Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

CHƯƠNG IX_TRONG CẶP NẾN HỒNG


CHƯƠNG IX

BACCHUS

Không thèm trả lời những tiếng chào cất lên với giọng ngạo mạn, ông giáo khẽ bước tránh ra phía ngoài mấy thước để lắng nghe ý kiến của ông Ba Trực và ông Mười Xe Lam.
Từ trong lại có tiếng hỏi vọng ra :
- Có ông giáo Bắc ở ngoài đó không ?
- Có. Tôi đây. Ai như Chín Nhơn, Bẩy Cát đó phải không ?
- Phải, Chín Nhơn và Bẩy Cát đây. Sao ông giáo biết ?
- Biết chứ ! Bây giờ, các anh muốn gì ?
- Thương lượng !
- Được, nói đi !
- Chúng tôi muốn thương lượng một cuộc trao đổi.
- Trao cái gì ? Đổi cái gì ?
- Chúng tôi thả cậu Hùng. Các ông đưa tài liệu.
- Được. Nhưng tài liệu hiện không có ở đây.
- Không sao. Để đâu, ông về lấy đi. Hễ chúng tôi có tài liệu trong tay lúc nào là chúng tôi trả tự do ngay cho cậu Hùng lúc ấy.
- Nhưng trong khi chờ đợi, các anh không được trói chân, trói tay người ta như vậy.
Tiếng cười hà hà trong nhà vang ra cùng với lời đối đáp :
- Chúng tôi cũng biết, làm như vậy không được đẹp lắm. Nhưng vạn bất đắc dĩ phải phòng xa cho chắc ăn !
Ông giáo cười, trả lời bằng một giọng mỉa mai :
- Thì ra hai người già đời hoành hành, mỗi người nắm chặt trong tay một khẩu súng mà vẫn sợ một cậu bé "ăn chưa no, lo chưa tới" ?
Ở trong, có tiếng cười nhạt :
- Xin nhà giáo đừng nói khích. Chúng tôi phải đề phòng. Cẩn tắc vô áy náy, có thế thôi !
Ông Bắc bỗng nổi giận, giọng nói trở nên gay gắt quyết liệt :
- Không được ! Các anh muốn thương lượng, tôi đã bằng lòng thương lượng. Các anh muốn tài liệu, tôi cũng bằng lòng trao tài liệu. Nhưng điều kiện tiên quyết là các anh phải để học trò tôi được thong thả. Nếu không...
- Nếu không thì sao ?
- Nếu không thì không có chuyện thương lượng nữa. Các anh có con tin trong tay đấy, muốn làm nem, làm chạo chi, cứ việc làm ! Tôi không đưa tài liệu.
- Á à ! Liều hả ?
Giọng nhà giáo ôn tồn trở lại :
- Không phải là chuyện liều hay không liều, mà là một vấn đề thể diện. Chúng tôi có thể chịu thua thiệt, nhưng chúng tôi không thích bị uy hiếp. Vả lại các anh sợ gì ? Một cậu học trò trói gà không chặt, trong tay không một tấc sắt, có gì đáng sợ đối với hai tay lịch lãm giang hồ lúc nào cũng kè kè hai khẩu Mauser cỡ bự ?
Thấy đối phương lặng thinh, chắc chúng đang phân vân, ông giáo nói tiếp, giọng vuốt ve thuyết phục :
- Này, tôi nói thật cho các anh rõ nhé. Các anh thừa hiểu đối với bộ máy ngặt nghèo của các anh, các anh chẳng qua chỉ là hai cái bánh xe hay hai cái đanh ốc tầm thường mà người ta quẳng đi lúc nào hay lúc ấy. Nhưng đối với chính bản thân các anh, các anh là những sinh mạng đáng quý, có phải thế không nào ?
"Các anh nên nhớ tính mạng các anh là của anh, chỉ nên hy sinh lúc nào thực quả không thể làm khác được. Nghĩa là, có hy sinh cũng phải cho đáng nghĩa hai chữ Hy sinh. Làm khác đi là dại, là ngu xuẩn...
"Bây giờ tuy các anh nắm được một con tin thật đấy, nhưng các anh lại đang nằm trong một cái rọ, không lối thoát. Tôi nói thật : nếu học trò tôi có bề nào thì chắc chắn các anh cũng phải tan xác : Hai ba cái chết lãng nhách !
"Trái lại, đáp ứng lời tôi, các anh có mất mát gì đâu ? Chẳng những thế, các anh lại còn có triển vọng hoàn thành được công tác của các anh nữa...
Chúng nhượng bộ :
- Thôi được ! Đồng ý cởi trói cho con tin. Nhưng bao giờ trao tài liệu đây ?
- Trong một tiếng đồng hồ.
- Sao lâu vậy ? Không được, không được !
- Nếu để ở đây thì chỉ hai phút là có ngay. Nhưng trong nhà tôi không có tủ sắt nên hồi chiều, tiện đường tôi đã ghé nhà một người quen gửi ở một chỗ chắc chắn. Bây giờ đi lấy về, khứ hồi một tiếng đồng hồ là nhanh lắm đó.
- Không phải đã giao cho Cảnh sát chứ ?
- Không. Hôm nay chủ nhật mà !
- Thôi cũng được. Bây giờ là 7 giờ 15. Đúng 8 giờ được không ?
- Chắc không được quá vì không đủ thì giờ vừa đi vừa về. Lẹ nhất cũng phải đúng 8 giờ 15. Tuy nhiên, nếu không bị kẹt xe, tôi về sớm được lúc nào sẽ trao đổi ngay lúc ấy.
- Được rồi, ông giáo đi đi. Chúng tôi để cho cậu Hùng được thong thả đây...
Trước khi đi, ông giáo ghé mắt nhìn qua khe cửa thấy chúng quả nhiên đã rút giẻ trong miệng Hùng ra và đang cởi giây trói. Xong đâu đấy, hai tên ngồi xuống ghế kèm hai bên Hùng, cả ba có vẻ cùng bình tĩnh chờ biến chuyển.
Sau khi khẽ ra hiệu bảo những người có mặt ở đây theo dõi những gì xảy ra ở bên trong, ông Bắc dắt tay ông Trực vào trong nhà của ông này ở kế bên. Thắng và Dũng cũng vào theo.
Biết ý, ông Trực đưa ông giáo đi thẳng xuống sân quan sát một lúc trước khi trở ra phòng khách.
Chủ nhà trình bày :
- Thưa, trừ ngôi biệt thự của ông giáo ra, tất cả các nhà trong hẻm này đều là nhà trệt và kiến trúc cùng một kiểu. Ở ngoài cùng là một hàng ba. Gian chính là một phòng dài ngăn làm đôi bằng một bức tường lửng. Rồi đến một cái sân nước vuông vức mỗi bề bốn thước. Sau chót là nhà bếp, nhà cầu...
"Các nhà đều chung vách. Thoạt kỳ thủy, tường ở sân chỉ cao có hơn hai thước. Leo lên mặt hồ nước xây sát tường, người ở nhà bên này có thể ngó sang nhà bên kia một cách dễ dàng. Cái đó thật bất tiện nên nhà nào cũng nâng cao bức tường ấy lên cho đỡ trống trải. Nhiều nhà xây kín luôn, trên lợp mái để cho sân đỡ ướt lúc mưa. Chỉ có bức tường ngăn bên này với chị Hai tôi là được nâng cao thêm có chừng một thước.
- Vâng, tôi đã thấy ông giáo nói Nếu tôi không lầm thì ở bên nhà bà Hai cũng có một hồ nước đối xứng với hồ nước bên này. Và hai cái hồ nước chỉ cách nhau có một bức tường ?
- Thưa, đúng vậy ông Trực đáp.
Dũng nói xen vào :
- Thưa thầy, anh Hùng với con thường nghịch, nhảy lên bờ hồ rồi phóng mình đu lên mặt tường chơi luôn. Từ nhà bên nọ, vượt tường sang nhà bên kia không đầy một phút đâu thầy.
Thầy y gật gù tin tưởng :
- Vậy là ổn. Một là thằng Hùng có lối thoát thân. Hai là ta có đường cho người qua đánh tập hậu.
Thắng đưa ý kiến :
- Thưa ba, con biết tính anh Hùng. Anh ấy không chịu tháo lui đâu. Nhất là đối với hai tên kia trông chả có vẻ gì ghê gớm lắm.
- Biết rồi ! Ông giáo mắng yêu Ai còn lạ gì tính khí mấy cậu ! Điều cần nhất bây giờ là phải chỉ cho thằng Hùng biết con đường phải theo để liệu mà tiến thoái. Thằng nhỏ ấy được cái sáng ý lắm, chỉ thoáng nghe một tiếng, nó có thể luận ra ngay...
Câu chuyện được nhà mô phạm xoay đột ngột sang hướng khác :
- Ông Ba nhỉ, bên bà Hai chắc không sẵn rượu ngon ?
- Dạ, thường thì như vậy. Nhưng bữa Tết, có người cho chai huýt ki. Khách lại không có mấy. Chắc hãy còn ít ra là già nửa chai.
- Vậy tốt ! Ông giáo hớn hở nói À, Hiền, vào đây thầy hỏi câu này. Nhà con hiện giờ có sẵn thức ăn không ?
Hiền ngạc nhiên trả lời :
- Thưa thầy, có ạ. Hôm qua, má con sai mua trữ thịt bò để chiều nay đi Kiến Hòa về làm bí tết. Hiện còn nguyên trong tủ lạnh.
- Vậy hả. Tốt lắm, tốt lắm ! Hôm nay, nhà thầy ăn bún chả. Con chạy ù ra nhà thầy, thưa với cô cho em Nga mang chả vào trong này mà nướng. Hai chị em xin phép bà Tư cho đặt lò ngay trước cửa nhà bà. Nhờ phải quạt thốc khói sang phía bên này để anh Hùng trong nhà nghe thấy mùi thơm...
- Dạ dạ.
Ông Bắc gọi cậu con trai lại gần, ghé tai dặn dò mấy câu rồi quay ra bảo Dũng :
- Con bắc thang leo lên gần đầu tường đợi lúc nào thằng Hùng có dịp xuống bếp thì liệu mà bàn bạc kín đáo với nhau. Viết sẵn ba chữ vào giấy mà liệng qua. Nhớ không được gây tiếng động. Cũng không được để ló đầu thang lên trên bờ tường đấy !
Ông Ba rút rè đề nghị vì biết tính nhà mô phạm ít thích rượu chè :
- Chả mấy khi ông giáo qua chơi, xin mời ông giáo dùng với tôi ly rượu.
Trái với tưởng tượng của chủ nhà, ông khách cười ha hả đáp :
- Thế thì còn gì bằng ! Nhưng xin một chút xíu thôi, ông Ba. À, nhà có mực không nhỉ ?
- Dạ có... Hòa ơi ! Nướng cho ba mấy con mực đi con.
Ông giáo gọi :
- Hòa, hãy ra đây thày dặn đã. Con bưng cái lò ra giữa sân mà nướng. Và quạt lia lịa cho mùi mực bay sang bên bác Hai nhiều chừng nào tốt chừng nấy.
- Dạ, dạ.

*

Ngoài hẻm tuy đông người nhưng yên lặng như tờ. Tiếng thằng nhãi xí xọn con ông Mười Xe Lam bỗng vang lên lãnh lót :
- Nghe đây, nghe đây ! Bà con hãy lắng tai nghe hàng "xực tắc" của chúng tôi sắp khai trương đây !
- Ủa ! một người hỏi đùa thằng Năm đổi nghề rồi hả ?
- Dạ. Em mới đổi tức thì đây. Nghề mới này phát tài hơn.
- Thằng Năm xí xọn vẫn làm chủ chứ ?
- Dạ không, nghề này to vốn lắm. Anh Thắng làm chủ, em chỉ làm phụ tá.
- Hà hà... Hà hà...
Mọi người đang cười rộ bỗng im bặt khi có tiếng hai khúc tre già đập vào nhau chan chát.
Cách gõ khác với lối thông thường của mấy gã khách trú rao loại hàng quà này.
Chậm rải từng tiếng một, có tiếng dài, có tiếng ngắn, rất dễ phân biệt. Khi hai thanh tre gõ tréo vào nhau, ta chỉ nghe thấy một tiếng chát cộc lốc, khác hẳn với tiếng kéo lê thê khi chúng đập vào nhau bằng cả một chiều dài.
Trước hết, người ta nghe thấy một tiếng dài, ba tiếng ngắn. Rồi một tiếng ngắn, một tiếng dài. Rồi một dài, một ngắn, một dài, một ngắn. Lại một dài, một ngắn, một dài, một ngắn. Kế đến bốn tiếng ngắn. Tiếp theo là hai tiếng ngắn, một tiếng dài. Sau hết là ba tiếng ngắn.
Suốt hẻm lặng trang, trong cũng như ngoài. Ai nấy lắng tai nghe.
Hùng vẫn điềm nhiên, mặt không để lộ một nét nào khác lạ. Trong khi đó, tên Chín lấy giấy bút ra ghi. Hùng cũng không buồn đưa mắt coi y ghi những chữ gì.
Tiếng gõ vừa dứt, tên cầm đầu bảo tên đồng bọn :
- Chúng thông tin kiểu điện báo đây mà. Nói nôm na là chúng đánh moóc.
- Chúng đánh những chữ gì ?
- Có bẩy chữ cả thẩy. Tôi đã ghi đây : B A C C H U S. Ba chữ đầu là BÁC, bốn chữ sau là CHÚ vì chữ S thay cho dấu sắc.
Y lẩm nhẩm nói một mình :
- Bác chú, bác chú ! Nghĩa là cái quái gì nhỉ ?
Quay sang nhìn thẳng vào hai mắt Hùng, y hỏi :
- Cậu Hùng ! Bác chú là cái ám hiệu gì thế ?
Hùng trả lời lừng khừng :
- Tôi đâu có biết ! Ám hiệu gì đâu ! Ối ! Hơi sức đâu để ý đến mấy thằng nhóc nó giỡn chơi. Chúng nó gõ đập ba lăng nhăng, ông bầy đặt hô là Bác với Chú. Tôi cho là chả có nghĩa lý chi hết.

__________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG X
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>