Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

CHƯƠNG V_TRONG CẶP NẾN HỒNG


CHƯƠNG V

SÁNG SỚM HÔM SAU

Vốn biết tính ông giáo tuy là một con người khoáng đạt thích giúp ích mọi người và không câu nệ giờ giấc, nhưng rất không ưa lãng phí thì giờ trong những vụ đợi chờ vô vị nên ông Ba đã quần áo chỉnh tề thật sớm để khỏi mang tiếng là người trễ hẹn.
Đúng lúc máy truyền thanh trong nhà cất tiếng "te te" báo hiệu bẩy giờ, ông Ba giơ tay bấm chuông trước cổng biệt thự ở đầu hẻm vừa được ánh nắng ban mai mạ lên trên một lớp vàng tươi sáng.
- Ông Ba đúng hẹn quá ! Mời ông thưởng thức với tôi một tách cà phê đã. Cà phê nhà rang lấy, và vừa mới xay xong. Khá lắm !
Câu chuyện bắt đầu ở chỗ bất ngờ nhất đối với ông Ba.
- Đêm qua ông Bắc nói tôi đã tìm hiểu ý nghĩa của những hàng chữ số ông Hai để lại. Bây giờ tôi cần kiểm điểm lại xem có đúng hay không. Nhờ ông Ba soi sáng giùm những chỗ chưa được tỏ rõ lắm nhé.
- Dạ, xin ông giáo cứ hỏi. Tôi biết đến đâu xin thưa đến đấy.
- Vâng, cảm ơn ông Ba. Người bạn thân của gia đình ông Hai tên thật là chi nhỉ ?
- Dạ, anh ấy tên Tư. Cũng là thứ Tư nữa. Mọi người vẫn quen gọi ảnh là Anh Tư.
- À, thì ra Tư vừa là tên, vừa là thứ. Ông ấy có biệt hiệu gì nữa không, ông Ba ?
- Biệt hiệu của anh ấy cũng là ANH TƯ luôn.
Ông Bắc hỏi gặng :
- Không còn biệt danh hay bút hiệu nào khác nữa hay sao ?
Suy nghĩ giây lâu, ông Trực chậm rãi trả lời :
- Còn, anh ấy còn một bút hiệu. Thường ký là Tâm... Lâu, tôi quên khuấy đi mất, không nhớ anh ấy ký là Tâm gì nữa.
- Tâm Điền chăng ? Ông giáo nhắc.
Ông Ba vỗ đùi đánh đét một cái, nhẩy nhổm lên, mặt tươi như vừa có một ánh sáng bừng lên.
- Phải rồi ! Tâm Điền. Thế mà nghĩ mãi không ra ?
- Chắc ông Tâm Điền thường hay tâm sự với ông Hai ?
- Dạ, đúng như vậy đó. Hai ông ấy hợp ý nhau vô cùng. Quan điểm chính trị đã tương đồng, thơ văn xướng họa lại càng tương đắc. Hai ông ấy tin nhau còn hơn là anh em ruột thịt nữa kìa !
- Nếu tôi đoán không lầm, ông giáo nói, thì ông Tư tức Tâm Điền hoạt động chính trị trong vùng xôi đậu, tuy ngoài mặt làm việc cho bên kia, nhưng thực ra bên trong lại đứng mũi chịu sào để đỡ đòn cho lương dân bên này. Có phải thế không ạ ?
- Thưa, chính thế. Nếu không có anh Tư che chở cho thì khối người chết oan chết ức đấy, thưa ông giáo.
- Tôi hiểu. Công việc của ông Tư như vậy thật nguy hiểm. Chỉ sơ sẩy một chút là dám bị thủ tiêu ngay. Có chạy thoát thì cũng bị chúng tìm cách làm cho bên này nghi ngờ. Và một khi đã bị liệt vào hạng có thành tích bất hảo thì khó mà ngóc đầu lên được lắm.
- Vâng, vâng. Chị Hai tôi bảo chính vì lẽ ấy mà anh Tư đã giao cho anh Hai cất giữ những giấy tờ cần thiết để lúc cần đem ra chứng minh tấm lòng trung trực của anh.
- Tôi cũng đoán thế, ông giáo nói. Nhưng sao khi lâm chung, ông Hai không giao lại cho bà Hai cất giữ hay là bảo cho bà Hai biết rõ nơi chôn giấu ?
Ông Ba xua tay, lắc đầu, trả lời :
- Không được đâu. Nguy hiểm lắm, ông giáo ơi ! Ðàn bà thường không được kín chuyện lắm. Chỉ hở ra bằng một câu nói vô tình hay một cử chỉ vô ý, cũng đủ làm chết oan cả đám. Anh Hai tôi không cho chị Hai biết tí gì là đúng lắm.
Trầm ngâm giây lát, ông giáo hỏi một câu khiến ông Ba giật thót mình :
- Tôi hỏi thế này hơi đường đột một chút, ông Ba vui lòng bỏ lỗi cho nhé... Có phải nơi mộ ông Hai có dựng một tấm bia đẹp lắm phải không ?
- Dạ phải. Anh Hai tôi xưa có học Trường Bách Nghệ nên rất khéo chân khéo tay. Biết mình không qua khỏi được, anh cất công đi thửa cho mình một tấm bia để chính tay anh o bế chau chuốt từng li từng tí. Có điều lạ là anh dặn kỹ vợ con phải chôn tấm bia cho thật sâu, chỉ để ló lên một chút cho khỏi mất dấu thôi, chứ không được để lộ những hàng chữ khắc trên mặt đá.
Mắt ngó chiếc đồng hồ tròn treo trên tường, ông giáo kết luận :
- Vậy là phải. Ông Hai chu đáo lắm !
Ông khách ngơ ngác nghe chủ nhà nói tiếp :
- Ngày mai chủ nhật, ta có thể về quê tảo mộ ông Hai và nhân tiện xin về những giấy tờ cần thiết cho tự do và danh dự ông Tư. Đường sá bây giờ đã thông suốt, ta có thể sáng đi chiều về một cách không lấy gì làm vất vả. Vậy ông Ba về thưa chuyện với bà Hai thế này. Nếu bà Hai thấy không có điều chi trở ngại thì sáng sớm mai, tôi xin đánh xe đưa bà hai, ông Ba, bà Ba về quê tảo mộ. Xe được cái cũng rộng, mấy cháu muốn theo cũng được. Chiều tối, trễ lắm là bẩy giờ, sẽ về tới nhà. Sáng sớm thứ hai, mang giấy tờ tới cơ quan công quyền. Có thể ông Tư được trả tự do nội trong ngày thứ hai cũng chưa biết chừng...
- Vâng. Ông giáo cất công giúp đỡ chúng tôi như vậy thật quý hóa quá. Chả gì cũng mất hết một ngày chủ nhật, một ngày nghỉ ngơi vô cùng quý giá.
Ông giáo gạt đi những lời khách sáo và chuyển nhanh qua vấn đề kế tiếp :
- Như tối qua chúng ta đã nói đến sơ sơ, tôi e tối nay chúng dám đến gỡ gạc ván bài chúng vừa mới thua xong.
- Dạ ông Ba cười trả lời, ví von bằng ngôn ngữ cờ bạc Thua cay ván thứ nhất, chúng dám liều đánh "gấp thiếc" ván thứ hai lắm ạ.
- Cái đó là cái chắc rồi ông giáo cũng cười, nói khôi hài Nhưng đã không có chính nghĩa thì chúng mong thắng làm sao được ! Đánh lớn thua lớn, đánh nhỏ thua nhỏ, càng đánh càng thua mà...
Chủ nhà đứng dậy, khách cũng vội đứng lên theo, yên trí đã tới giờ nhà giáo đi dạy học.
Ông Bắc vội giơ tay cản lại :
- Không, ông Ba cứ ngồi chơi. Còn sớm chán !
Nói xong, nhà giáo dời chỗ ngồi đối diện với khách, thân mật nắm tay ông này lưu lại để cả hai cùng ngồi xuống chiếc sô pha gần đấy.
Hai người hạ thấp giọng bàn bạc với nhau một hồi khá lâu.
Tuần trà thứ ba sau chầu cà phê đã cạn, ông Ba đứng dậy kiếu từ. Ông giáo tiễn khách ra cửa, còn khẽ dặn với trước khi chia tay :
- Chúng ta cứ y thế mà làm. Tôi mong giải quyết một lần cho xong. Có thế dân lành mới được yên ổn làm ăn, khỏi lo những rắc rối không đâu nữa.
Ông Ba sốt sắng đáp :
- Vâng, vâng, chính thế. Nếu còn để dây dưa thì nó chẳng khác chi cái mục nhọt bọc, nhức nhối khó chịu mà không biết vỡ ra lúc nào.

 *

Ông Trực bước vội về nhà, vừa may lũ nhỏ chưa đi học. Ông bảo chúng chạy ù đi kêu tất cả các bạn chúng trong xóm tới cho ông căn dặn.
Lũ trẻ lúc ấy đã quần áo chỉnh tề, sắp cắp cặp lũ lượt kéo nhau ra khỏi hẻm.
Chúng lắng tai nghe ông dặn dò, thích thú được đóng góp một phần vào việc của người lớn.
Sau khi nhắc đi nhắc lại hai ba lần những điều chỉ dậy, ông Ba còn cẩn thận hỏi lại chúng một lần nữa cho chắc ý :
- Các cháu đã hiểu rõ chưa nào ? Cháu nào không nghe kịp, cứ việc hỏi, bác sẽ nói lại cho rành lượt nữa.
- Dạ, hiểu ! Chúng đồng thanh đáp.
Có đứa ranh mãnh thêm :
- Bác Ba cứ yên trí lớn đi. Chúng cháu "một cây" mà bác !
- Ờ, thôi đi học đi kẻo muộn. Bác tin nơi các cháu đó !
- Dạ, dạ ! Thưa bác, con đi học ! Thưa bác, cháu đi học !...
Chúng ào ào kéo ra cửa, ồn như một đám chợ con.

 *

Trẻ con là tuổi vô tư và vì thế thật sung sướng. Chúng chạy nhẩy luôn chân, cười nói luôn miệng.
Ra khỏi hẻm, chúng tách ra từng nhóm, rồi hợp với các đám bạn khác từ các xóm lân cận túa ra.
Có đứa vừa đi vừa gậm bánh mì, có đứa chuyên việc trêu chòng, phá rối các đứa khác.
Chúng dức lác om sòm. Chuyện trong nhà, chuyện trong trường, chuyện trong xóm, không chuyện nào chúng không dám đem ra khoe với bạn.
- Mày biết không ? Thằng Minh, cháu nhỏ nhất của cụ Hương Cả nói Đêm nay, xóm tao có tiệc. Ông giáo Bắc đãi các anh Nhân dân Tự vệ. Tiệc lớn lắm, mày ơi !
Một thằng bạn xóm trên "kê" nó :
- Đãi các anh ấy chứ bộ đãi tụi nhóc chúng mày đâu mà cũng bầy đặt khoe khoang !
- Sao lại không, bạn ? Các anh lớn được sực là cánh nhóc tì cũng được sực theo luôn. "Sua" mà bạn.
- Sức mấy ! một đứa khác chêm vào, cố ý "chọc quê" thằng Minh.
Cậu này tức mình, nói tía lia, dường như không để ý đến một người đứng tuổi vô công rồi nghề đang đi la cà gần đám học sinh nhỏ tuổi mỉm cười nghe chúng dức lác để giết thì giờ.
- Chúng mày biết không ? Thằng Minh ba hoa ông giáo sư ở xóm tao có một cái biệt thự rộng ơi là rộng. Tối nay, ông ấy đãi tiệc bà con lối xóm...
- Chi vậy ? một đứa hỏi xen vô.
- Để khao thưởng các anh Nhân dân Tự vệ. Mày biết không các anh này lớn hay nhỏ đều là học trò của ông giáo sư hết trơn hết trọi. Thầy dậy hay lắm. Mà dậy miễn phí, mày ơi ! Chiều qua, các anh tóm cổ được hai tên khủng bố nên tối nay mới có tiệc khao quân đấy chứ !
- Minh, mày nói vô lý. Khó tin lắm, mày ơi ! Nhân dân tự vệ bắt được quân khủng bố thì ăn nhầm gì đến thầy giáo mà thầy giáo phải khao quân.
Thằng Minh gân cổ cãi, mắt liếc về phía đàng sau bắt gặp ông già lạ mặt đang mỉm cười theo dõi câu chuyện của hai đứa :
- Thầy thích thì thầy khao chứ có chi là lạ. Mày tin hay mày không tin thì tối nay tụi nhỏ chúng tao vẫn chắc chắn được dự ké một bữa tiệc khuya. Giờ giới nghiêm ngoài đường có xe tuần tiễu canh chừng, các anh cất súng đi nhậu là "hết xẩy" ! . . .
Quanh đi quẩn lại có mỗi một đề tài mà thằng Minh nói huyên thuyên mãi không biết mỏi, cho đến tận trường, tới giờ vào lớp mới thôi.
Trên con đường khác thằng Linh "dóc tổ", em ruột thằng Lưu "xí xọn" cũng ba hoa không kém.
Nó khoe với chúng bạn, khoe từ đầu ngõ khoe đi :
- Chúng mày có biết không ? Đêm nay, xóm tao có tiệc. Người lớn, trẻ con "sực líp ba ga". Ông giáo sư có cái biệt thự bự, thiệt bự. Sáng nay, bà giáo sư đi chợ mua đồ nhiều thật nhiều. Tối nay, lúc nào chúng mày nghe thấy tiếng còi báo trước giờ giới nghiêm thì đó là lúc chúng tao đã bắt đầu vào tiệc...
- Thôi, Linh ơi ! Mày nói mãi, đến tao cũng phát thèm. Nhưng tao chỉ sợ mày quá giầu tưởng tượng.
- Khỏi đi ! Tao cam đoan tiệc lớn lắm mà mày. Mày biết không, ăn uống xong, còn nhiều mục hấp dẫn khác nữa cơ.
- Thôi, dóc vừa vừa chứ, ông tướng !
- Tao thề không có dóc đâu. Đứa nào dóc cho máy bay cán dẹp lép đi ! Ít ra cũng có ca nhạc giúp vui này. Các anh chị trong xóm ca hát và diễn kịch hay không chịu được !
Trẻ con vô tâm chỉ biết nói nhăng cho sướng miệng, đâu có để ý đến những người lạ mặt đang thả bộ trên lề đường, mắt vờ coi đồ trong các cửa tiệm, nhưng tai lắng nghe câu chuyện của chúng từ đầu đến cuối.
Thằng Nhiên, con ông Phó Thản, cũng không hơn gì các bạn đồng trang lứa. Nó nói bô bô như máy phát thanh vặn lớn.
- Phải chi không kẹt vụ giới nghiêm, đêm nay tao dám mời tụi bay lại dự tiệc với tao luôn.
- Nhà mày đãi tiệc, hả Nhiên ? Một tên bạn hỏi móc vì nó biết nhà thằng Nhiên chẳng giàu có gì.
Thằng Nhiên tỉnh bơ đáp :
- Không có. Nhà ông giáo sư, chủ cái vi la bự ở đầu hẻm đãi đấy chứ.
- Người ta đãi ai đâu, chứ bộ đãi mày à ? Một đứa khác bẻ.
- Sao lại không, bạn ? Thằng Nhiên bịa thêm, sợ đuối lý Có đến ba bốn tiệc liên tiếp lận. Mày biết không, đàn bà, con gái ăn trước này, rồi đến tụi nhóc chúng tao. Gần 11 giờ mới đến lượt các ông và các anh lớn. Tao khoái bữa sau cùng này, chắc "vui nhộn" lắm. Nhưng vì còn nhỏ nên phải ăn trước vậy...
Thật là "trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay", có khi giờ này cụ Cử, cụ Hương Cả, ông Phó Thản, ông Mười Xe Lam cũng chưa hay đêm nay trong xóm có tiệc linh đình. Ấy thế mà vô số người xa lạ chả có một chút xíu cảm tình nào với hẻm Ngọc Lan đã biết. Mà biết một cách tường tận mới chết chứ !

__________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VI

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>