- Lần này nữa thôi mà me!
- Không được đâu, mới giữa tháng, ba con chưa lãnh tiền, me đào đâu ra để cho con?
- Con lạy me!
- Không được.
Thế là trưa hôm đó tôi nhịn ăn nằm queo râu trên gác, tôi cáo với me là tôi bị bịnh, một thứ bịnh kỳ lạ: bịnh ghiền đánh đàn guitare. Đã từ lâu tôi có bỏ tiền "bùng binh" nhưng số tiền bỏ vào càng nhiều, thì kiến đói càng bò vào ruột. Tôi buộc lòng phải mua khí giới để làm vừa lòng những quân đói tàn nhẫn. Hơn hai tháng nay tôi nhịn quà sáng, tiền túi v.v... Tôi đau khổ giao hết tiền cho me giữ hộ: số tiền để thực hiện giấc mộng guitare, hôm nay đã vừa đủ. Lẽ ra giờ này tôi đang đánh "tịch tình tang"... nhưng than ôi, tôi vẫn còn ôm mộng!
*
- Ê Minh, đi đâu đó?
- Đi mua đàn – Tôi hãnh diện đáp.
- Tớ đi với cậu cho vui nhé!
- Vâng, mời tướng cứ theo tôi.
Hai đứa chúng tôi bước song đôi. Huy nói:
- Cậu định học guitare cổ điển hay mô-đẹc?
Tôi cười hì hì đáp:
- Cả hai.
- Ghê nhỉ!
Hai chúng tôi phá lên cười tiến về nhà sách Minh Thu.
- Mình tới sớm quá Huy ạ, tiệm sách chưa mở cửa.
- Thì mình đi tà tà vậy.
Bỗng: "Ai dziật lộn".
- Bà ta rao gì vậy?
- Ai ăn hột vịt lộn đấy – Huy đáp.
- Tớ lại tưởng bà ta rao "ai vật lộn".
- Này cậu muốn ăn không? – Tôi quay lại hỏi Huy.
- Thôi ăn giữa đường kỳ lắm, để lúc khác, hơn nữa tớ không có sẵn tiền.
- "Quất đại đi, tớ có tiền, mình còn nhỏ, không ai cười đâu.
Huy mỉm cười không đáp. Chúng tôi lặng lẽ ngồi bên vệ đường ăn hột vịt lộn nóng hổi, chấm muối tiêu - ăn xong tôi vuốt bụng đứng dậy.
- Vẫn chưa mở cửa, thôi mình làm một vòng phố đi.
Tôi vội trả tiền rồi cùng Huy dạo phố ban mai. Tôi hỏi:
- Cậu ăn sáng chưa?
- Chưa.
- Thế sao lại đòi đi chơi với tớ?
- Xưa nay chúng mình vẫn không rời nhau nửa bước.
Tôi chợt hiểu, tôi và Huy chơi với nhau lâu lắm, hột gạo cũng bẻ làm đôi để mỗi tên hưởng một nửa cơ đấy! Tôi lại nói:
- Mình đi tìm phở tái đi.
- Soát lại tiền đã, cậu sang thế.
Cứ tự nhiên đi, tớ còn dư một bò – tôi ưỡn ngực đáp.
"Nốc" phở tái xong, chúng tôi đi bách bộ cho thịt tái trong bụng đủ thì giờ để chín.
- Mình quên uống nước Huy ạ!
- Thì về nhà uống, có sao đâu?
- Không được, mình phải đi tìm nước, tớ ngứa miệng quá.
Ra khỏi quán nước, chúng tôi rảo về nhà sách.
- Hay quá, họ mở cửa rồi - Huy mừng rỡ.
Chúng tôi bước vào tiệm sách, tôi thấy tâm hồn mình lâng lâng sung sướng.
Chỉ vào một cây đàn bầu bĩnh treo trong góc, tôi nói với chủ nhà sách:
- Bác cho cháu xem cây đàn này.
Người bán sách đem cây đàn bọc trong bao nylon lớn đưa cho tôi xem.
- Thưa bác, đàn này giá bao nhiêu?
- 1600đ cậu ạ!
- Bác không bớt được?
- Chắc giá.
Tuy hỏi thế tôi vẫn thản nhiên mò tay vào túi lấy cọc tiền ra trả. Huy mỉm cười, tôi cũng mỉm cười.
- Bác cho cháu trả – tôi nói.
- Một ngàn này, ngàn mốt, ngàn hai, ngàn năm trăm...
Tôi bắt đầu nóng mặt. Tôi mò túi trên, túi dưới, túi sau, hết sạch. Tôi than thầm, Huy cũng chưng hửng!
- Hỏng, hỏng bét, mình đem theo một ngàn sáu lại đi đớp 20đ vịt lộn, 50đ phở tái, 30đ nước giải khát. Thì thì... hết biết nói làm sao!
Tai tôi có hai cục than bà con "Tuổi Hoa" ạ! Tôi thấy ông trời "quay quay". Tôi nhìn Huy, cặp mắt thao láo cầu cứu. Sau đó tôi nghe ù ù, Huy nói:
- Thưa bác, bạn cháu tưởng giá là 1500đ nên không đem đủ, phiền bác để đến chiều anh em chúng cháu đến lấy.
Huy giải thoát tôi kiểu này... là đã vô tình làm tôi "mắc cỡ" hơn một bực vì lúc nãy tôi đã hỏi giá và móc tiền đếm ngon lành mí khổ chứ!
Tôi nhìn Huy bước mà ra theo, thật tình tôi không dám nhìn ai nữa! Tôi biết có những cặp mắt nhìn vào lưng tôi... lạnh xương sống...
*
Nằm trên gác không trần, vào buổi trưa hè như thế này thì bức lắm, nhưng tôi vẫn lạnh xương sống, tôi sợ những cặp mắt, tôi cố xin tiền me là để đi làm hòa với những cặp mắt ấy. Me không cho, tôi càng lạnh, đầu, mình, chân, tay lạnh hết, tôi bịnh. Tôi văng vẳng nghe tiếng nói quen thuộc:
- Thưa bác! Minh có ở nhà không ạ?
- Em nó ở trên gác đấy, cậu cứ lên đi, nó bịnh!
- Nó bịnh hả bác?
Tôi nghe tiếng chân thình thịch chạy lên cầu thang nhưng vẫn nằm im ru.
- Minh, cậu bị bịnh gì thế? – Huy lay tôi dậy.
- Bịnh không tiền!
- Này Minh, tớ nói với cậu một điều nhé!
- Nói đi, còn phải rào trước, đón sau làm gì?!
- Tớ định mua một chiếc xe đạp, tớ còn thiếu những 1500đ, mong cậu cho tớ mượn.
- Mượn quái gì? Tớ còn đương túng tiền mua đàn, cậu biết rồi mà còn đến đây thưa với mượn!
Huy năn nỉ:
- Cậu nhịn đàn, còn tớ phải đi học bộ thì cái nào khổ hơn? Gặp lúc khó khăn mới nhờ đến bạn, mong cậu không từ chối.
- Tớ biết việc của cậu cần hơn, cậu khỏi cần phân bua. Này tiền đây cậu cứ cầm lấy. Nhưng tớ sợ...
- Sợ gì?
- Những con mắt, tớ xấu hổ!
Huy nhìn tôi mỉm cười khó hiểu.
- Tớ có việc cần đi gấp, thôi chào nhé, mong cậu chóng khỏi bịnh.
Tôi nhìn Huy bước xuống lầu mà không nói được lời nào, tôi buồn quá!
- Minh ơi, chiều nay con có ăn cơm không?
- Không me ạ, con còn bịnh!
Qua giọng nói buồn buồn của tôi, me hiểu, me thở dài nói:
- Chiều nay me sẽ xin ba cho con tiền, con đừng nhịn ăn nữa, con lớn khôn rồi mà chả biết nghĩ gì cả!
Nghe me nói tôi cảm động quá, tôi sắp khóc đến nơi nhưng không được, tôi nằm vật xuống giường tự nhủ:
- Con trai không khóc, con trai không mắc cỡ, con trai không làm nũng với mẹ, con trai phải có hiếu... nghĩ xong tôi cười hì hì nhưng nụ cười của tôi nó lạt lẽo làm sao! Tôi bước từng bước xuống nhà dưới, tai bỗng nghe:
"Phừng phừng", tiếng dây "mi" của đàn guitare dễ nhận ra lắm, cái guitare mới, tôi vò đầu nghĩ:
- Mình cứ mơ mãi!
Nhưng "phừng, phừng", lần này ức quá, tôi hét thật to:
- Mình cứ mơ mãi!
- Ô kìa, cậu điên hả Minh?
- Tớ đâu có điên! – Tôi trả lời không kịp suy nghĩ.
"Xòe", Huy đánh sáu dây đàn cùng kêu lên một lúc. Tôi há hốc nhìn Huy.
- Thích không? – Huy hỏi.
- Thích lắm, thích lắm!
Tôi muốn nhảy tới ôm vào lòng cây đàn hồi sáng nhưng tôi kịp dừng lại, ngập ngừng:
- Cậu bảo mua xe đạp cơ mà?
- Thì cái xe không bánh đây nè.
Huy lại gẩy "xòe" sáu dây tơ kêu lên êm ái làm sao!
Huy tốt quá, tôi hiểu:
- Cậu bù tiền cho tớ? Tiền ở đâu?
Huy mỉm cười, nụ cười này dễ hiểu:
- Tiền mua truyện, tớ không cần đến nữa, bi giờ cậu hết sợ những con mắt rồi chứ?
Tôi gật đầu, xấu hổ.
"Xòe", tôi và Huy nhìn nhau thông cảm.
TRIỆU MINH
Dalat
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 82, ra ngày 1-12-1967)