Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2018

Đôi Giầy Cũ


Lôi đôi giầy trong gầm tủ ra, tôi ái ngại không nỡ xỏ vào nữa. Khiếp, giầy chi mà cười toe toét như cái miệng cá sấu thế này, đi vào lần nữa chắc thế nào cũng nghe tụi bạn thuyết trình về cái tính... kẹo mà chúng đã chụp cho tôi từ khi mới bước chân vào lớp 11B này. Oan cho tôi lắm vậy đó các bạn ạ! Nào mình có hề mang cái tính kẹo đắng kẹo ngọt ấy đâu, ấy là vì do hoàn cảnh gia đình mình đấy chứ. Chắc các bạn cũng muốn biết xem hoàn cảnh ra thế nào và làm sao nhỉ? Thế tôi kể sơ sơ cho các bạn nghe chơi nhé.

Gia đình tôi theo chế độ "nhà binh chế", và "quân số" gia đình tôi lập thành vừa đúng một tiểu đội. Tiểu đội trưởng là ba tôi, dĩ nhiên má tôi là đội phó và đám binh sĩ còn lại là chín nhóc anh em chúng tôi. Với cái chính sách song hành, kiệm ước, phân xuất quân binh v.v... hiện nay chắc các bạn cũng hiểu rằng lo mà "phụng dưỡng" chín đứa con vàng phá phách nghịch ngợm như chúng tôi cũng là khó khăn lắm rồi, còn nói chi đến ăn chơi mặc sang ăn sướng nữa. Tôi là con cả nên hơi... có uy quyền trong gia đình. Nhưng kiếp làm anh cả khổ sở ghê lắm các bạn ơi. Cứ như gia đình người ta thì: "các em làm lụng anh cả ngồi chơi", đàng này các em tôi thì lại ngang nhiên ngồi chơi sơi quà cho anh cả làm lụng. Muốn có vài giờ rảnh rỗi để giải một bài toán hóc búa của Nguyễn văn Phú hoặc nuốt dăm câu sử địa của Lê Kim Ngân thì phải có "bông puộc boa" mới sai nổi chúng nó vài việc lặt vặt. Giả sử chỉ khổ sở vì cái chuyện làm lụng ấy không thì không kể xá gì, đàng này cũng vì cái chức anh cả cao trọng mà tôi là kẻ chịu thiệt nhất trong vấn đề chưng diện. Tư bản cần thiết mà tôi chưng diện trên người khi đi học chỉ gồm một chiếc áo sơ mi mầu "thanh thiên" đã ngã sang một mầu không tên và không có trong tự điển Hán Việt ; còn quần thì đã trải qua rất nhiều tứ mùa, điểm thêm vài nét chấm phá của dăm ba chú chuột gián nên xem khá ngoạn mục ; còn đôi giầy thì các bạn cũng đã biết ở trên rồi, nó luôn chia "véc bờ" rire trông đến vô duyên, giá tôi có một đôi khá hơn thì chắc tôi đã cho nó đi chầu ông Quan Công hay Thổ Địa từ lâu rồi. Rồi ngày ngày tôi cỡi trên một chiếc xe Môbylết đời Hitler tróc sơn bóng nhoáng để tới trường.

Còn các em tôi thì được ba tôi lo cho rất chu đáo, không đứa nào phải khổ sở như cậu anh cả của chúng nó cả. Thỉnh thoảng đi học về, các em tôi chạy ra khoe:

- Anh Thanh nè! Ba mới mua cho em đôi giầy cao gót để mặc với mini áo dài nè!

Hay là:

- Ba mới mua cho em thêm đôi guốc nè le không!

Hoặc:

- Anh xem cái mũ có xôm không, ba bảo mua cho em để đi học đội cho khỏi cháy nắng đó.

Nghe các em tôi kể lể, tôi ầm ừ cho lấy lệ rồi vào nhà trong mà trong lòng nghe một nỗi buồn rất ư... là lạ xâm chiếm con tim đau khổ. Vất cặp vào ngăn, tôi úp mặt xuống giường mà buồn 5 phút cho cái số phận hẩm hiu của tôi. Bằng giờ này, các bạn cùng lớp với tôi đang ngồi trên những chiếc Honda, Suzuki, Bidéttôn mới toanh lả lướt trên những con đường phố Saigon náo nhiệt, còn tôi thì chả được bằng 1/10 của chúng nó.

Đang thiu thiu buồn vì nhân tình thế sự thì có tiếng cửa xịch mở rồi má tôi bước vào phòng ngủ tôi. Chắc đã đoán được tâm trạng não nề của tôi nên bà tìm lời an ủi:

- Thôi con ạ! Anh cả thì phải biết hy sinh cho em nó sung sướng chứ, mình ăn mặc tiết kiệm thì em nó mới được nhờ con ạ!

Hừm! Lại "anh cả" với anh kiếc, bực quá tôi bèn tuôn ra:

- Sao lúc nào má cũng đem cái chữ anh cả ra nói chuyện với con vậy, làm việc gì cũng có anh cả, thế mà anh cả chả ai thèm lo cho, đến quần áo cũng chả thèm may cho đến nửa cái, toàn mua không à! Mặc dăm bữa nó sổ nách, sổ tay, sổ đũng tùm lum làm con xấu hổ với bạn bè quá xá. Bộ cả Saigon toàn quần áo bán không hay sao mà má ưa mua vậy? Được rồi, kỳ này con sẽ thi trượt cho má xem, thi trượt đi lính luôn để má rảnh tay mà lo cho các em, các quí tử má.

Tôi tưởng nghe xong má tôi sẽ đập bàn, sẽ chỉ vào mặt tôi mà chửi rủa. Nhưng ơ sao kìa! Má tôi lại xem ra sợ hãi vậy, à! Bả nghe mình đe thi hỏng nên sợ đây mà. Cái gì chứ cứ đem thi hỏng ra mà dọa má tôi thì thế nào xin gì cũng được nấy. Quả nhiên má tôi xuống nước ngay:

- Ấy! Má nói thế chứ con cả mà không chăm sóc thì còn chăm sóc cho ai. Nè má biểu con nghe. Ráng học hành đi cho đàng hoàng, má không bắt làm việc nữa đâu. Thế rồi vài hôm nữa hốt hụi xong má dẫn đi may một bộ quần áo thiệt đàng hoàng, còn giầy thì chừng nào thi đỗ má sẽ thưởng cho. Cứ yên trí mà học đi, má xuống bắt các em nó làm việc thay cho.

Nói xong má tôi vội vã ra ngay như sợ tôi cứ khăng khăng đòi thi trượt mà yêu sách thêm thì nguy to. Tôi bàng hoàng, không ngờ cái ngón đòn mình nó lợi hại đến thế. Hứng thú, tôi bèn đánh một giấc cho đến giờ cơm tối mới dậy. Nhìn các em tôi, xem mặt đứa nào cũng tức tôi lắm. Tôi nín cười bảo chúng:

- Cho các em sướng nhé, ai bảo lúc trước chơi cho đã vào. Bây giờ anh là vua rồi, các em chịu khó làm dùm anh dăm tuần nghe, chừng nào xong thì anh xuống giúp!

Bữa cơm tối hôm đó đối với tôi thực là trọng đại, vì lần đầu tiên tôi đã giúp các em tôi biết làm lụng (!) và lần đầu tiên tôi được xem là một yếu nhân trong căn nhà này. Từ trước tới nay tôi chưa từng bao giờ ăn ngon và ăn nhiều như bữa hôm đó.

*

Dựng chiếc Môbylết ở sân trường xong, tôi đưa tay phủi ít bụi bám trên chiếc áo tetơrông mới toanh mà tôi vừa lấy ở tiệm may về vừa rồi. Úi chà chà! Mùi áo mới sao mà nó thơm tho làm vậy. Nhìn xuống chiếc quần, tôi rất mãn nguyện với vải quần mà tôi hằng mơ ước lâu nay, lại đúng mốt nữa chứ! Con mắt tôi quan sát lần xuống đầu gối và đụng ngay phải chiếc giầy. Trời! Đôi giầy! Chính mầy hỡi đôi giầy, mày làm cho bộ quần áo mới đờ luých của tao giảm đi mất 2/3 giá trị. Thôi được, về nhà với chiến thuật cũ chắc thế nào tôi cũng đòi được... đôi giầy tức khắc. Nhìn đồng hồ: 2 giờ 10 phút. Thôi chết, trễ 10 phút rồi.

Vừa vào lớp, giáo sư Anh văn đã réo đúng tên tôi lên trả bài:

- Em Thanh đâu?... Ủa giờ mới đến à cậu, trễ đến cả 10 phút. Sao thế?

- Dạ... dạ...

- Dạ cái gì, tại sao?

- Dạ, tại cái xe môbylết của em... trục trặc kỹ thuật.

Cả lớp cười ầm. Tôi về chỗ cất cặp rồi định lên bảng.

- Thôi cho em ngồi xuống, sửa soạn rồi tôi gọi sau.

Sướng quá tôi bèn cất tiếng cám ơn thầy bằng một câu đặc Ăng lê:

- Thanh kìu.

Bỗng có tiếng nhại lại, nhưng chữ kìu được cố ý kéo dài thành chữ kẹo.

Thế là cả lớp lại nhộn lên làm giáo sư phải gắt gỏng lên mới hết.

"À thì ra thằng Hân, nó vừa là chủ nhân của câu ca vọng cổ vừa rồi đây mà, đừng hòng chọc anh mày, ta sắp nên quyền quý như mày rồi đây cưng ạ, đừng có mà làm tàng". Tôi nhủ thầm.

"Reng... reng" Hồi chuông điện vang lên báo hiệu giờ tan học. Tôi vội lên xe về nhà, vừa đi vừa thảo ra một cuộc tống tiền, ý quên... tống giầy mới đúng chứ nhỉ. Về đến nhà tôi vào đề ngay:

- Má à! Đôi giầy đóng chỉ tốn cỡ 4, 5 ghim là cùng mà má cũng tiếc con. Có áo quần mới thì phải có giầy nữa thì xem mới được chứ, má chiều con rồi con sẽ thi đỗ cao cho má thích.

Má tôi suy nghĩ lung lắm. Có lẽ thấy khó giải quyết nên bà lên nhà để bàn chuyện với ba tôi. Tôi lén và núp rình nghe câu chuyện giữa hai người.

Bỗng tôi nghe tiếng đập bàn ghế thình thịch rồi:

- Cái thằng này thiệt là quá quắt lắm rồi, hễ được voi là đòi tiên.

- ...

- Nó bảo nó muốn thi trượt à! Ừ, cho nó đi lính luôn, chết xó nào mặc cha nó... Được, bà cứ để nó cho tôi.

Nghe đến đây tôi run bần bật. Thôi, bỏ bom rồi, phen này chắc nguy to chứ chả chơi đâu. Trong nhà, tôi sợ nhất ba tôi. Ổng ít nói, nhưng mỗi khi giận lên thì... sắt cũng phải chảy cơ mà! Thế rồi, tôi được nghe một bài giảng khá dài về công ơn cha mẹ, về nghĩa vụ làm anh cả (!), về thi cử, và cuối cùng chắc cũng đã nguôi giận nên ông mới bảo tôi:

- Thôi cố học đi con ạ! Bây giờ con đeo đòi chúng bạn thì sự học hỏng hết. Thi đỗ cao rồi ba sẽ kiếm cho chiếc xe mới đi học nhé!

Úi giời ơi! Nó mát ruột làm sao. Câu nói như một liều thuốc an thần làm tôi sướng đến ngây ngất, tưởng chừng như có ngay chiếc xe đẹp ở trong tầm tay rồi.

*

Thấm thoát ngày thi đã đến. Tôi dậy thật sớm để ôn bài đi thi. Ngày thi toán của tôi thật là hồi hộp. Lúc cầm đề thi trong tay, tôi run lên vì sợ, sợ vì bài toán khó quá, và tôi có thể bí vì ra về phần chuyển động thẳng ở cuối sách mà phần này tôi lại ít để ý đến. Tuy nhiên hình ảnh chiếc xe đã kích thích tôi nhớ được mấy phương trình chuyển động nên bài toán cũng rất ư là khả quan. Mấy môn thi còn lại cũng được tôi giải quyết cách nhanh chóng. Đời tôi bắt đầu bằng một kỳ thi tốt đẹp như thế đó. Số tôi chắc là số có xe đi học nên bài thi dù khó mấy vẫn làm được.

Tiếp theo sau những ngày thi là những tuần chờ kết quả dài đằng đẳng. Nhưng rồi ngày treo bảng cũng đã đến. Sáng tinh sương tôi dậy sớm lấy xe đi xem kết quả. Đến nơi cũng cỡ 8 g 50, sân trường đông chật những học sinh nam nữ cùng một tâm trạng như tôi. Họ đến đây để có kẻ sẽ đem về một tin vui, đôi khi một tin buồn cho gia đình. Tin vui hoặc tin buồn đó sẽ cho họ một phần thưởng xứng đáng: hoặc được quà, được nghỉ mát xa, hoặc bị chửi rủa và sẽ ở lại lớp cũ thêm một lần nữa và sẽ vinh dự khi khoe với chúng bạn rằng mình đã từng một lần dang dở!

Đem tài nghệ bình sinh ra để tìm một chỗ thuận tiện gần bảng tôi đã bị bao cô nữ sinh sỉ vả. Nhưng kệ, miễn sao tìm được chỗ là được. Đứng trước bảng tôi vẫn chưa dám xem ngay vì quá ư là hồi hộp. Nào, bây giờ sẽ xem từ dưới lên hay từ trên xuống? Thôi, dưới lên đi. Nào mở mắt ra và định thần nhìn kỹ. Úi chà chà, hạng thứ sao mà đông thế này, khéo mình ở đám này thì xí hổ lắm, mình vẫn mang danh xuất sắc nhất lớp cơ mà. Hết thứ, tôi thở phào và sang đến bình thứ, cũng chẳng thấy. Sang đến bình, tôi bắt đầu lo sợ nhỡ ra nó siêu ưu (ngoại bảng) thì hỏng hết. Đọc hết bình, mồ hôi tôi đổ ra như tắm vì vẫn chưa thấy tên đâu. Vừa đọc sang đến ưu thì... ơ kìa! Thật hay mộng đây! Tôi đưa tay vào rốn bẹo một cái thiệt mạnh và thấy đau đau. Thôi đúng thật rồi. VŨ KIM THANH số báo danh 520, rõ ràng hết sức không sai ly nào. Thế rồi tôi lủi nhanh ra ngoài ngồi xả hơi chờ về nhà không nhỡ đi đường cảm lạnh thì hỏng bét. Nhìn bao quát sân trường, tôi thấy nhiều cảnh rất ư là tình cảm xã hội. Những chị mà lúc nãy rất hớn hở, cả mấy cô xỉ rủa tôi ban nãy cũng đang sụt sùi khóc, không biết vì cảm động khi thấy mình có tên hay vì thiếu tên? Chắc có lẽ vì thiếu tên thì đúng hơn. Thôi giai đoạn nguy nan đã qua, bây giờ người chiến sĩ oai hùng mang theo chiến thắng vẻ vang để... lãnh quà.

Về đến cổng, một khối màu đen huyền ở trong nhà đập vào mắt tôi: à thì ra một chiếc Honda mới toanh, có lẽ của một người bạn ba tôi đến chơi. Mở cổng vào, kẻ đầu tiên chạy ra mừng tôi là chú chó kiki. Chú chồm lên và đưa nguyên 2 bàn chân đầy bùn chồm lên áo tôi. Thôi chết rồi bẩn hết cái áo trắng tinh. Tuy nhiên tôi vẫn độ lượng với chú vì tôi đỗ cao, giả như tôi thi trượt thì chắc chú sẽ lãnh được đủ bộ hai cú đá của tôi rồi. Thứ đến, các em tôi chạy ra la lên:

- Anh Thanh ơi! Cho em xí "séc" nhất được ngồi xe anh nhé, ba mới com măng cho anh cái Honda mới đó.

- Ủa, của anh à! Mà anh trượt rồi còn đâu? Tôi nói chặn em tôi.

- Thôi cậu ơi, xe cậu đó, vào rửa chân tay rồi tôi còn dẫn xuống phố đóng giầy mới Tiếng má tôi vọng lên từ nhà bếp.

Tôi ngạc nhiên hết sức, không hiểu sao ba má tôi lại biết trước cả tôi nữa vậy cà? Trên đường đi đến tiệm giầy, má tôi mới giải thích:

- Ba mầy có quen mấy ông làm ở bộ Quốc gia Giáo dục nên biết mày thi đậu cả mấy ngày nay rồi. Ổng lại mới trúng xổ số nên bàn với tao và mua cho mày chiếc xe để đi học không có rồi mày lại kêu thẹn với bạn bè. Đấy, sướng chưa con, rồi liệu mà vong ân ba má nhé!

Bữa cơm trưa hôm đó thật là linh đình và cảm động. Tôi mừng quá nên nói nhiều hơn ăn ; các em tôi rất sung sướng vì "anh cả" chúng đã thi xong và sẽ tiếp tục hầu hạ chúng như trước ; còn ba má tôi ra chiều rất sung sướng và hãnh diện với hàng xóm vì có một cậu con thi đỗ cao.

Tôi cất tiếng:

- Chiều này ba má cho phép con dẫn các em đi xi nê rồi đi ăn kem ba nhé!

- Ừ, có thiếu tiền ba cho thêm.

- Thế còn các em chịu không?

Không đợi tôi nói hết câu, chúng nhao nhao lên:

- Ô kê liền! Chà hôm nay anh tôi chịu chơi thiệt.

- Mà lại đẹp trai dễ thương nữa chứ!

Phần thưởng mà tôi đã với tới thực là bõ công bao đêm học hành, chịu bạn bè chê bai, chịu đi môbylết và nhất là phải mang cái đôi giầy vô duyên suốt mấy tháng trời, đôi giầy mà tôi vừa sai em tôi vất cho con kiki gặm thỏa thích. Rồi khi hoa phượng đã tàn, tôi sẽ trở lại gặp các bạn tôi với con người mới và tôi hy vọng sẽ đương nhiên bỏ được chữ "kẹo" lòng thòng quái ác sau cái tên Thanh của tôi.


KIM VŨ


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 203, ra ngày 15-6-1973)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>