Mỗi lần nhìn lui tôi đều bắt gặp đôi mắt đó, đôi mắt to đen đầy vẻ ngơ ngác tò mò, vẻ dại khờ chểnh mảng mà cũng thơ mộng thiết tha. Đôi mắt xoáy buốt nhìn tôi như muốn nói một cái gì. Tôi nhìn một hồi lâu, bắt gặp ánh mắt đó, vội quay phắt lại làm nghiêm vì cô giáo đang chú ý. Tuy thế tôi vẫn có cảm tưởng mình bị nhìn. Cái nhìn đậu trên vai, trên tóc, khó chịu lạ. Phải cho cô bé này một mẻ mới được, nhìn người ta gì mà nhìn hoài thế. Tôi định bụng thế từ lâu, từ ngày vào lớp này và hôm đầu tiên bắt gặp cái nhìn đó. Mãi mà vẫn chưa làm gì được.
Buổi học vào giờ chót uể oải quá, hơn nữa, lớp học hoảng vía vì cô giáo đang "ráp" vở. – Các em muốn học với tôi phải đủ: một vở kim văn, một cổ văn, một vở đọc văn, một giảng văn, một vở luận, một manh giấy trắng, chỉ chừng ấy thôi, – đó là lời khai mạc hôm cô giáo vào lần đầu. Hồng Loan, liên đội phó, "chì" một cây, nói nhỏ:
- Chà, cô nầy trông bộ hách quá, làm sao bọn mình "cúp cua" như năm ngoái đây Hương.
Thật nhanh, tôi nhớ lại kỷ niệm một năm qua, kỷ niệm bao giờ cũng làm chúng ta bàng hoàng khi nhắc đến. Thôi giã biệt hết kỷ niệm, những hò hẹn bát phố cả bầy cả lũ, những giờ "cúp cua" đi xinê, rồi bị cấm túc cũng chừng ấy khuôn mặt. Thôi giã biệt những đêm họp làm báo, những hạt ngô rang nóng hổi mùa đông, những tháng ngày lửa hạ mát người với ly kem Huế. Bây giờ chúng tôi ngồi đây, vẫn còn đủ các khuôn mặt một thời vui trẻ, được thêm những nét vui độc đáo từ các "miền" khác vào "hội", chúng tôi đang ngồi đây nhưng đứa nào cũng đang "bấn xúc xích" về "vụ" khám vở. Phần tôi tạm đủ, nếu không quên tập giấy manh. Lần lượt từng đứa một được gọi lên, tôi hoảng vía, run bắn cả người, bấm khẽ Vân:
- Có tập giấy nào không mày, tao quên mất.
- Nguy chưa, đầu niên khóa mà bị "bà" trù thì "xui" cả nắm đấy, mày hỏi con Thái xem.
Cô bé tóc dài tên Thái khi tôi hỏi đến thì mặt nhăn như khỉ ăn ớt và sắp sửa toát mồ hôi, cũng chẳng có kết quả gì nốt. Tôi đã cầu cứu cả nhóm, từ Thu Lan, Việt Tú, Bạch Mai, Hải Sâm, cô nào cũng "kẹt". Thôi đành chịu vậy. Giữa lúc đó, một bàn tay vỗ nhẹ vai tôi, tôi quay lại, vẫn cô bé đó, vẫn đôi mắt nai tơ mở lớn nhìn tôi, tôi bực mình sẵn định "cự" nhưng một giọng nhỏ nhẹ đã nói:
- Hình như chị Hương Kim Long quên đem theo giấy manh, em có sẵn dư một tập, chị có thể lấy dùng.
Tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao cô bé này biết tên "tục" của mình, định hỏi nhưng thôi.
- Chắc là chị lầm, tôi tên là Hương chứ không phải Hương Kim Long, vâng, cám ơn nhiều về tập giấy, mai trả nhé, à tên gì thế?
- Em là Túy Tùng, chị cứ lấy dùng, khi nào trả cũng được.
- Cám ơn Túy Tùng, một lần nữa.
Tôi cầm tập giấy manh trong tay, cũng vừa nghe gọi tên lên khám vở. Mọi nỗi lo sợ thoáng qua lúc trống trường điểm ba tiếng.
*
- Hương ơi ghé qua phố chút rồi về nhá?
- Bọn bây đi đi, mai gặp nhé, tao cần điều tra vụ nầy chút.
- Gì mà ghê thế, à tao biết rồi, nó có con bé mắt to mới bắt bồ đó, thôi bọn tao đi nghe.
Hồng Lam, Thái, Vân đi rồi tôi vẫn còn ở lại, cố đợi Túy Tùng để hỏi xem.
- Chưa về sao chị Hương Kim Long?
- Đã nói với Tùng là mình không phải Hương Kim Long, chắc quen cô nầy lắm sao mà nhắc tên hoài thế.
Túy Tùng mỉm cười bí mật:
- Thôi mà chị, em dư sức biết chị là Hương Kim Long viết trong Tuổi Hoa, giấu làm gì. Em đọc nhiều bài của chị và "si" chị lắm. Em điều tra xem Hương Kim Long là ai, và sau một thời gian, em đã biết chị rõ, em muốn kết thân với chị không biết có được không chị Hương?
Tôi bồi hồi cảm động nhìn Tùng với ánh mắt âu yếm, không còn xa lạ:
- Tùng muốn kết thân với Hương? Được lắm chớ. Tùng về đâu?
- Em cùng về một đường với chị, qua đò Thừa Phủ, rồi vào cửa Thượng Tứ, gia đình em ở trong Thành Nội.
Hai đứa ra khỏi cổng trường, ánh nắng chiều lung linh trên những tà áo trắng, thế giới của Huế, của quê hương thứ hai tôi, con đường Lê Lợi ngập đầy bóng trắng và những mái tóc dài thả gió lê thê. Tôi yêu Huế như yêu Hà Nội, yêu đường Cổ Ngư như yêu đường Lê Lợi này. Mỗi một quê hương, cùng một khung trời tưởng nhớ, cũng những hàng phượng cao vút, trổ hoa đỏ thắm về mùa hạ, trơ trụi khô cằn ở gió đông, hay bàng hoàng uể oải về mùa thu, đó là Huế, một nét rất tầm thường nếu ai đến và đi trong chốc lát, nhưng nếu ai có một quê hương đã mất, phải so sánh, thì đó là một tuyệt diệu, một thích thú rã rời.
- Chị làm thơ đấy hở chị Hương? – giọng Tùng đánh thức tôi.
- À, chị nghĩ không hiểu vì sao Tùng lại biết chị là Hương Kim Long.
- Bây giờ văn sĩ chịu nhận rồi đấy nhé. Làm sao biết chị hở, bí mật mà. Em đọc chị, và thấy chị gần em quá, chị diễn tả nỗi buồn của em, của quê hương đày đọa bên kia, của năm cửa Ô xưa Hà Nội đã cách ngăn vời vợi. Em đọc Thế Giới Của Ngoại với một cảm xúc vô biên, cảm xúc của một đứa con về quê hương tuổi nhỏ đã trở nên một đất cấm, một lưu đày khổ ải. Mẹ em còn bên đó, đã lâu rồi em chẳng được thư hay là một tin tức nào, không biết Mẹ còn hay mất, em yêu Mẹ hơn cả chính em, nhớ mãi mùi thơm phưng phức ở chiếc áo ấm của Mẹ, nhớ đôi môi nhai trầu không lúc nào ngừng của Mẹ, yêu Mẹ luôn cả những lúc Mẹ đánh đòn đau lắm cơ, thế mà Mẹ đã bỏ ba, bỏ em, bỏ anh Toàn, bỏ chị Hải, để ở lại với cầu ao bến đá, với ngôi mộ ông bà nội ngoại nằm đìu hiu trong nghĩa trang ngoại ô. Thật buồn phải không chị, bao giờ chị em mình mới trở lại được quê hương mình hở chị, em sợ khi em về thì Mẹ không còn nữa, như Mẹ đã viết trong bưu thiếp cách đây mười năm, em còn nhớ rõ: Bây giờ Mẹ sống như Mẹ đã chết, bởi những người yêu mến của Mẹ đã ở một vùng trời khác, đã đi và đem theo sinh khí của Mẹ hết rồi. Tuy thế em vẫn hy vọng mà chẳng biết bao giờ trở lại đó chị Hương...
Giọng Tùng nhỏ dần rồi dứt hẳn. Tôi thấy trong đôi mắt to đen có những hạt nước mắt rất nhỏ, rất mong manh như sương sớm, dễ tan biến, như niềm hy vọng của chúng tôi, những người tuổi trẻ với những hoài bão vượt ngoài tầm tay. Tôi bỗng thấy mình buồn lây, tôi nói nghe như không phải tiếng của mình mà của một người khác:
- Không biết bao giờ mình trở lại Tùng ạ, nhưng trong vườn tuổi thơ của chúng mình cứ trồng cây xanh hy vọng đi, bao giờ có trái chín, là ngày mình trở về vùng quê Mẹ, cứ tin đi, Tùng, một ngày kia mình sẽ về trong niềm kiêu hãnh đứa con cưng trở về đất Mẹ, chắc là vui lắm Tùng hở.
Không nghe tiếng Tùng trả lời, khuôn mặt đăm chiêu, tất cả thật buồn, thật buồn, chỉ có đôi mắt là rõ sáng, xoáy buốt lấy tôi, đôi mắt không còn xa lạ mà gần gũi như một thiết tha trìu mến.
Đò qua sông, hoàng hôn xuống thật chậm, những đợt sóng lăn tăn lấp lánh, những chuyến đò xuôi giòng thả về nẻo xa xôi. Đò cập bến, chúng tôi lên bờ.
- Thôi chị về chị Hương nhé, mai gặp. Mong rằng chị xem Tùng như một đứa em gái cùng quê hương.
- Vâng, Hương Kim Long sẽ yêu Tùng như một người chị yêu em. Bây giờ về đi kẻo Bố mong.
- Em về chị nhé.
Bóng Tùng bé nhỏ chen chúc giữa rừng người. Bỗng nhiên Tùng nhìn lại, tôi đưa tay vẫy vẫy và hét lớn:
- Về đi!
- Chị về trước đi, đừng nhìn em.
Tôi quay đi, được một khoảng ngắn nhìn trở lại vẫn bắt gặp đôi mắt Tùng. Tôi vội bỏ đi. Chuyến buýt xuôi miền Kim Long dừng lại, tôi nhảy vội lên xe, lòng nhen nhúm một nỗi buồn thật nhẹ.
Hương Kim Long