình Thuận). Năm nay vùng Bình Tuy trúng mùa. Lái buôn đổ xô về Bình Tuy để mua bán. Dân làm mực cũng mang tâm trạng như người đánh bạc, họ dồn nhau về vùng mực nhiều... Cho nên đôi lúc ánh đèn rực một khúc, một khúc trống tối... Cứ thế dẫy đèn nhấp nhô xa xa thay đổi tùy theo mực nhiều hay ít. Từ bờ nhìn ra chúng ta tưởng tượng một con lộ thắp đèn liên tục và thơ mộng... hay liêu trai như chợ ma trên Đông Hải.

Câu chuyện tới đây thì dứt. Hải thổi phụt ánh đèn dầu và dặn T. nhớ nhắc mình mai mang theo chai nước với cái ly từ nhà trong ra để tiện uống nước.

Tiếng trẻ nít chơi đùa líu lo như chim rừng đánh thức T. dậy. Dân đảo nói một thứ tiếng nửa Trung, nửa Miên. Khi họ nói nhanh hay chậm đều khó nghe. Họ nói chậm nghe gằn và nặng vô cùng. Dân "hòn" có khác!

Giếng nước trong vắt và dâng đầy theo nước thủy triều. Chưa quen xài nước giếng, T. súc miệng vẫn cảm thấy lờ lợ. Đáng mời hai đứa về quán nhà uống cà phê sữa. Mấy nhóc (em Đáng) xách tô đi mua bánh canh cá. Xui cho ba ông tướng ngủ trưa, bánh canh hết, ăn tạm mấy quả bắp luộc. Sáng nay xe Honda không có để đi núi, vì ba Đáng, ba Hải bận lấy đi làm việc ở công sở. T. và Hải trở về tảo thanh quần áo dơ. Chỉ một thoáng là quần áo được phơi trên dây làm bạn với hàng lớp khô cá cũng trơ với nắng mưa nằm vắt trên bờ tường đá. Lũ ruồi nhặng vo ve, tanh tưởi. Hải cũng chịu đựng cho quen, vì bà con cả, khó nói, sợ mích lòng. Hết  ra lại vô, T. nhìn Hải lăng xăng bán đồ bắt tức cười. Món gì cũng phải hỏi má, vậy mà cũng bày đặt giúp đỡ. Các tiệm tạp hóa trên đảo đều mang đúng nghĩa tạp hóa của nó. Đủ các đồ đi biển, chạy máy ghe, đuôi tôm, phụ tùng, xe đạp, Honda, đồ sơn, đồ sắt, đồ điện, đồ mộc, đồ hồ, thuốc Tây, thuốc Ta, vài vóc, đồ nấu, nhu yếu phẩm (gạo, củi, than, đường, đậu, nước mắm...), y như một tiểu siêu thị.

Trưa đó, mấy đứa tụ ở nhà Đáng ăn cơm, trò chuyện như bắp rang và khen các món cá biển, lâu ngày được bữa khoái khẩu. Cá ở đây tươi rói và giá rẻ. Loại ngon và đắt như cá bò (ăn giống thịt gà) chỉ độ khoảng 120đ một kí là cùng. Mỗi gia đình đi chợ hàng bữa không tốn tới 150đ, vẫn có cá kho, nấu... ăn thả cửa. Ở đảo không dùng mỡ heo, chỉ xài dầu tự chế biến hay mua dầu hộp. Heo, bò... có nuôi đấy, nhưng khi béo, lớn... họ chở vào đất liền bán tuốt luốt. Mùi vị "thịt mỡ..." chỉ xuất hiện vào dịp Tết khi họ rủ nhau chung thịt mà thôi. Thế nên những hạng người ở đây đã quá quen cá biển, không biết phong với ngứa là gì.

Ngày thứ nhì ở đảo. Chiều nay mới biết biển là gì. Biển đủ màu xanh từ đậm tới lợt, phản ảnh của đáy là lớp cát, san hô, hay đá ngầm ở dưới. Giờ này một số ghe đi biển chưa về. Mỗi chuyến đi họ kiếm được trên trăm ngàn. Chưa kể đã khấu trừ chi phí linh tinh như thức ăn, nước uống đem theo 2 thùng phuy dầu gasoil mà giá đến 11.000đ 1 thùng... Chẳng trách khi gặp vài ông hàng xóm đang sửa chữa ghe cho chuyến đi sắp đến chê tụi này:

- Mấy đứa bây, tụi "say sóng" hả? Con trai bây lớn đi biển hết ráo. Tụi bây lại tắm biển nữa, lạ không!

Mấy đứa đành cười xòa, đánh trống lảng và hỏi ông mấy chuyện cá, chuyện biển. Mà quả đúng như vậy, chỉ còn trẻ con và ông già bà lão với phụ nữ là ở nhà. Nhưng họ nào ở không. Ho chăm sóc rẫy bái, trở khô, khi ghe về thì xúm lại lấy vi, lột da xẻ thịt. Khi nước cạn (khoảng mỗi đầu tháng âm lịch) để trơ những bãi san hô, họ đi gỡ rau câu, nhặt ốc... Cuộc sống bận rộn với những cối bắp hay gạo hằng bữa. Đôi khi cối đá được dùng giã rau câu cho rơi san hô và sạn sỏi bám trong rễ. Chẳng cứ gì người lớn, trẻ em giúp nhau, bỏ từng nắm bắp hay trở mớ rau câu vào cối, đầu kia một em nhún lên nhún xuống trên cần dài của cái chày gỗ. Một số em đem gùi đi kiếm đồ về chụm. Nghĩa là mọi thứ gì khô có thể dùng đốt lò được như cây, lá, bắp, lá và rễ cây bồn bồn, lá và trái dứa dại (pandanaceae), vì cây củi trên đảo rất hiếm, không có cây loại cổ thụ nào đáng kể cả. Đảo vốn do hỏa nham thạch lâu năm biến đổi trồi lên giữa biển, phần lớn trên đảo người ta gặp rải rác loại đá huyền vũ. Đá này hủy hoại cho những lớp đất trồng hoa màu phụ rất tốt, tốn ít công chăm sóc và chỉ cần những trận mưa hiếm hoi vẫn có thể tươi xanh. Đảo không có những điều kiện sinh sống như đất liền ; như các đảo khác tách ra từ đất liền (các đảo vùng IV) nên dân chúng rất cần cù nhẫn nại, luân canh, không bỏ phí 1 tấc đất nào. Trời cũng giúp người, nên mặc dù không sông suối chi, đâu đâu người ta cũng có những giếng nước khá trong và ngọt. Cuộc sống êm ả cứ bình thản trôi, dân trên đảo không hề biết đến súng đạn với chiến tranh gieo sầu là gì từ non thế kỷ nay. Ở đảo cũng có tổ chức hành chánh y như đất liền. Vì đảo trước thuộc quận Hàm Thuận, sau năm 1970 được xáp nhập vào quận Tuy Phong, đều nằm trong tỉnh Bình Thuận. Hiện thời có một cơ quan hành chánh đại diện cho cả ba xã, đó là nha phái viên, đặc phái từ đất liền ra. Ngoài ra xã trưởng, tổng thư ký, cuộc trưởng cảnh sát, trưởng ấp, cán bộ xã hội, y tá v.v... đều là dân trên đảo. Có muốn đổi ai ra vùng đảo họ cũng không muốn. Đối với dân đảo đã sinh ra và sẽ chết ở đảo, đều yêu lấy quê hương chơ vơ, không đủ tiện nghi giữa trời nước bao la này, chớ không như dân phương khác tự coi như đi tù mới ra chốn ấy. Hầu hết dân đảo đều đi biển cùng buôn bán hải sản. Nơi đây sản xuất vi cá nhiều nhứt. T. và các bạn thôi ngâm nước dò dẫm tránh san hô cắt chân để tiến lại mé bãi xem xẻ cá. Có những con cá mập to gấp hai, ba người nằm phơi thân hình đồ sộ. Lại có chú cá đuối lớn hơn hai, ba mặt bàn nhập lại bềnh bồng theo sóng vỗ sát bãi. Đa số là cá mập mắc câu. Cá mập là loại cá sụn, chỉ có một lõi xương sống, tuy vậy chúng rất dữ dằn, ăn tạp, tấn công ghe thuyền, đồng loại và cả cá voi. Nếu mổ ruột chúng ra (cho khỏi thúi) trong khi còn lênh đênh chưa về bến kịp, ngư phủ gặp thịt cá ông (cá voi) sẽ liệng bỏ cá ngay. Họ vẫn còn tin cá ông là thần Nam Hải, không dám xúc phạm đến. Ngư phủ săn giết ráo cá mập, khai thác vi cá. Thịt cá mập ăn không ngon, chỉ có cách xẻ làm khô, nhưng bộ da, bộ vi với những sợi cước bên trong quý và bán có giá vô cùng.

Người mình lại kém chế biến trong các món ăn như người Trung Hoa, nên đa số vi cá được bán tận Chợ Lớn, dư dùng họ lại xuất cảng ra nước ngoài. Chúng ta có thể gặp vi cá trong một vài bữa cỗ, tiệc cưới... với tên rất văn hoa, hay trong bánh dẻo, bánh nướng dịp Tết Trung Thu. Phần lớn cá lấy vi thuộc loại cá mập mà T. tìm hiểu được như:

Cá nhọn: Loại này thường, dễ câu, mỏ cá nhọn, đầu vi có chấm đen. Bộ vi con lớn nhất có thể bán được khoảng 12.000 đ (thời giá năm 1973).

Cá cào: Tiếng gọi của dân địa phương, trong sách vở mang tên là cá mập búa.

Cá bống: Da hơi hơi trắng.

Cá khơi.

Cá bung.

bẻo: Loại này hung hăng nhứt, tấn công và ăn bất cứ gì chúng gặp dù lớn nhỏ hơn nó, da có vằn.

Cá nhám chuối: Thịt ngon nhứt, trái lại bộ vi rẻ rề, khoảng 5 hay 6 trăm một bộ mà thôi.

Cá giống: (Cá mẹ của cá dót), bộ vi mắc nhất, thịt cá con (cá dót) cũng khá ngon. Một con cá giống thật lớn bộ vi có thể lên đến gần 50.000đ... Giá bán một bộ vi cá gốm đuôi, vi, ngạnh... có thể từ vài trăm, 4.000đ đến 50.000đ, nghĩa là còn tùy theo loại cá trong vi có cước nhiều hay ít và tùy theo cá lớn hay bé. Và cũng còn tùy theo giá cả thị trường. Biển động, không có cá, không có vi, thì giá gia tăng, Vi phơi khô sẵn, cân kí, sẽ mắc hơn vi còn tươi vừa cắt bán liền. Vi đã rút sợi cước ra từng bộ còn mắc hơn. Ngư phủ đánh cá, lấy vi, thường bán ngay cho chủ vựa nhiều vốn. Họ chỉ cần tiền để trang trải chi phí và lại tiếp tục ra khơi chuyến khác. Đôi lúc thị trường vi cá ối đọng, chủ chứa lỗ nặng không biết chừng. Con cá mập nằm tênh hênh khoe hàm răng nhọn hoắt, trắng hếu. T. bật cười nhìn đàn trẻ hò dô ta đẩy con cá trụi lủi lên bờ cát mịn. Để lát nữa đây cả nhà chúng xúm lại lấy tiếp bộ da, xẻ từng miếng thịt dài như những miếng thịt ba rọi (heo) bày bán trên thớt thịt của chợ ở đất liền. Họ không phí phạm miếng thịt nào, trừ những vụn dính ở xương hàm, vứt cho lũ chó đang xum xoe chạy tới chạy lui. Lũ chó thản nhiên rượt bắt nhau, xô cả xuống biển, chúng không hấp tấp như lũ ruồi nhặng, vo ve, đáp xuống chỗ thịt xương thừa, hay trên những miếng gan cá to hơn cái bắp chuối nào to nhất. Họ bỏ bừa bãi, mặc thủy triều kéo hộ ra khơi. Trước có vài người chuyên đi nhặt gan cá nấu dầu, nhưng nay họ đã bỏ vào đất liền làm nghề khác. T. và Hải bàn nhau:

- Hay tụi mình nhặt bỏ một xó, chờ mùa Nam (gió nồm) vớt thêm mớ rong lá hẹ, trộn làm phân bón cây, tốt đất vô cùng. Mà thôi vui chơi mấy bữa hè cái đã, chuyện đó để người lớn lo.

Cá xẻ xong, đem phơi ngay, hai nắng là khô chất nước, nhường chỗ cho loại cá tươi khác. Cứ thế khô cá phơi dậm thêm đến lúc cứng còng và quắt queo như khúc củi khô, chờ giờ tiêu thụ ở thị trường khô cá, khô mực...

Tắm lại bằng nước giếng xong, Hải rủ T. đi dọc theo bãi bể. Mọi người nhìn bốn đứa kỳ dị với cái máy hình và mấy bọc nylon cầm ở tay. T. cũng nhìn mấy bà và trẻ em dị kỳ với cái gùi họ đeo trên lưng. Trong khi bốn đứa bước sì sụp nhặt ốc, cầu gai, sao biển, nhím biển... thì họ chăm chỉ tìm gỡ rau câu. Dân đảo đi chợ, đi rẫy, hay đi nhặt rau câu, đều dùng gùi, không quen dùng giỏ xách. Họ mầy mò gỡ từng chút rau tre (hình dáng tương tợ cây tre), rau sói (giống rau tre nhưng cọng nhỏ hơn), rau sa (ngon và mắc nhứt), rau đá (hình dáng giống miếng đá trải ra như bàn tay), hay một loại rau tên địa phương hơi tục vì đặt tên theo hình dáng là rau lông dái... Tất cả các loại rau câu trên khi nấu với đường để ăn cần phải lược, trừ rau đá dễ tan và dễ nấu nhất.

_________________________________________________________________ 
Xem tiếp PHẦN II

(Trích tuần báo Thiếu Nhi các số 111, 112, 113, 114)



oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>