Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

CHƯƠNG V_BÀI THƠ KINH DỊ


CHƯƠNG V


Trong khi đó, Trọng Viễn hỏi chuyện bà Cầm:

- Thằng nhỏ cháu bà có hay đi chơi một mình không?

- Nó đi luôn ấy, thưa ông thanh tra. Có điều, không ai nỡ mắng mỏ hay đánh đập nó bao giờ. Trái hẳn thế, có cái gì ăn uống là các ông các bà trong thôn xóm lại gọi nó đến cho. Nó hiền và ngoan lắm ông ạ! Đối với ai thằng bé cũng dịu dàng như một con cừu non. Nó tốt với người, lại tốt với cả loài vật nữa.

- Nó có hay đi chơi về ban đêm không?

- Dạ có! Ngay từ còn nhỏ tí, cháu Ngây cũng đã hay đi chơi ban đêm rồi. Tôi già nên hay ngủ sớm. Thấy tôi ngủ yên rồi là cháu bỏ đi chơi. Có nhiều lần tôi trở dậy rình xem coi nó đi đâu, làm những gì. Thì ra, nó lần mò vào trong rừng “nói chuyện” với mấy con chim cú, hoặc “hót thi” với mấy con họa mi. Nhất là khướu. Úi chà! Cháu nó bắt chước giọng khướu hót giống y hệt. Đôi khi chạy nhẩy chán, mệt nhoài, nó nằm lăn ra trên đám cỏ êm ngủ thẳng một giấc. Nhưng sáng nào cũng mò về sớm để uống tô sữa tôi để phần cho.

- Cháu Ngây có nói được sõi không bà?

- Dạ không! Nó chỉ ú a ú ớ, ngọng líu, ngọng lô. Nhưng tôi vẫn hiểu được cháu nó nói cái gì. Cả cậu Sinh cũng nghe hiểu và quý cháu lắm.

Bà Án xuống tới nơi. Bà đưa cho Trọng Viễn lá thư nặc danh. Chàng thanh tra liếc mắt đọc thật lẹ.

- Cám ơn bà. Để sau tôi coi lại. Giờ đây xin được đi xem qua khu nhà ở và sở trại.

Bà Án Bùi cho gọi Tường Vân và cô giáo Bạch Xuyến để làm hướng đạo cho chàng thanh tra. Trọng Viễn nói với hai cô gái:

- Hai cô làm ơn dẫn tôi ra sân và chỉ dùm cho biết phòng ngủ của từng người.

Đứng giữa sân, Tường Vân giải thích minh bạch cho Trọng Viễn:

- Biệt thự của cha mẹ tôi kiến trúc theo hình móng ngựa gồm hai cánh như ông thấy đó. Cánh trái, tầng dưới gồm nhà bếp, phòng ăn và phòng khách mà chúng ta vừa từ đó đi ra; trên từng lầu một là phòng ngủ của mẹ tôi, kế bên là phòng của Tường Lan, tiếp đến là phòng tôi rồi là ba phòng dành cho khách.

- Tường Lan? Tường Lan là ai thế, cô?

- Chị lớn của chúng tôi, Tường Lan đi vắng từ sáng sớm hôm thứ tư, vào Thanh Hóa chơi với mấy người bạn thân trong ấy.

- Sáng sớm hôm thứ tư? Đúng hôm xảy ra vụ cậu Sinh mất tích!

Tường Vân khẽ gật đầu:

- Vâng, Đúng thế! Và chúng tôi cũng không kịp báo cho chị ấy biết nữa. Chị Tường Lan của tôi cứ hay di chuyển luôn luôn. Vào tới Thanh Hóa lại rủ các bạn ra Sầm sơn ngắm biển về mùa đông. Chúng tôi đành chờ đợi đến khi chị trở về, có lẽ khoảng cuối tuần này đó ông.

- Thôi được! Bây giờ nhờ cô cho biết ai ở tầng lầu hai?

- Lầu hai? À, vâng! Có cô giáo Bạch Xuyến, chị Duyên, chị bếp và có hai phòng treo quần áo, chứa các đồ lặt vặt không dùng tới đó, thưa ông thanh tra. Từ khi ba tôi mất đi, toàn thể cánh bên trái là dành cho phái nữ vì khu ấy còn chắc chắn, đầy đủ tiện nghi. Cánh giữa, tầng dưới là gian phòng rộng bên trong kê một bàn “ping-pong”, một bàn “bida”. Tầng lầu một có phòng của anh Sinh và hai phòng cho khách ngủ lại. Tầng lầu hai có phòng bác tài xế. Bên cánh phải kia, vì lâu đời đổ nát, chỉ còn tầng dưới dùng được làm nhà để xe, một gian nữa anh Sinh làm xưởng mộc. Anh tôi thích cưa bào đẽo đục chế tạo các đồ mộc và rất ưa điêu khắc, đục chạm các món đồ mỹ thuật bằng gỗ. Tầng trên, tường nứt nhiều, mái có chỗ đã sụt nên bỏ trống không ai ở cả.

- Cám ơn cô nhiều lắm. Nhờ cô, giờ đây tôi đã có thể đi một mình được rồi.

Bạch Xuyến, từ lúc nào vẫn yên lặng, bây giờ mới lên tiếng:

- Theo ý ông thanh tra, liệu có gì đáng lo không hả ông ?

Trọng Viễn khẽ gật đầu:

- Trường hợp mất tích thì cái gì cũng đáng lo cả.

Chợt bắt gặp khuôn mặt xinh đẹp của Tường Vân thoáng tái đi, chàng trai nói tiếp luôn, thật nhanh:

- … nhưng cái gì cũng có thể cho phép chúng ta hy vọng được.

Câu trả lời có vẻ hơi sáo khiến Trọng Viễn cảm thấy hổ thẹn trong lòng. Chàng nghĩ lại giận cô giáo. Mới chân ướt chân ráo đến Phú Hộ chưa đầy một tiếng đồng hồ, làm sao mà đã có thể nói gì cho chắc chắn được. Người còn chưa tìm hiểu được cặn kẽ, đường đi nước bước trong tòa biệt thự rộng lớn, rồi đồn điền sở trại rộng mênh mông, cũng chưa đi được đến đâu.

Trọng Viễn cười lịch sự, nhìn Tường Vân:

- Cô làm ơn dẫn tôi đến phòng ngủ của cậu Sinh!

Hai cô gái đặt bước tiến về phía cổng lớn ở giữa chính diện tòa biệt thự.

Hai thầy trò chợt có cảm giác nhột nhạt: hình như chàng thanh tra cảnh sát không đi theo mình thì phải. Lấy làm lạ, quay nhanh mặt nhìn lại. quả nhiên hai người bắt gặp chàng thanh niên đang ngắm nghía một vật gì trong lòng bàn tay. Tường Vân và Bạch Xuyến xáp tới vừa đúng lúc Trọng Viễn đóng ập bàn tay lại. Trước hai khuôn mặt ngây ra vì ngạc nhiên, chàng ta nói ngay:

- Có gì đâu! Tôi lại cứ tưởng… nhưng không phải! Nào ta đi, đi!

Hai người không tiện hỏi gì nữa và cuộc đi dạo để xem xét bắt đầu. Cô giáo Bạch Xuyến đưa tay đẩy cửa. Hai cánh cửa lớn rít lên kèn kẹt. Trọng Viễn nghĩ thầm: “Khó lòng đột nhập theo lối này một cách êm ả được”.

Theo hai cô hướng đạo, chàng bước lên cầu thang, lan can có những chấn song con tiện bằng gỗ mun lâu ngày lên nước đen bóng. Một lần nữa, cô gái con nữ chủ nhân quay mặt nhìn về phía sau. Lý do: thanh tra Trọng Viễn đã dừng chân từ lúc nào, đang đứng ngắm bức tranh "hoàng hôn trên biển cả". Có lẽ chàng ta giả bộ mải mê ngắm tranh thì đúng hơn. Tường Vân thấy rõ, mặt thì ngước lên bức hình vẽ, hai bàn tay Trọng Viễn lại đang hí hoáy gói rất nhanh một vật gì nho nhỏ bằng một mảnh giấy con vẫn dùng để vấn thuốc lá. Chắc hẳn là cái mà chàng ta lượm được hồi nẫy ở ngoài sân, ngay dưới chân cửa sổ phòng Tường Lan. Đúng thế rồi!

Trong khi cô giáo Bạch Xuyến vô tình, vẫn đều đều đặt bước leo nốt mấy bậc thang chót, Tường Vân đưa nhanh mắt nhìn Trọng Viễn mỉm một nụ cười e lệ rất xinh, rất "đồng lõa" như có ý "trấn an" chàng bằng những lời lẽ câm nín:

- Hãy yên tâm! Tôi sẽ giữ kín, không nói với ai hết đâu.

Ba người tiến vào một gian phòng rộng, màn gió bằng vải dầy quý hiếm. Cửa lớn, cửa sổ nào cũng có treo. Đồ đạc bên trong toàn một loại đồ cổ kính : sập gụ, tủ chè, bình phong khảm xà cừ, đôn, chóe, độc bình, cái nào cái ấy to lớn đẹp mắt.

Trọng Viễn vừa bước vào vừa ngẫm nghĩ:

- Ý chà! Như một việc bác cổ. Trách gì chàng Sinh chẳng hay bỏ đi chơi để được hưởng phần nào đời sống vui tươi của tuổi trẻ.

Đôi mắt đẹp êm như nhung của Tường Vân hình như đoán ra, thông cảm được từng ý nghĩ thầm kín của Trọng Viễn. Cất giọng nhẹ nhàng, hơi run, nàng nói:

- Anh Sinh tôi, trước kia... à, à hiện giờ, vẫn sống ở đây vui vẻ lắm. Săn bắn, đi câu suốt ngày, suốt tháng. Và anh ấy vẫn thích thú nơi ăn chốn ở của gia đình, mặc dầu tòa biệt thự của ba mẹ chúng tôi có phần nào... rộng lớn âm u quá. Nhưng là đối với người không ở quen kìa.

Trọng Viễn im lặng mơ màng suy nghĩ:

- "Cô bé khôn ngoan và sành tâm lý lắm. Tin cậy được, không như "bà" giáo kia! Con người gì mà nét mặt lúc nào cũng khó đăm đăm!"

Đôi lúc, chàng thanh tra tinh quái lại liếc nhanh mắt nhìn cái khuôn mặt khó đăm đăm ấy. Sắc diện lạnh lùng của cô giáo tố cáo rõ rệt số tuổi 34, 35. mặc dù lớp phấn được thoa rất khéo vẫn không che lấp nổi.

Căn phòng không phát lộ cho Trọng Viễn biết được một chút gì.

Tiến đến sát bàn làm việc, chàng đưa mắt quan sát kỹ. Một bao da đựng súng lục khiến Trọng Viễn chú ý. Mở nút cài, bên trong trống rỗng.

Tường Vân giải thích ngay:

- Anh Sinh tôi thường mang nhiều số tiền lớn trong người. Những số tiền thu hoạch về trà, cà phê. Vì thế, đi đâu anh ấy cũng giắt súng trong lưng.

Trọng Viện nhẹ nhàng gật đầu:

- Thế ạ!

Rồi đưa tay, chàng lật chiếc nệm giường mà chị gia nhân tên Duyên đã nói là vẫn phẳng phiu, đồng thời đưa mắt nhìn lên, trông thấy ngay chiếc áo "ba-đơ-suy" và đôi giày ống của chàng trai con cụ Án.

- Anh cô có cái áo nào khác ngoài cái này?

- Thưa không!

Cô giáo mau miệng:

- Còn cái áo mưa. Nhưng hiện vẫn treo ở kia.

Đúng như vậy. Chiếc áo mưa của Sinh vẫn treo nơi mắc áo. Trọng Viễn gật gù tự nhủ:

- Chắc hẳn "đương sự" không có ý định đi xa.

Trước khi bước ra khỏi phòng Sinh, chàng thanh tra quan sát rất kỹ bó hoa tư tưởng (pensée) cắm trong bình trên bàn giấy. Hoa "tư tưởng" có cuống dài như cọng cỏ. Một bông bị ngắt đi còn trơ lại cái cuống dài.

- Bó hoa này cắm tại đây từ bữa nào thế, cô Tường Vân?

- Chiều thứ ba! Chính tay tôi hái từ ngoài vườn đem vào cắm đó, thưa ông!

Vừa bước ra ngoài, Trọng Viễn vừa chúm môi, nhẹ nhàng huýt gió. Ít nhất cũng phải thế chứ. Chàng đã ghi được một điểm : Sinh đã ngắt một bông Pensée gài lên ve áo trước khi bỏ đi chơi. Vậy thì phải là một cuộc hò hẹn yêu đương. À, nhưng giải thích thế nào sự việc đi đến chỗ hẹn với người yêu mà lại dắt theo thằng bé Ngây?... Giả thiết Sinh không dắt thằng Ngây theo ắt hẳn mọi người đã tìm được thằng bé một cách dễ dàng rồi chứ. "Nó không hay đi chơi xa!". Bà Cầm đã cho biết như thế mà.

Trọng Viễn băng băng chạy xuống cầu thang. Hai cô gái chạy theo muốn hụt hơi mới kịp. Dừng ngay giữa cửa đi vào phòng ăn, chàng hỏi một câu đột ngột:

- Hai cô làm ơn cho biết : thường ngày ai lo việc quét dọn ngoài sân này?

Tường Vân nhanh nhẩu:

- Anh tài xế tên Giang! A, kìa! Anh ấy đang từ nhà xe đi ra kìa!

Trọng Viễn nói nhanh hai tiếng "cám ơn" đoạn giơ tay ngoắc anh tài xế. Chàng nói thêm với hai cô gái:

- Nhờ hai cô báo cho bà Cầm biết là chừng năm phút nữa tôi sẽ cùng đi với bà ấy qua bên Trại Con.

Hai thầy trò đi khuất, Trọng Viễn tiến lại gần anh tài xế. Anh Giang khoảng bốn mươi tuổi, tầm vóc trung bình nhưng đẫy đà lực lưỡng. Đôi mắt hấp him, anh quan sát chàng trai, nét mặt vừa lễ phép rất kiểu cách lại vừa có vẻ ranh mãnh tinh quái.

- Mấy ngày gần đây, khi quét sân, anh có thấy một viên ngói nào từ trên mái nhà rớt xuống không?

Câu hỏi thật đột ngột, thật bất ngờ. Đột ngột, bất ngờ một cách cố ý.

Tài xế Giang trả lời rất tự nhiên:

- À, có! Có đấy cậu à! Ngay buổi sáng cậu Sinh đi rồi không về đó.

- Thế viên ngói ấy, khi rớt xuống, có khiến ai bị thương không?

- Không cậu à! Nó rớt lúc nào tôi cũng chẳng hay. Chắc hẳn về ban đêm. Nhà ở trên đồi, mỗi khi có gió to, mái cứ chuyển kêu răng rắc. Vả lại, đã lâu không dọi lại, ngói sút ra rớt xuống là thường lắm. Có điều, từ trước đến nay không hề có ai bị nó rớt trúng cả.

- Viên ngói rớt vừa nói chuyện ấy anh để đâu?

- Viên ngói ấy…! À, phải nói là những mảnh ngói mới đúng. Rớt xuống là vỡ tan ngay. Tôi liệng bỏ vào hố rác đằng kia. Cậu có cần, tôi chỉ chỗ nhé! Nơi cuối vườn đó.

Hai người cùng bước tới. Lẫn lộn với đủ thứ rác rưởi, chàng thanh tra cảnh sát kiên nhẫn lượm lên ba bốn mảnh ngói to hơn mảnh ngói chàng đã lượm được trong sân, dưới chân cửa sổ phòng Tường Lan. Cả bốn mảnh ngói đều có những vết nâu sậm nổi bật trên màu ngói đỏ. Trọng Viễn nhận ra được ngay: đúng là những vết máu khô.

Anh tài xế Giang ngạc nhiên:

- Cậu lượm làm gì mấy cái đó?

- Có việc cần đến một chút thôi mà anh Giang.

Chàng trai thản nhiên đút mấy mảnh ngói vào túi áo.

_ Anh còn thấy có gì khác lạ ở ngoài sân ngay buổi sáng thứ tư ấy hoặc mấy ngày kế tiếp không?

Anh tài xế đưa tay lên gãi trán. Mở miệng nói nhưng anh lại do dự ngập ngừng:

- Không biết… à… à… có đấy, nhưng tôi cho là nhỏ mọn quá chẳng có gì đáng kể cả!

- Nhưng cái gì mới được chứ?

- Nếu cậu cần biết thì tôi cũng xin nói cho cậu hay. Một mẩu thuốc lá hơi lạ.

- Mẩu thuốc lá lạ? Tại sao lại lạ? Anh nói rõ tôi nghe.

- Mẩu thuốc lá hạng đắt tiền. Đầu điếu thuốc màu nâu, sợi thuốc vàng tươi, loại thuốc thơm.

- Anh làm ơn cho tôi biết tại sao anh lại cho mẩu thuốc ấy là lạ.

- Lạ ở điểm này: người nào hút rồi liệng ra đó? Thuốc lại là loại thuốc đàn bà thường hút. Mà ở đây, các bà các cô không ai hút thuốc cả.

- Các bà các cô ở đây không hút thuốc. Nhưng chị Duyên, chị bếp, biết đâu…

- Không, không có đâu cậu ạ. Nhà này nghiêm lắm. Không có lối đàn bà mà lại phì phèo hút thuốc đâu. Chỉ có cậu Sinh, từ một năm nay theo mốt mới, hút ống vố. Đã lâu lắm, không thấy cậu ấy có điếu thuốc trên môi. Phần tôi, tôi hút toàn thuốc lá Bastos, loại Bastos xanh. Khách tới chơi ở đây không có ai hết ngoài vị cha Xứ nhà thờ họ. Nhưng ông ấy lại không hút thuốc bao giờ.

- Anh cố gắng tìm cho ra mẩu thuốc ấy dùm tôi nghe, anh Giang. Tôi biết là khó lắm đấy nhưng anh ráng giúp tôi nhé.

Dứt lời, Trọng Viễn quay gót bước về phía phòng ăn. Bà Án, bà Cầm ngồi chờ đợi chàng trong đó. Chàng thanh niên nói với bà Cầm:

- Bà làm ơn dẫn tôi về bên nhà!

Và huýt gió gọi Bão Tố.

Khu nhà ở của bà Cầm rất dễ xem xét. Chỉ có hai gian, thêm gian kho, bên trong quây một cót thóc kế bên một đống rơm lớn. Một chiếc áo vải dầy nằm lăn lóc trên đống rơm khô. Trọng Viễn vẫy Bão Tố lại gần. Chàng đưa cái áo tới trước mõm con chó. Bão Tố khịt mũi đánh hơi xong quay ra chạy lòng vòng. Vừa chạy, nó vừa rít lên khe khẽ. Chạy quanh sân hết một vòng, con chó khôn lại quay về đúng chỗ khởi hành. Rồi đột nhiên, nhanh như chớp, khiến một người đã nhiều phen dự kiến đủ thứ thảm kịch như Trọng Viễn cũng phải giật mình thảng thốt, Bão Tố băng qua sân, lao như tên bắn về phía ụ phân bò trên có đậy rơm. Nhẩy hai cái, nó đã vượt qua đống phân lớn ủ rơm to lù lù như một cái gò đất, chạy vút đến chỗ để mấy cái thùng gỗ cũ kỹ, có cái đã tuột cả đinh, sút đai, nằm ngổn ngang bừa bãi. Lẫn vào mớ thùng bỏ đi ấy có một cái cũi chó, đóng bằng ván cây ghép kín, cửa cũi kê áp sát tường. Trọng Viễn chạy theo Bão Tố. Con chó khịt mũi, đánh hơi dữ dội, hai chân trước cào sồn sột vào thành cũi. Trọng Viễn đưa tay xoay mạnh. Chiếc cũi khá nặng. Chàng phải ngồi chồm hổm vận sức lên hai cánh tay nhích mãi mới chuyển được chừng hơn gang tay. Chàng thanh tra cúi xuống nhìn qua. Tuy là một người vốn rất can đảm, bình tĩnh, Trọng Viễn vẫn phải buột miệng rú lên một tiếng kinh hoàng.

- Úi chà! Tên dã man nào mà…

Hất mạnh tay, chàng thanh tra cảnh sát đẩy cái cũi chó về chỗ cũ, cho cửa lại quay áp sát vào tường. Thật may! Vừa lui bước đi ra. Trọng Viễn chạm ngay bà Cầm đang run rẩy bước tới. Bà già lắp bắp:

- Cái gì thế ông thanh tra?

Da mặt xanh mét, chàng trai trả lời thật nhanh:

- Không, chẳng có quái gì đâu, bà Cầm ạ!

Rồi giọng chàng trai dịu hẳn đi:

- Theo tôi nhận xét, thằng cháu Ngây của bà e rằng đã bị một tai nạn gì ghê gớm lắm không chừng. Bà theo tôi lại đằng này một lát đi.

Bà già khổ sở òa lên khóc:

- Đi với ông thanh tra, không có ai ở nhà, lỡ người ta đem cháu nó về đây thì biết làm sao?

Trọng Viễn làm việc đã lâu. Chàng cũng đã quen dự kiến nhiều hoàn cảnh rất thương tâm. Nhưng trường hợp này, anh cảm thấy trong lòng buồn bã vô cùng. Buồn bã vì không biết quyết định thế nào. Một đằng chàng không muốn che giấu mãi bà cụ khốn khổ này, đằng khác, biết nói sao, biết báo tin cho bà bằng cách nào việc thằng cháu nội yêu quý của bà đã…

Mãi sau, Trọng Viễn mới gắng gượng nói xuôi một câu:

- Tôi cho rằng họ sẽ không đem được thằng nhỏ về đây đâu.

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VI
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>