Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2019

Ông Anh Tôi


Đêm đông lạnh lẽo...

Tiếng hát từ rađiô vọng ra làm tôi giật mình: Ủa? Giáng sinh rồi à? Vậy mà tôi bận cái gì mà tôi quên mất, tôi đập đầu vào tường một cái "kinh" tự phạt cái trí óc sạn sỏi của mình, mà sao tôi hay quên đến thế, nhất là quên việc quan trọng nhất mà tôi đã nhấp nhổm mong đợi từ hồi tháng mười một. Chắc tại cái lịch trình thi Đệ nhất Lục cá nguyệt chứ gì. Ối giời ôi, nghĩ mà khiếp, Vạn vật, Lý Hóa, tôi không rờ đến một chữ, thì làm sao mà thi? Bây giờ bạn thử ra một cái phương trình bậc nhất xem tôi có giải nổi hay không? Vậy mà tôi cứ phớt tỉnh, thây kệ, để vui Giáng sinh cho sướng rổi hẵn hay.

Tôi tính lẩm nhẩm:

- Nầy nhé, hôm nay là hai mươi hai rồi, còn hai mươi ba, hai mươi bốn, còn sớm chán!

Tôi biết giáng sinh năm nay thế nào mẹ tôi cũng làm thật nhiều bánh mứt, nghĩ mà thèm bởi tôi là kẻ tham ăn thứ nhì trong nhà, sau ông anh yêu quí của tôi là anh Hỉ, hèn gì bố tôi thường bảo tôi:

- Cái con Hiền, con gái sao mà háu ăn quá! Bây giờ đưa nó cái bát bảo nó ăn thì nó cũng nuốt hết cho mà xem!

Ậy, ậy, bạn chớ vội tin, bố tôi nói dối đấy, ai lại ăn bát bao giờ! Trong nhà, tôi có rất nhiều danh hiệu. Đầu tiên tôi bị cả nhà gọi là "Hiền heo quay"bởi tôi tuổi hợi... mà nói văn hoa là hơi... hơi... nặng ký ấy mà! Rồi "Hiền vịt lộn", "Hiền hột mít" và đặc biệt nhứt là danh hiệu "Hiền su su"!

Đó là danh hiệu của ông anh quí, anh Hỉ sáng chế đặt cho tôi. Lý do như thế nầy:

Hồi nhỏ, tôi bợm ăn lắm, ai đưa gì cũng ăn. Mẹ tôi biết vậy, một hôm đi chợ về lấy củ su su đưa cho tôi và bảo:

- Lê đấy, ngon lắm, cho mầy đấy, ăn đi!

Mẹ tôi tưởng nói đùa thôi, ai ngờ, khi vừa nghe xong thì mắt tôi sáng rực như đèn pha ô tô (anh Hỉ tôi bảo thế!), tôi vồ ngay lấy, ngoạm một miếng thật to! Báo hại, hôm đó, bố tôi mắng mẹ tôi một trận, bắt tôi uống quá trời thuốc tiêu độc, đắng ơi là đắng!

... Tối hai mươi ba...

Cả nhà tôi quây quần bên ánh đèn điện, nói chuyện Giáng sinh. Bố tôi, mẹ tôi, tôi, em Hương, cu Son, chỉ vắng mặt anh Hỉ. Bố tôi nói:

- Giáng sinh năm nay coi bộ xôm lắm đấy mình ạ, nghe nói, cha sở trang hoàng lộng lẫy lắm đấy!

Mẹ đáp:

- Thế có văn nghệ không?

- Có chứ! Mấy hôm nay, cậu Hỉ nhà ta vắng nhà luôn vì bận lên nhà xứ tập kịch cọt gì đó!

- Thế à? Anh chàng ấy có máu nghệ sĩ lắm đấy! Mai mốt tôi cho nó đi làm kép hát chắc ăn khách!

- Có đặt tiệc không bố? Có thì cho con đi với nhé tôi xen vào.

Bố tôi mắng:

- Mầy thật, hễ mở miệng ra là ăn, là uống, hèn gì chẳng mập thù lù ấy! Có chứ sao không?

Tôi phụng phịu:

- Bố kỳ quá hà, bố cứ trêu con hoài à! Rủi... rủi... bạn con nó nghe nó cười con sao? Vả lại, con đâu có mập!

Mẹ cười:

- Cô Hiền chỉ mập ú thôi, bố nó ạ. Tôi xét, trong cái xóm nầy, có bốn người mập là: con Tuyết, con Hằng, thằng Vinh, cô Hiền, thì cô là hạng nhất đấy cô ạ. Xem cái con Hường kìa, nó ít ăn nên nó thon người nó đẹp thế kia!

Con Hường được khen, khoái chí cười tủn làm tôi bực mình quay ra quát nó:

- Cười cái chi? Cười cái gì? "Hường cò ròm" mà cũng bày đặt!

Con Hường hết hồn chưa kịp nói gì, thì may thay, anh Hỉ về tới, anh ấy bô bô cái miệng:

- Thế nào? Thân phụ và thân mẫu có chi bất đồng ý kiến? Còn các tiểu muội có điều gì mà xem dung nhan chẳng được vui tươi vậy a... tiểu muội?

Bố bật cười:

- Thôi, thằng quỉ, đừng có giở giọng cải lương ra nữa, đi đâu về thế?

Anh Hỉ ngồi xuống ghế:

- Con đi tập kịch để diễn đêm giáng sinh bố ạ. Con tập kịch "Tìm theo ánh sao lạ" diễn tích 3 vua đi tìm Chúa đấy bố ạ!

- Thế à? Bố gật gù Tích ấy hay lắm. Thế mầy đóng vai gì? Làm vua hay quân hầu?

Anh Hỉ được chú ý đến, khoái quá, càng rô rố cái miệng lên:

- Giời ôi! Bố trông tướng con như thế nầy mà làm quân hầu à? Con làm vua chứ!...

Sẵn hứng, anh Hỉ xô ghế đứng dậy, trợn mắt, vỗ ngực hét lớn:

- Như ta đây a... đường đường vua a... Ma rốc! Dạ trung thành... tìm đấng chí tôn a!

Bố mẹ và chúng tôi cười ngất làm anh ấy khoái quá, vênh váo mặt này, hất hàm hỏi tôi:

- Sao? Hay không cô em gái "su su"?

Tôi tức quá gân cổ cãi:

- Gì? Cái gì? Anh làm như anh ít ăn lắm vậy đó mà cứ chọc Hiền hoài! Anh làm như tên anh đẹp lắm, Hỉ, hỉ là hỉ mũi, hỉ mũi cái "rột" thấy ghê, hỉ mũi, hỉ mũi...

Anh ấy không chịu thua cũng đáp lễ một hơi dài:

- Sao? Sao? Tôi ăn nhiều, nhưng tôi là đàn ông "con chai" thì tôi phải ăn nhiều cho khỏe chứ sao? Cổ nhân có nói: "nam thực như hổ, nữ thực như miêu!" Cô không nhớ à? Mà tên người ta là Hỉ, Hỉ có nghĩa là vui mừng, mà tên người ta là Trọng Hỉ, là nỗi vui mừng đáng trọng, ai như cô, Hiền gì đâu mà dữ cứ như là... bà chằng lửa!

Rồi anh quay ra, phân bua với bố:

- Có phải không bố?

Bố dàn hòa:

- Thôi, đứa nào cũng vậy, cũng do bố mẹ đặt, anh em mới xưng tội xong mà cãi lộn ầm ầm thế kia à? Im hết!

Thế là anh em tôi đành câm mồm theo lịnh của bố.

Sáng hôm sau , anh Hỉ nói với tôi:

- Hiền à, tao với mầy mỗi đứa đều có một bộ tượng Giáng sinh, vậy hôm nay, tao với mầy làm máng cỏ nghe!

Tôi ngạc nhiên:

- Chi vậy? Bố làm cho mình cái thật đẹp ngoài nhà rồi mà?

- Mầy ngu quá, tao làm 1 cái, mầy làm 1 cái, thi coi đứa nào làm đẹp!

- À! Hay quá ta! Ai thắng được thưởng bộ tượng của người kia nghe!

- Đồng ý! Bắt đầu bây giờ, tao với mầy bắt đầu kiếm vật liệu, đến tối sau khi dự lễ về phải làm xong mở ra cho nhau xem nhé!

- Đồng ý cái rụp!

Sau khi "chia tay" tôi bắt đầu đi tìm giấy bồi để làm đá. Tôi lấy xe đạp chạy lên nhà thờ. Ối chà! Người ta sửa soạn nhà thờ, ngoài sân đẹp thật! Cờ quạt, biểu ngữ giăng khắp nơi, nhà thờ thì quét sơn lại, sân thì trải cát mới, ngôi sao giấy giăng tứ tung! Nhất là cái hang vĩ đại dựng giữa trời, đẹp quá! Tôi vòng sau hang đá, mắt tôi sáng lên, một đống giấy dùng làm hang đá còn dư để đó. Dòm quanh chẳng có ai, tôi đỡ nhẹ lên đếm: 5 tờ, tạm đủ, thế là tôi ràng lên xe, dông một mạch về nhà.

Loay hoay một hồi, tôi đã làm xong cái khung hang bằng cành mãng cầu, to chừng bằng cái thùng thiếc, thì anh Hỉ ở đâu xồng xộc chạy vào:

- Su su ơi, mầy nhiều giấy quá vậy, cho tao vài tờ đi!

Tôi hỏi:

- Ủa! Giấy anh đâu?

- Khổ quá, tao kiếm từ sáng đến giờ, chỉ có một rẻo bằng bàn tay làm sao mà làm?

Nói rồi anh nhìn xấp giấy của tôi một cách thèm muốn. Tôi nghĩ: "sao mình không lợi dụng lúc nầy bắt chẹt anh ấy chơi!" Tôi bèn nói:

- Ai biểu anh kêu Hiền bằng Su su nầy nọ chi? Hổng cho!

Anh Hỉ kẹt quá đành phải năn nỉ:

- Thôi mà, cho anh xin, anh đã biết lỗi rồi mà, đừng giận anh nữa tội nghiệp! Rồi anh đấm ngực thùm thụp Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng...

Tôi tức cười quá:

- Thôi, anh đừng có làm vậy chứ, anh nói thi mà đi xin à, em nhứt định hổng cho!

Anh Hỉ thừ người ra, rồi bỗng nhiên anh nhảy cỡn lên la hét um sùm làm tôi hoảng hồn, tưởng anh đau khổ quá rồi phát điên. Anh Hỉ la lớn:

- Hay quá là hay! Vậy mà nghĩ không ra! Hay! Hay! Thôi không cần! Không cần!

Rồi anh ấy phóng xuống nhà chạy một mạch. Tôi ngẩn ngơ nhìn theo. Quái! Cái anh nầy làm chi vậy? Điên chăng? Hay ảnh tìm được chỗ để giấy? Lạ! Lạ!

Lát sau, anh Hỉ phóng lên lầu, tay ôm một bọc lớn đựng cái gì mà lồi lõm, sắc cạnh, vừa phóng vừa la:

- Hay quá là hay! Su su ơi! Rồi mầy coi tao!

Rồi anh ấy tuôn sầm sập vào phòng làm tôi ngẩn tò te nhìn theo. Lát sau, tôi nghe trong phòng anh Hỉ có tiếng đổ rầm rầm lẫn với tiếng la như bò rống của anh ấy. Tôi muốn vào xem quá, nhưng ngại, nên thôi. Tôi quay vào phòng, làm tiếp hang đá của mình.

Đêm Giáng sinh...

Cả nhà tôi đi dự lễ... xong, tôi dắt các em đi dạo quanh nhà thờ. Gớm! Người đông như kiến, xe cộ chạy ầm ầm, các ngôi sao bật đèn sáng chóe giữa màn đêm đen thẫm. Không tả xiết quang cảnh nhộn nhịp của đêm Giáng Sinh.

Tôi dẫn em tôi tiến về phòng văn nghệ... Đã mở màn, tôi say sưa xem những màn ca, vũ... tiếng xướng ngôn viên oang oang: "Sau đây là vở kịch "Tìm theo ánh sao lạ" đây, bắt đầu."

Màn đầu, chả thấy ông anh của tôi đâu, đến màn hai, có hai ông vua ra rồi mà sao vẫn chưa thấy anh Hỉ đâu. Trên sân khấu, một ông vua nữa bước ra làm khán giả cười rần rần. Tôi định thần nhìn kỹ, trên gương mặt đen thùi như lọ chảo có vài nét quen thuộc. Ối giời ôi! Đó là ông anh yêu quí của tôi! Ông ấy trắng trẻo quá mà đóng vai đen như... chú bảy chà! Để về nhà chọc ảnh chơi!

Đêm khuya dần... văn nghệ chấm dứt, tôi về nhà thì đã gặp anh Hỉ ngồi đó. Tôi tấn công trước:

- Anh Hỉ... mũi à! Sao Hiền không thấy anh đóng kịch?

Anh ấy thò lõ mắt nhìn tôi:

- Sao? Mầy có mù không hở? Tao đóng vai ông vua thứ ba, là ông vua xứ Marốc cốc đó!

Tôi phá lên cười:

- Té ra ông vua đó là anh? Chời ơi! Sao anh bôi mặt như anh Bảy Hy nốt vậy? Mấy người khác người ta đánh phấn trắng nõn đẹp biết bao, có mình anh... quê quá là quê... ha ha... hi hi... hô hô... hê hi...

Tôi cười lên vang nhà làm ba mẹ giật mình lắng nghe tôi nói. Anh Hỉ thẹn đỏ mặt, quát như "sấm nổ":

- Khả ố! Vô duyên! Câm mồm lại!

Rồi anh gân cổ lên cãi:

- Điên! Vua như tao mới oai chứ! Ai mà trát phấn tùm lum như tụi nó ấy! Câm tao bảo mầy câm!

Bố mẹ lại phải dàn hòa, nếu không anh ấy đã xốc tới mà dàng bàn tay hộ pháp tặng cho tôi một "quả ổi" trên đầu rồi! Tôi làm lành:

- Em trân trọng xin lỗi anh, anh làm ông vua rất oai hùng. Chẳng hay anh còn nhớ chuyện máng cỏ hay không?

Anh Hỉ vỗ đùi đánh đét:

- Sao lại không? Tao xong rồi, bây giờ, đi xem của mầy trước!

Thế là tôi dẫn anh Hỉ vào phòng. Ảnh lóa mắt trước công trình của tôi, nhưng xua tay:

- Kém! Kém! hãy qua đây mà xem của "ai gia" làm đây!

Vào phòng anh Hỉ, tôi giật bắn mình lên trước một máng cỏ làm bằng... đá xanh thật! Phải công nhận ông anh tôi có sáng kiến nhưng thật về phần mỹ thuật: đáng chê kinh khủng! Đá xếp bừa bộn, hang chẳng ra hang mà hố chẳng ra hố! Anh Hỉ vừa bô bô vừa múa tay múa chân:

- Phục chưa? Phục chưa?

Thuận tay, anh quèo thêm một cái, ai ngờ đánh mạnh vào mấy viên đá làm nó đổ sầm xuống.

Tôi la lớn:

- Chời ơi! Hang đá sập! Hang đá sập!

Anh Hỉ mặt mày méo xẹo, vừa nhặt đá vừa luôn miệng rên rỉ:

- Thôi chết tôi rồi, chết tôi rồi, cơ khổ, cơ khổ!

Lát sau, anh ấy đã moi được bộ tượng ra: ôi thôi, chỉ còn vài hình nguyên vẹn, hình đức Mẹ, thánh Giuse thì gãy đôi, hình vị thiên thần thì gãy cánh...

Tôi nói:

- Anh thua, vậy các bức tượng này là của em!

Anh Hỉ buồn rầu nói:

- Phải tao thua, của mầy đấy cất đi.

Tự nhiên tôi thấy thương anh Hỉ lạ lùng. Tôi nói:

- Thôi khỏi, nếu anh thích thì cứ giữ lại mà chơi. Hiền có rồi, Hiền không cần nữa!

Mắt anh Hỉ sáng rỡ:

- Thật không? Thật hả? Hoan hô... hoan hô cô Su Su, hoan hô!

Tôi cười vui lây với cái sung sướng nhỏ bé của anh.

Chúng tôi đã hưởng được một đêm Giáng Sinh đầy vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng sáng hôm sau anh Hỉ sửa soạn đi học, mặt anh bỗng tái lại:

- Chết! Bài Lý hóa chưa làm, bài Giảng văn chưa soạn!

Tôi mở cặp ra xem, bỗng tôi xanh mặt kêu lên:

- Chết! 28 tây thi toán!


TRỊNH THỊ HOAN   

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 167, ra ngày 15-12-1971)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>