Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

Đoàn Kịch


- Có im cho người ta ngủ không?

Chị Thương cau có la. Tôi nhăn mặt, gớm cái chị tên Thương mà chẳng dễ thương tí nào cả. Ai lại trưa rảnh, người ta bày trò này trò kia ra chơi, chứ cứ như chị ấy ngồi lì trong buồng ôm mãi quyển truyện mà khóc mà cười với nó đấy à. Ấy thế mà ba mẹ lại bênh, cho chị được quyền ưu tiên trong nhà, quyền hét như lửa, nói như mổ bò, thành thử chị đâm ra "ngang tàng hống hách"...

- Bảo im có im không??? Hay chờ roi mây của mẹ đét?! Rồi chị hạ giọng: "Ừ kịch đi, hát hỏng đi, tao về tao mách mẹ cho mà nhừ đòn, rồi cuối tháng ba sẽ cúp lương tụi bay cho mà hát hỏng.

Bọn em tôi nghe một lô cảnh cáo của chị nhìn nhau im thin thít, mồm "lẩu bẩu" những "thành ngữ" về chị. Trưa nay lợi dụng sự vắng mặt của ba mẹ tôi, đoàn kịch hoạt động để tránh sự tọc mạch của chị Thương với ba mẹ tôi không thấy tang vật thì làm sao kết tội chúng tôi được Rồi bỗng nhiên chị vào chiếm cứ sân khấu của chúng tôi, chị hò hét và rồi đành lòng tắt máy.

Con Linh ngồi đăm chiêu, mặt méo xệch như cái bánh bao chiều "bà bầu" trưa nay bị giới nghiêm 24 trên 24 rồi. Còn các diễn viên, ca sĩ từ chính đến phụ, ôi thôi là thảm não, đứa chống tay lên cằm suy nghĩ, đứa nhăn mặt, và buồn cười nhất là thằng Thụy, nó nằm im bất động nhưng vai run run thút thít khóc, vì nó bị cụt hứng khi đang gân cổ hát bài "Bạch Đằng Giang".

Hiểu thấu nỗi tâm trạng của đoàn viên "bà bầu Linh" nhìn tôi tôi là cố vấn của đoàn, đoàn nhờ tôi mà lớn mạnh và dồi dào. Nhớ dạo trước khi tôi chưa nhập đoàn, thì giờ hát, ngày hát của đoàn rất lủng củng, bị dẹp ngang xương cũng như giờ phút này vì ngày xưa tôi cũng la hét ra lệnh như chị Thương. Nhưng từ khi đoàn bỏ được những bài tình ca nhảm nhí thay vào đó những bài ca dân tộc, những bài ca khai phá tôi đâm ra mến cái tổ chức của "bà bầu". Con bé thế mà sáng kiến đầy đầu. Nó xoay trở và hát đủ mọi loại dân ca, Bắc có, Trung có, Nam có và cả những bài ca hùng mạnh. Đoàn chuyển hướng rất hay, hôm thì nhạc với chủ đề tìm hiểu lộ trình dân ca, chẳng biết con bé sưu tầm được ở đâu mà nó dạy cho thằng Triệu, con Lam, thằng Thụy và ngay cả bé Cơ nữa chứ. Có khi con Linh cho ra cả một đề tài thịnh hành nhạc với chủ đề Trịnh Công Sơn.

Tôi gia nhập đoàn như một đặc ân cho đoàn, hát có sân khấu đàng hoàng và lại còn được mời thêm diễn viên xứ khác nhà hàng xóm đến hợp tác nữa chứ. Bà bầu thêm hứng say sưa sáng chế, sự trình diễn của đoàn ấn định ngày giờ rõ rệt. Nhưng không ngờ chị Thương xuất hiện, chị đi học ở Saigon về, chị không thông cảm cho đoàn hát chúng tôi, chị lại chiếm ngay cái sân khấu để làm chỗ "tiêu sinh tịnh độ", chị la to, chị hét lớn, mặt chị y hệt cái bong bóng xì, cái mồm chị méo xệch như cái bánh bò thiu... ôi bao nhiêu thành ngữ dành cho chị ấy mà đủ. Thật uổng, bà Bầu vừa sáng chế ra đề tài mới. Đoàn cho trình diễn ca nhạc chỉ là phần phụ diễn, phần chánh chính là "kịch". Hôm rồi đoàn vừa thành công vẻ vang trong vở kịch "Hội nghị Diên Hồng". Diễn viên của đoàn diễn xuất rất hay không cần tập trước, ra đề tài hôm nay là mai diễn được liền diễn viên lột hết tinh thần vào vai trò đến nỗi đêm ấy thằng Triệu đang ngủ, đứng hẳn dậy nhắm mắt hát:

- "Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh".

Ngẫu nhiên thay, ông vua vừa hỏi dứt thì con Lam cũng nhắm mắt đạp mạnh chân, giơ tay hét: "Hy sinh..." Thế là cả nhà thức giấc, vì tiếng hét kiêu hùng và vì bé Cơ bị đạp đau quá khóc thét lên. Tôi và con Linh bò càng ra cười, thằng Thụy giật mình, mới đầu cự nự sau cũng nhe răng hòa nhịp cười. Chỉ tội, ba mẹ tôi cứ đầu tôi mà cốc, tôi đưa tay đỡ được mấy cái không thôi lủng sọ rồi. Đã thế chị "Ghét" lại chế thêm dầu. Con Linh, thằng Triệu, con Lam hôm sau được ba tôi đét cho vài roi, tuy thế tụi nó vẫn tươi như hoa và đoàn vẫn sống để tiếp tục diễn.

Trưa nay con Linh đưa ra một kịch tình cảm, vở kịch được hoan nghênh nhiệt liệt ở ngoại quốc mà hôm nọ chúng tôi được xem qua diễn xuất ở Ti Vi một lần. Nhạc kịch "Cô gái Điên", đề cao tình yêu nước thương nhà của một cô gái nước Việt. Con Linh vội vàng ghi trong đầu óc và viết lại những đoạn nhạc chính phát cho đoàn viên học, nhưng chưa kịp ra mắt... Ôi! Con Linh buồn thảm thiết, cứ nhìn tôi cầu cứu, tôi cố bóp trán À phải rồi, vườn rộng mình ra vườn diễn, ba mẹ vắng nhà cơ mà, với lại ba mẹ có cấm tụi mình hát đâu, chỉ cấm la to gào lớn thôi chứ. Vội vàng như sợ bỏ lỡ dịp may, tôi vẫy con Linh lại, con bé thế mà khôn, đưa ngay cái tai vào mồm tôi, tôi thì thầm : "Ra vườn". Mắt bà bầu sáng rực, bọn diễn viên nháo nhác nhìn bà bầu. Bà bầu đưa tay ngoắc ngoắc rồi chỉ ra vườn, các diễn viên trố mắt lên, rồi chợt hiểu reo lên: "A! Ra vườn". Bà bầu nhăn mặt quát: "Im! Bí mật".

Chị Thương lại được dịp la lên. Kệ chị, đoàn hát kéo nhau ra ngoài.

- Kính thưa quí vị Bà bầu cao giọng sau những lần thành công rực rỡ, đoàn chúng tôi cố gắng không ngừng - Bà bầu tằng hắng - Hôm nay, để đáp lại thịnh tình của quí vị đã dành cho, bổn đoàn xin trình diễn nhạc kịch "Cô gái Điên". Và đây nhạc kịch Cô gái Điên bắt... Khoan... khoan chưa giới thiệu đề tài mà nghe tôi nhắc, khán giả hôm nay hơi đông vì ở vườn mà định vỗ tay, lại xuôi tay xuống tiếp tục lắng nghe, bà bầu lấy giọng tiếp:

- À quên, sau đây chúng tôi xin tóm lược cốt truyện: "Nàng Oanh..."

Bà bầu say sưa kể và sau khi chấm dứt khán giả cũng như diễn viên vỗ tay hoan hô rầm trời.

- Và đây... Nhạc... Kịch... Cô Gái... Điên bắt đầu.

Bà bầu lấy tay sửa gân cổ bắt đầu hát hai câu ý chừng như là thuộc nhất và thích nhất:

- "Làm người tha phương, phải có ích gì cho quê hương".

Màn mở... Con Lam vai nàng Oanh, thằng Triệu thủ vai ông Vua nữa. Thằng Tí hàng xóm vai Trần Quan, thằng Thụy vai Tống Hùng, còn bà bầu thì vai em nàng Oanh.


Kịch đang tiếp diễn đến đoạn gay cấn nhất: Cô gái điên bắt đầu nổi cơn điên...

- Kìa, kìa! Bay ơi... vàng vàng xanh xanh đỏ đỏ, bay ơi... bay ơi...! Con Lam cười ngặt nghẽo, khóc gào giả bộ nhưng hét rát cả mồm. Vườn rộng càng cướp sức của con bé...

Nàng Oanh cao hứng quá nghiến răng kèn kẹt: "Tống Hùng, Tống Hùng", hai hàm răng chạm vào nhau rít lên, và đồng thời lòng yêu nước sôi lên theo, nàng Oanh nắm đầu Tống Hùng Thụy giật mạnh. Tống Hùng Thụy mất bình tĩnh, bò lăn ra khóc. Vở kịch gián đoạn.

- Nín, diễn tiếp mau... bà bầu khích lệ.

- Hỏng thèm.

Ý cha diễn viên phụ mà cũng làm tàng. Bà bầu khó chịu lắm:

- Diễn mau lên khán giả chửi bây giờ.

Thằng Thụy đưa hai chân đạp mạnh vào nhau làm dữ:

- Hu... hu... Hỏng thèm.

Bà bầu tức quá cốc mạnh vào đầu "Tống Hùng Thụy" hai cái liên tiếp. Thằng bé lăn đùng ra khóc ngất.

Bỗng...

- A! Ba mẹ về tiếng bé Cơ reo. Khán già ùa chạy, con Lam, thằng Triệu bỏ chạy theo. Tôi hoảng quá, ẵm vội thằng Thụy lên định phi tang. Nhưng muộn mất rồi, nguy quá. Bà bầu cũng biệt dạng. Tôi bỏ vội thằng bé xuống, co giò dông vào núp dưới chậu hoa. Mẹ tôi la lớn:

- Cái gì không ngủ mà khóc đấy?

Thằng Thụy không còn giữ ý tứ gì nữa hu hu kể, nào là bắt con đóng vai Tống Hùng, rồi nắm đầu con... rồi kí đầu con, rồi ẵm con lên, rồi bỏ con xuống rồi... hích hích...

Mẹ tôi vừa xoa đầu lau nước mắt cho "Tống Hùng Thụy" vừa hỏi:

- Đâu cả rồi?

Tôi nín thở, bên trong tiếng chị Thương vang vang:

- Con bảo tụi nó không nghe, biết mà, ngủ không ngủ chỉ đánh lộn là tài.

Tôi rón rén vào sau bếp, nàng Oanh đang xanh mặt ngồi một xó. Bà bầu thập thò nhìn kẽ cửa. Ông vua nịnh giỏi đang nắm tay ba tôi đi xuống. Chúng tôi im lặng, mặt đứa nào cũng chào cờ và tư thế nghiêm. Sự chờ đợi đang tiếp diễn được ba cho "tốp" Đứa nào đánh thằng Thụy?

Bà bầu nhanh nhẩu: Con Lam!

Ba quay lại Lam, nghiêm nghị:

- Tại sao con đánh em?

Con bé hoảng quá khóc nức nở:

- Ba ơi... hu hu... con... con điên mà hu hu.

Ba tôi gắt: Cái gì? Con nói cái gì?

Con bé càng hoảng hơn:

- Á! Ba ơi con... hích... hích. Con điên... con là nàng Oanh Oanh mà...

Thằng Triệu ton hót: Nàng Oanh trong nhạc kịch Cô Gái Điên đó ba.

Chợt hiểu, ba tôi cố nín cười:

- Tại sao trưa các con không ngủ?

Chúng tôi im tiếng, nước mắt trào ra...

Ba tôi nhìn chúng tôi, lắc đầu, mẹ tôi xuống thấy vậy nhỏ nhẹ:

- Biết sợ mà cứ cứng đầu.

Ba tôi tiếp:

- Lần sau đừng diễn kịch nữa nghe không. Tha cho đó.

Lời ba như một liều thuốc hồi sinh.

Hú hồn, chúng tôi nhìn nhau thở phào nhẹ nhõm.


THỤY GIANG     


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 129, ra ngày 15-5-1970)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>