CHƯƠNG VI
CẬN
GIỜ GIỚI NGHIÊM
Phiên gác của anh em Nhân dân Tự vệ bắt đầu từ bẩy giờ
tối. Thành phố đã lên đèn mặc dầu ngọn gió hiu hiu chưa gỡ hết mấy vệt nắng còn
vướng mắc trên những ngọn cây cao chót vót.
Hẻm Ngọc Lan vẫn sinh hoạt bình thường như mọi ngày.
Hai anh mặc đồng phục ứng trực ở trụ sở Nhân dân Tự vệ án ngay đầu ngõ trong
khi các em nhỏ quần áo tươm tất vui chơi thoải mái trên đường tráng xi măng
sạch sẽ trước cửa nhà.
Giờ này, ít khi có người lạ bước vào trong hẻm. Nhưng
cũng giờ này, ngoài lộ bắt đầu đông hơn vì là lúc người ta thường đi hóng mát.
Gió thổi lồng lộng làm tan biến bao nỗi mệt nhọc của
một ngày dài làm việc. Có người đi chầm chậm, như cố ý ngâm mình trong không
khí mát. Có người dừng chân lại, tai lắng nghe ngọn gió tốt lành vi vu những
nhạc điệu tuyệt vời trong không gian.
- Hùng – một anh áo đen tên Đồng hỏi bạn – mày đã ăn uống
gì chưa ?
- Rồi ! – Hùng trả lời – Nhưng tao chỉ dằn sơ sơ ba hột
thôi. Còn phải để bụng nhậu cho đã chứ !
- Ừ, thế là khôn đấy. Tao cũng vậy. À, mày có biết đích
xác mấy giờ bắt đầu không ?
- Biết chứ.
- Mấy giờ ?
- Không thể tiết lộ được. "Bí" mà bạn !
- "Bí" cái con khỉ khô !
Đồng đang cáu kỉnh bỗng dịu giọng năn nỉ :
- Thôi mà, mấy giờ, mày nói đi, Hùng. Hết phiên gác,
tao cần rông lại nhà thằng Vũ có chút việc cần, sợ về trễ thầy chửi chết.
Hùng cười bảo bạn :
- Mới đùa chút xíu đã suýt nổi cộc rồi ! Bí mật quân sự
gì đâu mà tao phải giấu ! Này Đồng, đi đâu thì đi, nhưng nhớ còi hụ báo trước
giờ giới nghiêm là phải có mặt ở nhà rồi. Về chậm, ông xơi hết đừng có trách !
Đồng hể hả trả lời :
- Thế thì nhất rồi. Đúng mười rưỡi, tao sẽ về tới.
Không ai nói vào đâu được. Ha ha...
Đường phố mỗi lúc một đông người đi dạo. Chả ai phiền
nhiễu ai, cũng như chả ai buồn để ý đến ai. Vả lại, những câu chuyện vu vơ như
thế này có thể được coi là vô thưởng vô phạt, ai nghe lỏm làm gì cho rác tai,
nên mấy anh bạn trẻ phóng tâm nói chuyện thả dàn.
Chín giờ, thay phiên gác. Thấy Châu và Sơn đi tới, Hùng
giơ tay coi đồng hồ rồi reo lên :
- Ủa ! Thoắt một cái đã chín giờ rồi ! Thôi, hai ông
tướng vô đây cho chúng tao rông.
- Chúng mày đi đâu vậy ? – Châu hỏi.
- Thằng chó này lại nhà bạn – Hùng đáp – Tao về tắm một
cái cho khoái rồi ra coi thầy có sai bảo gì không. Chả lẽ ngồi đợi đến giờ vác
mồm tới đớp !
- Ừ, mày nghĩ thế là phải. Nhưng tụi tao mắc kẹt ở đây
thì sao ?
- Bất khả kháng mà bạn ! Thầy thông cảm chứ. Nhưng nhớ
còi hụ lần thứ nhất... À, ông toán trưởng có dặn gì không ?
- Có chứ – Sơn đáp thay bạn – ổng dặn, còi hụ lần thứ
nhất, thu xếp cho nhanh mà vô. Có cóc gì mà thu xếp, phải không mày ?
- Ờ, ờ ! – Châu đáp – Thì cũng phải giăng cái giây xích
ngang hẻm cho "Nội bất xuất, ngoại bất nhập" chứ. Nửa phút là xong.
*
Gần đến giờ giới nghiêm. Hàng phố đã cửa đóng then cài.
Các hàng rong đã biến hết từ lúc nào. Khách nhàn du tản bộ cũng không còn nữa.
Họa chăng chỉ còn những chiếc xe vội vã lướt trên đường.
Còi hụ báo trước giờ giới nghiêm vang lên, ngân dài như
thúc giục.
Nhanh thoăn thoắt, Châu quàng vội sợi xích sắt dài
ngang hẻm, miệng hô :
- Tắt đèn đi, mày, Sơn !
- Rồi !
- Rồi thì vô !
Châu đẩy cánh cửa sắt ngôi biệt thự hai tầng ở đầu hẻm,
dắt bạn bước vào trong sân, không thèm ngoảnh đầu lại nên không trông thấy bốn
người cưỡi hai chiếc xe gắn máy vừa đi tới.
Xe đậu dưới lộ, ngay đầu hẻm.
Cả bốn người bước xuống.
Còi hụ dứt tiếng ngân. Trên đường lúc này vắng tanh
vắng ngắt, như thể chỉ có bốn người lạ mặt này còn sinh hoạt và làm chủ luôn
cái sinh hoạt của khu phố quạnh hiu này.
Hai xe gắn máy dựng song song trên mặt lộ. Cả bốn tên
nghênh ngang đứng trên lề, bốn cặp mắt láo liên ngó sâu vào trong hẻm.
Tên to lớn nhất, ý hẳn là đàn anh ba tên kia, đảo mắt
ngước nhìn ngôi biệt thự có cây ngọc lan cao vút trong sân, cành lá ngả nghiêng
tựa hồ đang rũ hương thơm xuống đường cho chúng hưởng.
Y tấm tắc khen :
- Mấy thằng cha cho tin hay thiệt. Đúng y boong. Còi
chưa kịp hụ đã biến không còn một mống !
Đắc chí, y cười khẩy :
- Cho chúng mày chết đáng đời. Tiệc với tùng !
Rồi y giục đồng bọn :
- Thôi, thằng nào việc nấy, mần lẹ đi, rồi chuồn cho
được việc !
Hai tên, một cao một thấp, tách rời ra, bước tới cúi
đầu chui xuống dưới sợi dây xích căng ngang hẻm.
Chúng chưa kịp đứng lên thì cả bốn tên cùng giật mình
đánh thót : chiếc đèn ống lớn gắn sát ngôi biệt thự vụt tắt !
Cả bốn tên cùng có cái cảm giác rờn rợn của một điềm
rất xấu, một điềm báo trước ngọn đèn đời của chúng cũng sắp tắt đến nơi.
Ngán nhất là hai tên sắp bước vào trong hẻm. Tên nọ hỏi
tên kia :
- Mày, tao lo quá ! Sao bỗng dưng đèn lại tắt ?
Tên này chưa biết đáp ra sao thì đèn bừng sáng. Nó mừng
quá bảo bạn : .
- Đó, đèn lại sáng rồi. Yên trí nhé.
Hí hửng, hai tên chui lẹ vào trong hẻm, không gây một
tiếng động.
Cây đèn vừa sáng bừng lên lại tắt phụt.
Một tên văng tục, rồi trấn an đồng bọn :
- Đừng mê tín ! Bóng đèn nào sắp hư cũng vậy hết. Ăn
nhằm gì !
- Đành vậy rồi. Nhưng tao linh cảm chuyến này khó lòng
suôn sẻ...
- Linh cảm là cái cóc khô gì ? – Tên kia cự nự – Sao mày
hãy còn duy tâm quá vậy ?
- Duy tâm, duy vật con mẹ gì đâu ! Chúng mày động một
chút thì gán cho người ta hết "duy" nọ đến "duy" kia. Tao
bực mình hết sức !
- Ờ, ờ, tao cũng như mày, đâu có muốn vậy ! Chẳng qua
là quen miệng đi mà thôi. Làm những cái công tác khốn nạn này chỉ có phúc bẩy
mươi đời mới thoát, không thì duy Chí Hòa, duy Côn Đảo, chớ duy vật, duy tâm
chó gì.
- Thôi, hết cha nó năm phút rồi, vô lẹ đi, mần cho xong
rồi "chẩu". Giới nghiêm còn láng cháng giữa đường là tiêu tùng sự
nghiệp !
Chúng ngửng đầu lên, mạnh dạn bước vào trong hẻm.
Ô, thì ra tất cả đèn trong hẻm đều tắt chứ không riêng
gì ngọn ở đầu đường. Tắt từ trước. Nhưng đường vẫn sáng. Mặt trăng đêm rằm tròn
vành vạnh treo lơ lửng trên vòm trời xanh ngắt như một ngọn đèn trần. Ánh sáng
dìu dịu tỏa đều xuống khiến cho hai tên gian sau một phút hoang mang bỗng có
một cảm giác lâng lâng thích thú.
Chúng thấy chúng chẳng khác chi những hung thần khét
tiếng trong một cuốn phim cao bồi nào đó đang bước những bước hiên ngang vào
trong một thị trấn vắng tanh. Một thị trấn bỏ ngõ vì tất cả đều sợ, tất cả đều
chạy trốn.
Đi hết chiều sâu con hẻm chúng đã tới gốc cây ngọc lan
ở cuối xóm. Ánh trăng trong mát thừa đủ cho chúng nhận rõ số nhà của những nạn
nhân đã được các đàn anh lựa chọn.
Công việc của hai tên đứng lại ở đầu đường cũng vừa
xong : chúng đã yên vị được một trái mìn định hướng chĩa vào ngôi biệt thự.
Thiếu chi người sẽ chết vì ngón đòn này khi nhà chức trách tới điều tra những
biến cố xảy ra trong hẻm.
Chúng hí hửng cho xe nổ máy, sẵn sàng chờ đồng bọn chạy
ra tới là rông, mắt đăm đăm theo rõi từng cử chỉ của hai tên đã có nhiều thành
tích xài lựu đạn.
Trong này, hai đứa thì thào phân công với nhau thật lẹ.
Tên sẹo mặt dặn tên kia lúc đó đứng ở xế trước nhà ông Liên gia trưởng :
- Tao hai, mày một. Mày cứ đứng đây. Tao vào trong kia
cho nhà thằng cha Mười Xe Lam một trái trước rồi ra đây hai đứa cùng làm mỗi
đứa một phát hòa âm. Mày nhà mụ Hai, tao nhà tên Ba Trực.
- Đồng tình !
Hai tên khủng bố đều lựu đạn cầm tay trong tư thế sẵn
sàng mở chốt.
Một ánh sáng bỗng lóe lên chói lòa, đột ngột như tia
chớp báo trước một tiếng sét sắp nổ ngang trời.
Không phải tiếng sét. Đó là một tiếng quát vang lên
trong lúc không ai ngờ nhất.
- Muốn sống đưa tay lên !
Giật mình quay phắt lại. Thì ra chúng vừa bị chụp hình.
Và hiện chúng đang bị bao vây. Nhiều ngọn súng trường đã dí sát người, hết
đường chống trả. Ô hay ! Vừa thấy đám Nhân dân tự vệ đứng lố nhố trong nhà ông
giáo sư, tưởng họ còn đang nhậu nhẹt, sao lại ở cả đây rồi ?
Hai đứa thở dài, đành chìa tay nhận chiếc còng lạnh
buốt.
Biến cố xảy ra chớp nhoáng, ngoài sự tưởng tượng của
những tên khủng bố bi quan nhất.
- Chết mẹ rồi ! Vọt ! – Tên chỉ huy đứng ở đầu đường la
lên ra lệnh cho đồng bọn.
- Đứng yên không nát óc !
Tiếng quát không to mà chúng tưởng như sét đánh ngang
đầu, bưng tai không kịp. Thì ra một chiếc xe tuần tiễu êm ru đã đến sát sau
lưng chúng từ lúc nào chúng không hay biết.
Bao nhiêu ngọn đèn trong hẻm, ngoài hẻm đều cùng lúc
bật sáng trưng.
Người trong hẻm đổ ra đông nghẹt.
Ông giáo sư từ trong cổng bước ra xiết tay viên chức
chỉ huy chiếc xe tuần tiễu.
- Cám ơn anh nhiều, ông nói. Anh tới vừa đúng lúc,
không sớm quá, không muộn quá.
- Không đúng cũng không được với nhà đạo diễn ! – Viên
chỉ huy cười đáp – Nhà đạo diễn đã dặn kỹ nên tôi phải căn giờ. Từ lúc có hiệu
đèn, tôi đã theo dõi cử chỉ của hai ông bạn. Và phải đợi hai ông bạn công tác
xong mới dám tới đó.
Hai tên này được đứng chụp hình cạnh công trình chúng
vừa hí hửng dựng nên mà sau đó chúng phải đích thân tháo gỡ dưới sự giám sát
của chuyên viên chất nổ và trước sự căm giận của dân chúng quanh vùng.
Rồi bốn tên khủng bố lần lượt bước lên xe bít bùng vừa
được gọi tới.
Thế là bốn tên ra quân cả bốn tên về bót.
Ván bài, chúng đã thua. Thua cháy túi.
Ông giáo khẽ hỏi :
- Trong bốn đứa, đã có tên Bảy Cát chưa, ông Ba ?
- Thưa chưa ! – ông ba Trực đáp.
- Vậy hả ? – ông giáo cố thản nhiên cười để mọi người
khỏi thấy niềm vui của ông chưa trọn vẹn.
__________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VII