5.- GIÚP ĐỠ KẺ HOẠN NẠN
Sau cái chết đáng kính phục của bà Bồ Câu Bạch, đàn bồ câu được ông chủ đóng thêm cho một căn chuồng mới. Thế là từ nay, “chung cư” bồ câu trở nên khang trang, rộng rãi. Những cơn mưa đến, chúng không còn lo sợ tai họa xảy ra như trước nữa. Chúng đã có đủ chỗ trú mưa !
Nhưng đám bồ câu yên tâm thì các thú khác dưới đất, kể cả gia đình gà trong cái chuồng thấp lại bắt đầu lo ngại. Theo lời ông Lu Lu thì năm nào cũng vậy, cứ khi mùa mưa đến, vào khoảng thời gian có những cơn mưa thật lớn, khu xóm chung quanh bị nước tràn ứ đến ngập cả mặt đường. Ông chủ đã cho xây bờ ngăn nước chung quanh nhà, nền thì làm thật cao, muốn lên nhà trên phải bước qua mấy bậc xi măng. Nhưng bờ ngăn cũng thành vô ích khi lũ nước mở cuộc xâm lăng. Một đôi khi, chúng tràn vào ngõ do sự xúi dục của mấy chiếc xe hơi chạy ngoài đường ngập nước. KHU VƯỜN HẠNH PHÚC thì lũ nước xâm lăng bằng cách chui xuống đất sâu, vượt qua bờ ngăn rồi ngoi lên vườn. Khi ấy thì khỏi nói, cả khu vườn như một cái ao khổng lồ.
Chiều xuống dần, nắng nhạt và trời đang xanh. Bỗng dưng bọn nắng trốn chạy, rồi từng đám mây đen cuồn cuộn trên không. Chúng bảo nhau :
- Anh em ta sẽ đổ hết nước xuống vùng này nghe ! Giữ nước mãi bên mình, mỏi nhừ cả tay !
Quốc gia kiến đen, quốc gia kiến đỏ nghe được những lời đó trước tiên, rủ nhau di cư. Mi Lu Anh hỏi một chú kiến :
- Sao hôm nay mấy bạn không trú ở chuồng gà mà leo tận đáy chuồng chim thế ?
Chú Kiến đáp :
- Mi Lu Anh không biết đó chứ chúng tôi thì rành vụ này lắm ! Hôm nay trời mưa to lắm đấy ! Không chừng ngập hết vườn cho coi !
Nói rồi, chú kiến hối hả theo các bạn di cư về phía chuồng chim. Mi Lu Anh đem chuyện kể cho ông Lu Lu nghe, ông Lu Lu bảo :
- Bọn kiến đã nói thế thì sẽ có mưa lớn thật rồi ! Cháu đi gọi Mi Lu Em về ông bảo !
Mi Lu Anh lên nhà trên gọi Mi Lu Em, nhưng Mi Lu Em viện cớ bận cùng cậu chủ nhỏ tiếp khách của cậu, nên nhắn Mi Lu Anh nói với ông Lu Lu rằng chừng nào bạn cậu chủ về, Mi Lu Em sẽ xuống. Ông Lu Lu nói :
- Nó bận việc hả ? Thì thôi vậy. Thực ra cũng không có chuyện gì. Ông chỉ muốn dạy hai cháu ít điều : là khi nào nước bắt đầu ngập vào vườn, thì hai cháu phải chạy ngay vào hiên sau nhà trên mà trú…
- Thế còn ông Lu Lu ? Nước ngập thì căn nhà gỗ này… ?
- … hẳn là căn nhà gỗ bị ngập luôn rồi… Nhưng cháu chẳng phải lo, ông chủ sẽ không quên ông đâu, thế nào ông chủ cũng ra cởi xích cho ông. Khi đó, ông sẽ vào với các cháu…
- Có thế thôi sao ông ?
- Còn nữa chứ… Ở nơi hiên sau trú mưa, các cháu phải sốt sắng nếu thấy chung quanh mình, có bạn bè nào nguy ngập vì lũ nước thì phải ra tay cứu giúp ngay, không được chần chờ…
Mi Lu Anh vâng dạ.
Rồi chỉ một lúc sau, mưa bắt đầu rơi. Mi Lu Anh lên thuật chuyện cho Mi Lu Em nghe. Lúc ấy, bạn của cậu chủ đã bị kẹt ở lại vì trời mưa lớn. Mi Lu Em vẫn phải ở lại. Mi Lu Anh lăng quăng chạy ra mưa chơi giỡn. Nhưng chỉ được một lúc là chú phải theo lời ông Lu Lu đến hiên sau trú mưa. Nước đã bắt đầu dâng ngập khu vườn. Ông chủ mặc áo mưa ra cởi xích cho ông Lu Lu. Ông Lu Lu chưa vào hiên sau vội, còn đi rảo một vòng quanh khu vườn lội nước lõm bõm để quan sát.
Nước cứ dâng lên. Ông Lu Lu bị ngập tới ngang bụng, phải vào hiên sau. Khi đó, nơi này đã có mặt Mi Lu Anh, gia đình gà (chuồng gà cũng đã bị ngập), cô Miu Miu, một anh cóc tía, vài cậu ếch, nhái, một chú dế, một chú kỳ nhông. Cô Miu Miu thì quả là nhiều tính xấu (để hôm nào rảnh rỗi, tác giả xin dành một câu chuyện riêng về cô Miu Miu) nhưng có một điểm đáng khen : Cô xem vậy chứ rất quân tử ! Đối với bọn ếch, nhái, dế… lúc thường mà gặp cô thì phải biết, cô sẽ không tha mạng. Nhưng lúc mưa gió này, cô tỏ ra anh hùng, hiền khô !
Ông Lu Lu bước lên hiên sau với thân hình ướt đẫm đúng lúc giữa mặt nước mênh mông có tiếng kêu cứu :
- Cứu tôi ! Cứu tôi…
Ông vội hướng về phía có tiếng kêu, chưa kịp nhận ra kẻ bị nạn thì “ùm” một tiếng, Mi Lu Anh đã nhảy xuống nước. Mực nước mấp mé hiên sau, nghĩa là cao quá đầu Mi Lu Anh, bởi thế, chú phải bơi lõm bõm về phía có tiếng kêu. Một chú Gián vừa ngoi vừa rên siết :
- Cứu tôi… Trời ơi ! Lạnh quá… Chết tôi mất…
Mi Lu Anh nói :
- Leo lên lưng tôi đi…
Vào đến hiên sau. Cô Miu Miu đang ngắm nhìn trời mưa, ngóc đầu dậy làm chú Gián đang rét run cũng phải đổ mồ hôi. Nhưng không sao, đã bảo là cô Miu Miu anh hùng lắm mà. Cô lại nằm trong tư thế cũ, gối đầu trên tay nhìn trời mưa rơi ào ạt.
Chú dế chạy ra làm hô hấp nhân tạo cho chú Gián. Ông Lu Lu phà hơi làm ấm con vật. Chỉ một lúc, Gián đã tỉnh táo hẳn. Chú cám ơn các thú rối rít.
Mi Lu Anh lại phải ra tay. Một chú Ếch con tuy đã leo lên được một mảnh ván trôi lềnh bềnh nơi mặt nước, nhưng bị lạnh run cầm cập kêu ầm ĩ. Ông Lu Lu lại phải phà hơi làm ấm cho chú bé. Tiếp theo là năm anh em nhà Kiến đen nọ. Rồi một cô Bướm bay trối chết từ gốc vú sữa sang gốc nhãn, tới gần chuồng chim rồi sau cùng, tới hiên sau. Vừa đến nơi an toàn, cô ướt hết cánh, lại lên cơn đau tim bất ngờ, ngã phịch xuống nền bất tỉnh. Chú dế lại phải hô hấp nhân tạo.
Cơn mưa ngớt dần. Nước rút bớt đi. Ông Lu Lu chạy vội ra vườn thăm hỏi các cây cối. Gốc vú sữa than thở :
- Suýt chút nữa bọn gió làm tôi gẫy tay…
Đám bông mười giờ cố ngóc đầu khỏi mặt nước để thở :
- Giời ơi ! Lạnh không biết sao mà tả…
Lũ cỏ xanh :
- Thế là bẩn hết mình mẩy chúng tôi rồi… Lũ nước đi đến đâu là chở bọn đất bột đi đến đó…
Ông Lu Lu nói với cả bọn :
- Thôi, cứ rán đi ! Lâu lâu cũng phải chịu cực khổ một lần chứ cứ sống sung sướng mãi thì có gì là thú !
*
Tối hôm ấy, nơi sân cỏ còn bám đầy đất bột và rác rưới, các thú họp nhau thuật lại chuyện trời mưa. Mi Lu Em than thở mình không được góp mặt nơi hiên sau. Nhưng bù lại, chú cũng cứu được một chú dế mèn suýt chết đuối nơi mặt nước đằng ngõ đi, ngang cửa ra vào phòng cậu chủ. Dế mèn cảm kích ơn cứu tử, xin kết nghĩa anh em với Mi Lu Em.
Ông Lu Lu vuốt râu cười ha hả :
- Thật là thích thú, sau cơn mưa, ai cũng có thêm vài người bạn mới…
Mi Lu Anh tiếp :
- Ấy cũng là nhờ tinh thần…
Mi Lu Em :
- … cứu giúp kẻ hoạn nạn !
NGUYỄN THÁI HẢI
______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VI
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 191, ra ngày 15-12-1972)