CHƯƠNG X
Sáng hôm sau.
Lợi dụng thời gian mọi người trong nhà bận đi lễ từ hồi bẩy
giờ, chàng thanh tra cảnh sát bước vào phòng Tường Vân. Đúng là phòng của nữ
sinh, ngăn nắp, gọn ghẽ đâu vào đấy. Sách vở, quyển nào, quyển ấy bọc
giấy bóng, sạch sẽ, xếp đứng trên kệ. Một vài quyển truyện giải trí lành
mạnh. Trên bàn viết, một cái bình đẹp trong cắm bó hoa “pensée” giống như
bên phòng của Sinh. Đưa tia mắt loang loáng, Trọng Viễn liếc nhanh trong tủ
áo, các ngăn “com-mốt”. Chàng thanh niên cảm thấy hơi áy náy trong lòng
khi bất đắc dĩ phải lục soát một căn phòng… trong trắng như phòng của Tường Vân.
Chàng thầm nghĩ: “Ngây thơ, hồn nhiên quá!”. Trên bàn học, tấm
“sous-main” sao lại hơi kênh kênh. Trọng Viễn khẽ nhấc tấm bìa dầy bọc mi-ca: một quyển vở dầy, loại
bốn trăm trang đóng gáy vải, bìa “cát-tông”. Bốn chữ “Nhật ký của tôi”
viết bằng mực đen lồ lộ trên tấm nhãn trắng toát. Chàng trai liếc đọc
thật nhanh mấy trang đầu: toàn chuyện học sinh vô tư lự, đi chơi chỗ nọ,
thăm viếng chỗ kia… Mấy trang sau, hai chữ Tường Lan khiến chàng chú ý:
“Cuộc đời và sự nghiệp” của cô gái bí mật được cô em gái giãi bày rõ
rệt trên giấy trắng. Những lời viết chứng tỏ cô em mến thương cô chị rất
nhiều “Lạy trời cho Tường Lan thành công. Chỉ ngại anh Sinh! Anh Sinh
mà không phản đối, chắc mẹ thế nào cũng bằng lòng. Nhất định như thế!”
Đoạn nói về việc Sinh thất tung, Trọng Viễn đọc thật kỹ, Tường
Vân thương yêu anh trai lắm, tỏ lộ nỗi lo lắng khắc khoải rất tội nghiệp
khi nghĩ đến Sinh. Chàng thanh tra chợt mỉm cười. Còn nhỏ tuổi thế mà
cô nữ sinh đã biết dùng câu: “Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp!” Hai
chữ “Trọng Viễn” nơi cuối trang khiến chàng trai chú ý đặc biệt: “Thanh
tra Trọng Viễn đã tới! Đôi mắt chàng có tia nhìn thật hiền dịu khiến
mình yên tâm hết sức mỗi khi được chàng ngó. Kỳ quái! Trọng Viễn trông
thật khác người ta, chẳng giống một ai trong đám bạn bè của anh Sinh,
những chàng thanh niên Hà Thành láu lỉnh. Trời ơi! Tưởng tượng nếu
không có sự hiện diện của Trọng Viễn tại đây, giữa tòa biệt thự rộng
mênh mông này. Mình rất ưa thích cái lối chàng ta khuyên nhủ trấn an mẹ. Mong
sao mình cũng được oai dũng hiên ngang như chàng trai ấy!”
Gấp cuốn nhật ký lại, chàng thanh tra mơ màng thầm nghĩ. Tình
cảm tôn sùng thật hồn nhiên, thật trong trắng. Trọng Viễn linh cảm:
“Không đơn thuần chỉ có sự tôn sùng mà thôi…” Ký ức chàng trai trẻ chợt
hình dung bóng dáng cô nữ sinh thùy mị, đôi mắt mỗi khi nhìn mình cứ
giương thật lớn, đen lay láy, nét môi cười thật xinh… Trọng Viễn chợt
nhún vai:
- Ấy nguy quá! Họ đi lễ sắp về mà chưa tìm thấy gì lạ cả.
Khép nhanh cánh cửa ra vào, Trọng Viễn bước qua phòng Tường
Lan. Chàng lục soát thật tỉ mỉ. Không thấy gì khả nghi. Không một cánh
thư của chàng phi công trẻ tuổi, không một bức hình nào của anh ta.
Trọng Viễn nhấc tấm ảnh Tường Lan lồng khung bằng da vẫn đặt lên trên bệ
lò sưởi. Cô gái cười thật tươi để lộ hàm răng trắng bóng, nhỏ đều như
hạt bắp non. Chàng lật phía sau khung ảnh: hình chàng Trung úy phi công
tên Dưỡng. Trọng Viễn nhìn chăm chú. Chàng sĩ quan trẻ có nét mặt vui
tươi cởi mở. Gò mũi cao hơi hếch lên, vầng trán rộng thông minh một cách
bướng bỉnh. Cằm vuông hơi đưa về phía trước, cương nghị nhưng không có
vẻ vũ phu. Chàng trai xuất thân từ cô nhi viện có cái sắc diện khá khác
người, chín chắn, thâm trầm không có vẻ con quan được nuông chiều như
Sinh, nhưng cũng không có một nét gì có vẻ khả nghi hết.
Thở một hơi dài sốt ruột, Trọng Viễn đặt trả khuôn hình vào chỗ
cũ, quay ra xét tủ áo và tủ “com-mốt”. Không thấy gì khác lạ. Bàn tay
thơ thẩn xô đẩy mấy xấp quần áo bằng lụa đắt tiền. Chợt Trọng Viễn khẽ
la lên một tiếng. Chàng nhấc lên một chiếc sơ mi đàn ông cuốn tròn
như cái gối bông nhỏ, thật chặt. Rũ tung ra, chàng thanh tra cảnh sát sửng sốt
khi thấy vạt áo chỗ vai và trước ngực bên phải vấy máu đỏ lòe. Bất giác,
Trọng Viễn buột miệng:
- Có thế chứ!
Rồi cuộn gọn lại như cũ, nén chặt cho cái áo nhỏ hơn nữa, chàng kẹp vào dưới tay, tiếp tục lục soát.
Không còn gì đáng nghi. Vả lại cũng gần tới giờ các bà đi lễ về rồi. Năm phút nữa thôi.
Bước thật lẹ, Trọng Viễn leo cầu thang tới phòng cô giáo Bạch
Xuyến. Đồ đạc trong phòng như tủ, gương, va-li đều khóa kỹ. Chàng trai
đành chỉ liếc mắt nhìn qua mấy hàng sách vở trên kệ, ít tấm hình, cái
treo trên tường, cái bày trên mặt bàn. Không một dấu vết gì khả nghi.
Trước khi bước ra, theo thói quen, chàng nhấc chiếc gối bọc sa tanh
vàng. Bên dưới chỉ có một tấm áo ngủ bằng lụa mỏng. Bên cạnh là cuốn tiểu
thuyết “Lạnh lùng” của Nhất Linh. Trọng Viễn mỉm cười:
- Cô này ưa đọc tiểu thuyết tình cảm ghê.
Cái gối khi được nhấc lên đặt vào chỗ cũ, chợt để rớt ra một chiếc
găng tay. Chiếc găng tay đàn ông làm bằng thứ da mỏng mềm, chỉ nhỉnh
hơn găng tay của đàn bà một chút. Bàn tay người đàn ông mang nó ắt
phải nhỏ nhắn như tay đàn bà. Thoang thoảng có mùi thuốc lá lẫn mùi nước
hoa.
Ngoài vườn chợt có tiếng cánh cổng mở rồi đóng sập lại. Trọng
Viễn chạy lẹ xuống cầu thang, chiếc găng lạ nằm trong túi áo. Chàng băng
qua khoảng sân rộng rảo bước về phòng riêng.
Ăn lót dạ xong, Trọng Viễn nhờ chị Duyên mời nữ chủ nhân lên để
chàng nói chuyện riêng. Chàng thanh tra cảnh sát bày sẵn chiếc áo sơ mi trên mặt
giường nằm, gấp chỗ vết máu cho khuất đi, chỉ cho bà Án coi xem có nhận
ra áo của ai không. Chàng yên chí là áo của Sinh, con trai bà. Bà án
lắc đầu cương quyết:
- Thằng Sinh không mặc sơ mi có kẻ sọc dù là kẻ rất mờ. Bao giờ nó cũng mặc hàng trơn mà thôi.
Nhìn chiếc găng tay, bà nhận ra đúng là của con trai bà.
- Ông tìm ở đâu ra thế? Thằng Sinh cứ đi kiếm hoài! Nó để thất lạc ở đâu đã hai, ba tháng nay rồi đấy!
- Bà cho phép tôi đến ngày mai sẽ trả lời. Và thưa bà, từ bây
giờ cho đến lúc đó, vì lợi ích của cuộc điều tra, bà làm ơn giữ kín
không nói cho bất cứ một người nào biết về chuyện này.
Nữ chủ nhân biệt thự trịnh trọng hứa. Nét mặt vẫn mệt mỏi, nặng
trĩu ưu tư, bà bước xuống cầu thang, buông tiếng thở dài não nuột.
Trọng Viễn rút sổ tay ghi ngày giờ tìm được hai món đồ vật.
Buông người ngồi bật ngửa trong chiếc ghế bành, chàng châm một điếu
thuốc, thong thả nhả khói, đôi mắt lim dim…
Tiếng xe hơi đậu sịch trước cửa biệt thự khiến Trọng Viễn giật mình thức tỉnh.
Đứng núp bên cánh màn gió, chàng thanh niên thấy rõ, từ trong xe
bước ra, một cô gái đẹp lộng lẫy, ăn mặt rất sang trọng, khổ mặt giống
bà Án như đổ khuôn.
Nước da trắng hồng như da Tường Vân, khuôn mặt nét đều, đẹp
nhưng cương nghị, cứng rắn hơn nhiều. Chiếp áo dài màu xanh da trời,
bằng hàng len hảo hạng, kiểu cắt may rất khéo, ôm sát thân hình kiều
diễm, đường cong đường tròn no căng gọn đẹp.
Bà mẹ bước ra. Hai mẹ con ôm nhau âu yếm. Tường Lan bước những
bước đĩnh đạc đi bên cạnh mẹ. Vừa đi, nàng vừa cởi bỏ chiếc khăn len
hồng quàng cổ, đưa tay lên xoa trán, một bàn tay trắng muốt có những
ngón búp măng nuột nà. Cử chỉ xoa trán chứng tỏ nội tâm xao động, phát lộ một
điều đau khổ trong lòng? Đúng như thế! Tường Lan lấy mùi xoa từ trong
sắc tay đưa lên khẽ chấm đôi mắt đã bắt đầu đỏ hoe, theo chân mẹ bước
vào phòng khách.
Gần nửa giờ sau, Trọng Viễn từ trên gác đi xuống. Người mẹ
trịnh trọng giới thiệu chàng với con gái lớn. Sau cái ngả đầu lịch
sự, chàng thanh niên vào đề ngay:
- Cô cho phép hỏi mấy câu nhé?
Tường Lan cau cặp chân mày mịn đẹp, có tô thêm nét chì nâu rất khéo:
- Tôi? Hỏi tôi? Liệu tôi biết được gì mà ông hỏi chứ?
Trọng Viễn nhìn thẳng đôi mắt người đẹp. Tia nhìn nghiêm khắc, giọng nói rất lễ độ nhưng cũng rất lạnh lùng:
- Sẽ cho cô biết sau, xin mời cô đi theo tôi!
Tường Lan hối hả làm theo lời Trọng Viễn. Chàng thanh tra cảnh sát thầm nghĩ:
- Cô này có ý không muốn trả lời mình trước sự hiện diện của bà mẹ. Càng hay!
Hai người lên đến phòng. Trọng Viễn mời Tường Lan ngồi vào ghế rồi hỏi ngay:
- Cô Tường Lan! Buổi sáng hôm 13, lúc khởi hành, cô không hay biết một chút gì về việc cậu Sinh mất tích?
- Vâng, đúng như thế, thưa ông thanh tra! Tôi ra xe lúc sáu giờ mà Sinh thường thường bẩy giờ mới thức giấc.
- Lần cuối cùng trông thấy cậu Sinh trước khi lên đường đi du lịch là bao giờ, cô có nhớ không?
Tường Lan do dự ngập ngừng, nhưng cố gắng không để lộ thái độ hoặc cử chỉ do dự ngập ngừng ấy.
- Chiều hôm trước, trong bữa cơm tối.
Trọng Viễn tự nhủ thầm:
- “Người đẹp nói dối rồi, người đẹp ơi”.
Nhưng vẫn bình tĩnh hỏi:
- Thế khoảng thời gian giữa lúc tạm biệt cậu Sinh và lúc khởi hành đi du lịch, cô có gặp một người nào khác không?
Da mặt Tường Lan chợt ửng đỏ:
- Gặp người khác? Người khác là người nào? Kỳ lạ!... À, có, anh Giang tài xế đã đánh xe đưa tôi xuống ga Phú Thọ.
Như vậy có nghĩa là không một người nào khác đã đi vào phòng riêng của cô?
- Không một người nào hết. Vâng, đúng như thế! Còn từ lúc vắng nhà thì tôi không bảo đảm.
Trọng Viễn thầm nghĩ: “Người đẹp nói chuyện khôn lắm!”
Thế cô biết cái này là của ai không?
Vừa nói, chàng thanh tra cảnh sát vừa lôi ra chiếc áo sơ mi vẫn để khuất
dưới mấy tờ báo, mở rộng trước mặt Tường Lan, phô bày rõ cả vết máu
loang lổ.
Cô gái biến sắc mặt rất nhanh, nhưng lấy lại được vẻ thản nhiên cũng rất nhanh. Giọng nói nàng cố gắng giữ thật bình tĩnh:
- Trời ơi! Cái gì ghê gớm quá vậy, thưa ông thanh tra?
Trọng Viễn nghiêm sắc mặt:
- Người có quyền đặt câu hỏi là tôi, cô nhớ dùm cho như vậy! Rồi
dịu hẳn giọng, tiếp luôn, – Cô Tường Lan! Nếu thực tâm muốn tôi mau mau
tìm ra tông tích cậu Sinh, cô phải hết sức giúp tôi mới được, tôi thấy
cái áo đẫm máu này trong phòng cô.
Cô gái thảng thốt khẽ la:
- Ông nói sai! Làm gì có chuyện ấy!
- Cô chối làm gì vô ích! Ở trong ngăn kéo “com-mốt” của cô mà,
dưới chồng áo lụa xanh, mé bên trái. Thế nào, sự thật hiển nhiên cô còn
chối cãi nữa sao? Chiếc áo sơ mi này của ai?
- Tôi không biết!
- Thôi được, cô không muốn nói, cái đó tùy cô. Đành phải nói
cho cụ Án biết là tôi đã phát hiện được đồ trang phục của đàn ông trong
phòng con gái cụ. Rõ ràng không phải sơ mi của đàn bà đây nhé, cô
Tường Lan.
Nghe nhắc đến mẹ, cô gái có vẻ như lấy lại được đầy đủ bình tĩnh. Giọng nói đã lại đầy tính chất thách đố kiêu kỳ:
- Mẹ tôi sẽ không tin những lời nói mơ hồ của một người xa lạ,
một khi con gái ruột của bà đã phủ nhận. Muốn làm gì xin ông cứ tùy
tiện. Riêng tôi, tôi chỉ biết có một điều: chưa bao giờ trông thấy chiếc sơ mi này và chẳng hiểu nó là của ai hết. Thế thôi!
Dứt lời, Tường Lan thẳng người, cằm hất cao, quay bước đi ra, đóng sập cánh cửa nghe cái “rầm”.
Trọng Viễn mím môi, hai hàm răng khẽ nghiến lại, khiến xương quai hàm bạnh lên, hậm hực:
- Khá lắm! Cô nàng này nhất định thế nào cũng phải biết một cái
gì đây, không không được! Nhưng cứ từ từ không đi đâu mà vội. Lên
tiếng lỡ đổ bể tùm lum, chỉ gây xáo trộn vô ích. Hừ! Trong cái vầng trán
đẹp nhưng bướng bỉnh đó có những cái gì đây? Thật khác với Tường Vân
nhiều quá!
Nhắc đến “Tường Vân” bất giác chàng thanh tra lại mỉm một nụ cười âu yếm.
Chiều tối, trước khi đến nhà mụ Phé, Trọng Viễn ghé
qua phòng
cô giáo Bạch Xuyến, đưa tay gõ cửa trước khi bước vào. Nhà nữ mô phạm
đang có điều gì cáu giận thì phải. Vừa trả lời những câu hỏi của
Trọng Viễn, hai bàn tay trắng xanh không ngớt xê cái nọ, dịch cái kia
trên mặt bàn. Giọng trả lời của cô gái đứng tuổi lộ rõ vẻ nóng nẩy kém
bình tĩnh, tuy đã cố gắng che giấu hết sức.
- Đó, tôi đã nói tất cả những gì tôi biết rồi đó. Nghĩa là tôi chỉ gặp mặt cậu Sinh trong những giờ ăn mà thôi.
Chàng thanh tra cảnh sát hạ một đòn bất ngờ:
- Thế ra trong đúng bữa ăn trưa hoặc đúng một bữa cơm tối nào đó, cậu Sinh mới có dịp trao cho cô giáo cái này?
Kèm theo lời nói châm biếm, Trong Viễn đưa tới trước mặt cô giáo chiếc găng tay bằng da mềm.
Ánh mắt của Bạch Xuyến, y như ánh mắt của Tường Lan,
giống hệt tia nhìn thất đảm của một con dã thú khi lọt vòng vây hãm.
Phản ứng
cũng y hệt phản ứng của cô con gái lớn bà Án:
- Tôi không hiểu ông muốn nói cái gì đấy!
- Cô không hiểu tôi muốn nói gì, thật không? Và chắc cô cũng không biết là tôi đã kiếm được chiếc găng này ở đâu?
- Đúng thế! Tôi không biết!
- Không chân, không cánh, làm sao nó bay hoặc tự động bò đến nằm bên trong áo gối của cô được?
- Bên trong áo gối của tôi? Trời, kỳ lạ! Nhưng xin ông nhớ
cho một điều: làm giường, xếp gọn chăn nệm không phải là việc của tôi.
Cái này ông nên hỏi chị Duyên. – Giọng nói của cô giáo đột nhiên mỉa mai
chua chát – Chị ấy biết nhiều điều liên hệ cậu Sinh hơn tôi.
Ánh mắt Trọng Viễn đăm chiêu. Chàng nghĩ thầm:
-
"Cô giáo ghen chăng? Nếu cái ghen của nàng có lý do chính đáng thì quả
là nàng Duyên xinh đẹp kia, hôm qua, đã có ý định muốn đánh lạc hướng
mình rồi!".
Chàng trai cất tiếng hỏi, giọng vờ làm ra bộ ngạc nhiên:
- Chị Duyên biết nhiều điều liên hệ tới cậu Sinh! Tại sao lại thế nhỉ?
Cô giáo gằn từng tiếng:
- Lại còn tại sao?... Tại vì chị Duyên năm nay đã mười tám tuổi. Và dưới mắt cậu Sinh, cái tuổi mười tám ấy là cái tuổi...
Bạch
Xuyến, sắc mặt lộ nét căm hờn, đang loay hoay tìm một tĩnh từ thật "ác"
để nói cho sướng miệng, Trọng Viễn đã vui vẻ tiếp lời. Giọng chàng nửa
đùa nửa thật với dụng ý khiến cô gái lỡ thì phải bộc bạch tâm sự:
-
Đúng rồi! Mười tám là cái tuổi "đến độ trăng tròn", "hoa tươi phong
nhụy". Tuy chẳng được tới mức "chim sa cá lặn", nhưng đối với một cậu
công tử nơi thôn dã, tuổi xuân hơ hớ mà lại cô đơn thì...
Cô giáo bĩu dài làn môi đỏ thắm màu son:
- Hừ! Cô đơn! Cậu ấy mà lại chịu cô đơn! Tán tỉnh ngọt như mật! Hết cô Huyền, cô Hảo lại đến con Liên, con Thuận...
Trọng Viễn giả bộ ngây thơ:
- Tán tỉnh? Có quan trọng gì đâu mấy câu chuyện tình ái phất phơ trời trăng mây nước ấy?
Bạch Xuyến nhếch môi cay đắng:
-
Chuyện phất phơ! Những vuốt ve mơn trớn, làn môi trao đổi, những cuộc
dạo mát dưới trăng, tay nắm bàn tay, cũng là chuyện phất phơ cả đấy!
Hừ...!
Gật gật đầu như một triết nhân, chàng thanh tra cảnh sát nhẹ nhàng phản đối:
- Chứ còn gì nữa! Miễn đừng đi quá trớn thì thôi!
-
Đừng đi quá trớn! Thế vẫn chưa là đi quá trớn? – giọng nói của cô giáo
nghe như tiếng quát – Theo ý tôi thì đã là quá lắm rồi đó. Cậu Sinh
không phải là người trác táng chơi bời. Nhưng có điểm đặc biệt là không
bao giờ cậu ấy chịu chấp nhận sự kiện một cô gái xinh đẹp, khi hội diện
lại chỉ nhìn cậu ấy một cách thản nhiên như khách qua đường. Trái hẳn
thế, cậu Sinh chỉ muốn người ta phải rung động, phải say sưa cảm mến
mình mới nghe! Kỳ quái ở chỗ là cậu ta lại cứ "bách chiến bách thắng"
kia chứ!
Sắc diện Trọng Viễn lộ nét hoài nghi:
- Cô làm như cậu ấy là Don-Juan không bằng! Có thật là không ai cưỡng lại nổi cậu ấy?
Bạch Xuyến, ánh mắt mơ màng, như thả hồn vào một khung trời nào đầy kỷ niệm. Lơ đãng, nàng trả lời:
- Đúng thế! Không ai cưỡng lại nổi! Và không một trở lực nào ngăn nổi bước tiến của cậu ấy hết.
Trọng Viễn ngẩng nhìn chăm chú người đối thoại:
- Cô nói thế là có ý tứ thế nào?
Cô giáo như sực tỉnh một giấc mơ, đôi má ửng hồng, miệng lắp bắp:
-
À, không, ý tứ gì đâu, ông thanh tra! Tôi định nói rằng cậu Sinh chẳng e
dè, chẳng cần gìn giữ gì hết, cứ thản nhiên bước trên dư luận.
Chàng thanh tra cảnh sát tự nhủ thầm:
-
"Dư luận đâu chẳng biết, chỉ biết rõ là cậu chàng bất chấp hết thẩy mọi
cảm nghĩ của cô giáo Bạch Xuyến. do đó, mới nẩy sinh những nét hằn học
như thế kia chứ. Cô nàng có một lối giải thích bay bướm thật: "Không một
trở lực nào ngăn nổi bước tiến của cậu ấy!". Phải chăng cô giáo muốn
nói: Chàng trai trẻ bay bướm không bao giờ do dự khi cần phải đả thương
một trái tim, mặc dầu trái tim ấy đã não nề vì số tuổi xấp xỉ ba mươi
lăm lần mùa xuân hoa nở. Bạch Xuyến kể cũng tội nghiệp! Chắc hẳn chàng
Sinh hào hoa, một buổi chiều vàng nào đó, thấy cô hay hay đã thả lời ong
bướm. Và rồi, khi thổi bùng cái đốm lửa hương yêu nhận ra chẳng mấy khó
nơi cô gái lỡ thì ấy, vô tình chàng đã gây một đám... cháy bừng?
Trọng Viễn ngó cô gái, Bạch Xuyến đang ngẩng nhìn anh, tia mắt băn khoăn. Chàng trai mỉm cười tinh quái:
-
Vậy thì tạm cho là chiếc găng tay đã tự động "bay" vào trong áo gối của
cô đi. Về sau, nếu bao giờ chiếc còn lại nhớ bạn cũng tự động "bò" đi
tìm, lạc đến phòng, cô làm ơn báo cho tôi biết với nhé. Thôi! Xin chào
cô và tạm biệt! Tạm biệt thôi! Vì lẽ chúng ta sẽ còn gặp nhau nhiều đó,
cô giáo à!
Vừa bước đi, Trọng Viễn vừa ngẫm nghĩ:
-
"Bực mình thật! Hết thẩy mọi người ở đây đều nói dối không hà! Hết thẩy
mọi người? À, không! Làm gì đến nỗi "hết thẩy mọi người". Chắc chắn
những người sau đây có thể đặt hết lòng tin được: bà Án Bùi, bà Cầm,
và... nhất là... Tường Vân".
Khi cánh cửa khép lại và
Trọng Viễn đã khuất rồi, cô giáo Bạch Xuyến đi đi lại lại trong căn
phòng rộng. lảo đảo, xô cả vào mấy chiếc ghế để ngổn ngang. Mấy phút
sau, cô gái buông người ngồi phịch xuống chân giường, từ từ cúi mặt. Đôi
vai mảnh dẻ buông xuội xuống, rồi không trấn áp nổi cõi lòng như mặt
biển trong cơn giông bão, Bạch Xuyến úp mặt vào hai bàn tay run run òa
lên khóc nức nở.
________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XI