Thứ Hai, 3 tháng 6, 2019

"Ốm Ăn"


Sàigòn lúc này nóng quá, cái nóng nồng nực oi bức ấy ảnh hưởng rất nhiều đến căn bệnh các bạn nhỏ. Nào là: nhức đầu, chóng mặt, sổ mũi, nặng hơn là các chứng sốt, dịch.

Bởi thế mấy hôm nay, anh Dũng sốt nặng quá. 40 độ lận, người anh nóng hầm hập, vậy mà mồ hôi anh ra đầm đìa khiến cho da anh lại ửng đỏ lên, coi... chậc chậc! Ghê quá.

- Dũng, Dũng ơi... dậy ăn cháo cho nóng con... Thật khổ cho tao quá, đi bơi đi lội bây giờ về làm tội làm tình cho tao. Cố ăn mấy thức lỏng này cho nó nhẹ bụng...

Cầm cái thìa sứ, anh Dũng khều khều, rồi húp húp, được chẳng mấy thìa, anh lại bỏ xuống rồi lăn kềnh ra giường. Đứng đằng này Du thèm rỏ dãi. Kìa cháo gà ngon thế mà chẳng ăn, ngu thật, phải gặp mình... ực... khỏi nói, ba tô cũng hết sá gì một tô cỏn con ấy.

- Du ơi, Du... u... u, xuống ăn cơm. Khệnh khạng cứ như ông cụ non ấy.

Tiếng chị Duyên reo réo làm cho Du bực mình quá đi mất. Bữa nào cũng cơm, cơm gì chỉ cá kho, rau muống, canh tôm chán bỏ xừ. Thôi cố đợi tí nữa, anh Dũng không ăn thì khà... khà... tô cháo gà kia sẽ về tay ta. Đang vẩn vơ nghĩ, tiếng anh Dũng kéo Du trở lại thực tế:

- Du! Xuống nhà rót tao ly nước lạnh, lẹ lên.

- Vâng.

Lẹ làng ba chân bốn cẳng Du rầm rập xuống cầu thang. Rót ly nước xong, sốt sắng Du đem lên cho anh Dũng ; này đừng tưởng là Du sốt sắng vì anh Dũng đâu nhé. Vì tô cháo gà đó.

- Thưa anh đây!

- Bưng tô cháo gà này xuống cho me, bảo me pha sữa cho tao ăn...

Khê nệ bưng tô cháo, mùi hành, ngò, tiêu, thịt gà làm cho nước bọt ở chân răng Du cứ ứa ra như "thác". Dòm trước dòm sau, Du cúi miệng xuống:

- Sụp... sụ ụp... hà... à... à ngon thật, cháo gà có khác.

Xong xuôi, chùi miệng tử tế, Du bình thản đến độ đạo đức rồi bưng xuống.

- Me ơi me! Anh Dũng anh ấy bảo không ăn cháo, anh ấy cho con ăn, me pha sữa cho anh ấy.

Làu làu xong, Du thản nhiên cầm cái thìa sứ múc cháo đưa lên miệng húp ngon lành.

- Này để đấy! Tao lại cho mấy cái tát bây giờ. Ai cho phép đã ăn, con cái gì hư quá. Để đấy cho cái Dung nó ăn, mày lớn rồi, ăn cơm đi, nhanh được cái ăn, có sai cái gì thì cả ngày mới chuyển được cái mình.

Đang định làm thêm mấy thìa nữa, tiếng me quát lên cắt ngang hành động của Du nghe tàn nhẫn lạ. Tiu nghỉu như mèo bị cắt tai, lững thững Du tụt xuống ghế, chân nặng nề bước lên nhà.

- Đi đâu nữa ; ngồi đây mà ăn cơm chứ, đợi người ta bưng tận miệng ấy à!...

Bất mãn, Du bước trở xuống bếp, uể oải cầm bát cơm ăn một cách cực nhọc. Vừa ăn mắt nó dán vào tô cháo gà chăm chú lạ. Vẩn vơ mơ ước, bỗng mắt nó sáng ngời lên. Vội vàng và xong bát cơm, với trái chuối, Du vù ra cửa, biến mất sau vườn hoa.

*

Trưa nay, cả nhà thấy vắng tiếng Du. Lấy làm lạ, me bảo Dung lên nhà gọi thử. Một lúc sau, Du hừ hừ trên lầu xuống.

- Hôm nay... con ốm... me mua cháo gà con ăn.

- Lại đến phiên mày, anh em mày cứ như dây chuyền, anh mày mới ngồi dậy được mấy bữa, nay đến phiên mày, chạy nhảy cho dữ vào... chỉ khổ tao thôi... biết đến bao giờ mới hết khổ.

Du lấy điệu bộ khổ sở leo lên cầu thang. Qua nhịp thứ nhất, Du vù một cái hết nhịp thứ hai ; lên giường, Du trùm chăn kín mít rên hừ hừ. Nằm trong chăn Du lẩm bẩm:

- Cố tí nữa sẽ có cháo gà. Phen này ta húp sạch còn khuya mới bỏ lại cho con Dung. Hà hà... cháo gà, một tô cháo gà là khỏe ru.

Tiếng me nheo nhéo dưới nhà lôi Du về thực tế:

- Dung! Con ra quán chị Năm đầu ngõ mua cho me 10$ cháo gà, lấy thịt nữa nhé.

Năm trên lầu Du ấm ức nghĩ: mười đồng, chả bõ dính răng, thôi được mình sẽ "cố" ốm đến ngày mai tự khắc me sẽ tăng khẩu phần của mình...

Một lúc sau, Du định thiếp ngủ một tí thì:

- Anh Du! Dậy ăn cháo này...

Du tung chăn định vùng dậy, song chợt nhớ là mình ốm, nên khe khẽ cho chân xuống đất tìm dép. Du nặng nề cất bước đến bên bàn phấn của chị Duyên.

- Đây me bảo anh uống thuốc đi hẵng, rồi hãy ăn. Ăn xong nhớ "cặp sốt" cho me xem đấy. Này cầm lấy cái "cặp thủy".

- Để đấy cho tao. Thôi xuống nhà đi, nói mãi nhức đầu quá!

Du nhăn nhó, đợi Dung vừa xuống cầu thang xong, Du thản nhiên vất 2 viên thuốc ra cửa sổ rồi cầm thìa bắt đầu thu dọn "chiến trường"...

- Sụụp... hà! Sụ ụp hà! Sụụp... hà! Ngon đáo để, ăn liếm bát cũng được nữa. Sụụp... hà!

Đều đều, hết đưa thìa xuống lại đưa thìa lên, không đầy năm phút sau, tô cháo gà sạch bóng, không để lại một tàn tích nào.

- Đã đời, ngon thật, có tiền mình sẽ ra quán chị Năm ăn một lúc 10 tô mới đã.

Chợt nó để mắt đến cái "cặp sốt".

- Bỏ mẹ! Làm sao mà thanh toán nó cho gọn đây... lỡ ăn hết một tô rồi còn gì... À! Được, ta có cách, khó gì...

Cẩn thận, Du lên giường đắp chăn và cất tiếng gọi:

- Dung ơi Dung! Dung ơi, mang cho anh ly nước nóng nhé!

Chợt nghĩ là mình hét to quá, cái "ốm" nó sợ nó đi mất sao, Du lại cất tiếng rên hừ hừ như trâu thở.

Một lúc sau, ly nước nóng được vời đến trước mặt Du. Khe khẽ ngồi dậy, Du đuổi con Dung xuống nhà rồi cầm cái cặp thủy dí gần vào ly nước nóng, lẩm bẩm:

- Thế này thì phải sốt đến 41 độ chứ giỡn sao?

Song "trời bất dung gian". "Tách", cái ống cặp thủy nóng quá chịu không nổi cho nên nó đã vỡ, và cuống quít Du hất tay làm sao mà "choang", cái ly thủy tinh cũng đòi theo cái ống cặp thủy.

Dưới nhà nghe đổ vỡ trên lầu, me này, chị Duyên này, anh Dũng, cả con Dung nữa nườm nượp phóng lên lầu xem sự thể ra sao. Mọi người ngơ ngác nhìn Du rồi nhìn đống thủy tinh. Bất chợt bắt gặp cái ống cặp thủy trên tay Du đang cầm, anh Dũng phá lên cười, cười sặc sụa, cười tàn nhẫn.

- Ơ! Cái thằng này điên chắc? Cười cái gì mà cười.

- Nó... hốốố nó giả bộ ốm hố hốốố... ố... mưu bất há hááá... bất thành.

Vừa nói tay vừa chỉ cái cặp thủy tay Du đang cầm, anh Dũng cười cứ như điên. Me chợt hiểu chuyện, đến bên Du. Cầm cái ống cặp thủy, bà chép miệng:

- Tao chẳng tiếc mười đồng cháo gà mà là tiếc cái ống cặp thủy. Thật con với cái chỉ ăn hại là giỏi.

Du bẽn lẽn đứng dậy. Chị Duyên nhìn Du rồi không nín được cười, chị nhăn cái răng khểnh ra cùng với Dũng, họ hiệp lực cười. Căn nhà vang tiếng cười. Chỉ có Du, anh chàng ốm ăn kia  thấy tội nghiệp, thất thểu bước xuống nhà vừa đi vừa thút thít...


Phạm-Hữu-Dương    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 68, ra ngày 1-5-1967)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>