Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

Nghệ Thuật Ăn Vụng


"Viết riêng cho phe ta để theo kịp các nàng..."

Ngày xưa các cụ thường quan niệm "ăn trông nồi, ngồi trông hướng". Thật là một quan niệm vô cùng "sai lầm". Chúng ta là con cháu phải có bổn phận "tu chỉnh lại di chúc phản thời đại" đó để theo kịp... trào lưu tiến hóa của dân tộc. Thực ra các "cụ bà" đã biết và thực hành từ lâu. (Nhưng đã giấu dân húi cua) các "cụ bà" chỉ truyền nghề cho dân kẹp tóc nên các nàng có một truyền thống ăn vụng rất hào hùng (hãnh diện nhé!). Vì thế phe ta phải... hùng hục tiến lên trên con đường ăn vụng để các nàng khỏi chê phe ta ngớ ngẩn, cù lần, không thực tế v.v... Kẻ hèn này chưa phải "cao thủ ăn vụng". Bằng chứng hiển nhiên vẫn bị "kẻ địch" tóm dài dài bởi vì chẳng được "cao nhân chỉ bảo" đấy thôi. Sau khi bị tóm tới 1001 lần (phe ta ăn to nói lớn nên cứ tự tiện phóng đại không ai bắt đóng thuế) kẻ hèn này mới "mở mắt" và có một tí kinh nghiệm nên "ngứa ngáy" muốn truyền lại cho đỡ ấm ức.

Trước khi "truyền nghề" các bạn có đồng ý với kẻ hèn này là ăn vụng thú hơn, ngon hơn, tuyệt hơn không? Vừa ăn vừa sợ, càng sợ càng ngon, càng ngon càng thích... mò. Tâm lý con người là thế. Chỉ thích làm khi bị cấm. Nhất là về lãnh vực ăn uống. Khi được phép lại chẳng ham nhưng khi "mắt trước mắt sau" vồ được một miếng thì eo ơi... mát cả ruột gan. Viết đến đây kẻ hèn chợt nhớ tới Bác TẢN ĐÀ. Có lẽ Bác í chưa được thưởng thức cái thú ăn vụng. Bằng chứng là bác ta đưa ra cả một nghệ thuật ăn uống nào là: "giờ ăn ngon, chỗ ngồi không ngon, ăn không ngon" gì gì đó. Thế mà bác ta "lỡ quên" 1 vấn đề vô cùng quan trọng đã được "các văn gia đưa vào văn học sử" đó là: Nghệ thuật ăn vụng nên bài của bác bị chê quá trời. Buồn cho bác 1 phút. Thôi kẻ hèn này xin vào đề kẻo nhiều đấng nhăn mặt trông chả đẹp tí nào. Kẻ hèn này tạm chia "công tác" làm ba giai đoạn:

1. GIAI ĐOẠN SỬA SOẠN

* Mắt và Tay:

Trên cõi đời "bể dâu thay đổi" này chưa kẻ nào trước khi ăn vụng mà không "mắt đã đổi thay". Nói theo danh từ... đài phát thanh là: "mắt láo liên như những thằng ăn cướp". Thật thế các bạn ạ. Chúng ta phải tận dụng đôi mắt thật sắc bén để "hoàn thành công tác". Trong vòng "1 trăm trượng" con ruồi cũng không thoát khỏi "nhỡn lực tinh vi" của ta. Nhưng phải kín đáo một chút kẻo "địch" nghi ngờ. Miếng cánh gà chiên bơ thơm quá! Biết rồi nhưng phải cẩn thận đừng hau háu hay há hốc miệng. Hãy "can đàm" nhìn sang chỗ khác chờ mẹ hay chị sơ ý là ta "vồ" ngay. Vồ nhẹ nhàng. Vồ chính xác. Muốn thế ta phải luyện bàn tay thật công phu, lúc mềm như lụa, lúc cứng như thép bằng cách đấm, xỉa, chém vào... bao cát hay bao gạo rồi ngâm tay vào... nước độ 5'. Kết quả "vô cùng rực rỡ" nghĩa là "bàn tay năm ngón ôi bàn tay năm ngón" sẽ bất chấp thời tiết, nhiệt độ... Lúc đó miếng thịt đang ở trong chảo ta cứ "tự nhiên" cầm mà chả thấy nóng 1 tí ti nào cả.

* Mũi và Tai

Thật là bất hạnh cho đấng nào bị... tịt mũi khi ăn vụng. Họ chẳng biết món nào ngon món nào dở, vì có khi nhiều món trông rất hấp dẫn nhưng ăn vào... chẳng giống ai. Như thế ta phải đánh hơi thật tài, thật thính. Hít 1 cái ta có thể biết món đó là món gì. Ngon hay dở. Cũ hay mới. Vừa hít ta vừa xác định "tọa độ" để tấn công thật lẹ làng. Dù thế ta phải đề phòng những tiếng động "khả nghi" của địch kẻo nguy hiểm.

2. GIAI ĐOẠN TẤN CÔNG

Giai đoạn này "biến thiên" tùy theo hoàn cảnh, địa thế nên phe ta phải thông minh và biết "đón gió" đúng lúc. Tấn công thật nhanh, phải dứt khoát đừng chần chờ. Này nhé, muốn vồ món này lại thấy món kia ngon hơn. Ta "phân vân" quá đi thôi. Đừng ngu, hãy "dứt khoát lập trường". Nó còn đó chứ bay đi đâu mà sợ?! Nhớ là đừng "khinh địch". Nếu "địch" có mặt, ta phải đánh lạc hướng. Thí dụ mẹ đang rán bánh. Ta giả vờ đến bên cạnh hỏi han. Bất thình lình ta chỉ tay ra ngoài đường hét lớn: Ơ! Thế nào mẹ cũng giật mình nhìn ra đường. Tốt quá! Tay kia ta "mau mắn" cầm nhẹ 1 cái nhét vào... túi quần. Nếu "địch" không có mặt, ta "tự nhiên" bỏ vào miệng nhai ngồm ngoàm và có thể ăn khỏi nhai càng hay. Trường hợp đặc biệt có độc nhất 1 cái bánh "to quá là to" ta đừng dại dột bẻ xung quanh. Hãy lật cái bánh lên và tà tà moi hết ruột rồi để lại như cũ. Có Thánh biết! Nếu có nhiều món ta đừng ngu ăn mãi 1 thứ mặc dù chưa đã thèm. Ta hãy "nén lòng" ăn món khác kẻo lộ tẩy thì khốn. Nói tóm lại giai đoạn này ta phải vận dụng hết khả năng thiên phú để... làm ăn. Ai nhanh và khéo ăn được nhiều. Ai chậm chạp có khi... ăn gậy nữa đó.

3. GIAI ĐOẠN RÚT LUI

Sau khi đã "hằng ngày dùng đủ" ta phải sắp xếp lại các món cho... có vẻ chưa mất 1 tí nào. Xong xuôi ta hãy chùi mép cẩn thận. Trước khi làm ăn ta phải sơ cua một cái gương nhỏ (moi ở cặp chị hay em gái chắc chắn có) và soi lại "dung nhan mùa hạ" xem có "bị thương" không? Bạn nào "giả vờ quên" sẽ bị lãnh nhận một bản án ăn vụng, chẳng tốt đẹp đâu. Hãy nhớ câu của cổ nhân "ăn vụng không biết chùi mép" đủ biết giai đoạn này cũng quan trọng đấy chứ. Chùi mép xong, ta thản nhiên, thơ thới hân hoan "vỗ bụng ca 1 bản thời trang nhạc tuyển" cho đời lên hương. Đừng "e lệ" kẻo nguy đó. Dù sao đi nữa "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên" phải không các bạn. Thôi kẻ hèn này chỉ biết chúc các bạn thành công và càng tiến xa trên con đường... ăn vụng để ganh đua với các đấng kẹp tóc cho có vẻ... nam nữ bình quyền. Ước mong thay!


THẢO TRÂM  

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 15, ra ngày 5-12-1971)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>