Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

CHƯƠNG XII_BÀI THƠ KINH DỊ


CHƯƠNG XII


Khi về gần tới biệt thự cụ Án Bùi, Trọng Viễn chợt nghe tiếng người nói lao xao.

Một đám đông đang vây quanh một người nào đó mà Trọng Viễn chưa biết là ai. Xã trưởng Văn Điền đứng riêng ra một nơi, hai tay chống nạnh, vẻ mặt nghiêm trọng, đang hùng hồn biện thuyết gì đó với anh Giang. Chàng tài xế láu lỉnh này, vốn là một người tính ưa khôi hài châm biếm, giờ đây, cũng đôi mắt đăm chiêu, sắc diện lắng đọng suy tư, để ý theo dõi đám đông tụ họp trước cổng lớn biệt thự cụ Án Bùi. Rồi Văn Điền cùng anh Giang đưa tay rẽ mọi người lấy lối đi vào. Hai người chưa bước được ba bước, đám tụ tập đã lại ken sít nhau không còn kẽ hở khiến hai người không tiến lên được nữa mà có muốn lui lại cũng hết đường.

Chợt, tiếng anh Giang la lớn:

- Ô kìa! Ông thanh tra cảnh sát!

Tiếp theo là tiếng nhiều người lao xao:

- Đúng rồi! Ông thanh tra Trọng Viễn! Trọng Viễn...! Ấy...! Làm gì mà xô đẩy dữ vậy?

Tiếp theo đó là im lặng. Một không khí im lặng khác thường giữa một đám người tụ họp đông đảo như vậy.

Trọng Viễn từ từ tiến lại. Đám người tự động rẽ ra nhường lối. Chàng thanh tra cảnh sát trông thấy ngay bà Cầm đang bù lu bù loa khóc lóc rầm rĩ giữa đám đông. Mọi người đứng quanh bà, ai nấy vẻ mặt buồn rầu, nhìn bà lộ vẻ thương hại. Bên bà là cha xứ Bạch Tâm , ba mẹ con bà Án Bùi và cô giáo Bạch Xuyến. Nữ chủ nhân, hai con gái, cũng như cô giáo đều trang phục màu đen.

Chàng thanh tra cảnh sát ngả đầu chào mọi người, cất tiếng hỏi vắn tắt:

- Có việc gì đấy ạ?

Bà Cầm ngó Trọng Viễn, kể lại câu chuyện bà đã kể có tới hơn mười lần với bà Án Bùi, với anh Giang tài xế cũng như đã nói với cha xứ Bạch Tâm, ông xã trưởng và tất cả mọi người bà gặp trên đường đi từ trại Con tới biệt dinh cụ Án.

Lời diễn tả từ cửa miệng một người đàn bà hiền từ trung hậu, giỏi chịu đựng những sóng gió cuộc đời, nhiễm đầy đau khổ lẫn cả sự tức giận vô cùng... và nhất là đầy vẻ kinh hãi cùng cực khiến mọi người nghe phải bàng hoàng sửng sốt.

Mặc dầu tính chất ghê rợn của sự việc, bà cầm, giống như hầu hết mọi người dân tại vùng Phú Hộ núi cao sông rộng bờ bãi phì nhiêu này thụ hưởng tính tình phóng khoáng, một tập quán trung hậu, nghĩa là vẫn cố giữ không gây xúc động thái quá cho người nghe chuyện mình. Trước khi nói đến việc chính, bà vừa thở vừa kể lể:

- Các ông, các bà ạ! "Nó" hại tôi! "Nó" giết chết thằng cháu nội của tôi còn cho là chưa đủ hay sao? Bà cháu tôi sống yên vui bên nhau, nên nghèo mà vẫn thấy sung sướng. Còn bây giờ, trời ơi, tôi một thân trơ trọi, biết lấy ai sớm hôm... Rồi bây giờ, "nó" lại còn... cướp xác thằng bé đem đi đâu mất nữa, trời ơi! tàn bạo, dã man biết chừng nào. Trời đất ơi!

Qua tiếng khóc than thê thảm của bà Cầm, Trọng Viễn, với thính giác bén nhậy của một nhà thám tử, chỉ nghe rõ điểm quan trọng nhất: "Nó lại còn cướp mất xác thằng bé đem đi đâu nữa".

Chàng trai quay nhìn bà Án:

- Thi thể thằng Ngây?

Nữ chủ nhân khẽ lắc đầu, nhếch môi, phác một nụ cười cay đắng. Bà vẫn giữ được đủ điềm tĩnh để trả lời cho Trọng Viễn biết sự việc mới xẩy ra:

- Khi ba mẹ con chúng tôi qua giúp chị Cầm khâm liệm thằng nhỏ thì đã... không thấy xác nó đâu nữa. chị Cầm chỉ vừa mới bỏ đi chừng nửa tiếng đồng hồ để tới đây hái ít bông hoa về cúng thôi.

Trọng Viễn bàng hoàng tưởng mình nghe lầm. Trên mặt chàng, không một thớ thịt nào rung động, nhưng ánh mắt đã quắc lên. Làn da trên đôi má ửng hồng: Trọng Viễn có cảm giác kẻ gian đã coi thường chàng quá.

Tia mắt sáng quét một vòng trong đám đông. Một vài cậu trai làng nhởn nhơ cười cợt khi trông thấy “chàng con trai tỉnh thành” có sắc giận dữ. Thái độ vô trách nhiệm của mấy chú, mấy cô “còn sống nhờ cơm cha áo mẹ” ấy khiến Trọng Viễn không khác ngọn lửa bị đổ thêm dầu.

Biến cố thê thảm xảy ra gây đổ vỡ chết chóc cho bà Cầm, cho gia đình bà Án Bùi, không thể chấp nhận thái độ hiếu kỳ một cách vị kỷ như thế kia được. Trọng Viễn ghé tai ông xã trưởng Văn Điền nói nhỏ. Vị hương chức cao cấp nhất trong làng, đỏ mặt hét thật lớn:

- Tất cả hãy lui ra, lui hết! Lẹ lên!

Đám đông giật mình dãn ra chừa một lối đi chỉ vừa lách đủ một người. Linh mục Bạch Tâm lẹ chân tiến bước. Trọng Viễn đã chặn lại nói ngay:

- Kính thưa cha xứ, xin người hãy nán lại chút đã!

Vị linh mục khẽ gật đầu nhường lối cho bà Cầm. Mọi người lục tục bước theo. Các kẻ hiếu kỳ ở lại tụ họp giữa sân bàn tán xôn xao. Họ đặt rất nhiều giả thuyết về việc “xác chết biến mất”. Trọng Viễn yêu cầu cho biết rõ chi tiết, tuần tự từng điểm một: bác sĩ Lý khám hôm qua cùng các vị thẫm phán từ Biện Lý Cuộc Phú Thọ đã lên tận nơi khám nghiệm xác thằng Ngây, công nhận thằng nhỏ bị trúng ba phát đạn súng lục, hai phát vào bụng, một phát trúng giữa tim.

Sau khi phái đoàn Điều Tra Tư Pháp ra về, thi thể nạn nhân đã được đặt lại ngay ngắn trên giường, khuôn mặt trắng nhợt của thằng Ngây được phủ một tấm vải trắng mỏng. Mọi người quyết định tới sáu giờ chiều, sẽ khâm liệm đắp điếm cho nó.

Trong vườn không còn bông hoa nào, bà Cầm thương cháu đi vội lên "trên cụ Án" xin ít bông ở ngoài vườn đem về cúng vong linh nó.

Khi đi, vì bối rối trong lòng, bà đã quên không khóa cửa nhà, bỏ ngỏ cửa ngoài vòng rào và… thi thể thằng Ngây đã biến mất.

Chàng thanh tra cảnh sát đăm chiêu suy nghĩ:

- “Hừ! Mình bị coi thường quá! Bị “nó” coi thường suốt từ lúc bắt đầu cho tới bây giờ! Ai ngờ sự việc lại có thể như thế này được!... Hừ! Tên Sinh này thế thì ghê gớm thật! Nếu vậy, chắc chắn hắn đã được một tên nào đó phụ giúp một tay rồi. Lẩn lút trong đám rừng mà chỉ có mỗi một mình là chuyện không thể thực hiện được. Ngủ đã vậy. Còn ăn thì sao? Thêm nữa, nếu chỉ có một mình, làm sao hắn na được xác thằng nhỏ Ngây đi? Và, không hiểu lấy trộm xác thằng bé để làm gì chứ?”.

Trong khi vị Linh mục dịu dàng an ủi những kẻ gặp điều bất hạnh. Trọng Viễn lim dim đôi mắt, soải lưng, ngả đầu trên lưng ghế bành, nghĩ ngợi.

Chàng hồi tưởng những vụ phạm đại tội đại hình, đích thân mình đã thụ lý, trong đó có hai vụ người chết “bỏ đi” và hai thủ phạm, một cô gái hạ sát tình nhân, một bà mẹ vì quá thương con, không muốn thi thể con bị giải phẫu, đã đem chôn giấu chôn giếm xác chết. Cả hai người, khi bị phát giác và bị giam giữ đã hóa điên.

Tiếng “điên” âm vang trong trí óc, nhắc Trọng Viễn nhớ lại giả thuyết đặt ra lúc đầu. Và giả thuyết “điên” càng khiến chàng say mê thích thú trong việc phanh phui sự thật.

Có thể, thằng Ngây đột nhiên nổi cơn điên loạn đã chồm vào cắn xé cậu Sinh. Và chàng này không còn cách nào khác là nổ súng bắn chết nó. Sự kiện ấy giải thích rõ số lượng phát đạn bắn ra trong cơn khủng hoảng tinh thần. À, thế nhưng, tại sao Sinh lại không đi trình báo ngay cho nhà chức trách địa phương biết? Chàng hoang mang mất sáng suốt tới mức có hành vi như một thủ phạm chính trong khi sự thật lại không phải thế. Hơn nữa, dư luận cũng không thể chê trách một người trong trường hợp tự vệ chính đáng, một thân một mình trong rừng rậm.

Dĩ nhiên không phải những câu vè từ lá bài của mụ Phé đã khiến chàng thanh tra cảnh sát kết luận rằng chính cậu Sinh, con cụ Án đã hạ thủ giết chết thằng Ngây. Mà chính là sự việc cậu công tử con quan thường mang súng lục theo trong mình… cô gái xinh đẹp tên Tường Vân, em ruột cậu, cũng đã xác nhận như thế. Mà sau khi bắt gặp chiếc bao da đựng súng, Trọng Viễn phải công nhận khẩu súng của cậu Sinh cũng cùng một cỡ nòng với khẩu súng lục đã bắn chết thằng Ngây.

Chàng trai gật gật đầu, khẽ chép miệng:

- Vụ này phức tạp quá sức và ghê rợn cũng quá sức! Cứ cởi bỏ được nút này thì nút kia lại cột vào, âm thanh trong bóng tối…! Bực quá! “Người chết đi mất”! Hừ!

Trọng Viễn thả bước từ từ đi về phía biệt thự cụ Án dùng cơm tối. Một lần nữa, chàng trai trẻ lại thầm kính phục cô tiểu chủ Tường Vân. Trong tòa biệt dinh đầy biến cố nghẹt thở này, phần đông mọi người đều hớt hơ hớt hải, chỉ riêng Tường Vân vẫn giữ được tinh thần bình tĩnh, thái độ và cử chỉ vẫn đĩnh đạc dẽ dàng.

Tường Lan cứ đóng cửa nằm im trong phòng riêng. Niềm đau khổ của cô chị cả không còn bút nào tả xiết. Cô giáo Bạch Xuyến, chỉ trừ ba bữa ăn còn thấy mặt, còn thì không khác gì một bóng ma lặng lẽ. Cứ buông đũa, buông bát là lại thơ thẩn rồi mất hút trong vườn hoa. Nữ chủ nhân biệt thự thì chỉ còn là cái bóng của chính mình mà thôi. Mọi việc tề gia, đều do một tay Tường Vân quán xuyến. Giọng nói êm như nhung khi ra lệnh cho gia nhân khiến người nghe vẫn cảm thấy phấn khởi trong lòng. Rồi lại những nụ cười thiên thần khi nhìn mẹ hoặc để cảm ơn Trọng Viễn đã khiến chàng trai trẻ nhiều khi cuống quít, chân tay thừa thải chẳng biết để vào đâu.

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XIII
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>