– Thân ái cho H.
1/ Xứ người:
“Dễ thương ơi là dễ thương những cành trúc đào nở hoa trắng xóa…”
Chàng tưởng tượng đến khuôn mặt rất ngộ nghĩnh của Ngâm Sương khi cô bé viết những dòng này, chiếc kính cận chắc sẽ nghiêng nghiêng với nụ cười thích thú. Ô mà không thích sao được khi Ngâm Sương biết rằng ở đây, chàng nhớ đến quay quắt những nụ hoa trắng ở quê nhà. Buổi sáng, trên lối sỏi xám dẫn đến giảng đường, chàng nghịch những hoa tuyết rơi trên hàng thông non đến cóng cả hai tay. Chàng thường cười với chúng, nghe thật thân ái, dịu dàng… hoa tuyết và những nụ Trúc Đào trắng… hình như có một liên hệ nào đó, rất tình cờ. Con bé Ngâm Sương thật ác, đã thế, cô nàng viết thư tả rất kỹ: “Trời ơi, Hạo biết không? Đi học trời mưa thú vị khôn tả, một tay cho vào túi, một tay nhón bắp rang nhảy nhảy, nóng và dòn, thơm và ngon kinh khủng. Còn hạt dẻ nữa, hôm qua nhỏ bạn đi Đà Lạt về cho mấy kí, tối nay ta sẽ…” làm chàng muốn bay về cốc cho mấy cái và mắng: Hư lắm đó Ngâm Sương ạ, thư nào cũng tính chuyện đi chơi và ăn thôi. Năm thi đó, nhớ không con nhỏ… chắc cô nàng sẽ nhíu mũi (thói quen rất dễ thương): Ghê, Hạo độ rày người lớn quá ta. Chắc… chàng lắc đầu xua đuổi những ý nghĩ ám ảnh bằng cách nói thầm trong trí, thật hách: Ê Ngâm Sương, đi chỗ khác chơi cho ta học. Nhưng dễ gì con nhỏ bướng bỉnh ấy vâng lời. Chàng thấy nó cười, môi cười răng khểnh thấy cũng được ghê đi đấy chứ, “nụ cười ăn tiền thiên hạ”… chàng nói câu ấy và con nhỏ bậm môi, hét lên: Không cho khen, đừng có nịnh…
Lại nghĩ ngợi vu vơ rồi, thật quái đản, chàng ném tập sách xuống bàn, nhoài người đóng chiếc cửa kính mờ mờ.
– Chào Hạo.
Cách phát âm lơ lớ của cô bạn học khiến tên chàng nghe như House – chào House – chàng mỉm cười:
– Chào Ali.
Nụ cười cô bạn khá có duyên, có lẽ nhờ câu tiếng Việt cô ta thốt ra giữa buổi sáng mù sương trong thành phố lạ. Cô ta quay xuống, mắt nâu, tóc nâu, má hồng, môi đỏ, dễ thương mà sao xa lạ quá.
– Hạo có vẻ buồn.
Từng tiếng một khó khăn thoát từ môi cô bạn, chàng biết vậy nên trả lời bằng tiếng Anh:
– Ừ, nhớ nhà.
Và biết rằng đôi mắt cô bạn nhìn lui có vẻ thông cảm, có vẻ áy náy, chàng viết thật lớn vào tờ giấy trước mặt: Nhớ nhà quá chừng đi Ngâm Sương ơi!…
2/ Quê nhà.
● Thái Hòa nói với ta như thế này khi hai đứa đứng chờ ông phát thư trước ngõ:
– Ông bạn già của chúng ta luôn luôn trễ nải.
– … Và hách nữa.
Quả vậy, ông bạn già chìa qua song sắt lá thư dày của Hạo, cau mặt mắng:
– Nắng thế này mà đứng đây hả? Chờ tao bấm chuông rồi hãy ra có được không?
Ta cấu Thái Hòa, ngầm nói: Thấy không, ông bạn già hách ra gì. Con nhỏ cười toe cái miệng:
– Dạ, tụi cháu đứng dưới bóng cây mà bác. Đứng chờ đỡ mất công bác.
Ông bạn hứ cái cốc và dắt xe đi qua. Chốc nữa, có lẽ ta sẽ viết cho Hạo câu đầu tiên: Nhà ngươi vừa làm ta bị mắng đó, biết không? Có lẽ anh chàng ngẩn ngơ không hiểu…
Chúa ơi, Hạo dám mở đầu bằng câu dễ ghét: Ê, con nhỏ bướng. Ta cười nhỏ: Gan quá ta. Ừ, chốc nữa ta sẽ trả thù… “Con nhỏ đang làm chi đó hở? Hy vọng là không làm thơ hay chúi đầu đọc sách. Coi chừng đó nghe không? Thi rớt bố mẹ bắt ở nhà… (hì hì). Tưởng tượng khuôn mặt con nhỏ đang giận dữ buồn cười quá đi. Đừng thèm giận, cười đi, răng khểnh để cười cho có duyên chứ không phải để dành cho ai đó; nhỏ biết không? Gởi con nhỏ một chút lạnh ở đây… ”
Ta bỏ thư Hạo qua một bên, cúi xuống làm bài toán lý. Cái phương trình chuyển động sao mà hắc ám… năm thi, ừ năm thi… sao chương trình 12A nặng thế này hở trời.
●● Thầy Ngạc mắng ta:
– “Ngâm Sương cứ tà tà như vậy cuối năm rớt đó.”
Ta tức mình, kể gì, chưa “xuất quân” mà đã bị trù mạt, mặt ta lúc ấy chắc trông thảm lắm, thầy Hy vội can:
– “Coi vậy chứ Ngâm Sương học khá, rớt sao được.”
Tạ Ngân cũng xen vào:
– “Ngâm Sương mà rớt thì con ai đậu nữa hở thầy?”
– “Nhưng ban A gì mà cứ nay làm báo mai làm báo. Rồi họp, rồi hành. Giờ đâu học bài.”
Chợt ta nghĩ đến Hạo. Dân ban bê mà cũng văn nghệ văn gừng ra gì đó chứ. Cũng tà tà vậy mà giật được hai cái ưu để đi ngoại quốc như ai. Ta cười, không nói lòng nao nức nghĩ đến lúc tên mình trên bảng vàng. Nguyễn Ngâm sương – chắc đôi mắt của thầy Ngạc tròn xoe: Ủa, con nhỏ giỏi quá nhỉ? Và nụ cười thầy Hy đằm đằm dễ mến: Ừ, học trò tôi cơ mà… Ta mong chờ cái ngày ấy quá. Ô, còn những sáu tháng nữa mới thi. Ta xịu mặt, thầy Ngạc tưởng ta giận, dịu giọng:
– Thầy nói vậy thôi chứ đâu có chê Ngâm Sương học dở? Ai chả biết tài cô…
Ta nói nhỏ:
– Đâu phải vậy, thầy…
3/ Xứ người:
Mélancolie, Mélancolie… tên con đường dễ thương dẫn đến nhà cô bạn học: Ali Ostermeyer. Hai hàng phong giao nhau thành những vòm xanh tuyệt đẹp. Cái tên Mélancolie do chàng đặt làm cô bạn tròn đôi mắt màu café rang xuýt xoa khen mãi. Ô, Ali! Nếu cô biết bên xứ tôi còn có những tên gọi tuyệt vời hơn nữa, con đường tình sử dẫn đến nhà thờ đá xám, con đường tuyệt vọng xuyên qua rừng dương liễu chắc đôi mắt đẹp sẽ mở hết độ ngạc nhiên.
Nắng buổi sáng rơi trên vai áo, những cánh Tulipe màu hỏa hoàng nở rực trong vườn nhà Ali. Cánh cửa sắt khóa kín làm chàng dừng lại. Định ghé ngang Ali nhờ cô bạn mua dùm con poupée ngộ nghĩnh gởi về mừng sinh nhật Ngâm Sương… Chàng rẽ vào con đường nhỏ, ở đây, những hàng bonniban chạy dài, đều như cắt ; lấm tấm điểm những hoa vàng. Chàng bỗng yêu vô cùng màu nắng sớm, màu vàng hoa, và màu của những mái tóc óng ả của các cô bé con đang đùa trong công viên Cherry Hill trước mặt. Chàng nhớ đến cô em nhỏ ở nhà, chắc giờ này đang ngủ vùi trong chăn ấm. Và Ngâm Sương, không biết cô ta có chịu chăm chỉ học hành hay cũng lười biếng như ngày nào chưa nếm mùi thi cử. Chàng nhìn vào một phòng điện thoại, đọc nhỏ trong đầu hai câu thơ tuyệt vời của Du Tử Lê: Bỗng thèm khát một tiếng thôi ; Bỏ tiền vào máy nghe lời chào ông. Lòng chàng chùng xuống, buồn thiu. Ô, ngày về… tưởng chừng như xa lắm.
4/ Rồi không còn bao giờ.
Hạo nhìn đăm đăm vào tấm chân dung Ngâm Sương do chính tay mình vẽ, chiếc răng khểnh nghinh nghinh cùng với môi cười trông như muốn gây sự: Ê, nhìn gì dữ vậy, hở? Lạ lắm sao! Chàng úp tấm hình xuống bàn học. Bức thư dang dở của Ngâm Sương được gởi kèm với dòng ghi vội của người bạn thân mà Ngâm Sương hay nhắc đến, Đoàn Thái Hòa: Vĩnh biệt Ngâm Sương. Hạo cắn ngón tay mình. Sao vậy, sao vậy Ngâm Sương? Nhỏ chưa đầy mười bảy tuổi. Dòng tin vắn tắt làm chàng hoang mang. Những nét mực đen quay cuồng trong trí: vĩnh biệt Ngâm Sương… chàng chạy qua phòng khách tìm máy điện thoại, vội vã nhấc ống xin số quê nhà, những âm thanh lạ tai, ở đầu dây cho biết không liên lạc được. Chàng ngẩn ngơ buông ống, đôi mắt hơi cay. Dường như có giọng nói chế giễu của Ngâm Sương: Người ta đùa mà tưởng thật, quê ghê ơi… Có phải là một trò đùa của nhỏ không? Ngâm Sương!
5/ Từ khúc.
Tuyết vẫn rơi trên những hàng bonniban thấp, chàng một mình lang thang như cậu học trò nhàn hạ nhất… Ở Nha Trang chắc trời đang mưa, tháng mười một triền miên trong những cơn mưa buốt lòng. Nhỏ đã ngủ theo giấc đông nào đó, phải không Ngâm sương? Gió buốt hai vai… Chàng lầm lũi băng qua công viên. Những hoa vàng, tóc vàng, nắng vàng đâu mất cả… Ngâm Sương, cô bạn nhỏ thân yêu cũng theo đó bay mất trong màn mưa lạnh lùng.
TÔN NỮ THU DUNG
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 224, ra ngày 1-7-1974)