Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019

Sài Gòn Ngày Tôi Lớn


Thuở ấy có em anh chưa từng sầu. Chưa lang thang ngoài đường nhỏ đêm thâu. Chưa mang hoang lạnh ngoài bến vắng. Hỡi em em về đâu cho đời mình thương nhớ nhau… (Thuở ấy có em, Huỳnh Anh). Tiếng hát Sĩ Phú trầm ấm đưa hồn tôi phiêu diêu quay trở lại Sài Gòn thuở ấy, trước 1975 khi tôi còn nhỏ… Nói vậy không có nghĩa là tôi yêu Sài Gòn nhiều hơn Châu Đốc đâu! Mặc dù Sài Gòn lúc tôi còn thơ vô cùng lãng mạn, quyến rũ với những ánh đèn xanh đỏ của những quán bar, những vũ trường, những cặp trai thanh gái lịch đèo nhau trên những chiếc xe gắn máy phân khối lớn, những chiếc xe hơi  hào nhoáng lao vun vút trên mặt đường nhựa dưới cơn mưa chiều, song song đồng hành với những con hẻm hắt hiu ánh điện câu, thấp thoáng bóng dáng những tay anh chị như trong tiểu thuyết của Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long... Tự trong đáy tim, tôi vẫn còn ghi dấu hình bóng của một tỉnh lẻ êm đềm hơn, Châu Đốc, nơi tôi đã được sống năm năm quãng đời thơ ấu!

Lúc tôi bị buộc quay trở lại nơi chôn nhau cắt rốn, Sài Gòn, là lúc tôi vừa lên tám. Phải làm lại từ đầu, tôi nhớ mình đã đứng trên vỉa hè trước cửa nhà dưới ánh nắng chiều, bỡ ngỡ nhìn dòng xe cộ đua nhau bấm còi, rú ga trong khi  tiếng hát Thái Thanh trên radio nhà bên cạnh, một tiệm hớt tóc, vẫn não nuột nhưng rất hợp cảnh, hợp thời, đang vang lên trong bài hát Chiều về trên sông của Phạm Duy... Chiều buông trên dòng sông Cửu Long như một cơn ước mong ơi chiều.Về đâu ơi hàng cây gỗ rong nghiêng mình  trên sóng sông yêu kiều. Buồn tôi sao tự nhiên bỗng dưng theo đò ngang quá giang thương chiều Bởi vì thương nhiều nên nhớ tình yêu… Tôi thương bài hát này kể từ dạo đó, và nhận xét thấy rằng không ai hát bài ca này hay hơn, mùi hơn Thái Thanh, mặc dù khi hát hầu hết những ca khúc khác, giọng của ca sĩ này rất chua!… Nhìn ống đèn trang trí xanh đỏ hình trụ muôn thuở cứ xoay xoay theo hình xoắn ốc (barber’s pole) treo hai bên cửa tiệm hớt tóc, tôi tự nhủ thầm trong lòng, từ đây sẽ là một cuộc sống mới mà tôi phải học cách thích nghi, rồi dần dần theo thời gian qua, những cánh hoa lục bình vương đầy nét thơ mộng năm xưa ở miền quê thanh bình Châu Đốc ấy sẽ nhạt phai, như mọi thứ trên đời…

Đại lộ hoàng hôn phồn hoa ngập nắng. Thời gian thường vô tình theo đời sống... Chiều rơi nhuộm tóc vàng... Nào ai lẻ bóng nào ai thành đôi… (Đại lộ hoàng hôn, Y Vân). Không hiểu tại sao bài hát nào viết cho Sài Gòn thuở ấy cũng được tôi vô cùng yêu mến! Có lẽ trước hết vì chính những bài hát đó tự chúng đã hay sẵn rồi, vì đều được sáng tác bởi những nhạc sĩ tài hoa. Thứ nữa, Sài Gòn, so với Châu Đốc, cũng có những nét đẹp riêng của nó, cho dù khác nhau một trời một vực, giống như mỗi loài hoa đều có vẻ quyến rũ riêng, nên không thể nói hoa lan, hoa hồng trưởng giả kiêu sa vượt trội hơn hẳn hoa súng, hoa phượng, hoa lục bình, hoa bìm bìm nơi nội đồng hoang dã mộc mạc nhưng vẫn thua hương kém sắc: hai thứ cọc cạch không thể phân bì với nhau được!

Cứ chiều thứ tư và thứ sáu, khoảng ba giờ rưỡi, lúc sắp xổ số, là lúc tôi thường nghe thấy một bài hát rất đỗi quen thuộc với mọi người dân Sài Gòn do quái kiệt Trần Văn Trạch hát trên đài phát thanh bằng tiếng Nam, và được lũ con nít cỡ tuổi tôi, vừa hát theo vừa chạy chơi khắp hang cùng ngõ hẻm, tới nỗi đến bây giờ mà tôi vẫn thuộc…

Kiến Thiết Quốc Gia 
Giúp đồng bào ta 
Xây đắp muôn người 
Được nên cửa nhà 

Tô điểm giang san 
Qua bao lầm than 
Ta thề kiến thiết 
Trong giấc mộng vàng 

Triệu phú đến nơi 
Năm muời đồng thôi 
Mua lấy xe nhà 
Giàu sang mấy hồi 

Kiến thiết quốc gia 
Giúp đồng bào ta 
Ấy là thiên chức 
Của người Việt Nam 

Mua số mau lên 
Xổ số gần đến 
Mua số mau lên 
Xổ số... gần... đến... 

Vừa dụ khị bán được vài trái bong bóng sặc sỡ hình trái táo, trái lê, được cột kèm vào một nhánh lá nhạc ngựa xanh bóng còn tươi roi rói cho mấy đứa trẻ khóc nhè trên tay mẹ, thằng bé bán bong bóng tựa cây sào tre treo hàng chục trái bong bóng đủ màu, kế sinh nhai của nó, dưới hiên nhà tôi, rồi tay móc túi lấy mấy đồng bạc cắc ra trả, lưng khom xuống, một bên mắt đã vội dán vào chiếc xe chiếu bóng thùng, rạp chiếu bóng lưu động của những đứa trẻ con nhà lao động nghèo như nó, thiên đường tuổi thơ! Chiều nào cũng vậy, chú chiếu bóng thùng cũng dừng chiếc xe Goebel cà tàng, có na theo một thùng chiếu bóng đục sẵn những cái lỗ dòm,  trên vỉa hè cạnh nhà tôi để vừa kiếm sống, vừa mang lại niềm vui cho trẻ thơ. Lũ trẻ quên hết bao nhiêu lo âu muộn phiền sớm đè nặng lên đôi vai còm cõi gầy mòn của một tuổi thơ sớm khổ mồ côi cha mẹ, trôi dạt từ những vùng chiến sự về đây, lang thang bụi đời… để đắm mình trong giây lát vào một thế giới điện ảnh huyền ảo, không có súng nổ bom rơi, mà chỉ có những tràng cười náo động giòn tan của những chú hề như Charlot, những anh hùng hào hiệp như Ringo….

Người lớn cùng cảnh ngộ như những đứa trẻ lạc loài đó, cũng làm đủ nghề để sống còn nơi mảnh đất phồn hoa đô hội này, kể cả nghề bán bong bóng, nhưng không hề đụng chạm, cạnh tranh với những nhóc tì kể trên. Có người khéo tay dùng sơn rồi hoa tay múa cọ vẽ lên những trái bong bóng trơn tuột đó những hình chú gà trống  đuôi cong ngũ sắc đang phồng mang trợn mắt gáy vang trông thật oai vệ, những đóa hoa mẫu đơn lộng lẫy và lạ mắt, con chim công xòe đuôi múa dưới cành tre… Chắc chú ấy là họa sĩ, vì “tranh” chú vẽ dù chỉ nhất thời trên những trái bong bóng rẻ tiền đó, cũng mang hơi hướm của loại tranh thủy mặc các họa sĩ hay tô điểm cho những tô, ấm, chén, dĩa làm bằng gốm sứ…

Cũng có chú lại đổ nước vào bong bóng, rồi khéo léo dùng tay xoắn vặn chia trái bong bóng thành một chùm nho trĩu trái... Cũng vì mê những “chùm nho  uất hận” này mà tôi đã băng qua lộ một mình lần đầu tiên trong đời, và đã bị đụng xe ngay lập tức! Chùm nho tím xinh xắn bị bể trong tay tôi, nước tuôn ra tỏng tỏng. Tôi tiếc nuối vất nó vào vệ đường, cùng với đôi dép mà một chiếc đã bị đứt quai Chú cảnh sát quốc gia binh con nít dù tôi là người có lỗi, hỏi tôi có bị đau chỗ nào không, và khi thấy tôi lắc đầu quầy quậy, đã nói rằng nhiều vết thương gây xuất huyết nội, dù nhìn bên ngoài chẳng thấy gì. Chú cảnh sát bèn dặn dò tôi phải tới ngay Ty cảnh sát gần nhà nhứt trong trường hợp có chuyện xấu xảy ra. Chú ghi tên người đi đường đã vô tình đâm trúng tôi vào cuốn sổ tay, rồi ngoắc một chiếc xe khác đang lưu thông, nói họ tới nhà tôi và nhắn thân nhân  ra dắt tôi về. Giờ đây dù đã gần nửa thế kỷ  trôi qua, tôi vẫn nhớ mãi hình bóng hiền hậu, điềm đạm mà vô cùng tận tâm tận tụy của chú cảnh sát tốt bụng đó.

Có chú bán hàng rong lại làm kẹo bông gòn bán, tay quơ chân đạp, thoăn thoắt lùa những áng mây kẹo đường khi trắng như bông gòn, lúc lại hồng như ước mộng tuổi thơ, vào những bịch ni lông trắng trẻo trông rất vệ sinh, lúc nhìn thì có vẻ to to là, nhưng sao cứ tan nhanh trong miệng làm dấy lên nỗi nghi ngờ non trẻ, sao kẹo đi đâu mất hết...?

Chiều chủ nhật được đi coi phim, chúng tôi sẽ xà vào những hàng quà tuổi thơ đầy rẫy trước những rạp chiếu bóng, để mua nào kẹo me đựng trong những bịch ni lông, khuyến mãi thêm một tấm hình nghệ sĩ cải lương, uống nước mía được xay tại chỗ, bọt dính vào môi trên trông như vừa mọc râu... Nhưng món ăn vặt ngon nhất khiến tôi nhớ đời bán trước cổng rạp lại là món bánh mì chiên tôm, nghe có vẻ bình dân và tầm thường, nhưng lại chứa trong đó cả khung trời thơ ấu, khiến cho tôi sau mấy chục năm mới tìm gặp lại được món ăn kỷ niệm đó, đã khóc không biết bao nhiêu mà kể, vì thèm ăn thì ít mà vì nhớ kỷ niệm thì nhiều! Món bánh mì chiên tôm ấy chỉ gồm có một lát bánh mì cũ được nhúng vào trong thau bột mì pha phẩm màu cam, trên mặt có đặt một con tôm còn nguyên đầu đuôi, chiên trong chảo dầu ngập mặt, ăn nguội kèm tương ớt. Nhưng cách làm là do tôi tự tìm hiểu mãi về sau này, còn lúc lũ trẻ chúng tôi ngoài tiền cha mẹ cho để mua vé vào cửa, kèm thêm ít tiền còm ăn vặt, thì mấy dì mấy cô trước cổng rạp hát chỉ bán bánh mì tôm chiên sẵn, đặt trong cái mâm bằng nhôm, ai mua thì  bánh được gói vào một mảnh giấy nhựt trình.Từ đó tới nay, dù đã được nếm biết bao nhiêu sơn hào hải vị trên đời, nhưng món ăn tuổi thơ đó vẫn là món ăn tôi thương nhứt, và sẽ ghi nhớ suốt đời trong tim.

Lúc bấy giờ gần nhà tôi có một máy nước công cộng. Nghe nói mấy chị giúp việc nhà tôi đã từng phải ra xếp hàng gánh nước mang về đổ vô thùng phi xài dần. Sau này, vòi nước công cộng vẫn còn đó, đôi khi vì vòi hư không khóa được nên nước cứ chảy ngày đêm vô cùng hoang phí, nhưng ít ai ra đó lấy nước, trừ bọn trẻ chúng tôi, vì mỗi nhà đã có công tơ nước riêng. Sau khi nhảy nhót chơi đùa trên những đụn cát cao nghệu như những quả đồi được đổ đống trước những căn nhà đang xây cất hoặc sửa chữa, tụi tôi thường ra máy nước rửa tay chân mặt mũi cho bớt lấm lem  trước khi về nhà, để bớt bị cha mẹ la rầy. Đôi khi người lớn đi vắng hơi lâu thì tụi tôi cũng cùng lũ trẻ hàng xóm chạy vô hẻm hái hoa giấy chơi bán đồ hàng. Có khi tiện thể tụi tôi cũng chôm vài bé gà con đang cùng mẹ tìm giun hay mổ gạo, và bị chủ đàn gà rượt chạy có cờ. Mệt nhoài, lũ trẻ “nghịch như giặc” là tụi tôi đây, sẽ tụ tập nhau tại máy nước để thở, để rửa ráy, và  bàn bạc kế hoạch cho lần hẹn gặp kế tiếp!

Tuổi trẻ! Tuổi trẻ! là tên của một cuốn truyện viết theo lối hiện sinh bằng tiếng Việt hay dịch từ tiếng nước ngoài, hoặc chỉ là một bài viết ngắn? Tôi không còn nhớ! Chỉ biết rằng tác giả khi thốt ra mấy chữ cụt lủn đó chắc đã phải kèm theo  cái lắc đầu, chép miệng, hay một tiếng thở dài! Tôi cũng chẳng là ngoại lệ gì đâu. Khi ngoảnh lại nhìn tuổi trẻ của mình, tôi cũng có một niềm tiếc nuối: ước gì thời gian quay trở lại, thì tôi sẽ không học thêm tại một trường tư thục nào hết (thực tế là số trường tư thục tôi từng theo học nếu dùng cả mười ngón  tay mà đếm cũng vẫn không đủ, chắc phải dùng thêm hai bàn chân nữa!):

Vì thứ nhất, đó là một sự lãng phí tiền bạc của những bậc sinh thành, vì tôi đã chẳng lãnh hội được gì từ những buổi học thêm đó. Nói thế không có nghĩa tôi phủ nhận công lao, tài năng, và nhất là tâm huyết của những thày, cô dạy trường tư đó (thày nhiều hơn hẳn cô, không hiểu vì sao!) Không, họ rất tận tụy tận tình, họ rất siêng năng giỏi giang! Chỉ có điều lúc bấy giờ tôi chỉ mê chơi chớ không ham học, và kiến thức thày truyền đạt vô tai phải lại ra ngay tai trái, nên học thêm chỉ là một cái cớ để tôi đàn đúm, túm năm tụm ba, cúp cua đi coi phim… Có lần lũ học sinh nhác học tụi tôi đã nhồi nhét nhau vào cùng một chiếc taxi, lên Sài Gòn coi phim người lớn! Nhưng trước hết tôi phải nói vài dòng về chú tài xế xe taxi kỳ quặc này đã! Khi tụi tôi đã yên vị trên chiếc xe taxi sơn hai màu xanh trắng nhỏ như con cóc đó và thông báo cho chú tài xế ấy biết điểm đến, thì chú ấy thay vì vui mừng vì trúng mánh, có khách lại quay sang mát mẻ tụi tôi, nào là ở quê người ta lội bộ hàng chục cây số chẳng sao, còn dân thành phố dù quãng đường chưa tới cây số cũng phải lên xe xuống ngựa. vv và vv... Thật lòng mà nói, nếu phải  thi môn tâm lý học thì chắc tôi cũng lại đội sổ, như đa số các môn học mà tôi căm ghét khác! Kỳ đó, sau khi không mua được vé vào cửa, vì phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi, chúng tôi quay sang thuyết phục chú gác cửa kiêm soát vé đầy lương tâm và tinh thần trách nhiệm, nhưng với những khuôn mặt còn non choẹt,  chúng tôi cũng lại phải nếm trái đắng ê chề!

Lý do thứ nhì cho việc tôi không nên đi học thêm lúc bấy giờ, vì đó cũng là một sự lãng phí lớn về thời gian. Thay vì đàn đúm với lũ bạn trường tư, những cơn mưa bóng mây thoáng qua trong đời, thì tôi nên ở nhà và dành quãng thời gian quí báu đó cho anh Hải, người anh tôi yêu quí nhất đời! Nhưng tôi nào đâu biết, quĩ thời gian Trời dành cho chúng tôi vô cùng giới hạn, và chỉ trong chớp mắt, món quà quí giá nhất trong số những thứ hiếm hoi Trời đã từng ban cho tôi anh Hải đã bị cuốn theo cơn gió thời cuộc mất hút, và đã không bao giờ trở lại với Sài Gòn, với chúng tôi được nữa.

Sài Gòn ngày tôi lớn như vậy đó, có những ưu tư khắc khoải… Ôi ! Hắt hiu là nhớ chiều nay sao hắt hiu là nhớ tới chiều nào Ôi ! Bóng hôn hoàng xuống, dừng đây nghe lá mưa từng cánh trong nghẹn ngào Mộng ước về đâu, chút duyên tình đầu Nhạc cũ chìm sâu Lắng trong hồn sầu Đèn khuya còn sáng Nhạc khuya thầm nhắc bao lần lá rơi lá rơi trên đường chiều (Đường chiều, Hồng Duyệt), có những cô đơn lạc loài, Buồn vào hồn không tên,Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời Đường phố vắng đêm nao quen một người Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời… Nửa đêm lạnh qua tim Giữa đường phố hoa đèn Có người mãi đi tìm,Một người không hẹn đến Mà tiếng bước buồn thêm... (Nửa đêm ngoài phố, Trúc Phương), nhưng cũng có tiếng đàn ca rộn rã của một đô thị hoa đèn, Màn đêm xuống dần muôn ánh đèn đột nhiên như ngời sáng. Kìa bao phố phường bao mái lầu chìm trong bóng đêm... La la... Đời đẹp quá ơ ơ bài thơ. Đường đi lối về cơn gió lùa ngả nghiêng bao tà áo. Và bao mái đầu không vướng sầu kề vai bước mau. La la la... để lòng nhớ ơ ơ thành đô. (Đêm đô thị, Y Vân). Nhưng nếu có ai hỏi, tôi yêu Sài Gòn hay Châu Đốc hơn, thì tôi nào biết trả lời sao!

Trần Thị Phương Lan   
(Bút nhóm Hoa Nắng)

   
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>