Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

Nghỉ Hè


Các em thân mến,

Cách đây 44 năm, nhân buổi lễ phát thưởng hè năm 1929 tại Phương Thành (Hà Tiên) nhà thơ Đông Hồ có nói chuyện với các em học sinh hiện diện hôm ấy về cách sử dụng những ngày nghỉ học.

Câu chuyện giáo dục này tuy trình bày cách nay gần nửa thế kỷ, vẫn còn thích hợp với các em học sinh hôm nay.

Bài nói chuyện trên đã đăng trong tạp chí Nam Phong số 144 tháng 11 năm 1929 và vừa đây được in lại trong quyển tuyển tập thi văn DÒNG CỔ NGUYỆT của thi sĩ Đông Hồ, do BỐN PHƯƠNG xuất bản vào dịp lễ húy nhật của tác giả.

Với sự đồng ý của gia đình thi sĩ, chúng tôi xin chép lại dưới đây lời khuyên của nhà thơ Đông Hồ để các em suy nghĩ hầu thu thập những lợi ích thiết thực trong những ngày nghỉ ngơi, vui chơi sau thời gian dài cực nhọc vùi đầu với sách vở.

Dưới đây là lời khuyên học sinh của nhà thơ Đông Hồ.

"Điều cần nhất cho các học sinh trong khi bãi trường là phải chơi bời cho thỏa thích, nhưng chơi cách nào có hại cho thần trí, chơi cách nào có ích cho tâm hồn là một điều các học sinh phải cẩn thận lựa chọn.

Trong các cuộc chơi có bổ ích cho trí não tinh thần thì chỉ có cuộc đi chơi phong cảnh thiên nhiên. Nên trong mùa nghỉ hè này, có nhiều trường định tổ chức cuộc du lịch cho học sinh, hoặc ở một nơi bãi biển, hoặc ở một làng quê.

Những cuộc chơi phong cảnh như thế, vừa có tính cách thể thao, để tập luyện thân thể, vừa có khí vị phong nhã để tĩnh dưỡng tâm hồn.

Ở giữa một chốn thung lũng, chung quanh núi rừng bao bọc, cây cỏ hàm nhuận, bao giờ cũng có ao trong giếng ngọt, đối với ngọn núi cao đứng ngất trời, ngẩng đầu trông lên, giác quan như bay bổng trên từng mây. Đang lặn g ngắm đắc ý như thế thì chợt nghe có tiếng con chim con nó kêu ríu ra ríu rít trên cành, một trận khinh phong nhè nhẹ thoảng qua, bây giờ, dầu không ai nói, mà đứa trẻ cũng cảm được vẻ hay nét đẹp trong cảnh thiên nhiên, cảm biết cái khí vị nhẹ nhàng mùa này thay sang mùa kia, cảm nghĩ cái tiếng con chim nọ là một tiếng đàn tuyệt diệu của ngón tay tạo hóa gẩy lên, cảm biết vũ trụ này là một nơi vườn xuân vui vẻ đầy những gió trăng hoa mộng.

Bây giờ thì thích quá, bèn đua nhau trèo lên đến tận tuyệt đỉnh để trông cảnh trời đất bao la, mây gió tơi bời, lại kéo nhau xuống núi, đi lẩn khuất trong những đường quanh nẻo tắt, ghé hái mấy cái hoa rừng, đem cài giắt lên mái đầu, rồi vừa trẩy vừa hát, những bài hát văn vắn của thày học mới dạy cho, đã làm bài học thuộc lòng trong lớp hôm nào ; một luồng gió thổi từ dưới đưa lại, mấy cái bông hoa cài trên đầu cuốn bay phấp phới, tiếng hát cũng nhịp nhàng theo hơi gió du dương trên khoảng vô cùng, như bao nhiêu cái miệng của đứa hài nhi tấu lên khúc ca nhạc để tạ ơn thượng đế đã vì người đời mà tạo thành một cõi kiền khôn vô biên lạc thú.

Trong khoảng khắc, không phải dụng công gì mà đứa trẻ học một bài học cách trí trực tiếp, nghĩa là hình ảnh tiếp xúc liền đến giác quan mà cảnh vật phản chiếu ngay đến tâm hồn. Bài học nọ lại là học ở một nơi rộng rãi trong sạch, đã có tăng bổ cho tâm hồn thần trí, lại còn làm được thư thái khỏe mạnh cho thân thể, sức vóc biết chừng nào không phải cặm cụi trong lớp học, hay trong thư viện mà ngửi cái mùi mốc trên tờ sách cũ.

Ấy học là thế, chứ nếu chỉ ngồi rủ rỉ cặm cụi trong phòng kín, thì dẫu là học núi học sông, học cây học cỏ, học gió học mây mà cũng chỉ là tờ giấy có vết mực quằn quèo mà thôi, còn hiểu được ý nghĩa tư tường lý thú văn chương là gì đâu. Tôi đâu dám quả quyết rằng: Ai không từng đứng trước một đám cỏ non man mác, ngọn gió như lướt qua, rập rờn tận chân trời, trong cỏ, cây hoa lê nở loáng thoáng một vài bông hoa lấm tấm, bày ra hai nét tương phản ở chỗ đám cỏ xanh mơn mởn và chỗ mấy bông hoa lê trăng trắng thì đọc câu:

Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Không làm sao hiểu thấu được câu ấy đã hàm biết bao thi vị..."

Các em thân mến, 

Trên đây, thi sĩ Đông Hồ đã khuyên các em nên dùng thời giờ vui chơi trong những ngày nghỉ hè để sống gần thiên nhiên, nơi này các em sẽ được học hỏi rất nhiều, ngoài việc tĩnh dưỡng tâm hồn và thể xác.

Nhà hiền triết Hi-lạp Aristote cho rằng, cảnh tượng của thiên nhiên lúc nào cũng đẹp. Nhà văn hào Pháp La Bruyère cũng thích thiên nhiên vì thiên nhiên có những chỗ mà người ta nhìn ngắm, có chỗ làm cho ta rung cảm, và có chỗ mà ta thích sống.

Mong rằng trong kỳ nghỉ hè này, các em được dịp sống với thiên nhiên và các em hoàn toàn thích thú với những ngày vui đùa thoải mái.

Thân mến chào các em      
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG 

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 90, ra ngày 20-5-1973)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>