Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

CHƯƠNG III_TIẾNG CHUÔNG DƯỚI ĐÁY BIỂN


CHƯƠNG III


Khôi Việt tụt xuống khỏi miệng vực. Không ai dám nán lại thêm để nghe tiếng chuông kêu, vì anh nào cũng thấy sởn gai ốc. Hai người im lặng trở về chỗ cũ, ngồi xuống cạnh túi hành trang. Việt thầm nghĩ: Không còn hồ nghi gì nữa, rõ ràng là tiếng chuông kêu! Tiếng chuông nhịp nhàng, âm vang dưới sóng! Anh thì thầm vào tai bạn :

- Đúng là chuyện thần tiên! Tụi mình còn một đèn bấm nữa, cậu lấy nốt ra đi. Tớ ngán ngồi trong cái hang âm u này quá.

Cơn giông vẫn chưa dứt. Gió mưa quất loạn ngoài cửa hang. Việt không thể nào quên được tiếng chuông vừa nghe, âm thanh của nó văng vẳng, âm âm từ dưới lòng vực đã ám ảnh vào cân não Việt. Tự nhiên anh đưa mắt nhìn về phía đó, muốn lắng nghe xem tiếng chuông còn kêu nữa hay không. Nhưng ngồi đây Việt chỉ nghe có tiếng gió rít mưa gào.

Khôi lấy cây đèn bấm thứ hai. Ánh điện vừa lóe, Khôi đã chiếu tia sáng về phía cửa vực. Việt hỏi :

- Cậu có tin chắc vừa nghe tiếng chuông kêu không? Tớ thì cả quyết là có. Lạ thật! Tiếng chuông dưới đáy biển!

Khôi lẩm bẩm :

- Chú Triều Dương hẳn hết còn ngạo được mình nữa! Rõ ràng cả hai đứa đều nghe rõ. Chỉ hận là chưa chi đã rơi mất một cái đèn.

Giọng Khôi gần như càu nhàu. Nhưng Việt đã biết tánh của bạn. Đôi bạn từng sát cánh bên nhau trong các cuộc mạo hiểm, từng góp bàn ý kiến, chia sẻ mọi hồi hộp, nhưng chưa bao giờ gặp điều kỳ bí như lần này.

Bên ngoài mưa vẫn rơi tầm tã. Khôi tỏ vẻ bồn chồn. Anh đứng bật lên nói :

- Dù cái chuông có kêu thành tiếng thì nó cũng không làm gì mình được. Chẳng lẽ mình sợ nó cắn cấu hay nuốt trọn mình mà sợ! Tụi mình phải tỏ ra là tay "chì" mới được. Đừng có vác bộ mặt thất sắc, thiểu não về trình diện chú Triều Dương. Tốt hơn tụi mình nên đến bờ vực lắng nghe một lần nữa coi có khám phá thêm điều gì nữa không?

Việt đứng lên theo, cùng Khôi đến bên miệng vực. Nhưng lần này cả hai đều rất thận trọng sợ một sơ sảy vụng về là dám xuống chầu Long Vương lắm. Nhưng càng thận trọng, Khôi Việt càng thấy hồi hộp, tim đập trống ở trong ngực. Tiếng tim vang dội đến đỗi như lấn át cả tiếng sóng ầm ầm. Cố trấn tĩnh, lắng tai hồi lâu, Khôi Việt lại chợt nghe tiếng chuông gióng lên lần nữa, vẫn nhịp nhàng đều đặn, như tiếng chuông báo hiệu thánh lễ của một ngôi giáo đường. Tiếng chuông nương theo sóng dội, vẳng lên, lúc to lúc nhỏ nhưng vẫn giữ nguyên nhịp điệu đều đều.

Khôi lẩm bẩm :

- Đúng là tiếng chuông, không thể nào nhầm được nữa!

Việt hỏi :

- Nhưng tại sao nó lại kêu? Và ai đánh cho nó kêu chứ?

Tiếng chuông gióng lên một hồi rồi ngừng bặt. Sự im vắng đột ngột đó càng tăng thêm vẻ dị thường, khiến Khôi Việt đâm hoảng sợ. Hai người lại vội rời bờ vực. Khôi hỏi :

- Mấy giờ rồi?

Việt chiếu đèn vào đồng hồ tay :

- Vừa đúng 6 giờ chiều.

- Kể ai đó ở dưới thủy cung cũng đúng giờ đấy nhỉ?

Việt cười, như để phụ họa với câu nói của bạn. Nhưng cả giọng cười của Việt lẫn câu khôi hài của Khôi đều không tự nhiên. Họ cất tiếng chỉ cốt để trấn áp sự hoang mang bối rối đang đè nặng trong lòng. Liền sau đó, Khôi đặt ngay giả thuyết :

"Có lẽ cái chuông đó là của một chiếc tàu buôn bị đắm, rồi trôi kẹt dưới đáy vực". Giả thuyết này bị Việt bác ngay vì dù chuông đó có được những đợt sóng ngầm lay động nên phát tiếng kêu, nhưng phải giải thích làm sao khi nó kêu và ngưng đúng 6 giờ chiều?

Khôi cãi :

- Việc chuông đánh đúng giờ không có nghĩa gì cả. Có thể do ngẫu nhiên, và tại mình có ý nghĩ kỳ quặc coi giờ vào lúc ấy.

- Nếu thế mình thử nghe lại một lần nữa coi.

- Cậu đi mà nghe!

Không ai muốn trở lại bờ vực nữa. Khôi Việt lẳng lặng nhặt "balô" đeo lên vai. Khỏi cần tranh luận, cả hai đều đồng ý rời khỏi hang.

Cũng may cơn mưa lúc ấy đã ngớt. Bầu trời trở lại quang đãng. Ánh tà dương trước khi tắt lịm còn cố nhuộm ửng chân mây. Bên phía Hội An hiện hình chiếc cầu vồng, và xóm nhà giữa rừng chàm của dân đảo cũng bớt vẻ hoang liêu... Khôi Việt hy vọng dựng lều gần đấy, đốt lên một đống lửa trại, và có thể sẽ xuống gặp gỡ trò truyện với những chủ vườn nếu họ tỏ vẻ niềm nở.

Chưa chi Khôi đã căn dặn :

- Mình không nên đả động gì đến chuyện cái chuông cả. Người ở miền này hình như không muốn dây mình vào những chuyện rắc rối. Cậu có nhớ là sáng nay, người chủ chiếc xuồng cho mình thuê, đang chuyện trò cởi mở, đột nhiên im lặng khi nghe tụi minh nhắc đến tên thầy giáo Phong không?

Việt cảm thấy vững tâm hơn khi bước ra khỏi hang. Anh cười nói :

- Biết đâu thầy giáo Phong chẳng lò mò ra đây chơi và cũng khám phá ra miệng vực, rồi nhảy đại xuống xem ai đã đánh tiếng chuông kêu?

Khôi nói :

- Nếu thầy ấy lao xuống vực như chiếc đèn bấm đã lao xuống, thì chắc hết còn sống nổi!

Đến chỗ hốc đá để chiếc lều vải, Việt bỗng sửng sốt kêu :

- Ủa chiếc lều đâu rồi? Rõ ràng Việt để nó lại trong hốc đá này mà! Việt nhớ lúc đặt nó xuống có bị cụng đầu vào mỏm đá này!

Khôi cũng ngơ ngác, lẩm bẩm :

- Quái gở thật!

Cả hai chia nhau đi tìm. Nhưng vố ích, chiếc lều vải cùng với cột, cọc phụ tùng đã biến mất.

Việt nói :

- Hay là tụi khỉ...

Khôi bực mình, gắt :

- Khỉ nó lấy lều vải của mình làm gì! Ngày hôm nay thật không hên tí nào! Vừa mất cái đèn, giờ lại biến luôn cả lều nữa.

Tìm kiếm một hồi không thấy, Khôi Việt đành cho rằng trong lúc hai anh em trú mưa trong hang, có kẻ nào đi qua thấy cái lều đã nẫng luôn mất. Việt bàn :

- Mất lều rồi, tụi mình lấy gì cắm trại đây?! Không lẽ trở xuống bến, lấy xuồng chèo về Hội An!

Khôi nói :

- Việc ấy không thể được, vì trời sắp tối rồi. Chỉ còn có cách là tụi mình lần xuống xóm vườn dưới kia, kiếm chỗ ngủ tạm đêm nay vậy!

Việt gật đầu đồng ý, kéo bạn đi xuống một ngôi nhà gần nhất. Vấn đề tìm chỗ tạm trú qua đêm đã làm cả hai người quên lãng câu chuyện tiếng chuông kêu...

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>