Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

CHƯƠNG II_TIẾNG CHUÔNG DƯỚI ĐÁY BIỂN


CHƯƠNG II


Tuy chưa quen chèo thuyền nhưng nhờ gió xuôi, biển lặng nên Khôi, Việt vượt qua khoảng cách từ đất liền sang đảo Chàm một cách dễ dàng. Chiếc thuyền chú Triều Dương thuê cho Khôi Việt là loại xuồng nhỏ, có hai mái chèo. Hai anh em thay đổi nhau, người chèo, người lái. Được nửa đường, Khôi bỗng buông lơi mái chèo, bảo Việt :

- Có lẽ tiếng chuông kêu ở quãng này chăng?

Việt nghiêng đầu, nhìn xuống làn nước biếc. Nếu phố Hội cổ xưa chìm ở chỗ này chắc phải sâu lắm. Lắng tai nghe chỉ thấy tiếng sóng vỗ nhẹ mạn xuồng, Việt nhìn đồng hồ tay nói :

- Nếu câu chuyện huyền thoại này có thật, thì tiếng chuông đó không kêu vào giờ này. Đã quá trưa rồi còn gì, chắc phải chờ đến chiều mới có.

Khôi nhìn Việt cười :

- Kể tụi mình cũng ngốc thật. Nghe chú Triều Dương nói, rồi cứ tưởng bở, ngưng xuồng lại đây nghe ngóng, bàn tán. Truyện của chú ấy kể, nghe thì rất hữu lý, nhưng biết ông ấy nói thật hay nói đùa! Chú ấy "hắc" bỏ mẹ đi, thành thử thật hay đùa mình cũng chẳng hiểu ra sao nữa. Biết đâu, giờ này bố ấy chẳng đang chiếu ống viễn kính xem hai đứa đang làm cái trò gì, và chắc được một mẻ cười đau bụng trước khi phóng xe trở về Đà Nẵng.

Nói đoạn Khôi mím môi, hăm hở chèo tiếp. Thuận gió chiếc xuồng của Khôi Việt lướt đi khá nhanh. Tuy vậy khi xuồng tới bờ đảo Chàm, trời cũng đã xế chiều. Nắng úa dãi chếch trên các ghềnh đá và nhuộm sẫm màu đại dương. Khôi Việt rà sát theo bờ đảo, tìm một chỗ đậu thuyền. Bờ đảo toàn vách đá cheo leo, nhiều chỗ dựng đứng như tường thành. Loay hoay khá lâu, hai anh em mới tìm được một vụng nhỏ. Trong vụng có đậu sẵn hai chiếc thuyền.

Khôi, Việt neo xuồng lại, khoác hành lý lên vai, đoạn rời xuồng bước lên bờ. Đảo Chàm, vào buổi hoàng hôn, đẹp một vẻ hoang dại. Khôi có cảm tưởng như mình là nhà thám hiểm đặt chân lên đất mới, trong lúc Việt ngó nhìn lên đảo, miệng cười tủm tỉm.

Khôi hỏi :

- Cậu cười gì thế?

- Tớ thầm cảm ơn chú Triều Dương đã cho phép tụi mình ra đây chơi. Cảnh ở đây có vẻ thích hợp với tụi mình quá, và tớ có cảm tưởng như...

- Kha-luân-Bố khi tìm ra châu Mỹ!...

- Không, hơn thế nữa... Lưu, Nguyễn nhập Thiên Thai!

Khôi vỗ vai bạn, cười vang :

- Nhưng đảo Chàm chưa chắc đã là một bồng đảo vì cậu nên nhớ nó còn có tên là cù lao Khỉ nữa đấy nhé. Biết đâu lát nữa tiến sâu lên đảo, cậu chẳng được họ hàng nhà Khỉ nồng nhiệt tiếp đón!

Vừa nói, Khôi vừa nhăn mặt kêu mấy tiếng "khẹc, khẹc". Việt cười, đẩy mạnh vai bạn, cùng tiến vào con đường mòn khúc khuỷu. Hình như dân đảo ít dùng tới con đường này và hai con thuyền đậu ở bến cũng ít khi được sử dụng tới. Hai bên đường cỏ sắc mọc đầy. Những bụi gai, lùm dứa dại lấn ra lối đi cứa xây xát chân Khôi, Việt. Con đường mòn như một thân rắn trườn mình bò lên dốc, uốn nhiều khúc ngoằn ngoèo. Qua mỗi khúc quẹo Khôi Việt lại dừng chân đứng thở và sau mươi lần đứng nghỉ, đôi bạn mới leo lên tới mặt đảo. Đứng trên nhìn xuống, bến thuyền và chiếc xuồng đã bị che khuất sau ghềnh. Nhìn ra chỉ thấy mây nước chập chùng, và phía đất liền, thị xã Hội An với những mái nhà ẩn khuất, nhuộm ánh tà dương đẹp như một bức tranh thủy mạc.

Hoàng hôn bắt đầu nhuộm tím chân mây. Mưa rơi lất phất, báo hiệu một cơn giông sắp tới. Khôi, Việt bàn tính tìm chỗ trú, cần nhất là để hai túi hành trang khỏi bị ướt. Hai anh em rảo bước thêm. Càng đi sâu vào trong, cảnh trên đảo càng thêm kỳ bí. Năm ba mái nhà nằm trơ trọi bên một sườn đồi, giữa những nương rẫy được rào kín bằng những gióng nứa vát nhọn. Dân đảo có vẻ như tập trung ở đây, quây quần giữa lòng thung lũng, rừng chàm bao chung quanh. Xa xa, rải rác ít ngôi nhà đổ nát hoặc sụp đổ một phần, hoặc chỉ còn trơ nền. Con dường mòn dẫn vào khu xóm đó. Khôi Việt quyết định dựng lều ở gần đây, để có thể xuống xóm xin nước ngọt, hoặc mua chút ít thực phẩm.

Việt băn khoăn nói :

- Có lẽ những người dân trên đảo này chỉ có một nguồn tiếp tế ở bên phố Hội. Họ dùng con đường mòn này ra bến và chèo thuyền sang đó mua gạo muối...

Khôi quan sát :

- Nhưng chắc không thường xuyên vì đường xá gì mà gập ghềnh khúc khuỷu, lại gai góc mọc đầy.

- Thì trên đảo toàn là đồi núi hoang vu hiểm trở. Với dân số ít ỏi như kia, ai hơi sức đâu phá bụi đắp đường!

Việt vừa nói, vừa đưa mắt rõi theo một nhánh rẽ của con đường mòn chạy vòng theo một mỏm đá. Anh bước vào khúc đường đó, khuất dạng giây lát sau mỏm đá rồi bỗng nhô ra vẫy gọi :

- Có một cửa hang, Khôi ạ!

Khôi vội tiến đến, thắc mắc :

- Lạ thật, hang hốc phải ở dưới ghềnh đá mới đúng. Sao lại có cửa hang nổi ở trên này nhỉ?

- Biết đâu đây chẳng là lối vào của một thạch động, của một thế giới kỳ tú khác.

Khôi lắc đầu :

- Cảnh ở đây "thủy tú sơn kỳ" nên cậu cứ tưởng đâu như hai đứa mình là Lưu, Nguyễn thủa xưa, đang trên lối vào bồng lai tiên cảnh! Nhưng thôi, bất kể cửa hang này đưa tới đâu, hãy biết tạm thời mình có thể lợi dụng để trú mưa cái đã. Gió mạnh đã bắt đầu nổi, cơn mưa sắp ập đến bây giờ.

Quả nhiên, mưa rào rào trút xuống. Gió biển thốc tới như muốn cuốn bay tất cả. Khôi hét :

- Chui vào ẩn đi, kẻo ướt hết bây giờ.

Việt chỉ bộ lều vải còn để trên hốc đá :

- Còn phải đem cái lều kia vào chứ?

- Để đó cũng được. Mình chỉ cần tạm trú một lát chờ tạnh cơn mưa thôi mà!

Hai anh em khom người chui vào cửa hang. Bên trong, hang phình ra khá rộng, và có nhiều kẽ hở phía trên, nên gió lùa vi vu và nước mưa chảy từng chỗ lõm bõm. Tuy vậy, Khôi Việt cũng thở ra khoan khoái. Cả hai hạ "ba lô" xuống ngồi nghỉ. Ý nghĩ đầu tiên của Khôi là đốt lên một đống lửa và ở lại trong hang qua đêm đầu tiên. Nhưng đang lúc mưa gió không thể kiếm đâu được cành khô làm củi. Hơn nữa gió lọt vào hang hun hút khó có thể nhúm nổi ngọn lửa lên được. Khôi lấy bao diêm, quẹt thử mấy que. Ánh diêm chưa kịp xòe lên đã tắt ngúm.

Việt hỏi :

- Cậu làm gì phí diêm vậy? Muốn soi sáng sao không dùng đèn bấm?

- Tớ muốn thử xem có nhóm lửa được không. Nếu cơn giông này kéo dài mãi, tất nhiên chúng mình phải ngủ lại ở đây đêm nay. Có đống lửa, mình yên tâm hơn. Với lại cũng phải nấu nướng cái gì ăn chứ!

Việt nói :

- Trời chưa tối hẳn mà đã lo gì. Mưa lớn thế này chắc cũng sắp tạnh. Cậu thử nghe gió rít trên trốc hang coi, hình như đang đổi chiều rồi. Trong khi chờ đợi mình thử bấm đèn lên soi cho rõ cái hang này thế nào?

Khôi đồng ý bằng cách lần mở túi "ba lô". Anh lôi ra chiếc đèn bấm. Ánh pin lóe lên, quét một vòng. Hang không lớn lắm giống như những khe, hốc thường thấy ở miền duyên hải. Mặt đất mấp mô và trơn trợt rất khó đi. Thấy không có gì khác lạ, Khôi toan tắt đèn thì Việt chợt ngăn lại :

- Coi kìa, Khôi! Đầu kia còn một cửa hang nữa.

Ánh đèn được chiếu theo hướng trỏ của Việt. Một lỗ hổng đen ngòm, cao hơn mặt đất chừng một sải tay hiện ra. Không ai bảo ai, Khôi, Việt cũng mò mẫm bước lại. Việt vịn vào miệng hang tìm cách trèo lên. Nhưng vừa mới nhô đầu vào lỗ hổng, Việt đã quay lại bảo :

- Lạ lắm Khôi ạ. Cậu biết bên này đi tới đâu không? Thông sâu xuống lòng biển! Tớ nghe rõ cả tiếng sóng gầm thét bên dưới.

Khôi đưa chiếc đèn bấm cho Việt, và trèo lên theo. Việt nhắc chừng bạn :

- Coi chừng lộn xuống vực đấy nhé.

Cả hai bám sát mình trên miệng hang nhìn xuống. Một làn hơi nước lạnh lẽo nồng mặn bốc lên. Dưới sâu, sóng nước ì ầm, nghe ghê rợn. Việt chiếu đèn xuống, chỉ thấy khói sóng mịt mù cuốn lốc dưới vực thẳm.

Ánh đèn của Việt run rẩy, nhịp với hơi thở hồi hộp của Khôi. Để tự trấn áp, Khôi lên tiếng bảo bạn :

- Cầm đèn cho chắc, kẻo rơi!

Việt cũng muốn được vững dạ hơn, nên đổi tay cầm đèn. Nhưng lúng túng anh để chiếc đèn tuột mất.

Cả Khôi lẫn Việt đều kêu lên sững sờ, cố mở to mắt nhìn theo. Ánh đèn nhào lộn chập chờn rồi mất hút.

Việt hỏi :

- Liệu chúng mình có nghe được tiếng nó rơi không?

Khôi nghiêng tai nghe ngóng. Anh bỗng nắm chặt tay Việt :

- Có nghe thấy gì không Việt?

- Xuỵt! Im!

Từ dưới lòng vực, trong tiếng sóng ì ầm, Khôi, Việt vừa nghe có tiếng chuông văng vẳng vọng lên.

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>