1. ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ
Tôi trở lại thị xã với một chút bụi mưa đầu mùa vương trên mái tóc,
trên đôi mắt bơ vơ trông tìm. Thị xã đó, quê hương tuổi nhỏ ngu ngơ ngày
nào, xứ sở của những kỷ niệm êm ái, ngọt ngào, yêu dấu lẫn cay đắng,
sầu muộn xót xa, đã tượng hình thành tưởng nhớ trong hồn – vòng kỷ niệm
theo thời gian đi xa ngút ngàn.
Buổi chiều, chiếc xe hơi nhỏ của cậu Hồng Ngự lướt êm trên đường vào thị
xã. Hôm đó, cậu Hồng Ngự mặc một chiếc áo nửa màu xám nhạt trẻ trung
khoác ngoài chiếc chemise trắng hiền lành cổ kéo cao, mái tóc mỏng bối
rối vờn quanh trán, dáng cậu đứng như một cậu học trò trung học đang
bâng khuâng trước một cổng trường con gái bồi hồi chờ tiếng trống tan
trường. Hình ảnh của một thời thanh bình xa xưa nào, có lẽ là năm cậu
mười bẩy tuổi. Bây giờ thì cậu già rồi, tôi nhận thấy những nếp nhăn hao
gầy hằn đậm trên trán, quanh vành môi mím chặt cương nghị và trên đôi
mắt vui tươi thủa nào, chỉ còn lại những quầng thâm mệt mỏi và dấu nhẫn
nhục ẩn dưới mi. Bốn, năm năm qua rồi, đời sống, thời gian như dòng nước
lũ ào ạt xói mòn phiến đá tâm hồn người thành nhẵn thín, trơ tráo, lạnh
lùng. Cậu Hồng Ngự bây giờ bình lặng quá, thờ ơ quá, an nhiên quá đâu
còn thủa say sưa, sôi nổi, bồng bột của tuổi thanh niên. Ra đi một lần,
trở lại tôi thấy cậu già không ngờ.
Cậu Hồng Ngự đón tôi ở sân phi trường. Tôi nhỏ nhoi trong đám hành
khách già nua, câm nín, thưa thớt của chuyến bay muộn buổi chiều. Xuống
hết nấc thang cuối cùng, đặt chân lên đất cũ, tôi bỗng thấy hồn mình
chùng lại muốn khóc, như thể những bồi hồi, nhung nhớ, náo nức, đợi chờ
hai tuần liền năn nỉ ba mẹ bỗng vỡ òa thành nỗi ngậm ngùi, lai láng,
mừng vui của một đứa trẻ bị bắt cóc được tha về. Ôi! Những Luân, Hạc,
Triều bây giờ ra sao? Thánh địa chôn vùi thời tươi đẹp nhất của đời ta,
xơ xác, tiêu điều đến mức nào?
Cậu Hồng Ngự vỗ vai tôi:
– Mừng chú chim nhỏ trở lại. Đất này vẫn hoài chờ đợi những con chim nhí nhảnh ngày xưa đây…
Tôi cắn môi nhìn nắng úa đổ xuống phi trường, chả biết mình buồn hay vui?
– Đạm Thủy không về à?
– Thưa cậu, không. Chị ấy còn phải thi cuối niên.
– Còn Cu Linh?
– Thưa cậu, hắn ốm, ba me cháu không cho đi.
– Ba me cháu, các chú, bác, ông bà mạnh cả chứ?
– Cám ơn cậu, tất cả vẫn mạnh như thường và vẫn nhắc đến cậu luôn.
Cậu Hồng Ngự vừa hỏi những câu xã giao nhàm chán đó ư? Ngày xưa cậu
hay ho thế nào, vui vẻ thế nào; cậu đã từng chủ trương bỏ hết những quy
tắc xã giao bôi bác – “giữa cậu cháu với nhau, mà còn xã giao thì còn
cái thống chế gì nữa Chinh nhỉ? – Ồ! Nhất cậu Ngự, chịu cậu Ngự nhất
nhà”. Mà bây giờ… tôi nhìn cậu và hiểu là cậu đã già rồi, tôi nhủ thầm
“mi ngớ ngẩn quá Chinh ơi!”
Bây giờ xe đang chạy trên đường. Đồng cỏ quạnh hiu hai bên đường chạy
lùi về phía sau lưng cùng lúc với bóng chiều là đà xuống thấp, không
dưng tạo cho tôi cảm giác ngược thời gian về quá khứ. Cậu Hồng Ngự đang
tỉ mỉ tả ngôi nhà mới hai tầng, ngói đỏ, có hàng rào hoa giấy của cậu
mợ, về mấy đứa nhỏ đã đi học và đứng hạng cao, về đứa cháu gái xinh đẹp
vừa ra đời mấy tháng trước mà cậu mợ âu yếm đặt tên là Hòa Bình – Mộng
Hòa Bình.
Tôi mân mê chiếc sắc nhỏ trong tay, im lặng nhìn những trại lính lạnh
lẽo với tầng gác vọng canh xếp đầy bao cát và dây kẽm gai giăng buồn
hai bên đường đang ngủ yên trong bóng tối xa vời, không biết phải nói gì
với một người cha đang khoe con gái mình. Giọng cậu Hồng Ngự trầm trầm
ru êm cùng với vận tốc chiếc xe chầm chậm chạy về hướng thị xã. Cậu chép
miệng vu vơ:
– Mới ngày nào cháu mới đứng đến vai cậu, mà bây giờ trông người lớn hẳn ra. Thời gian qua nhanh thật…
Cậu nháy mắt:
– Chừng nào cho cậu uống rượu đây hở, người lớn?
Tôi nguýt dài:
– Có… tết Congo cậu ạ! – Tôi vội vàng lảng chuyện – cháu lớn thật hả
cậu? Biết bạn bè cháu có ai còn nhớ đến cháu không? Cứ tưởng tượng bọn
cháu phải nhìn mặt nhau xa lạ mà cháu buồn. Mấy hôm trước có lần đi chợ
Sàigòn gặp cô bạn cũ, chào ba bận mà cô ấy vẫn làm ngơ. Ôi chao, bây giờ
cháu mới tự hỏi tại sao cháu trở về làm gì? Tại sao cháu cứ thích dẫm
chân lại những lối mòn quá khứ mà không chừng rêu rong đã xóa mất dấu
chân xưa rồi.
– Chú chim nhỏ lãng mạn…
– Cháu cứ sợ con chim nhí nhảnh ngày xưa của cậu sẽ thành chim nhỏ lẻ loi mất thôi cậu ạ!
Cậu Hồng Ngự quay lại nhìn sâu vào mắt tôi và tôi tìm thấy trong mắt
cậu nụ cười ngày xưa, thời tôi bé bỏng và cậu là người bạn thân thiết
cảm thông, người anh trìu mến, bảo bọc, đã nắm tay tôi cùng đi qua những
đoạn đời yêu dấu.
– Đừng bi quan chứ Chinh. Đừng đòi hỏi ở đời sống một cái gì tuyệt
đối bởi mình cũng không hoàn toàn mà. Chinh đang lớn nghĩa là Chinh cũng
đang thay đổi đừng trách người ta một khi người ta thay đổi chứ, phải
không?
Tôi đan những ngón tay chéo lại nhau, nhìn xuống ngón chân mình:
– Vâng, thưa cậu.
Gió đem hương đồng nội lồng vào tóc, thoảng mùi thiên lý tôi nhớ vẫn
ươm trong tóc luôn ngày nào quen thuộc quá, nhớ đôi mắt của Hạc ướt nỗi
buồn hôm tiễn tôi đi Saigon, cái siết tay thân ái của Triều, nụ cười
nhắn nhủ của cô nhỏ khi nâng cao ly nước trong tay:
– Mi đi học trường khác, mi nhớ kiếm trường nào có xe đậu xanh đậu đỏ, để mỗi khi mi uống vào nhớ đến tụi ta hôm nay.
Tôi ngậm chiếc thìa trong môi nhìn những hạt đá nhỏ tan trong ly
nước, bọn chúng mình cũng thế phải không Luân? Rồi mai mốt mỗi đứa mỗi
tan biến đời mênh mông hun hút, biết chừng nào hội ngộ? Hôm đó là cuối
hạ, phượng hồng rơi đầy trên lối vào trường. Có tiếng hát chia tay từ
một lớp học nào trên cao văng vẳng xuống làm tôi suýt bật khóc. Chỉ
thiếu có Luân…
Sao tôi hay nhớ lẩn thẩn thế không biết! Minh Nguyệt có nói một lần
xa lắm là văn Chinh sao chỉ toàn nhớ nhớ với thương thương, thiết tha
hoài niệm với hồn nhiên tưởng nhớ thôi. Có chán lắm không Nguyệt? Nhưng
đôi khi đời sống chỉ còn kỷ niệm là đẹp thôi thì sao, và suốt đời tôi
chỉ là con bé hay nhớ thương. Tôi không thực tế lắm, ba tôi bảo sau này
có lẽ tôi sẽ nghèo xơ xác cho mà coi.
Bây giờ lại nhớ đến nhiều tên người…
2. CHÚNG MÌNH
Chúng tôi có bốn đứa: Luân, Chinh, Hạc, và Triều theo thứ tự chiếm
bốn hạng đầu lớp. Ngôi thứ đó cứ như thế mãi từ khi học tiểu học đến năm
đệ tứ và không biết sẽ đến bao giờ nếu tôi không bị bắt buộc rời thị xã
và cơn đau không làm Luân bỏ lớp học vĩnh viễn. Nhưng sự ganh đua trong
việc học không phải là nguyên nhân để bốn đứa xa lạ với nhau. Hình như
giữa chúng tôi đã có một sợi dây vô hình nào âm thầm buộc bốn cô học trò
đầu lớp lại với nhau – ít nhất là suốt thời gian ở thị xã.
Làm sao để nói cho hết kỷ niệm của tháng năm ngày ấy ngọt ngào đó Luân nhỉ?
3. ĐÃ CÓ MỘT LẦN LUÂN VỚI TA…
Luân ngồi trên bậc thềm đá hoa của thư viện, cằm tựa trên đầu gối,
bâng quơ nhổ những cọng cỏ non xanh mạ mọc dưới chân. Buổi sáng mùa đông
hắt hiu lạnh để tôi nghe thèm một chút hương khói tình cảm len nhẹ vào
mắt, vào môi cười se sắt của Luân. Luân mặc áo len màu tím mơ ngoài áo
dài vải trắng, tóc phủ ngang vai, cặp sách màu đen và mang dép tím,
trông cô bé đơn sơ như một tình khúc nhỏ trong ca dao. Tôi cầm một cành
lá úa ướt dầm sương mai trong tay nhìn hàng lớp học mờ sương xa xa, thời
khắc đẹp đẽ quá để nói một cái gì… chúng tôi thường có những lúc nhìn
nhau không nói năng đó Luân biết không? Chinh biết mắt Luân màu nâu sậm,
à! Như tách cà phê đen bố hay uống, cà phê mà Chinh chỉ biết ngửi chứ
không dám uống bao giờ – có rất nhiều đốm sáng nhỏ như tiếng vỗ tay tan
trong lớp học hôm tất niên và cũng có rất nhiều nước mắt, có rất nhiều
nỗi buồn. Chinh biết má Luân hồng khi cô giáo bắt được Luân đang viết
thư cho Chinh trong giờ học, biết môi Luân đỏ lúc Luân giận hờn cắn môi
làm dáng, biết Luân có hai chiếc răng khểnh “tỉ phú” (Hạc bảo có hai
răng khểnh là số giàu sang – Mai mốt Chinh nghèo đến mượn tiền Luân cho
mượn nhé – Luân sẽ lập một cái nhà băng và cho Chinh làm giám đốc – Nhỡ
Chinh không thèm tham nhũng thì sao? Thì…) khi Luân bối rối mỉm cười –
khi Luân đứng cấu lá thiên lý nói chuyện qua rào gỗ với Chinh. Biết hai
tay Luân có những móng hồng hồng chăm chỉ thêu từng mũi chỉ lam trên
chiếc khăn tay trắng, khi Luân chăm chú tô đậm nét Lan mềm mại trong giờ
khảo họa. Biết hai bàn chân Luân xinh xắn – hôm mùng ba Tết, Luân mang
hài nhung đỏ đứng trên bực thềm hái trộm một quả quất chín mọng rồi che
miệng cười tươi – lúc Luân đi bộ trong sân trường bỗng nhiên quai guốc
đứt và hai đứa loay hoay sửa mãi, “con gái chi mà đoảng vị dễ sợ, chả
coi chừng guốc dép chi hết” Luân nhăn nhó gượng cười – bây giờ và mãi về
sau, Chinh vẫn còn nhớ rất rõ từng nụ cười của Luân – Năm mười lăm
tuổi, biết Luân rất thông minh nên luôn luôn đứng đầu lớp, nên đa mang
nhiều nỗi buồn trước tuổi và Chinh cứ phải van xin Luân đừng buồn – đừng
mỉm cười một cách khó khăn – và đừng bước vội bởi sân trường ấu thời,
đồng cỏ niên thiếu quá hẹp để đi nhanh. Biết Luân hay ốm đau khi Luân co
ro trong áo len sụt sùi nhẩy mũi sáng mùa đông “Mỗi lần Luân đau, Luân
biết Chinh nhớ Luân nhiều lắm, Luân nhẩy mũi hoài à!” và khi bắt gặp
trong ngăn kéo Luân những toa thuốc xa lạ nào.
Luân rất dễ thương, bởi có Luân nên Chinh hiểu thêm ý vị của đời học
trò. Sau này, tôi yêu những chuyện tình dễ thương ẩn dưới bóng lá trường
trung học bởi ở một xó xỉnh khiêm nhường cũ kỹ nào đó trong lịch sử
những ngôi trường đã có dáng tôi và Luân tay trong tay, lọt giữa hai
hàng cây lá đan nhau đi vào tình ca ngàn đời.
– Luân ơi! Luân biết mầu tím là chi không?
– Không!
– Tình yêu chung thủy, nhớ thương tha thiết, màu sương phụ…
– Ơ! Luân biết màu tím là màu “cóc chết”, chắc Chinh chưa nghe màu này phải không?
– Ơ… màu gì mà “cóc chết” nghe dễ sợ…
Luân tinh nghịch:
– Thì con cóc khi chết chẳng màu tím thì màu chi?
Tôi trả đũa:
– Vậy bây giờ Luân chắc trông giống cóc chết lắm không há?
– Ừ, sợ không?
Tôi quàng tay qua vai Luân:
– Không!
– Chứ Chinh sợ cái gì?
– Chinh… sợ nhất là con gián, nhì là thuốc bắc, eo ơi! Đắng dễ sợ, ba là… sợ Luân khóc.
– Ghê, làm như Luân là ma nhè không bằng.
Luân lắc lắc đầu, mái tóc hồn nhiên tung tăng trên vai rủ rê nỗi buồn
nhẹ nhàng len vào đâu đó trong trí nhớ của tôi. Có một lần Luân nói –
một lần mà bây giờ tưởng như đã thiên thu:
– Luân giả bộ chết trước để thấy Chinh khóc nhé!
– Chết mà giả bộ được!
– Ơ… thì chết thực đi.
– Chinh cũng xin chết trước để thấy Luân khóc.
– Chinh sống lâu lắm.
– Ai nói vậy bạn?
– Thì Luân nói, được không?
Mười lăm tuổi ít ai nghĩ đến sự chết. Tôi cũng thế, hai đứa triền
miên trong mùa Xuân của tuổi, như lúc này: ngồi nhỏ nhoi bên nhau – Sân
trường mênh mông gió lùa, hàng cây lá xanh trên cao bao dung nhìn xuống.
Luân ngắt một cọng cỏ may, nhìn trời hát nhỏ: Đồng cỏ như bàn tay trời
như mắt say ta ngó nhau ôi còn biết nói gì, hai đứa ngồi ngồi đó như
hai hòn bi. Có cành hoa đẹp anh hái cho em, em không thèm nhận anh chết
cho xem rồi anh sẽ khóc liên miên suốt ngày…”
Hai đứa ngồi đó như hai hòn bi.
Bây giờ, tôi vẫn hình dung được hai hòn bi xinh xắn ngồi sát bên nhau
trên thềm thư viện – nhưng ở nhiều nấc cao thần thánh hơn và lấp lánh
trong suốt như pha lê –
Tất cả chỉ còn là kỷ niệm…
Tôi và Luân thường đi nhà nguyện chiều thứ bảy – Luân có đạo còn tôi
thì không – con đường thầm kín qua tu viện có các Sơ áo đen, da trắng
đẹp như thiên thần. Tôi nhớ một cây liễu nhỏ rũ lá trước cửa nhà nguyện,
Luân đứng sau bức màn lá mỏng cười, nụ cười bị cắt thành nhiều mảnh
thấp thoáng. Bây giờ cây liễu chết lâu rồi – khi thuốc khai quang tạt
qua thị xã – thân gầy làm phân bón cho con đường cỏ mục. Luân yên lặng
chắp tay nguyện cầu, tôi len lén nhìn sang cô bạn nhỏ, tưởng tượng đến
một thiên thần với chiếc vương miện bạc và đôi cánh trắng rực rỡ – như
hôm Luân được làm thiên thần mặc áo xanh ngồi trên kiệu hoa ngày Giáng
sinh –
– Luân ơi!
– Gì cơ?
– Cái ông thánh cầm chiếc chìa khóa bạc là ông gì vậy?
– Ông Phê-Rô giữ cửa thiên đàng đó.
– Luân quen ông ấy không?
Luân quay lại, mắt mở tròn ngây thơ:
– Chinh nói chuyện lẩn thẩn lạ, làm sao Luân quen với các thánh được hở?
– Tại Luân là một thiên thần.
– Eo ơi! Bạn cũng ghê quá hở?
– Ghê sao?
– Bạn tán giỏi lắm, Chinh ạ.
– Ghê!
Tôi le lưỡi, Luân cũng le lưỡi rồi cô bé làm mặt nghiêm ngay:
– Suỵt! Đừng nói chuyện trong nhà nguyện, Chúa phạt.
Hai đứa bắt chước nhau im lặng – ánh đèn rọi xuống linh hồn ngây thơ – tay chắp mũm mĩm lặng lẽ nguyện cầu.
Tôi nguyện nhiều mà Chúa chẳng cho được bao nhiêu.
Sau khi rời thị xã về Saigon tôi ít đi nhà thờ dần. Saigon không có
nhà nguyện nhỏ như thị xã và bây giờ tôi không còn nhớ được hết những
trang kinh thánh nữa.
4. ÔI YÊU THƯƠNG NGHE ĐÃ BUỒN
Tên cô bé ở hàng số 27 trong sổ điểm danh – cách tôi 20 tên người –
Mỗi sáng đọc sổ điểm danh, từng tiếng “có” đều đều luôn luôn làm lòng
tôi ấm lại.
Vũ Minh Luân (tên Luân giống hệt một cậu con trai nào nên giờ học đầu tiên, luôn luôn cô nhỏ bị gọi lên trước nhất)
– Vắng!
Tôi ngẩng đầu lên, chỗ ngồi đó – bàn thứ hai, đầu bàn dãy bên phải –
thân thuộc quá của Luân, tưởng đã không thể thiếu vắng trong đời sách vở
này của tôi. Cơn đau đã làm Luân bỏ lớp học, bạn bè để làm quen với
thuốc men và bệnh viện. Từ cô học sinh đầu lớp vắng mặt, kỳ thi trở
thành một mục đích hấp dẫn hào hứng giữa tôi, Hạc và Triều. Tôi bù đầu
trong sách vở – Luân ạ! Học giỏi cũng khổ ghê hở? Như bây giờ đôi lúc
Chinh tưởng mình thầm mong Luân bệnh nặng để chiếm chiếc ghế đầu lớp đã
tranh đua bao năm.
(Thời đó thứ hạng còn là một điều quan trọng giữa chúng tôi – bây giờ
tôi không xem lúc trình ba chiếc bảng danh dự là hãnh diện nữa – tất cả
theo thời gian đã thay đổi).
Tôi xuống chỗ ngồi. Hai đứa, tôi và Luân ngồi hai đầu bàn đối diện.
Từ đầu bàn bên này, cảm nhận sự thiếu vắng của khoảng ghế bên kia, cái
khoảng trống của một nỗi chết nào dễ sợ quá Luân ơi!
Tôi nhìn sang:
– Phương, sao bồ không ngồi xích ra ngoài này nè, dễ thấy bảng hơn.
Đông Phương trợn mắt:
– Thôi đi bồ ơi, chỗ ni có ma bịnh. Luân ngồi Luân bịnh, tui ngồi có
một bữa mà nhức đầu sổ mũi luôn hà. Tui không dám ngồi đâu, bồ thích
ngồi thì ngồi đi.
– Ừ! Bồ xích vô tui ngồi, sợ gì!
Tôi vác cặp sang chỗ Luân và ngồi luôn cho đến hết niên học, thầm
mong chú ma bệnh nào đó bắt tôi theo Luân, bỏ hết những tranh đua, ghen
tỵ, lạnh lùng âm thầm trong lớp – Tôi có rất ít bạn – Luân bảo tại Chinh
“ít nói nghiêm nghị” quá chừng – đến bây giờ tôi cũng không có nhiều
bạn hơn, phần lớn là người quen vụt đến, vụt đi qua đời mình hời hợt
không nhớ thương, không để lại chút gì kỷ niệm – tôi không bịnh ngày nào
cả làm Đông Phương ngạc nhiên, cô nhỏ thầm thì:
– Tại Chinh có vía lớn! Ma nó sợ.
Tôi cười, tôi không tin dị đoan lắm.
Tôi giở sổ điểm danh, ghi một chữ vắng vào chỗ số 27 – công việc đều
đặn mà tôi đã làm gần một tháng nay và bao giờ sẽ chấm dứt, hở Luân? –
dòng bút đỏ của cô giám thị gạch ngang chỗ tên Luân đã kéo dài gần hết
trang giấy, tôi cứ sợ lằn bút định mệnh ấy sẽ vạch ngang qua tên Luân,
qua nỗi hy vọng của tôi. Tôi cắn môi, mi lẩn thẩn chưa Chinh ơi!
– Ê! Chinh, sao Chinh cứ buồn hoài vậy?
Đông Phương tha thiết nhìn tôi, hôm đó cô nhỏ thắt bím cột hai chiếc
nơ xanh dễ thương lạ. Tôi di di đầu bút chì trên giấy không trả lời,
không biết trả lời ra sao.
– Rồi Luân sẽ khỏi sẽ đi học lại chứ có gì mà Chinh buồn, Chinh chăm học để đứng nhất kỳ này chứ!
Tự nhiên tôi cáu kỉnh:
– Phương làm sao biết được Chinh hối hận thế nào? Nhất! Nhất! Ôi chao, không ai để yên cho Chinh bao giờ hết.
Phương dịu dàng:
– Có, Phương hiểu chuyện đó. Nếu Chinh muốn Phương sẽ làm lành hộ Chinh.
Làm lành! Đã bao nhiêu lần tiếng đó vang vang trong óc tôi, chỉ vì
hai đứa giận nhau, giận nhau không biết bởi vì đâu, chỉ nhớ hai cô bé
ngồi hai đầu bàn, môi mím chặt, mặt bí xị nhìn lên bảng nhưng thỉnh
thoảng lại không quên liếc xem “hắn” đang làm cái gì và có hồi tâm đến
xin lỗi mình không? Hai đứa, hai tự ái cao bằng nhau. Từ đó sân trường
thiếu một đôi chim khăng khít, thiếu hai cái bóng nhỏ nhắn in trên lối
sỏi xám ven con đường cỏ may qua trường, thiếu những cánh thư qua lại
trong giờ học và thiếu một đôi xe đạp xuôi về dưới hai hàng cây lá đợi
chờ giờ học. Tôi ngồi khoanh tay, mắt cay vì tủi lén nhìn Luân thủ thỉ
với Đông Phương, cô bé sao mà vô tâm thế. Tôi xuống nước:
– “Giờ chơi xuống thư viện với Chinh”.
Luân lạnh lùng:
– “Luân bận, rất tiếc”
Lần này, tôi giận Luân thật, cơn sóng ngầm nhỏ đã khuấy động biển
thanh tịnh, chiếc gương tình bạn tưởng đã nứt rạn không ngờ. Tôi chờ đợi
con chim trắng bay về đậu trên tay cô bạn nhỏ, trên tay tôi ngày này
sang ngày khác – chuyện tình nào chẳng giận hờn Luân nhỉ – Luân vẫn xa
lạ hững hờ, nỗi hờn giận như một cái gai nhỏ đâm vào tay, tuy bé nhưng
nhói buốt xa xót vô cùng. Luân ạ! Tình yêu cũng như viên kẹo ngọt có một
giọt rượu ở trong cùng, giọt rượu chỉ làm tê môi ta khi mình đã nếm hết
mật ngọt ở bên ngoài có phải?
Buổi học có hai giờ trống, tôi rủ Ngọc Bảo xuống thư viện xem sách.
Đôi mắt cô bé hơi cúi xuống khi tôi đi ngang qua bàn Luân, và lúc ra
khỏi cửa, tôi còn bắt gặp cái nhìn buồn bã của cô bé vương theo.
Ngày cuối năm êm như ru, tôi ngồi đọc “Bóng Mát” mà thấy lòng mình
không còn bóng mát. Tưởng tượng, Luân áo trắng hiện ra giữa nền cửa
trắng, len lén đến bịt mắt tôi, cho tôi hỏi “ai đó” – Luân cười nhỏ –
tôi nắm tay cô bé và tìm trong mắt Luân một bóng mát an nhiên mát lạnh.
Bây giờ, tôi ngồi trong thư viện nhìn trang sách mà không đọc được một
chữ nhỏ nào. Luân không xuống thư viện cho nỗi giận hờn của tôi trải dài
bằng con đường từ lớp xuống thư viện, có xa lắm không Luân?
Bỗng một bước chân vang nhẹ ngoài thềm làm tim tôi đập mạnh, đập mạnh
hơn khi cô bé đến gần hơn – nhưng tự ái giữ tôi không quay đầu lại:
– Trần Chinh!
Tôi nhắm mắt, tưởng không thất vọng nào hơn:
– Hạc đó hở? Có chuyện gì không?
– Chính lên lớp đi, tụi nó ồn như cái chợ vỡ trên ấy đó.
– Còn Luân đâu? Cô trưởng lớp đâu?
– Luân… không có ở lớp. Hạc năn nỉ mà, lên đi.
Tôi muốn hỏi “Luân đi đâu, tại sao?” nhưng vội giữ lại. Hai đứa ra
hành lang thư viện, nắng làm tôi chói lòa, tôi che mắt, bóng mát còn xa
lắm, phải không Luân?
Triều từ trên cầu thang chạy xuống, nhỏ hồn nhiên hét lên:
– Trời! Ta kiếm tụi mi muốn chết luôn. Chinh, mi với Luân giận chi mà
dữ hở? Nhỏ Luân nó bịnh, ta vừa đưa nó về xong nè trời ơi! Trán nó nóng
như lò lửa mà hai tay nó lạnh ngắt hơn nước đá, chút xíu nữa là hắn xỉu
rồi nè. Ta chỉ tiếc không có mi để đưa hắn về.
Tôi nhíu mày:
– Triều… hở?
Hạc khổ sở:
– Nhỏ ni ác, mi báo tin kiểu đó hở? Luân về chưa?
– Chưa, hắn đuổi ta vô lớp mà…
Triều còn nói loáng thoáng gì đó, nhưng tôi không nghe, tôi lảo đảo
nhìn Hạc, nhìn Triều, nhìn ra cổng trường hút gió. Hạc níu tay tôi ngập
ngừng:
– Hắn gởi cho mi lá thư này!
Tôi dằng tay Hạc ra, bước vội về phía cổng trường, băng nhanh qua
phòng tổng giám thị – tránh con mắt nghiêm khắc của các cô – vội vàng.
Con đường hai hàng lá nhỏ vẫn ngủ yên bình thường trong nắng dịu. Luân
không còn ở đó, bây giờ chắc Luân đang gục đầu trong một chiếc xích lô
nào đó về nhà. Nước mắt Luân có còn vương trên má như khi cô bé ngồi
viết thư cho tôi xin lỗi? Bóng mát an nhiên mà Chinh mong mỏi đâu phải
là cơn mây xám bão nổi này đâu Luân, không có gì để chúng mình phải nói
“xin lỗi, rất tiếc” với nhau vì viên kẹo đẹp có cả mật ngọt làm thơm môi
lẫn vị đắng làm xót lưỡi – và vì chúng mình cùng ngậm một viên kẹo
trong môi – Tôi vò nát lá thư trong tay lúc nào trên đường về lớp không
biết…
Vắng Luân, lớp học buồn như mùa mưa dầm đến muộn. Còn gì buồn hơn cứ
phải nắn nót hoài hoài mỗi sáng, mỗi ngày một điệp khúc “học sinh vắng
mặt: Vũ… “ trong sổ điểm danh. Tôi co ro trong nỗi hối hận, cay đắng lẫn
khổ sở của mình không ai biết, chút giận hờn vu vơ đã loang rộng thành
mặc cảm giữa hai đứa. Tôi vẫn thường tự nhủ “chúng mình sẽ giúp nhau qua
cơn mê này, phải không Luân?”
5. ĐÔI KHI HẠNH PHÚC BUỒN
Những ngày Luân đau tôi thường đi học sớm – tưởng như một thói quen –
tôi thích đứng yên trong bóng tối xa lạ của lớp học lắng nghe kỷ niệm
rủ nhau về đùa giỡn lao xao, như một kẻ sắp đi vào nghìn trùng xa cách.
Tôi sắp sửa bỏ thị xã mà đi – bỏ trường mà đi – bỏ tất cả, bạn bè, kỷ
niệm, láng giềng, thầy cô, người quen… Tôi không hiểu mình đã nghĩ gì
khi ba tôi hoan hỉ cho cả nhà biết rằng ông vừa được thăng chức và
thuyên chuyển về Sàigòn, me tôi cười, chị Thủy nhỏ nhẹ hoan hô ba, cu
Linh khoái chí hét ầm nhà và nhẩy tưng tưng trên divan. Các anh lớn của
tôi đều học ở Sàigòn, Sàigòn xa lắc lơ có họ hàng đông đúc, có bà ngoại
trưởng giả, có tộc thuộc giàu sang và nếu ba tôi không nặng tình yêu cái
xứ sở nhỏ nhoi heo hút này của miền Trung thì gia đình tôi đã ở Sàigòn
từ lâu. Từ khi các con lớn lên, ba tôi hiểu rằng tỉnh nhỏ không đủ
phương tiện để chúng tôi vươn lên bằng người.
– Các con phải được lớn lên trong một môi trường rộng rãi hơn, khoáng
đạt hơn mà cái thị xã heo hút này không thể đáp ứng được. Vì vậy ba mới
xin đổi về thành phố, ở đó, các con có đủ phương tiện để học hỏi, phát
triển, theo kịp bạn bè. Ba không muốn sau này các con buồn vì mình là
dân “tỉnh nhỏ”.
Tôi có bao giờ buồn vì mình là “dân tỉnh nhỏ” đâu!
Tôi yêu thị xã bởi thị xã có bốn mùa cho phố phường thay áo mới.
Những sáng mùa đông sương giăng mờ trên cao, lối đến trường hun hút xa
dưới hai hàng cây khép mắt ngủ ngoan chờ đợi. Có hôm đi học sớm trời còn
trăng. Mặt trăng vàng nhạt mỏng manh trôi bên kia rừng cây đen chẳng
chịu rụng lá, thấp thoáng như e thẹn, hẹn hò, như sắp tan vào sương
khói. Tôi đạp xe giữa lòng phố thênh thang, tóc bay, áo bay, ngước mặt
lên trời tưởng mình có đôi cánh nhỏ bay bổng vào không cùng, thế nhân ở
dưới mắt nhìn, bụi mưa và mây trắng. Cơn mưa đến nhẹ lắm ngoài trời, tôi
loay hoay với cái hyberpol của mình, ngửng lên, đã thấy sân trường
trắng xóa mưa, êm như ru, tôi thấy lòng mình lạnh đi, ngày hè sắp đến,
tôi sắp xa Luân, xa bạn bè, thầy cô, bàn ghế!
Cậu Hồng Ngự bảo tôi:
– “Thư viết đừng xong thuyền xuôi chớ đỗ cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa!”
Chinh đừng sợ thay đổi, đi xa, tuổi trẻ không bao giờ sợ đi xa. Hãy
đi, để thấy sau này mình còn chỗ trong mộng để trí nhớ đi về tưởng
tượng, để ru êm cuộc đời mỗi lúc muộn phiền. Chinh hãy tự hào là mình
còn có một quê hương thơ ấu để mà nhớ, mà thương, tuổi trẻ phải vui vẻ,
sống hùng, phải thèm đôi chân biển lớn. Kỷ niệm để dành cho lúc thảnh
thơi, ngơi nghỉ, mỏi mệt, kỷ niệm không phải để trói cánh chim non!
Con gái thường lãng mạn, yếu đuối thế đó. Tôi là một con bé nhút nhát
trước cuộc đời, tôi sợ những thay đổi làm rộn ràng đời sống, những sự
thật nhiều khi tàn nhẫn vô cùng. Tôi đến thăm Luân trước khi đi, Luân
còn đau, hai đứa cầm tay nhau, tôi nhớ trên cửa sổ nhà Luân có trồng một
bình hoa lạ, lá tím ngắt, khô héo, nhưng nở những nụ tím mong manh,
xinh đẹp dễ thương vô cùng. Luân không nói hoa tên gì khi tôi hỏi – tôi
nghĩ chắc là một cái tên bơ vơ lắm –
Chúng tôi chia tay nhau, trời mưa nhỏ, chiếc đồng hồ nhà Luân ngân
bảy tiếng trầm trầm, như vọng lên từ một cõi xa vắng nào trong quá khứ.
Con đường ướt lạnh, tôi đi chậm với hai bàn tay thu trong túi áo mưa,
Luân đứng trên thềm cửa che chiếc nón lá cũ nhìn theo. Mưa nhỏ nhưng dày
và mù trời, chắc Luân thấy tôi đi vào mù khơi và tan vào sương khói…
Lúc đó, tôi nghĩ nếu mình là thi sĩ…
6. TRÊN CAO
Tôi ngắt một cành hoa giấy đỏ, cánh hoa khô màu lá úa. Tôi thương hoa
giấy mang sắc tươi mà như ẩn giấu một nỗi buồn đâu đó trong hương nhụy.
Chiếc va-li nằm trên thềm cửa – vô duyên và chướng phè – tôi cài chiếc
khuy trên cùng của áo len vò vò nụ hoa giấy bối rối im lặng. Tôi đi Huế.
Mợ Hồng Ngự mở lời:
– Thật mợ không thể nào hiểu được tuổi trẻ. Mới hôm trước nằng nặc
đòi đi thăm thị xã cho bằng được, hôm sau đã khăng khăng đòi về Sàigòn.
Mà mới tới mấy bữa có chịu đi đâu chơi đâu! Thật! Mợ chịu không hiểu
cháu thích cái gì bây giờ?!
Tôi che miệng cười nhỏ. Bố bảo tôi lãng mạn và bốc đồng lắm. Tôi đòi
về vì không thích ở lại kỷ niệm cũng như một quãng đời đã qua làm sao
tôi có thể gầy dựng trở lại những cảm xúc ngây thơ, những rung động chân
thành ngày xưa ấy. Tiếng chuông ngân nga từ tháp vọng thời gian rủ rê
tôi chạy về ngày cũ, chốn xưa, leo lên tận tháp chuông để ù tai vì tiếng
vỡ rộng của quả chuông đồng, tại sao người kéo chuông hay điếc? Tôi dại
khờ nghe tiếng chuông xa mà ngỡ nỗi hoan hỉ ở ngoài tầm tay với.
Một lúc nào đó, không rõ, bỗng dưng tôi đứng lại. Cậu Hồng Ngự nói
đúng, người ta cần một chỗ để đi về tưởng nhớ, để ước mơ, đừng dại dột
đến cầu mơ để thất vọng vì chiếc cầu cũ kỹ, rêu xanh, tầm thường quá
đỗi.
Và tôi xin phép rời thị xã, mợ Hồng Ngự trơn mắt hỏi: chán rồi hả
cháu? Cậu cười, đã đi đâu đâu, về nhà bố hỏi chuyện thị xã cười xí xóa
hở cháu? Lan nhăn, em chưa dẫn chị đi ăn mấy cửa hàng ngon lắm, đặc biệt
mà!
Khi tôi xếp lại những cánh áo vào va-li, tôi hiểu việc mình làm lắm.
Cậu Hồng Ngự bảo:
– Không thích ở đây thì mai cậu chở ra Huế thăm bác Phương Tần và
thăm thành phố Huế luôn thể, đi không chẳng lẽ lại về không. Phải không
cháu?
Tôi gật đầu cười:
– Cám ơn cậu!
Lan xách hộ tôi chiếc vali ra xe. Tôi chào mợ, hôn các em, giàn hoa
giấy đỏ có những chỗ tối u buồn. Tôi nhớ bình hoa tím trên cửa sổ nhà
Luân, con đường qua trường chắc vẫn còn hai hàng lá nhỏ, ngậm những giọt
sương tan. Dáng Luân gầy trong áo trắng, nụ cười của Hạc, ánh mắt của
Triều, tuổi thơ, chia xa, nỗi buồn, niềm vui – những tiếng chuông nhỏ vỡ
ran ran trong tai tôi, những cái chuông nhỏ như hoa Muguet thánh thót
trong trẻo – chào thành phố mộng mơ!
Chiếc xe chạy ngược đường gió. Tôi cài hết khuy áo len, tóc quấn quanh cổ nghe buồn.
Ba vẫn bảo tôi lãng mạn lắm mà!
N.T. Nguyễn
(Hoa Nắng)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 203 và 204, ra ngày 15-6 và 1-7-1973)