Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2019

Dỗ Mẹ Giấc Trưa


Vậy là em gái út tôi vào Trung học. Trung học Gia Long chớ ít ỏi gì! Thú thật với các bạn: đôi khi tụi to đầu chúng tôi cũng hơi ưng ức: đứa sắp thi Tú Tài hai, đứa đã Trung học đệ nhị cấp chớ, mà mẹ tôi lại tỏ ra rất coi thường chúng tôi. Trái lại, cái thứ lớp sáu (đệ thất ấy mà) của em út tôi được mẹ coi như một thành tích đáng kể, coi là niềm hãnh diện to lớn đối với bà. Nghĩ có kỳ không?

Không phải tôi nói ngoa đâu: mẹ tôi, trong câu chuyện với bạn bè thân sơ, láng giềng hàng xóm đều trưng vụ em bé út tôi được vào Gia Long bằng cái giọng nhũn nhặn... hờ hững... giả vờ thế này đây:

- Chào, cháu út vừa vào Trung học Gia Long. Thôi, thế cũng tạm yên. Chà! Lũ con nít bây giờ bày đặt gớm... Ấy, tôi vừa phải may cho mấy cái áo dài nội hóa đấy nhé! Trông nó thật...

Chả biết thật gì, vì đến đó, mẹ tôi ngừng lại cười, nụ cười tươi như cánh hồng dưới nắng sớm (cái này thì xin thú thật: mình bắt chước các ông văn sĩ đấy, chớ gần sáu năm nay mẹ tôi đã cúp vụ mua hoa tươi cắm trong bình đặt giữa xa lông mỗi chúa nhật, làm sao so sánh được? Cũng nên công bình mà tiết lộ cho các bạn biết: mẹ tôi cũng thẩm mỹ ra gì đi chứ đâu phải hà tiện hay tay mơ. Hiềm vì mỗi năm cơm cao gạo kém thêm lên, sách vở giấy bút đắt thêm lên, vải vóc cũng lên đều đặn, thành thử cái Đẹp phải nhường cho cái Ăn trước đó thôi).

Về phần con bé út thì sinh sau đẻ muộn mà lại tinh ranh: nó biết giá trị của nó: giá trị của một đứa con út ít trong nhà. Sau chuyến du lịch ngắn hạn ba tuần ở Đà Lạt, Nha Trang, Phan Rang về, nó nằng nặc đòi mẹ may ngay áo dài. Mẹ hẹn:

- Thong thả, gần nhập học sẽ may, may sớm, con lớn lên chật sao?

Mà thật vậy, nhờ gió rừng, gió biển, nó cao nhồng lên và tiếp tục cao thêm mới ly kỳ chứ! Ba tôi nhìn nó có vẻ hài lòng lắm. Ông chịu công nhận là đi nghỉ hè tốt thật, rất nên đi. Than ơi! Vậy mà năm nào hè đến song thân chúng tôi cũng cãi qua, cãi lại về vấn đề này: người đòi dắt con đi, người thì lắc đầu không thuận; rằng thì là: mợ dắt chúng đi hết, ta buồn, ta nhớ v.v...

Thấm thoát mà đến ngày nhập học. Nó có hai cái áo dài nội hóa (ý chà: ra vẻ ta đây người có tinh thần yêu nước, về tắm ao ta đấy mà!), hai cái quần xá xị, tất cả đều trắng tinh khôi. Trước nhập học hai hôm, nó mặc thử cho cả nhà ngắm nghía, lúng ta lúng túng nom đến buồn cười. Áo dài mini cẩn thận đó nghe, quí bạn! Quần thì chị Cả tôi là thẳng, cái li quần sắc cạnh tưởng như có thể dùng rọc giấy được chớ phải vừa sao!

Vì mới mặc áo dài lần thứ nhất, em tôi cứ chốc chốc lại lấy tay nâng vạt áo lên mỗi khi đi lại, trông thật... dễ yêu! (hồi giờ nó toàn mặc áo đầm trong khi đi học).

Thời khóa biểu trong nhà tôi lại thêm một lần đảo lộn, trước kia mẹ vẫn cao giọng thế này chứ:

- Tụi con lớn làm rầy mẹ đủ thứ, nào hạnh kiểm, nào giờ giấc đi học, nào áo quần v.v... Coi em út tụi bay đó coi: khỏe ru.

Mẹ không nói ngoa, trong khi bọn tôi, đứa đi học vào lúc 7 giờ sáng, trước sáu giờ đã dậy lục đục làm mẹ thức giấc theo đứa đi học vào 5 giờ chiều, làm mẹ phải nghĩ đến chuyện ăn uống trái giờ giấc, rồi thì đứa học thêm vào 7 giờ tối, đứa lớp đêm bãi học vào lúc 10 giờ; loạn xà ngầu. Riêng em út tôi luôn luôn ung dung đủng đỉnh: 7 giờ 30 nó mới bắt đầu rời cái giường, rửa mặt, thay quần áo, ngồi vào bàn ăn sáng đoạn đợi đến 8 giờ kém 10 mới xách cặp đến trường cách nhà có non trăm thước.

Bây giờ đây, con bé út vô Trung Học và ra đi vào lúc 1 giờ 30! Giờ đó trước nay là giờ mà nó và mẹ đã trải chiếu, nằm kềnh ra sàn gạch, nếu chưa ôm nhau ngủ thì là đang trò chuyện gì đó, hay mỗi người khư khư một cuốn sách rồi cứ chốc chốc mẹ lại la lên: "Con bé này lỳ hả? Mẹ đã biểu ngủ đi". Và luôn luôn nó ương ngạnh cãi lại: "Mẹ cũng chưa ngủ". Cuối cùng, mẹ đầu hàng vô điều kiện, buông sách xuống...

Hôm Bé đi học ngày đầu, mẹ giục dọn cơm ăn sớm "đặng em sửa soạn" thật y như thể là ngày xưa tử sĩ khăn gói lều chõng đến kinh kỳ ứng thí không bằng! Phần nó cặp kiếc đã chu đáo rồi, áo dài mini và quần dài trắng, tóc chải cát xít có len lén tẩm chút nước cô lôn của mẹ phảng phất mùi nước chanh, nó ghê lắm: nếu nó ăn cắp thứ thơm thực sự sẽ bị mẹ rầy Cô út nhà tôi đi học đấy, thưa các bạn!

Trong lúc chị cả tôi còn trong phòng tắm, nó bên ngoài cứ đi đi lại lại dáng bộ nôn nả, bồn chồn và tay vẫn không ngừng nâng vạt áo dài ở trước lên, vẻ mặt nghiêm nghị trông hách ra trò!

Mẹ biết ý nó, cao giọng giục chị tôi:

- Thu, lẹ lên đi chứ em nó đợi con kìa! Làm gì lâu lắc vậy? Bộ con tắm hả? Liệu đó, mới ăn xong mà tắm...

- Con đâu có tắm! Mà giờ này còn sớm, gấp gì? Ít nhất cũng 2 giờ 30 nó mới vô lớp, tới sớm làm chi, đứng ngơ ngơ...

- Em vô lớp 1 giờ 30 chớ không phải hai...

- Mày biết gì? Học gì học vào lúc 1 giờ 30...

- Thôi! Mẹ tôi lên tiếng bênh vực con út Bữa đầu, con cứ chở em đi sớm một chút, mai mốt sẽ hay.

- Thì mẹ cứ đi ngủ đi, mẹ ngồi chi đó cho mệt, để con chở nó được mà.

- Cái con nhỏ này... Mẹ ngồi đây can gì mày không? Mẹ chưa buồn ngủ...

Nói xong, mẹ che tay ngáp dài. Chị Thu cười:

- Không buồn ngủ mà mẹ ngáp. Mẹ cứ chăm cho con út mẹ thôi. Để cho con, con lo được mà.

- Mày  đừng lộn xộn. Mẹ chờ hai chị em bay đi rồi mới ngủ được không? Mày muốn cấm tao hở?

Và mẹ cứ ngồi đó, chờ cho đến lúc chị Thu xuống nhà xe, đem ra, nổ máy trong khi em bé vén quần, vén áo leo lên phía sau, mẹ đứng sau lưng hai con, cố vấn về cách ngồi, cách giữ cặp và nhắc lại bốn lần câu: "Nhớ cẩn thận nghe, đi chầm chậm nghe!" rồi thì cái xe mang hai con mẹ ra khỏi cửa sau thì mẹ vội vàng lên nhà, ra đón ở ngõ trước.

Đúng lúc đó, cái xe vụt ngang qua, mẹ lớn tiếng nhắc thêm lần chót:

- Nhớ cẩn thận! Đi chầm chậm, nghe con!

Đoạn mẹ quay vào nhà, lại ngồi ở xa lông, vớ tờ báo lên. Ba tôi trêu:

- Nhớ rồi phải không? Con út đi học rồi, mợ hết người chơi với rồi...

Và ba cười to. Mẹ buông tờ báo, giọng gây gổ:

- Mặc người ta, can gì ông không? Sao ông biết ta buồn? Can gì buồn?

- Coi, không buồn thì thôi, giận dữ làm chi? Hừ, không buồn, không buồn mà cái bộ y như... y như gà bị mắc mưa ấy...

- Mẹ đi ngủ đi, mẹ!

Anh Vũ lại giục. Mẹ tôi đứng lên, che tay ngáp lần nữa, đoạn đi thẳng vào phòng. Tôi vào sau, nằm ở giường tôi đối diện giường chị Thu trong lúc mẹ cũng nằm xuống giường chị ấy, vơ cái chăn đơn đắp ngang mình, quay mặt vào trong vách. Tôi buồn ngủ ghê gớm, song cố thức vì nửa giờ nữa tôi sẽ phải đi tập thể dục ở sân vận động Phan Đình Phùng. Ngủ như thế sẽ không đã thèm mà còn mệt thêm khi phải dậy. Tôi quay ra nhìn mẹ tôi. Giường bên kia, mẹ tôi cứ chốc chốc lại thở dài và day trở không ngừng. Rõ ràng là mẹ nhớ con út, không ngủ được.

- Lấy cho mẹ tờ báo, Hà!

Tôi dạ một tiếng phóc khỏi giường nhanh hơn con sóc nhỏ, làm theo lời mẹ (ấy, tôi biết rằng mẹ đang buồn, và bà rất nóng tính, trong lúc này mà chậm rãi bà sẽ xùng lên). Khi tôi thay áo quần xong, sắp đi, mẹ vẫn còn thức, tuy không đọc báo nữa.

Một tuần trôi qua, trưa nào, sau khi em út tôi đi học, mẹ cũng ngồi tần ngần ở xa lông, tụi tôi giục hai ba lần mẹ mới vào giường, song không trưa nào bà ngủ được. Nhiều lúc tôi mải đọc sách hay học bài, đến lúc sực nhớ, quay sang mẹ, vẫn thấy mẹ nằm đó, khi đọc sách báo, khi không đọc gì hết.

Trưa chúa nhật, cảnh mẹ con chúng tôi ngủ trưa lại tái diễn một cách ồn ào vui vẻ. Con em út trải chiếu ra, hai mẹ con nằm xuống rồi nó ôm chầm mẹ tôi, thủ thỉ:

- Con ngủ với mẹ, nghe!

- Ờ! Con ngủ với mẹ...

- Mẹ thương con không?

- Sao không thương?

- Mẹ nhớ con không?

- Sao không nhớ?

- Con đi học mẹ ngủ với ai?

- Ngủ với ai đâu? Mẹ ngủ một mình...

- Mẹ ngủ một mình, mẹ buồn không?

- Buồn! Mẹ buồn quá trời đi! Chị thấy mẹ khóc đó, Bé ơi!

Tôi chen vô câu chuyện giữa hai bên. Bé dẩu mỏ lên:

- Bé hỏi mẹ chớ Bé có hỏi chị đâu mà chị chen vô? Chuyện gia đình người ta mà chen vô... không biết mắc cỡ sao?

Đó, bạn thấy chưa? quên, nghe chưa, em út tôi ghê gớm chưa? Nó làm như mẹ là của riêng nó vậy đó. Nhưng thôi, mình cũng lớn rồi, nên bỏ qua cho êm đẹp, chấp nhất làm chi cái thứ em út?

Đôi khi, tôi cao hứng sao đó, sà xuống nằm cạnh mẹ tôi, tức thì nó xô ra:

- Chị Hà lên giường kia! Chỗ này của Bé! Mẹ của Bé!

Nó phản bội, quên phắt đi rằng chính tôi là người đã khai tâm mở trí cho nó từ khi nó mới lên năm. Chính tôi có cái sáng kiến độc đáo là xin tiền mẹ mua thứ bánh chữ về, bày ra trò chơi mà học, học mà chơi, vừa giáo dục vừa giải trí cho nên sau này đến trường nó giỏi hơn các bạn đồng... môn (gọi đồng môn nghe hay hơn đồng học mà lại ra vẻ mình là con người có chút chữ nho, bạn ạ).

Nhưng hai anh và chị tôi thì phủ nhận công lao tôi, cứ đổ riệt là nó giỏi nhờ nó ăn nhiều chữ quá chứ không phải nhờ tôi biết cách khai tâm cho nó. Hồi đầu, nói công bình, tôi xùng lắm nghe, tôi cãi cho đến nỗi đỏ mặt lên, hai người lại được dịp cười trêu tôi, gọi tôi là gà đá (vì tôi tuổi dậu, tuổi... con gà mà) nhưng sau, ba bênh tôi ra mặt, ba la hai người một mách. Ba nói là ba biết tôi có công với em út, còn hai đứa mày là thứ... làm biếng v.v... Tôi hởi lòng, mát ruột quá, nên thôi không cãi làm chi. Vì ba biết công tôi, vậy là đủ rồi, mấy anh chị tôi họ còn trẻ người, non dạ, tôi tha thứ, tha thứ hết.

Thế rồi, chỉ năm phút sau, mẹ tôi ngủ say sưa. Còn em bé? Thưa bạn, nó không ngủ được, nó đã quen thức buổi trưa đi rồi. Nhưng nó cũng biết chuyện lắm, nó se sẽ ngồi lên, se sẽ mở cửa phòng, chui tọt ra ngoài góp mặt với tụi tôi, chơi cờ tướng hay đá ngựa chi đó nó biết chơi cờ tướng đó, bạn ơi!

Trong khi chơi cờ hay đá ngựa đó, chúng tôi mổ xẻ cẩn thận tỉ mỉ chuyện khó ngủ trưa của mẹ tôi. Sau cùng, chúng tôi đề cử cu Minh thằng con trai út thay mặt Bé để dỗ mẹ ngủ mỗi trưa, sau khi con Bé đến trường, kẻo tội. Đó há không là cách báo hiếu của chúng tôi sao? Cu Minh vùng vằng:

- Em không ngủ trưa đâu, em thức học bài. Chị có tài sai người khác thôi. Sao chị không dỗ mẹ ngủ?

- Tao hả? tôi gằn giọng, trừng mắt lên để lấn át tinh thần nó Tao lớn rồi làm sao dỗ mẹ được? Mẹ ưa ôm đứa nho nhỏ cỡ mày hay con Bé, hiểu chưa?

- Thì chị ôm mẹ chớ khó gì?

- Mà mẹ không thích ôm đứa lớn hay đứa lớn ôm, biết không? Mày phải nghe tao!

- Con Hà nói đúng đó, ôm đứa nhỏ ngon hơn ôm đứa lớn!

Chị Thu nói với giọng xác quyết. Anh Vũ thêm vô:

- Buổi trưa mà làm bài, học bài cái gì? Có kiếm chuyện để vọc nước, dang nắng thì có...

Minh sừng sộ sắp gây, song chị Thu vội vã giảng hòa bằng cách đánh vào chỗ yếu của nó:

- Nếu Minh thương mẹ thì vô nằm với mẹ, dỗ mẹ, thay thế con Bé... cho mẹ ngủ rồi đi ra. Còn Minh không thương mẹ thì thôi, không ai ép buộc gì Minh hết. Đừng cãi cọ om sòm... đau đầu tao quá!

Bốn tiếng sau cùng là chị ấy phô tô cô pi mẹ đấy! Quả nhiên, em tôi mắc bẫy: nó gân cổ lên:

- Sao không thương mẹ? Minh thương mẹ nhất nhà. Mỗi lần mẹ khóc, Minh đi lấy khăn...

- Và Minh khóc theo... biết rồi, biết rồi! Bây giờ chị hỏi: Minh có dỗ mẹ ngủ không thì nói?

- Ơ... ơ...

Sau rốt, Minh nhận lấy trọng trách thay vào chỗ con Bé.

Hôm đầu tiên, mẹ tôi ngạc nhiên thấy sau bữa cơm, thằng con trai út, thằng sợ ngủ trưa nhất nhà, tự động mở cửa phòng đi thẳng lại giường chị Thu giọng hăng hái, quả quyết:

- Minh ngủ với mẹ, nghe mẹ?

- Con ngủ trưa hở? Tốt lắm! Lại đây, con trai út của mẹ! Mẹ thương con lắm...

Tụi tôi ở phòng ngoài cố nén để khỏi chỉ trích mẹ: người rất ít tự chủ, không có lập trường dứt khoát. Chẳng hạn như với Bé, bà nói:

- Mẹ thương con lắm! Con là con út của mẹ!

Mà gặp lúc thằng Minh léng phéng đi ngang, mẹ lại bổ túc thêm:

- Mẹ cũng thương Minh lắm. Minh dễ thương...

- Vậy là mẹ không thương tụi con, phải không? Chị Thu phản đối.

- Sao không? Mẹ cải chính to Đứa nào cũng thương hết, mà... mà con út thương hơn.

Tức thì, Bé tuột khỏi tay mẹ, vùng vằng:

- Mẹ không thương con, mẹ nói Minh là út...

Mẹ đấu dịu:

- Mẹ thương con chớ, con là út gái, Minh là út trai.

- Con không chịu, út gì tới hai lận? Út chỉ có một thôi chớ!

Con gái út giở giọng lý sự. Mẹ bắt đầu mệt, nổi xùng lên:

- Tao đau đầu rồi đây nghe, tụi bay đừng có làm nũng, tao hết chịu nổi rồi đây...

(Đó, cái trò lẩm cẩm, út trai, út gái, con lờn, con bé trong gia đình tôi xẩy ra như cơm bữa).

Lại nói về cu Minh (giọng Tam quốc chí đó nghe). Sau khi mẹ tỏ vẻ sung sướng vì thằng con trai út tự động vào ngủ với mẹ, mẹ như hết cảm thấy thiếu thốn, vắng bóng con gái út nữa vì đã có trai út điền khuyết vào chỗ trống bà hài lòng, nằm nghiêng, tay quàng qua lưng cu Minh, tay lót dưới đầu nó thay cho cái gối, giọng âu yếm, ngọt ngào:

- Ngủ đi, con! Ngủ với mẹ! Mẹ thương con!

Nhưng một người đã giàu lòng hy sinh như cu Minh nhà tôi thì đời nào để mẹ phải đau tay vì làm gối cho nó. Nó cương quyết  gỡ tay mẹ ra:

- Đau tay giờ mẹ, để con nằm trên gối, con không muốn mẹ đau tay.

Mẹ tôi hôn tới tấp lên mặt, lên tóc nó, khen nó ngoan, nó có hiếu, nọ kia đủ thứ. Tôi trêu:

- Ý cha! Con Bé mà thấy cảnh này thì mệt đa, nó dám đuổi Minh xuống bếp lắm nghe. Nó là đại lý độc quyền... về mẹ mà!

Mươi phút sau, mẹ thở đều, 10 phút nữa, cu Minh tuột xuống giường, thay chỗ trống bằng cái gối gác mà nó láu cá mang từ phòng mẹ qua.

Hôm sau, nó vừa vào phòng đề nghị tái lập lại sự hy sinh thì mẹ cười xòa, vui vẻ:

- Mẹ biết rồi, Minh xạo quá đi, Minh không ngủ...

- Dạ, Minh dỗ mẹ ngủ thôi! Minh không buồn ngủ.

Mẹ tỏ ra tiến bộ, biết điều chứ không như trước, khăng khăng bắt nó ngủ trưa. Mẹ nói:

- Ờ! Thôi vậy cũng được. Mà con phải đợi mẹ ngủ say rồi mới ra nghe. Mẹ còn thức hay mới lơ mơ thì không được...

- Dạ, con biết rồi... con chờ mẹ ngủ say, con mới ra.

Nhiều bữa, mẹ chưa ngủ say, cu cậu mới ngồi lên, mẹ thò tay chụp bắt nó lại, hai mẹ con cười váng lên, vui vẻ.

Cũng có bữa, nó nằm bên cạnh mẹ, giao hẹn: hễ mẹ ngủ rồi con ra, nhưng mẹ chưa ngủ, nó đã ngáy khò khò.

Chiều hôm ấy, cu cậu bị chúng tôi chế giễu cho đến nỗi nó đỏ mặt, phát cáu, làm mẹ vội vàng bênh vực:

- Thôi! Tụi bay cứ có tài trêu chọc em là không ai bằng. Mẹ đánh đó, nghe!

Bây giờ thì sao, bạn hỏi? Thưa quí bạn không có gì thay đổi mới mẻ cả: cu Minh tiếp tục ru mẹ ngủ trưa mỗi ngày và mẹ tôi rất lấy làm hài lòng mặc nhiên hưởng nhận, không chút e dè, ngượng nghịu, dù cho e dè, ngượng nghịu tí tì ti.


MINH QUÂN    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 115, ra ngày 30-11-1973)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>