CHƯƠNG VII
GIẤY
TỜ TRONG RUỘT ĐÁ
Sáu giờ sáng.
Vừa dứt giờ giới nghiêm, tiếng động cơ đủ loại nổ giòn
tan, hứa hẹn trước một ngày náo nhiệt.
Ông giáo cũng như chiếc xe Peugeot khiêm tốn của ông đã
sẵn sàng.
Đám du khách đồng hành cũng sẵn sàng không kém.
- Có lẽ ta nên đi sớm cho mát – ông giáo đưa ý kiến.
- Dạ vâng, dạ vâng ! – tất cả vội biểu đồng tình.
Ông Ba và Dũng leo lên băng trước, ngồi cạnh ông giáo
cầm tay bánh.
Bà Hai, Bà Ba và Hiền, con gái bà Hai, chiếm băng sau
cùng với đồ lễ và các đồ lặt vặt khác.
Xe bon bon ra khỏi Phú Lâm khi mọi người bắt đầu chuyện
vãn.
- Thưa ông giáo – ông Ba nói – nhìn hiệu xe 203, tôi bỗng
nhớ lời người ta thường nói : Ở đời, đã có 2 thì không thể chẳng có 3. Ông giáo
nghĩ sao ?
- Đúng vậy đó, ông Ba. Đã có 2 rồi, sớm muộn cũng phải
có 3.
- Về vụ hẻm mình, chúng đã chơi hai ván và đã thua cả
hai sát ván.
- Ấy thế, chúng càng có lý do để gỡ bằng ván thứ ba.
Bà Hai nói chen vô trong gió lộng :
- Thưa ông giáo, tôi biết mặt tên Bẩy Cát. Y là một tay
sừng sỏ. Ngày xưa, y cũng đã ra mặt chống báng anh Tư. Y còn ở ngoài vòng pháp
luật ngày nào, e mình chưa yên được ngày đó.
Ông giáo gật gù khen :
- Bà Hai nói đúng. Ta chưa triệt được tên cầm đầu thì
mối lo của ta hãy còn.
Ông Ba cười nói :
- Theo ý tôi, cả hai ván bài, chúng cùng thua đậm, có
thể chúng không còn "láng" để đánh ván thứ ba mặc dầu chúng còn muốn
gỡ.
- Còn chứ ! – ông giáo cãi – Còn tên cầm đầu là còn
"láng". Và chúng vẫn còn hy vọng lật ngược thế cờ.
Nói đến cờ là ông Ba khoái vì đó là môn giải trí sở
trường của ông. Ông ví von :
- Cờ của chúng đã thua quân lại kém thế. Muốn thắng,
chúng chỉ có mỗi một cách là lừa lúc ta vô tình mà chiếu bí.
- Chính thế ! – ông giáo nói – Đánh cờ, đang thắng thế mà
thua oan là tại coi thường bên địch. Ở ngoài đời, chủ quan khinh địch cũng tai
hại y như vậy. Nếu chúng ta không đề cao cảnh giác, chúng có thể quất chúng ta
một vố thật cay chua.
Suy nghĩ lời nói thấm thía của người đối thoại, ông
Trực tỉnh ngộ nói :
- Trong trường hợp ấy, dù mình được hai ba trận trước,
rút cục vẫn là thua. Có khi thua đau hết lối gỡ, ông giáo nhỉ.
- Phải. Thì cũng như chiến tranh. Dùng binh, được thua
là sự thường. Nhưng cái quan trọng là phải thắng trận đánh cuối cùng. Nếu thua
15 phút sau cùng là thua cả cuộc chiến.
Đi chơi xa bằng xe nhà có cái thú là thỉnh thoảng đậu
xe lại ở dọc đường, ghé vào quán xinh xinh giải khát và mua một vài thứ thổ sản
để ăn chơi hoặc để làm quà. Bọn du khách này cũng không ra ngoài thông lệ ấy,
nhất là trong xe lại có các bà, các cô mà bản chất là hay ăn vặt.
Câu chuyện chuyển sang hướng khác khi xe lại bắt đầu
lăn bánh ở Tân An.
Ông giáo mở lời :
- Bàn chuyện kín một chút không gì thuận tiện bằng nói
trong khi xe chạy... Bà Hai có thể cho biết câu chuyện tấm bia của ông nhà
không ạ ?
- Ủa ! ông giáo biết chuyện tấm bia ? – bà Hai ngạc nhiên
hỏi lại.
- Dạ biết ! – ông giáo thản nhiên trả lời.
Bà Ba, Hiền và Dũng cùng kinh ngạc vì chính họ những
người trong nhà, họ không biết tí gì về chuyện ấy.
Bà Hai bắt đầu kể :
- Hình như có lần tôi đã nói chuyện ốm đau của nhà tôi
cho ông bà giáo nghe rồi thì phải. Nhà tôi đau cả năm, thuốc nào uống một hai
thang đầu cũng thấy đỡ được chút xíu, nhưng đến thang thứ ba thì đâu lại hoàn
đó. Nhà tôi dường như biết mình không thể qua khỏi được nên để những tháng cuối
cùng lo lắng tỉ mỉ về hậu sự. Người ta thì lo đến cỗ quan tài. Nhà tôi, trái
lại, chỉ chú tâm đến tấm bia để làm mộ chí. Ổng lần mò sang tận xã kế bên kiếm
người quen chuyên gọt đá tạc tượng, đặt làm một tấm bia thật đẹp. Rồi đem về
nhà, tự tay ổng o bế từng li từng chút...
Nét mặt ủ ê để tâm hồn quay ngược dòng thời gian về dĩ
vãng, bà Hai lặng người giây lâu trước khi nói tiếp :
- Tôi không bao giờ làm trái ý nhà tôi, nhất là không
nỡ để ổng buồn lòng trước khi nhắm mắt, nên cứ để ổng tự ý muốn làm gì thì làm.
Thấy ổng ngày ngày chăm sóc tấm bia cứ tưởng thế nào ông cũng dặn sau này phải
chôn nó cho thật cao để mọi người chiêm ngưỡng. Sự thật trái ngược lại hoàn
toàn. Ổng cầm tay tôi, dặn đi dặn lại : "Mình phải nhớ cho kỹ và chớ nói
lộ cho ai biết việc này. Anh Tư vừa là bạn thân, vừa là người có ơn lớn với gia
đình ta. Một ngày kia, ảnh sẽ gặp chuyện rắc rối với chính quyền quốc gia mà
ảnh phục vụ hết mình. Tấm bia này sẽ giúp ảnh thoát khỏi được những chuyện rắc
rối ấy".
"Bằng cách nào ? – Tôi hỏi lại.
"Mình không cần biết – nhà tôi đáp – Nguy hiểm lắm.
Mình đừng nên biết thì hơn... Mình nhớ kỹ lời anh dặn :
"Thứ nhất là phải chôn thật sâu tấm bia đá này.
Chỉ để hở một chút xíu lên cho khỏi mất dấu tích mà thôi. Không cần để cho ai
đọc những chữ khắc sâu trên đó làm gì, mình nhớ chưa ?
"Thứ hai là khi nào an ninh ở xã mình được vãn
hồi, thế nào anh Tư cũng gặp chuyện khó khăn. Lúc ấy, mình phải bàn với chú Ba,
nhờ chú coi trong số người quen có ai là người tài đức vẹn toàn thì khẩn cầu
người ta làm cố vấn giúp cho. Rồi lấy cặp nến hồng anh cất ở đáy rương lên. Trước
sự chứng giám của vị cố vấn, cứ việc thắp nến lên, khắc rõ...
"Anh thiêng lắm mà ! – Nhà tôi còn khôi hài với tôi
như vậy.
"Sau này – nhà tôi dặn tiếp – nhờ người có cơ duyên
hiểu được ý nghĩa những gì anh trối lại, anh Tư được vô sự rồi, mình muốn dựng
bia lại cách nào tùy ý...
Ông Ba tiếp lời :
- May phước mà chúng tôi gặp được ông giáo. Nếu không,
chắc cặp nến hồng và tấm bia đá có cũng như không. Nỗi oan của anh Tư sẽ không
bao giờ giải được và anh Hai tôi ở dưới suối vàng chắc phải ân hận lắm.
Cảm động trước sự phát giác của bà Hai và lời lẽ chí
thành của ông Ba, nhà mô phạm trầm ngâm suy nghĩ trước khi nghiêng đầu sang
phía ông Ba hỏi :
- Gia đình nhà ta hiện còn nhiều người quen thân ở
trong xã không ?
- Dạ, thiếu gì – ông Ba đáp – Toàn là trong họ, ngoài
làng cả. Xã trưởng là em bà con của chúng tôi. Một số lớn người trong làng cũng
là những người đã chịu ơn của anh Tư.
- Vậy tốt. Ta về tảo mộ cho ông Hai thế này chắc không
ai thắc mắc ?
- Không có đâu. Thấy chúng tôi về thăm làng, họ mừng
còn không hết.
*
Họ mừng thật sự khi thấy chiếc xe hơi chậm chậm tiến
vào trong làng và đậu trước nhà ông xã trưởng.
Trái với những thị dân vì quá khôn ngoan nên dễ đa
nghi, người nhà quê chất phác hiếu khách một cách thật chân thành.
Nhất là thời tăm tối đã qua, cái thời mà bất cứ ai dù
thân nhau cách mấy cũng phải e dè "giữ miếng" với nhau.
Thời ấy qua mau và cái bản chất hồn nhiên bấy lâu tưởng
như biến mất đã quay trở lại thật lẹ với những người chân lấm tay bùn vốn yêu
điều thiện và ghét những gì là gian ác.
Đoàn người từ Saigon tới được ông xã trưởng mà chị em
bà Hai kêu là chú Sáu tiếp đón niềm nở. Vợ con ông ta cũng mừng vui tíu tít
Bà Hai vừa hàn huyên với vợ chồng ông Sáu, vừa lăng
xăng tặng quà cho sắp nhỏ trong khi bà Ba soạn đồ lễ để ra đồng tảo mộ.
- Từ ngày xã ta yên – ông Sáu nói – chúng em đã thay anh
Ba và các chị trông nom các mộ phần chu đáo. Ngôi nào, em cũng cho sửa sang lại
vuông vắn đàng hoàng. Có điều tấm bia trên mộ anh Hai sao lún xuống sâu quá, em
không dám tự ý đổi dời. Hôm nay, có chị Hai về đây, em đề nghị đào tấm bia lên,
gột rửa cho sạch sẽ rồi chôn lại cho ngay ngắn...
- Vâng – bà Hai đáp – cảm ơn chú thím Sáu đã chiếu cố cho
anh Hai giùm chị và các cháu. Lát nữa, tảo mộ xong chúng tôi sẽ làm y theo lời
chú nói.
Ông giáo Bắc chậm rãi tiếp lời :
- Ông Ba sợ chữ trên bia mờ nhạt hết nên có lẽ phải tô
lại cho sáng sủa. Tôi có mang theo đầy đủ cả sơn, cả cọ và mấy ngọn bút lông.
Việc này dễ, thầy giao cho Dũng lo, được không ?
- Thưa thầy, được ạ.
Buổi trưa, đi thanh minh về, cha con ông Ba khệ nệ
khiêng để giữa sân, cạnh bể nước, tấm bia đầy bùn đất.
Sau khi chính tay mình kỳ cọ tảng đá từng li từng tí,
ông Ba hết sức ngạc nhiên nhận thấy tấm bia chẳng có điểm chi khác lạ. Ông tự
nhủ :
- Cái điệu này, nếu không có ông giáo nhúng tay vào
giúp đỡ, chắc mình mù tịt vẫn hoàn mù tịt. Thế mới biết chỉ thiếu một chút
thông minh, những gì bầy ngay ra trước mắt còn không trông thấy, nói chi đến
những điều bí mật !
Lau chùi khô ráo tấm bia xong, hai cha con lại hì hục
khuân vào để giữa phòng dành cho khách nghỉ trưa.
Ông giáo bước vào với túi đồ nghề nhỏ xíu trong đựng
vài ba món rất thông thường : con dao, cái vặn đanh ốc, cây kìm, cây búa và
thanh đá nam châm.
Không hiểu ông loay hoay cách nào mà chỉ một loáng mặt
bia được mở ra như một cánh cửa. Từ trong lòng đá, ông lôi ra một gói vuông vắn
bao bằng giấy dầu khô ráo trước cặp mắt vừa kinh ngạc vừa cảm phục của cha con
cậu Dũng.
- Có vậy thôi – ông giáo tuyên bố sau cái khoắng tay
phối kiểm khắp trong ruột tấm bia – Ông Ba cất lẹ đi. Chiều, lên xe hãy mở coi.
Ông Sáu đã về tới kìa.
Quả nhiên, từ ngoài cổng tiến vào, có tiếng oang oang
của ông xã trưởng :
- Xong chưa, bà xã ? Bầy lên đi để tôi đèn nhang khấn
các cụ về chứng giám.
Ông Sáu bước vào trong phòng khi tập tài liệu đã nằm
yên trong chiếc cặp da của ông Ba.
- Bữa nay có mấy việc cần thanh toán gấp ngoài trụ sở
thành ra tôi không có ở nhà để tiếp ông giáo cho phải phép. Tôi thực có lỗi
quá, xin ông giáo và anh Ba bỏ qua cho. Mời ông giáo và anh Ba ra nhà khách
dùng trà.
Tất cả kéo ra để một mình Dũng ở lại, hí hoáy với hộp
sơn, cây cọ và tấm bia sạch như mới.
*
Buổi chiều, trên đường về, ông Ba mở gói giấy dầu ra,
tấm tắc khen ông Hai cẩn thận. Tập tài liệu cất giấu mấy năm dưới đất mà không
ẩm, không rách. Tờ nào cũng còn y nguyên dấu son đóng thật rõ dưới những hàng
chữ đánh máy nét sắc như cắt.
- Tuyệt ! Anh Hai hay tuyệt. Tập tài liệu này tới tay
nhà chức trách lúc nào, anh Tư sẽ được trả tự do ngay lúc ấy, là cái chắc !
Bà Hai nói :
- Nhà tôi gan thế đấy ! Nhất định không chịu nói cho vợ
con hay. Có khi chính anh Tư cũng không biết nhà tôi cất giấu cách nào.
- Chính thế đó chị. Các ông ấy tin nhau mà. Anh cũng
tin chị chớ sao không, nhưng sợ chị mang họa nên không dám nói rõ. Cái quan
trọng nhất là anh vô cùng tin tưởng ở tương lai. Anh tin là có người sẽ tới
giúp lấy tài liệu ra đúng lúc.
Xe về đến Phú Lâm thì mặt trời đã lặn mất từ bao giờ.
Một chút ánh chiều còn sót lại loãng lan trong không gian mờ mờ bóng tối.
Xe đang chạy bon bon bỗng ông giáo sa sầm nét mặt, kêu
lên thảng thốt :
- Chết rồi !
Mọi người hoảng hốt không hiểu việc gì đã xẩy ra.
- Tôi linh cảm giờ này ở nhà có chuyện không hay.
Với một giọng buồn buồn, ông giảng tiếp :
- Từ lúc lên xe ra về, tôi bỗng cảm thấy như mình có
một điểm nào sơ hở. Nghĩ mãi không ra. Lúc trời tối sập xuống cũng là lúc óc
tôi vừa lóe sáng... Và tôi đã nhìn thấy chỗ sơ hở đó…
"Ông Ba à, cái sơ sót của chúng ta là vẫn quá ỷ y
vào chỗ mình có chính nghĩa. Chúng ta lý luận rằng giữa ban ngày ban mặt chúng
không dám hành động láo lếu. Còn ban đêm tối tăm thì đã canh phòng nghiêm mật.
Và chúng ta quên bẵng đi rằng anh em Nhân dân Tự vệ chỉ khởi sự canh gác từ bảy
giờ tối trong khi trời đã bắt đầu nhá nhem từ sáu rưỡi. Cái khoảng thời gian
nửa tiếng đồng hồ từ sáu rưỡi đến bẩy giờ ấy chính là thời gian bỏ ngỏ nằm giữa
khoảng không gian tranh tối tranh sáng rất thích hợp với những việc làm ám
muội...
"Chúng ta cũng quên luôn rằng mới cách đây có hai
hôm, cũng đúng vào lúc tranh tối tranh sáng như vậy hai tên đã ngang nhiên vác
súng tới hẻm mình, xâm nhập vào nhà bà Hai ngay giữa đám tiệc !...
"Tôi lờ mờ cảm thấy chiều nay, vào giờ này, chúng
dám giở thêm một trò mới lạ...
Ông Ba dường như cũng bị cùng một mối lo xâm chiếm. Ông
ngập ngừng đưa ý kiến :
- Ông giáo đã tiên đoán ắt không sai. Để tập tài liệu
được nằm trong một bàn tay chắc chắn, xin ông giáo làm ơn giữ giùm cho.
Ông giáo trả lời sốt sắng :
- Được, được, để tôi giữ giùm cho. Không, ông Ba cứ giữ
cái cặp như thường chứ. Ông lấy cái gói giấy dầu ra thôi, rồi nhét vào trong
cái túi nhỏ này của tôi là đủ. Tiện tay, ông tống mấy tờ báo cũ vào trong cặp,
độn nó phồng lên cho có vẻ quan trọng...
Đến nhà, xe vào thẳng trong sân bằng cổng sắt lớn trông
ra ngoài lộ. Bà giáo niềm nở mời khách vào trong nhà giải khát nhưng tất cả đều
xin phép về qua nhà cái đã.
Ra cửa gặp ngay thằng Lưu xí xọn. Câu hỏi đầu tiên của
ông Ba là :
- Ở nhà có gì lạ không cháu Lưu ?
- Thưa bác, không ạ. À, nhà bác Hai có khách.
- Ai vậy ? – Ông Ba ngạc nhiên hỏi.
- Cháu cũng không biết nữa. Có hai ông ăn mặc lịch sự
vào thẳng nhà bác Hai từ nãy giờ. Lúc đó anh Hùng đi họp Hướng Đạo đã về. Hiện
giờ hình như các ông ấy còn đang ngồi chờ bác Hai.
Tay nắm chắc quai chiếc cặp da căng phồng, ông Ba rảo
bước đi vào trong hẻm. Ngoái đầu lại thấy hai bà hãy còn đứng nán lại nói
chuyện đôi câu với bà giáo có nhã ý tiễn khách ra tận ngoài đường.
Không tiện giục, ông xăm xăm đi trước để mặc hai bà
lững thững theo sau.
Sực nhớ còn Dũng và Hiền không biết chạy đâu, ông lắc
đầu lẩm nhẩm :
- Thoắt một cái đã biến đâu mất ! Chắc lại tạt vào nhà
đứa nào ở đầu hẻm !
Ông vẫn xăm xăm bước tới. Chưa đến cửa, tiếng nói đã
oang oang :
- Hùng ơi ! Má mày về tới kìa !
Lời nói chưa dứt, một chân đã bước vào trong cửa :
- Ối !
Vừa giật mình kêu lên một tiếng thất thanh, vừa vội
vàng nhảy lùi ra, ông Trực kinh ngạc thấy chiếc cặp da của mình đã bị người ở
trong nhà đoạt mất.
Cánh cửa sắt đóng sập lại một cách vội vàng, tiếng rít
chói tai phụ họa với tiếng cười ngạo nghễ và đắc chí của hai người khách lạ.
___________________________________________________