Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

Khu Vườn Hạnh Phúc (IV)



4. – ĐỨC HY SINH ĐÁNG QUÝ

Khu Vườn Hạnh Phúc vừa xảy ra một chuyện thương tâm khiến các thú cũng phải mủi lòng.

Số là đàn chim ngày một đông đúc hơn trong khi căn chuồng vẫn nhỏ hẹp như xưa, vấn đề cư trú thật là nan giải. Nhiều lần Bồ Câu Bạch muốn đưa đề nghị cho ông bà chủ để xin đóng thêm chuồng, nhưng khổ nỗi, không có cách thông tin nào hữu hiệu để ông bà chủ hiểu được ý định của đàn chim câu cả. Cách nay ít lâu, có một đôi bồ câu ra riêng. Cô dâu mới đến ngày sinh nở, cần một ngăn chuồng ấm áp. Nhưng các ngăn đều chật ních, không sao thu xếp được. Rốt cuộc, bà bồ câu Bạch phải hy sinh ngăn chuồng của vợ chồng bà cho đôi bồ câu trẻ, dù rằng chính bà cũng đang bụng mang dạ chửa. Bà nói với cô bồ câu sắp đẻ con so:

- Bác sẽ ra ở tạm ngoài hiên chuồng. Dầu gì, bác cũng đã sinh nở nhiều, đã có cháu, có chắt, bác chịu cực giỏi hơn cháu. Cháu cứ yên lòng ở trong ấy. Chừng nào con cháu lớn khôn, bấy giờ mình sẽ tính lại. Mà không chừng lúc ấy đã có thêm chuồng rồi cũng nên…

Cô bồ câu trẻ vào ngăn chuồng ở được hai ngày thì hạ sinh hai quả trứng. Ba ngày sau, bà Bồ Câu Bạch cũng hạ sinh hai quả trứng nơi ổ rơm ở hiên chuồng. Bà sắp đặt chỗ ở của mình sát với ngăn chuồng cũ để có thể trò chuyện với cô bạn trẻ sắp được làm mẹ. Một già, một trẻ trong lúc nằm ấp trứng, trò chuyện thật tương đắc. Cô bồ câu trẻ kể ra những lo âu, thắc mắc. Bà bồ câu Bạch giải đáp tận tường, chỉ vẽ từng li từng tí. Nào con mới nở thì phải mớm làm sao? Nào bao lâu thì chúng bắt đầu lấp ló cửa chuồng? Bao lâu thì nên chấm dứt việc mớm gạo? Bao lâu thì tập cho con bay nhảy? Bà hay cười bảo với cô bồ câu trẻ:

- Bác xí phần rồi đấy nhé. Chừng nào con cháu và con bác lớn lên, mình sẽ kết thông gia…

Cô bồ câu trẻ mới làm dâu đã lại sắp thành mẹ chồng hay mẹ vợ, xấu hổ mặt cứ đỏ au lên.

Hai đứa con của cô bồ câu trẻ mở mắt chào đời được một ngày thì bà bồ câu Bạch cũng sửa soạn mổ vỏ cho hai đứa con của mình. Bà vừa ấp, vừa chỉ dẫn cô bồ câu trẻ cách mớm con. Chòm xóm, ai cũng khen bà là một người tốt bụng, thật xứng đáng là vợ đảm của Bồ câu Bạch, gia trưởng đàn bồ câu.

Nhưng dường như con tạo ghét ghen người hiền đức. Chỉ còn một ngày nữa là hai đứa con của bà bồ câu Bạch ra đời thì trời đang nắng ráo, bỗng mây kéo đen ngòm rồi cơn mưa như trút nước đổ xuống.

Hiên chuồng nơi bà bồ câu Bạch đang ấp trứng bị mưa hắt ướt hết. Bồ câu Bạch cuống cuồng lên, bảo vợ:

- Mưa gió lớn quá, thôi, bà vào đỡ trong kia trú đi, để tôi ấp cho…

- Thôi, ông cứ để mặc tôi…

- Tôi khỏe mạnh, hãy để tôi chịu mưa gió cho…

- Nhưng ông đâu biết mổ trứng cho con ra đời?

Bồ câu Bạch không biết nói sao, đành phải vào trú trong một ngăn chuồng mà lòng đầy lo ngại. Bà bồ câu Bạch nói cho chồng yên tâm:

- Tôi chắc cơn mưa cũng không lâu lắm đâu. Tôi thừa sức chịu đựng…

Nước mưa đập vào mình bà, xối lên ổ rơm làm ướt một khoảng. Nhưng bà vẫn cố dang đôi cánh che cho khoảng rơm trong lòng mình – nơi có hai đứa con sắp chào đời – không bị nước mưa làm ướt. Người bà ướt đẫm trong lúc cơn mưa không ngắn ngủi như bà tưởng.

Mấy lần, Bồ câu Bạch không đành lòng, nhảy ra mưa bảo vợ vào trong để mình ấp thay. Nhưng lần nào bà bồ câu Bạch cũng gạt phăng đi. Đôi lần bà gắt cả với chồng.

Anh bồ câu trẻ cũng không yên dạ khi nhìn vợ mình yên ổn với hai con trong chuồng, còn người ơn thì khổ sở trong cơn mưa to, gió lớn. Anh ra bên bà bồ câu Bạch xin ấp thay bà một chút, chỉ một chút thôi để bà vào trong nghỉ dưỡng sức chút nào hay chút nấy. Bà cũng từ chối viện cớ sắp đến lúc con bà ra đời, không thể để ai thay thế được.

Cơn mưa kéo dài từ giữa trưa đến tối mịt mới ngớt được đôi chút, nhưng không tạnh hẳn. Mưa cứ từng đợt, từng đợt, lúc ngớt đôi chút, lúc lại ào mạnh. Cứ thế cho đến nửa đêm, cơn mưa mới chấm dứt thật sự. Cũng lúc đó, hai đứa con của bà bồ câu Bạch ra đời. Và rồi, sau khi nghe được những tiếng chíp chíp thương yêu của con, thêm nữa mớm cho mỗi đứa một miếng, bà bồ câu Bạch kiệt sức, ngất đi. Bồ câu Bạch cuống lên, lo chạy chữa. Hàng xóm xúm lại, người giúp một tay. Nhưng bà bồ câu Bạch đã lìa bỏ cõi đời. Bồ câu Bạch nhìn xác vợ mà khóc không thành tiếng. Cô bồ câu trẻ được tin ngất xỉu cả chục phút mới tỉnh dậy, rồi sau đó, cứ nằng nặc đòi chết theo bà bồ câu Bạch. Lối xóm lại phải xúm quanh cô để an ủi và canh chừng, sợ cô dại dột thì nguy…

Hai đứa con mới chào đời của Bồ câu Bạch được bố chúng cùng hàng xóm di chuyền thật khó khăn vào một ngăn chuồng, rồi được một bà bồ câu săn sóc. Nơi hiên chuồng, xác bà Bồ câu Bạch lạnh cứng, đôi cánh duỗi ra che phủ gần hết ổ rơm.

*

Sáng hôm sau, cậu chủ nhỏ phát giác ra cái chết của bà Bồ câu Bạch, vội gọi bác làm vườn đem bà bồ câu đi chôn. Bác làm vườn xách đôi cánh của bà bồ câu đáng thương, ngắm ổ rơm ở hiên chuồng rồi nói với cậu chủ nhỏ: 


- Tội nghiệp quá! Tôi biết con chim này! Nó ấp ở ngoài trời thế này lâu lắm rồi đấy! Có lẽ trời mưa gió mà nó không nỡ bỏ trứng nên mới ra nông nỗi. Không chừng hai trái trứng cũng bị rơi vỡ mất rồi… (rồi bác ghé mắt vào một ngăn chuồng gần đấy thấy hai chú chim con)… a mà không… hay quá… hai trái trứng đã nở rồi… Có điều, không hiểu sao hai con chim con lại vào trong ngăn chuồng được nhỉ?

Bác làm vườn chôn bà bồ câu Bạch ở gốc đu đủ. Lúc bác lấp đất, bồ câu Bạch bay sà xuống nhìn xác vợ lần cuối. Rồi sau đó, cả đàn bồ câu đáp xuống theo, cùng tiễn đưa một bà mẹ có đức hy sinh đáng quý.

Ông Lu Lu vướng sợi xích, cử anh em Mi Lu đại diện chia buồn. Mi Lu Em đa cảm, sụt sịt khóc. Bác làm vườn thấy cớ sự, chép miệng:

- Tội nghiệp! Mình phải nói cho ông chủ biết mới được. Đóng thêm cho đàn chim cái chuồng nữa chứ không thì còn nhiều con chết oan.

*

Buổi tối, trong cuộc lễ đơn sơ tổ chức nơi sân cỏ để vong hồn bà bồ câu Bạch được siêu thoát, ông Lu Lu đã đọc một điếu văn thật cảm động. Và đây là đoạn cuối của điếu văn:

- … Một đời vì chồng, vì con. Bà thật xứng đáng là một hiền phụ, một hiền mẫu. Sẽ không bao giờ các thú trong vườn quên được bà, quên được cái chết hy sinh cao quý của bà. Ôi! Đức hy sinh thật đáng quý.


NGUYỄN THÁI HẢI  
_____________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 190, ra ngày 1-12-1972)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>