Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

Ngày Tháng Cận Kề


Tôi không ngờ thời gian lại đi quá nhanh như vậy. Giữa cuộc sống quen thuộc, hằng ngày cắp sách đến trường, buổi sáng hoặc buổi trưa, học xong những giờ học, với những môn học đôi khi quá nhàm chán, nhưng có lúc cũng lắm thích thú. Những môn học tăng thêm phần hiểu biết cho kiến thức, mở rộng ra trong đầu óc vốn dĩ đã tối tăm của mình, những điều hay lẽ phải thâm nhập. Đến trường như một bắt buộc, ngồi xuống ghế, vờ chăm chú nghe thầy giảng, viết miễn cưỡng vào những trang giấy của một quyển vở nào đó, đã đặt cho một cái tên, tên của một môn học, từ đầu niên khóa, viết lớn trịnh trọng cái tên màu mè ở trang giấy thứ nhất ngu xuẩn.

Và tất cả đều tuần tự, lần lượt, cho đến khi hết những ngày, những tháng, những giòng chữ kết thúc ở trang chót của quyển vở đầy những công thức, phương trình. Những công thức, phương trình mà khi ra đời chẳng có một ích gì cho chính mình, cho chính người đã cố học, cố nhớ nó, siêng năng, giỏi dắn. Những buổi sáng đi học, với một ít lười biếng trong đầu, với một ít uể oải trong tay chân, với những bài học, bài toán chưa thuộc, chưa làm, với gương mặt của ông giáo sư nghiêm nghị, rắn đanh, với chỗ ngồi mòn nhẵn hằng ngày, chợt thấy chán nản vô cùng, chỉ muốn đi rong ở đâu đó, ở đâu cũng được, miễn đừng phải nhìn những cảnh, những hình ảnh quá gần gũi mỗi ngày, đã ăn sâu trong mắt, đã nằm lì bất động một chỗ. Nhưng đó chỉ là những ý nghĩ mới thoáng qua mà thôi, mới xuất hiện trong những lúc bực bội vô lý, cau có bất chợt của tâm hồn. Tương lai! Tương lai! Một thằng con trai, một thằng học trò còn nghĩ đến tương lai của nó như một bến bờ, như một chiếc phao cần phải đạt tới, nắm lấy. Ngày mai, ảnh hưởng suốt một đời của tôi, khó nhọc hay sung sướng, mếu máo khóc hay ti toe cười, tự hiểu biết, ý thức nên mỗi buổi, tôi vẫn đều đặn làm một học sinh gương mẫu cắp sách đến trường, ngồi vào chỗ của mình, hơi hám lẫn khuất, mà mò mẫm từng bước đến tương lai ẩn hiện đâu đó với những bài học chỉ có ở nhà trường, được viết lên trang giấy và phải nằm lòng từng đoạn, từng khúc dễ quên kỳ cục. Có phải tương lai tôi tùy thuộc vào những quyển vở này, những cuốn sách này, nô lệ vào những công thức này, những phương trình này? Có phải muốn có một tương lai sáng sủa là mỗi buổi phải làm một người học sinh siêng năng, cặm cụi, giục bước đến trường, nghe giảng giải và viết vào trang giấy, viết vào đầu óc. Nhiều lúc nghĩ ngợi, tôi lại thấy nổi giận, nhưng chả biết giận ai, tay chân ngứa ngày, mồm miệng cứng nhắc, muốn vung lên và hả miệng hét lớn, vung thật mạnh, hét thật to, rền rĩ, như để giải tỏa những nỗi niềm ấm ức nào đó trong lòng. Nhưng muôn đời, ý muốn của tôi không bao giờ làm nên. Nếu tiếng hét đột ngột vang lên, giáo sư sẽ nhìn tôi giận dữ, bạn bè sẽ nhìn tôi chế riễu, thương hại. Hậu quả đó, những cái nhìn không một cảm thông, những cái nhìn không một tình nghĩa, và những khiển trách mạnh mẽ. Mọi người cũng có thể sẽ cho là tôi bệnh thần kinh, điên khùng. Điên khùng! Hừ, tự ý nghĩ đó, tôi đã cố dằn nén lòng mình.

Những người bạn mỗi bữa vẫn gặp nhau, nói chuyện, cười đùa hả hả. Mỗi thằng đều có một cá tính đặc biệt, dễ yêu và cũng dễ ghét. Hiện có lối cười hô hố mỗi khi khoái trá, Vũ nói chuyện có duyên, Tảng thích cãi cọ dù một việc nhỏ nhặt không đáng để lòng. Và, còn nhiều, nhiều lắm... Lớp học như một cái hộp khổng lồ, chứa đựng cả một thế giới nhỏ ấm cúng đôi khi quá ồn ào, vượt giới hạn. Những lần giáo sư nhăn mặt, cây thước bản dài, đập cộp cộp trên bảng liên miên, cảnh cáo và đe dọa, nhưng vô ích, sau quỷ và ma là học trò mà. Các em đã lớn rồi, sao chả làm gương gì hết vậy, còn hơn là lũ con nít nữa. Những lời khuyên nhủ, khiển trách chỉ có hiệu lực ngay lúc đó, cả lớp ngồi im phăng phắc, lắng tai nghe, trước mặt vị giáo sư say sưa, hùng hồn nói, giọng nói trở nên sang sảng lạ thường. Rồi đâu cũng vào đó, quên mất tất cả. Những gương mặt đã lớn, như lời của các vị giáo sư, nghịch ngợm, đùa giỡn, la hét còn hơn hồi làm con nít. Những câu hỏi đặt ra, đã lớn và còn nhỏ, tại sao? Đừng hỏi tại sao. Một người lẹ miệng cả bọn cười ầm lên, hô hố. Người hỏi đứng ngượng nghịu, nhăn nhó, nhưng câu trả lời cũng được buông ra, giản dị: tụi này, tụi em muốn tìm lại tuổi thơ đã đánh mất. Chỉ có thế. Câu trả lời chỉ có thế dùng để làm bia biện hộ cho sự nghịch ngợm, giỡn đùa. Tuổi thơ, tuổi thơ là một vùng cỏ xanh đầy hoa dại nở suốt bốn mùa, đầy bướm đẹp, đầy chim chóc lượn hót quanh năm nên trong mỗi tâm hồn người quá bước, khi rời xa bao giờ cũng luyến tiếc, buồn bã, phải không? Dĩ nhiên, mỗi tâm hồn lúc nào cũng tràn đầy thoáng nhớ về những ngày hồng của lụa gấm. Những ngày hồng mang hồn chim sẻ, mang nắng sớm mai, mang lá xanh non, đời sương thần thánh. Nhung nhớ để mà nhớ nhung. Đánh mất một lần là đánh mất muôn thuở, đánh mất suốt đời. Kỷ niệm có lúc làm lòng ta ấm lại, nhưng cũng có lúc làm lòng ta ngậm ngùi man mác. Hãy chọn lựa kỷ niệm vui và vất bỏ kỷ niệm buồn phải không? Tôi nghĩ lan man như thế, trong lòng cũng có ý định chọn lựa một vài kỷ niệm nào đó để ấp ủ, dỗ dành, nhưng hết sức tôi vẫn không chọn được, thiên thu, kỷ niệm vẫn là những giọt máu tinh khiết ngày nào luân lưu trong tim còn sót lại, không thể nào hong khô bằng sự chọn lựa của hiện tại được.

Những giờ ra chơi, đôi khi tôi ngồi lì trên ghế, đưa mắt quan sát những gương mặt bạn bè đang cười nói vui vẻ hoặc đang trầm tư suy nghĩ, ở ngoài hiên, ở tại chỗ ngồi, có đủ mọi nơi, xung quanh, tôi bảo mình, hãy đoán thử coi họ đang nghe gì trong đầu, lúc đó. Mơ hồ quá! Tôi nói một mình, khi đoán cho một người nào đó đang nghĩ những điều mà mình đã nghĩ và gán cho họ là chủ nhân. Khi cao hứng, tôi cố hình dung ra quá khứ của họ, tôi cố tưởng tượng ra tuổi thơ của họ. Những tuổi thơ bây giờ là mất mát, luôn luôn thiếu sót vì chiến tranh.

Tôi tự khép mình vào khuôn khổ, vào kỷ luật cũng chỉ vì những người thân. Mẹ tôi với nỗi nhọc nhằn mồ hôi đượm giọt. Cha tôi với đời lao khổ sớm tối đong đưa. Và anh tôi, anh Huy, người anh không may mắn, thi rớt, đi lính, từ những địa danh lạ hoắc những bức thư vội vàng, viết những dòng chữ hối hả gửi về gia đình, cho cha, cho mẹ, cho em. Những câu thăm hỏi trong mỗi bức thư ý nghĩa đều giống nhau. Vẫn mẹ khỏe? Vẫn cha vui? Vẫn gia đình hạnh phúc?

Riêng cho tôi, đứa em trai của anh bằng những lời khuyên bảo, nhắn nhủ tha thiết: coi gương anh mà cố gắng nghe em, mẹ đã khóc vì anh, cha đã khổ vì anh, đừng làm hai người buồn thêm nữa, vết xe anh trườn qua không đẹp gì đâu!

*

Ngoại đang lúi cúi xếp những cái bát, cái đĩa vào chạn. Chiếc áo bà ba phai màu hoàng hôn. Dáng lom khom của ngoại làm tôi nghĩ đến tuổi già của bà. Những năm, những tháng nào đã lũ lượt chất chồng, réo gọi trên tóc ngoại, mái tóc bạc trắng, những sợi đời lao khổ hứng chịu, trĩu nặng, phất phơ như những ngọn cỏ khô trên một đời sống bất dịch, chờ đợi một ngày nào đó không ra...

Tôi nghe một nỗi băn khoăn trong đầu, bàng bạc. Mới ngày nào tóc ngoại chưa bạc đầy, lơ thơ vài cọng, vừa báo hiệu nửa tuổi đời đã đi qua và tuổi già đang lấp ló. Ngoại thường gọi tôi nhổ đi, sẽ thưởng công cho một vài đồng ăn kẹo, tôi vui mừng hăng hái, tôi vô tư đếm những cọng tóc trắng xếp dài trên tay ngoại, một lát tính coi được bao nhiêu, vì mười cọng một đồng, vì một đồng sẽ được năm cục kẹo, tôi không nghĩ gì lúc đó, tôi còn bé, chỉ hình dung ra những cục kẹo xanh đỏ ngọt lịm mà thôi, ôi, cay đắng làm sao nỗi vô tư lúc đó.

Tôi tư lự nhìn ngoại. Dáng người khô héo như một cành cây mùa hè trơ trọi. Lưng ngoại đã hơi còng, sức thời gian đã đè nặng trên đó. Mắt ngoại kèm nhèm, màu thời gian đã bay phấn hương trong áo, còn nhiều thứ nữa, mà mắt tôi vẫn nhìn thấy rõ ràng. Tôi thấy cay ở mắt, một ý nghĩ mơ hồ đang ám ảnh.

Xếp xong cái bát cuối cùng, ngoại nhẹ nhổm thẳng người, quay lại, nụ cười thật hiền trên đôi môi khô:

- Con ăn chuối khô không, để ngoại lấy nghe.

Tôi lắc đầu:

- Thôi ngoại, mới ăn cơm còn no, ăn vào sẽ mất ngon, để tối...

- Ừ, để tối...

Ngoại ngồi xuống bên tôi, ngó bâng quơ qua khung cửa sổ, ngôi trường làng đang bãi học, những đứa học trò nhỏ túa ra, đồng phục, linh động. Tôi ngó theo, nhìn lũ học trò, một thoáng nghe xúc động mênh mang. Ngày xưa, tôi cũng như thế, áo trắng quần xanh tóc húi, lời nói thật thà. Ngày xưa, buổi chiều bãi học tôi và lũ bạn cũng túa ra ồn ào như thế, la hét ầm ỹ. Tiếng ngoại:

- Năm nay con đi thi phải không?

Tôi bâng khuâng:

- Dạ.

Giọng ngoại thật trầm:

- Rán nghe con, dù khó khăn cách mấy cũng phải rán, tương lai, một đời chỉ trông vào đó, gắng mà vượt qua. Đậu về đây, ngoại dẫn đi hỏi vợ cho.

Ngoại khôi hài ở câu sau. Tôi cười, vờ thẹn:

- Ngoại nói kỳ, con còn nhỏ.

- Con mà nhỏ, cao hơn ngoại rồi đấy nhé.

Tôi cười trong miệng, xấu hổ. Ngoại nắm lấy tay tôi, mân mê, những ngón tay gầy tích lũy thương yêu:

- Huy nó có gửi thư về thường không con?

Tôi reo:

- Có chứ ngoại.

Tôi sực nhớ:

- A! Ảnh có gởi cho ngoại một cái đấy, con quên đem theo rồi.

Ngoại cốc nhẹ vào đầu tôi:

- Ngoại "mắc đền" con đấy nhé, có chút xíu vậy mà cũng quên.

Tôi cười:

- Con xin lỗi ngoại, anh Huy ảnh viết thư về đều đấy chứ ngoại, trung bình mỗi tuần một cái, tuần nào mà vắng thì má con cứ cuống quít lên, hối tụi con viết đi như điên. Má rầy ảnh, làm sao mỗi tuần phải có một thư về, vậy là má an lòng, nên nay dù cấp bách một việc gì, anh Huy cũng vẫn lo thư về nhà trước cái đã, kẻo má mắng cho thúi đầu.

Ngoại chép miệng:

- Người mẹ nào mà chả vậy hở con?

Tôi ngồi bẹp trên xác lá khô dưới gốc một cây bưởi râm mát. Mùa hè đã trở về bằng những bước dò dẫm thật đáng yêu. Trên những con đường tôi đi qua, đã có vài hoa phượng nở sớm. Những cánh hoa màu đỏ mỗi năm đều nở trong hồn người với vẻ đằm thắm xót xa. Riêng tôi, hoa phượng dưới ánh nhìn, cũng chỉ là trăm ngàn loại hoa khác, không hơn không kém, mặc dù tôi cũng rơi vào tình trạng ngàn năm, mà đã là học trò là phải bắt buộc nhập cuộc, đó là xa cách bạn bè thân yêu, chia ly cùng thầy cô yêu mến. Tôi dửng dưng vô cùng, thì phải thay đổi chứ, hổng lẽ đời sống vẫn cứ như vậy hoài, sáng đến trường, vào chỗ ngồi, nghe rồi viết, trưa ra về ăn cơm, khoảng thời gian còn lại tùy hứng tâm hồn, như vậy hoài hay sao, chán chết. Tôi nghĩ đại khái như thế, có nghĩa là tôi chấp nhận mùa hè không một chút gì khó chịu, mùa hè như một cơn gió lạ cần thiết thổi vào sinh hoạt hằng ngày bằng những đợt nghịch ngợm nhất. Đã có lần tôi bụm miệng cười khi thấy vài cô bạn trịnh trọng, nắn nót viết bốn chữ, lưu bút ngày xanh, kỷ niệm ngày hè gì đó vào trang đầu một quyển vở dầy, bìa cứng, rồi chuyền tay nhau viết vào những lời nỉ non, ai oán. Từ đó, tự nhiên tôi thấy khó chịu trước những cô bạn đó. Gượng gạo, giả tạo hết sức, tôi nghĩ như vậy, mối tình cảm nào đó phơn phớt trong lòng bỗng nhiên biến mất, đã gạn lọc, đã suy xét, đã quẳng ra khỏi tâm hồn từ lúc nào không rõ. Vẽ chuyện mà thôi, hỡi những con người cố tạo ra vẻ buồn thảm ủ ê khi nhìn thấy mùa hè thấp thoáng trước mắt, nở đỏ trên ngọn cây, rực chói.

Tôi nghĩ ngợi thật nhiều, cũng mang hồn một người tầm thường, buồn, vui, thương, ghét, cũng cau có, buồn bã khi có những điều không vừa ý, cũng cười toe khi nhớ đến một kỷ niệm vui nào đó, không thể nén được, tôi nhìn lại mình, như để tìm kiếm một cái gì đó, một cái gì rất mơ hồ, lẫn lút xa xôi, như tôi không bao giờ tìm thấy.

Nơi đây, bao giờ cũng yên tĩnh, phẳng lặng, những tiếng động thanh thoát giải tỏa hồn người đâu đó vang lên trìu mến. Có tiếng lá lao xao, một cơn gió cuộn qua thật mát, bầu trời ẩn hiện sau chùm lá rậm của cây bưởi, thấp thoáng những cụm mây trắng yêu kiều, tiếng chim hót lạc lõng nơi đâu vọng lại khẽ buồn. Tôi dựa người chênh chếch, gốc bưởi tựa lưng, hai chân trần áp lên mặt đất, mát rượi. Tôi nhìn lan dài theo mặt đất, những chiếc lá ửng vàng nằm ưỡn ngực, những chiếc lá thực sự khô, khiêm nhượng hơn nằm dán mình sát mặt đất, bên những gốc cây ăn trái. Một lúc, nản, tôi phóng mắt nhìn lơ ngơ xung quanh, quá khứ thường trở về trong những lúc vắng vẻ, buồn bã nhất, tôi nhớ lại ngày xưa như một tự nhiên rất cần cho lúc này, một buổi chiều mang linh hồn thương nhớ bàng bạc khắp nơi. Những kỷ niệm sống dậy ồn ào, dồn dập như một trận mưa giông khơi dậy một vài gương mặt lấp liếm, một vài dáng dấp bay lơ lửng trên cao, nhạt nhòa đâu đó. Tôi cười thật nhỏ, khi bắt đầu nhớ lại, những dòng ngày đã qua trôi đi, những dòng ngày thơ ấu đã trôi qua đời mình phút giây ngắn ngủi, mất hút và bây giờ chỉ còn sót lại những cái tên, những cái tên làm ấm lòng thoáng chốc, những cái tên phác họa nên một gương mặt, mơ hồ mà thật thân quen, xa lạ mà thật gần gũi. Tôi nhớ đến Nghĩa, đến Duyên, đến Cang, đến Nụ, nỗi nhớ như một giọt rượu lạ nhất, thấm dần dần vào từng tế bào chết điếng, xuyên từ từ qua hồn giãy giụa. Tôi mơ màng lâng lâng trong trạng thái như còn mơ ngủ sau khi bị đánh thức, giữa ý thức và vô thức, tôi nhớ lại tất cả rõ ràng, những sự việc tầm thường nhỏ nhặt đã quên, chợt vươn cao trong hồn, trước mắt hiển nhiên. Nơi đầu dốc hôm nào tôi đã chận Lữ đánh cho một trận vì tội bắt nạt Nghĩa, gốc bưởi này hôm nào tôi ra ngồi khóc thút thít vì nhớ nhà, cây mận này hôm nào Duyên giận tôi, không thèm chơi với tôi nữa, tôi trèo lên ca vọng cổ một mình như than thở, khoảng sân này hôm nào tôi cùng Nghĩa, Cang đánh đáo, bắn bi rồi cãi lộn um sùm...

Lúc này, những chuyện hôm nào, những kỷ niệm ngày xưa, sống lại tràn trề cùng nỗi ngậm ngùi đan kín trong hồn, rũ bóng. Tôi nhớ lại tất cả, những thằng bạn thân, những thằng bạn không thân, những thằng cùng trang lứa thù nghịch, những cô bạn bé bỏng nhu mì, nhưng đó chỉ là những bóng dáng xưa cũ, những bóng dáng thực của hôm nào, bây giờ không còn nữa rồi, bây giờ đã biền biệt mất rồi, những Lữ, những Nghĩa, những Duyên, những Cang đã lầm lũi trăm nhánh đời tản mác, đã âm thầm nơi nào phân chia cùng khắp, đã mù mờ như tuổi nhỏ đã qua.

Tôi thở dài trong hơi gió, nỗi buồn ủ hương xông ngào ngạt giữa hồn, đáy mắt cay cay tựa sắp khóc. Tôi nhớ tới anh Huy, ngày xưa, tôi cùng ở nơi đây, quê ngoại anh Huy, dịu hiền, sống khoảng thời gian êm ái, đằm thắm nhất, những giận hờn, những đánh lộn vụn vặt khó quên, tôi không nhịn anh, anh không nhường tôi, thế nên hai đứa bị ngoại đánh đòn hoài, quì gối cả buổi, khóc rưng rức sau hè, anh gọi tôi bằng mày và xưng tao, tôi cũng vậy. Ngày nào, có anh, có tôi, ở nơi nầy nói cười đùa giỡn, bây giờ trên xác lá khô chết mục giữa mùa hè thấp thoáng, giữa tiếng động lao xao của lá cây, giữa tiếng chim hót lạc lõng, chỉ còn có tôi ngồi lặng lẽ, hắt hiu, thẫn thờ góp nhặt nỗi bâng khuâng, nhớ lại chuyện ngày xưa bé bỏng mà buồn một mình. Ngày xưa... Ngày xưa, tôi không ngờ thời gian lại đi quá nhanh như vậy.

*

Anh Huy vừa gửi về một bức thư cho tôi, anh hỏi, sắp tới ngày thi rồi phải không, vài tháng coi vậy chớ không lâu đâu, nháy mắt, tới tức thì bây giờ, làm sao em cũng phải hơn anh, để ba má mỉm cười toại nguyện đó. Cuối thư, vẫn những lời kết thúc thiết tha quen thuộc, những lời mà tôi đã nằm lòng, coi gương anh mà rán lên nghe em, ba má bây giờ chỉ trông mong vào em thôi đó, đừng làm hai người buồn, vết xe anh trườn qua không đẹp gì đâu.

Buổi sáng nhìn nắng lên tươi rói, nhận được bức thư ở tay ông phát thư già cọc cạch với chiếc xe đạp phong trần, mở ra, đọc trọn xong xuôi những dòng chữ có vẻ viết trong hối hả, tôi chợt nghe lòng mình buồn rười rượi.


PHONG VŨ LINH UY   
(4-1971)              
(bút nhóm hoa nắng)     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 157, ra ngày 15-7-1971)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>