CHƯƠNG I
LƯƠNG
SƯ HƯNG QUỐC
Sau ngày yết bảng kỳ thi Tú Tài I, niềm vui tràn ngập
con hẻm Ngọc Lan, một con hẻm từ mấy tháng nay đã thay đổi hẳn bộ mặt để được
nổi tiếng là thuần lương bậc nhất Đô thành.
Đường xá không rộng rãi lắm, nhưng sạch sẽ và yên tĩnh.
Hai bên, nhà cửa tươm tất, phong quang.
Cả ngõ có cả thảy hơn một chục nóc gia.
Ở đầu hẻm có một cây Ngọc Lan tỏa bóng trong sân nhà
ông giáo Bắc. Ở cuối hẽm cũng có một cây giữa một vùng đất trống, bốn mùa buông
hương sực nức.
Năm nay, trong hẻm Ngọc Lan, nhà nào cũng có người đi
thi, mà cô cậu nào thi cũng đậu, thành thử niềm vui chung thật hoàn toàn, không
ai phải an ủi ai bẳng câu "học tài thi phận".
Các bậc phụ huynh đều công nhận :
- Được như vậy là nhờ công ơn ông giáo Bắc.
Trước đây mấy tháng, cụ Cử, người tuổi cao và đạo hạnh
nhất xóm, đã có lần tâm sự với ông Ba Trực, liên gia trưởng, mà cụ coi là một
ông bạn vong niên :
- Ông Ba à, cụ nói, ngày xưa bà Mạnh Mẫu dạy con phải
dọn nhà tới ba lần mới kiếm được một vị láng giềng xứng đáng. Ngày nay, đời
sống khó khăn phức tạp, chúng ta làm sao có thể "trạch lân" kỹ càng
như vậy được. Ấy thế mà ông trời ông ấy thương bọn mình nên mới dun dủi cho ông
bà giáo mua ngay được ngôi nhà của ông bà bác sĩ. Từ ngày ông bà giáo dọn tới
đây, tôi thấy đời sống tinh thần của xóm mình dường như thay đổi hẳn.
- Dạ, cụ dạy thật đúng – ông Ba đỡ lời – Tôi nhận thấy
gia đình nào cũng, chả nhiều thì ít, chịu ảnh hưởng nếp sống thuần mỹ của gia
đình ông giáo. Riêng hai gia đình chị em chúng tôi, phải nói là chịu ơn ông
giáo mới đúng.
Cụ Cử vuốt chòm râu bạc, nâng tách trà thơm lên mời
khách và cười ha hả :
- Chịu ơn chứ ! Chúng tôi cũng chịu ơn chứ ! Ông tính
thanh thiếu niên bây giờ, chúng sớm biết suy nghĩ, nhưng cũng dễ mất niềm tin.
Thằng cháu Long nhà tôi đó, theo Đại học thì vẫn theo, nhưng vẫn chê mấy ông
giáo sư vụ lợi mỗi năm mỗi in sách để bán cho sinh viên với giá cắt cổ. Thằng
Lân, em nó, ở Trung học, cũng có ý coi thường một số thầy cô không tận tâm
giảng dạy vì còn để dành hơi về mở lớp luyện riêng.
"Mới đầu, có đôi chút nhiệt huyết, chúng tự nhủ
sau này thế hệ chúng phải làm một cái gì hay hơn, đẹp hơn thế hệ trước. Nhưng
rồi thấy chung quanh ai cũng chỉ biết có cái lợi, kẻ nào thủ lợi được nhiều là
người khôn và nghiễm nhiên có một đời sống vật chất cao hơn thiên hạ, chúng bèn
đua đòi để khỏi mang tiếng là khờ dại.
"Chả nói giấu gì ông Ba, thằng Long bị bạn bè lôi
cuốn suýt tí nữa thì làm bậy. May sao ông giáo Bắc đến đây kịp thời. Có tấm
gương sáng treo ngay trước mắt, cháu nó bỗng tỉnh ngộ và đặt lại niềm tin vào
lớp cha anh.
- Vâng, còn cậu Lân tôi thấy chăm chỉ hẳn lên. Bây giờ
cậu ấy học giỏi và ngoan không thua gì cậu Thắng, con ông giáo đấy, cụ ạ.
- Thì cũng như cậu Dũng đàng nhà và cậu Hùng, con bà
Hai. Mấy cậu ấy biết bảo nhau học hành ganh đua với cậu Thắng là một điều hay
vô cùng, tôi ưng bụng lắm.
*
Buổi họp hôm nay không còn là một cuộc mạn đàm giữa cụ
Cử và một vài ông bạn vong niên, mà gồm đủ phụ huynh các cô cậu Tú tân khoa. Dĩ
nhiên chỉ trừ có ông giáo Bắc. Vấn đề đưa ra thảo luận là làm thế nào để tỏ
lòng biết ơn ông giáo.
Bàn đi tính lại mãi vẫn chưa ngã ngũ vì làm vui lòng
một người không thiết hư danh, không màng lợi lộc, là một điều thật khó.
Sau cùng, cụ Cử đề nghị :
- Tôi nghĩ mua cái gì loàng xoàng thì mình không trông
được. Mà sắm đồ quý giá thì ông giáo lại buồn lòng. Ông không thích bà con mình
tốn kém.
"Vậy tôi tính ta nên có một vật tượng trưng để làm
kỷ niệm. Kỷ vật ấy không được quý ở chỗ mắc tiền mà có giá trị ở chỗ nó biểu
dương được tấm lòng thành kính của chúng ta...
Mọi người chăm chú nghe, gật đầu tỏ ý tán đồng :
- Chí lý ! Ông Mười Xe Lam mỉm cười nói. Chí lý ! Nhưng
cái đó khó kiếm lắm, thưa cụ Cử.
- Thì có khó mới quý chứ ! – mấy người khác nói xen vào –
Hãy cứ để cụ Cử cho nghe xong đã nào.
- Vâng – nhà nho lão thành ung dung tiếp – tôi xin nói
nốt. Tôi biết tính nết của ông giáo. Ông rất mực cần kiệm và ông không thích
mọi người hoang phí, nhất là vì ông mà hoang phí. Do đó, điều chắc chắn là
chúng ta tuyệt đối không nên mua bất cứ tặng phẩm gì cho ông. Trái lại, chúng
ta nên tự tay mình tạo nên một cái gì có tính cách mỹ thuật mà biếu ông thì
hơn.
"Tôi vừa nghĩ ra được một thứ vừa đẹp, vừa bền, mà
mỗi người trong chúng ta đều có thể góp phần tạo nên. Chắc ông giáo không nỡ
trách chúng ta bầy vẽ...
Nói đến đây, cụ Cử ngửng đầu lên, đưa mắt nhìn khắp cử
tọa đang sốt ruột chờ như học trò chờ đáp số một bài toán khó.
Khề khà nhấp giọng một hớp trà, cụ Cử mỉm cười nói tiếp
:
- Thưa quý ông, đó là một bức hoành. Một bức hoành phi
sơn then thếp vàng thật đẹp mà ông giáo có thể cho treo ở giữa gian phòng
khách.
- Làm sao chúng ta có thể làm được một bức hoành ? – Mọi
người nhao nhao hỏi.
- Được chứ sao không ? – Cụ Cử từ tốn đáp – Này nhé, ông
Năm thạo về đồ mộc lo kén thứ gỗ cho thật tốt. Ông Liên gia trưởng, tôi biết,
có tài trạm trổ khéo lắm. Về sơn thếp, đã có ông Phó trứ danh đây rồi. Còn khoản
chữ nghĩa, cứ để phần tôi. Tiền mua sắm vật liệu chẳng đáng bao nhiêu, tôi đề
nghị để bà con tùy hỉ. Còn công thì mỗi người góp vào một ít, ai thành thạo
việc gì thì mó tay vào việc ấy. Quý ông nghĩ sao ?
Ông Phó Thản có vẻ thích chí nhất vì sơn thếp là nghề
tay mặt của ông ta, và nếu đề nghị này được chấp thuận, ông ta có thể góp phần
nhiều nhất vào tác phẩm chung của cả xóm.
- Đồng ý ! – Ông Phó Thản lên tiếng trước – Việc sơn thếp,
tôi xin cáng đáng.
- Gỗ tốt cũng có ngay – ông Năm Trừ hớn hở góp lời – Các
cụ cứ hô lên một tiếng, nhà cháu xin chu tất.
Ông Ba Trực hỏi :
- Nhưng cụ Cử định cho những chữ gì đấy ạ ?
- Chữ có sẵn mà, ông Ba – cụ Cử đáp – Không cầu kỳ song
vẫn trịnh trọng. Tôi đề nghị bốn chữ "Lương sư hưng quốc". Các ông
nghe có được không ?
- "Lương sư hưng quốc" – ông Ba Trực lẩm nhẩm –
Hay ! Bốn chữ này tặng ông giáo thật không còn gì xứng đáng bằng. Chỉ e ông quá
khiêm tốn mà không chịu nhận.
- Không lo ! – Cụ Cử vội trấn an – Thiếu gì cách nói. Nếu
đây không phải là lời chúng ta xưng tụng ông giáo mà chỉ là lời tâm nguyện của
chúng ta thì ông giáo từ khước vào đâu được. Vả lại, đó chẳng phải là hoài bão
của một nhà giáo đúng đắn hay sao ?
Mỗi người nói một câu, mỗi người dành một phần mua sắm.
Riêng hai chuyên viên sơn và mộc được bữa đắt khách, gạt ra không hết người xin
phụ tá.
- Được rồi ! được rồi ! – Ông Năm Trừ vừa cười vừa nói –
Nghề của tôi cũng chẳng khó khăn bao nhiêu, vị nào muốn xung phong làm phụ cũng
cứ được. Chịu khó và khéo tay một chút là xong tất.
Ông Phó Thản nửa rào đón, nửa khôi hài :
- Chỉ sợ quý ông chóng chán, chưa đâu vào đâu thì hăm
hở, nhưng đến khi bắt tay vào việc, thấy khó lại duỗi ra. Rồi lại than là thợ
cả khó tánh ! Có khi còn chửi là thợ cả làm phách cũng chưa biết chừng !. . .
*
Quá trưa. Mưa vừa tạnh. Ông Năm Trừ, nhà ở cuối xóm,
khuân tất cả cái xưởng mộc con con ra trước cửa làm việc cho mát.
Ông xoay trần ra bào những tấm gỗ dầy nổi vân, o bế
từng nhát bào như một nhà thơ chau chuốt từng chữ, từng vần.
Ngọn gió hiu hiu ve vuốt tấm lưng trần rộng và đen bóng
cúi rạp xuống trên chiếc bàn thợ chật hẹp. Cây ngọc lan buông làn hương dìu dịu
xuống hòa tan vào khoảng không gian trong vắt. Người làm việc, cả tâm hồn lẫn
thể xác, như được ướp trong gió mát, trong hương thơm.
Chưa bao giờ ông Năm được làm việc trong một không khí
thần tiên như thế.
Vốn là một người thợ giỏi, ông kiếm được khá nhiều
tiền. Vì đã ba đời làm thợ, ông ước ao và hết lòng lo cho thằng con trai đầu
lòng ăn học bằng người, đỗ đạt bằng người. Nhưng cậu con trai đua đòi chúng
bạn, tối ngày xách xe Honda đi chơi, không lý gì đến việc học. Cái hư hỏng của
thằng Nhân đã cầm chắc trong tay thì may sao gia đình ông giáo tới, y lân la
chơi với Thắng, con ông giáo, rồi học ngay được tính nết của cậu này. Rồi tuyệt
giao với các bạn xấu, bỏ la-de, bỏ thuốc lá, bỏ luôn cả những tiếng chửi thề để
tối tối cắp sách sang nhà ông giáo học thêm với bạn. Và kỳ thi này, y cũng đậu
như ai.
Mỗi kỳ thi, niềm vui của học trò mới đỗ thực ra chỉ có
chừng và chả mấy chốc loãng đi sau ngày yết bảng. Nhưng nỗi mừng của các bậc
phụ huynh thường to tát hơn và kéo dài rất lâu. Cái mừng của ông Năm thợ mộc
còn có những kích thước gia tăng gấp bội. Thằng con trai đầu đàn của ông tưởng
là đứa vứt đi, ai ngờ nay đã thành một tháng con khá đáng cho ông hãnh diện. Và
ông hãnh diện được góp một phần đáng kể vào việc tạo tác món kỷ vật để tạ ơn
ông giáo.
Ðang say sưa chau chuốt tấm gỗ vô tri, ông bỗng giật
mình ngửng đầu lên vì thoáng thấy một bóng người lạ mặt lướt qua.
Kẻ lạ mặt bước nhanh vào nhà lão Mười, cặp mắt cú vọ
không quên liếc vội về phía sau như sợ có người theo dõi.
- Quái ! – Năm Trừ cau mày tự hỏi – Thằng cha nào mà trông
mặt quen quen !
Ngó vào nhà lão Mười, còn thấy người khách lạ ngoái tay
khép cửa lại.
Nửa giờ sau, cánh cửa mở toang, người khách lạ bước ra,
đi vội vã như muốn tránh đôi mắt tò mò của người thợ mộc.
Mười Xe Lam tiễn khách ra khỏi cửa, đứng thẫn thờ trên
thềm trong khi Năm Trừ cũng ngừng tay dõi mắt nhìn theo ngươi lạ mặt. Tên này
bước rảo ra ngoài lộ nhưng đôi mắt vừa gian vừa ác không ngớt đảo thật nhanh
vào các nhà ở hai bên trong hẻm.
- Bạn mới của anh Mười đó hả ? – Năm Trừ lên tiếng hỏi –
Đã đến đây bao giờ chưa mà tìm nhà trúng phóc ? Khỏi cần hỏi thăm.
- Người quen chứ không phải bạn đâu, anh Năm. Y mới đến
đây lần đầu.
- Vậy hả ? Sao tôi ngờ ngợ như đã gặp y ở đâu rồi !
- Thảo nào ! – Mười Xe Lam đáp – Thảo nào, y cứ hỏi thăm
anh, nói rằng trông anh quen quen nhưng không nhớ tên.
- Rồi y có hỏi tên tôi không ?
- Có. Hình như y quen nhiều người trong xóm này. Từ ông
giáo Bắc đến chị em ông Liên gia trưởng.
- Vừa rồi tôi thấy y cứ ngó vào nhà chị em của ông Ba
Trực, đảo mắt lên nhìn số nhà và dừng bước hơi lâu trước cửa nhà ông giáo. Y
tên gì đó, anh Mười ? Người đâu ta ?
- Người ta kêu y là anh Bảy. Hình như tên y là Bảy Cát.
Đâu người Chương Thiện thì phải.
Năm Trừ vỗ đùi đánh đét một cái sau một lúc cau mày suy
nghĩ.
- Tôi nhớ ra rồi ! – ông Năm Trừ nói – Cặp mắt ấy đã thấy
một lần thật khó quên. Thằng đó người Vị Thanh, Hỏa Lựu, Bảy Cát, Bảy Cạt gì
đâu, tên cúng cơm của nó là thằng Bảy Két.
- Ủa ! Cha này rành quá ta !
- Rành chứ sao không rành !...
Năm Trừ dời khỏi bàn làm việc, bước lại gần Mười Xe
Lam, buông từng tiếng :
- Anh Mười cẩn thận đó nghe ! Con người đó không phải
thiện nhân đâu. Khéo kẻo oan gia đó !
Mặt lộ vẻ lo âu. Mười Xe Lam thẫn thờ đáp:
- Y bỗng dưng lại đây, tôi đã có ý ngờ. Y hỏi chuyện
loanh quanh, có vẻ muốn điều tra…
- Điều tra cái gì ? Điều tra ai ?
- Gia đình chị em ông Liên gia trưởng, Mười Xe Lam đáp.
- Anh nói sao ? – Năm Trừ hỏi gặng – Điều tra gia đình ông
Ba Trực thôi chứ !
- Không, anh lầm. Cả gia đình bà Hai Trung nữa. Y hỏi
về bà Hai có phần còn kỹ hơn về ông Ba nữa kìa.
- Lạ nhỉ ! Thế anh cho y biết những gì ?
- Tôi nghi thằng chả có những ý nghĩ đen tối nên tìm
cách đánh trống lảng. Thực ra, tôi cũng đâu có biết gì nhiều về hai gia đình
hiền lành ấy. Chắc anh cũng như tôi, chỉ biết đó là những người hàng xóm dễ
chịu mà thôi.
- Phải rồi – Năm Trừ đáp – Ngoài hai gia đình ấy, y còn
để ý đến ai nữa không ?
- Y hỏi dò hỏi dẫm về gia đình ông giáo Bắc.
- Còn tôi ?
- Cũng có, nhưng chỉ sơ sơ thôi. Có lẽ y không ngờ anh
ở đây. Nay tình cờ gặp lại thì hỏi qua loa vậy thôi.
- Anh nhận thấy giọng lưỡi của y thế nào ? – Năm Trừ hỏi.
- Thằng chả khôn quỷ lắm – Mười Xe Lam trả lời – Cứ hỏi
chuyện loanh quanh, cà kê dê ngỗng để mình không đoán được y chú trọng thực sự
đến nhà nào. Nhưng tôi nhận thấy câu chuyện quanh đi quẩn lại vẫn lộn trở về bà
Hai Trung. Sau mới đến ông Ba Trực. Còn về ông giáo, dường như y không ưa nhưng
chưa có thì giờ lý tới.
Năm Trừ thực thà hỏi bạn :
- Thái độ của y đối với anh ra sao ?
Mười Xe Lam cũng thẳng thắn trả lời :
- Y dè dặt vì không muốn để lộ tẩy. Nhưng cố ý đe dọa
ngầm. Cũng kín đáo lấy mồi nhử nữa…
Chắc y đã tìm hiểu sơ sơ các nhân vật xóm mình rồi, và
cho rằng tôi là thằng nghèo nhất xóm, đông con nhất xóm, làm cái nghề cũng tầm
thường nhất xóm, chắc phải là một con người bất mãn và dễ mua chuộc nhất.
Năm Trừ suy nghĩ một lúc lâu rồi đưa ý kiến :
- Vụ này có thể rắc rối đấy, anh bạn. Theo tôi, có lẽ
ta nên bàn với ông Ba Trực xem nên đối phó cách nào nếu thằng cha ấy còn giở
giói.
- Tôi cũng nghĩ vậy. Tối nay, cơm nước xong, anh em
mình cùng sang nhà ông Ba nói chuyện nghe.
- Được rồi.
Năm Trừ yên trí cúi xuống tiếp tục o bế tấm ván dầy đã
bào nhẵn được già nửa trong khi Mười Xe Lam đánh xe ra bến chạy mấy chuyến buổi
chiều.
__________________________________________________________________________